TPHCM nỗ lực tìm lại hình ảnh 'đầu tàu'

Quý I/2024, GRDP (chỉ tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn) của TPHCM ước tăng 6,54%, đạt mục tiêu đề ra và là tốc độ cao nhất kể từ năm 2020. Đây là một kết quả khá bất ngờ nhưng xứng đáng với nỗ lực to lớn mà thành phố đã thể hiện suốt thời gian qua...

Vượt qua những thách thức nghiệt ngã

Kinh tế TPHCM bước vào năm 2024 với hành trang là những bộn bề khó khăn, thách thức tích tụ từ thời gian đại dịch cùng với những bất ổn liên tiếp của kinh tế - chính trị thế giới ảnh hưởng nghiêm trọng tới tình hình vĩ mô toàn cầu kéo dài suốt hơn 2 năm qua.

Đã có những lúc tưởng như vai trò "đầu tàu kinh tế" của thành phố này bị lung lay, nhưng rồi bằng thực lực và quyết tâm to lớn, cùng với nhiều giải pháp năng động, quyết đoán, kinh tế thành phố đã tạo được sự bứt phá khá ngoạn mục.

Cách đây không lâu, hình ảnh những tuyến phố thương mại với mặt bằng kinh doanh đắc địa phải bỏ hoang vì không có người thuê còn ám ảnh giới kinh doanh.

Thế nhưng đến cuối quý I, đầu quý II - sau khoảng nửa năm, nhiều biến chuyển lớn và cơ bản đã diễn ra. Số liệu thống kê cho thấy thương mại - dịch vụ vẫn là một trong những "trụ cột" của nền kinh tế thành phố chiếm tỷ trọng 65,6% trong GRDP và đã đóng góp đến 4,68 điểm phần trăm, tương đương 71,6% vào tăng trưởng quý I.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 12,2%. Trong đó, bán lẻ tăng gần 8%, còn các lĩnh vực như lưu trú, ăn uống, buôn bán bất động sản đều tăng 2 con số.

Lĩnh vực công nghiệp chiếm 18% nền kinh tế, mới đây cũng từng phát đi không ít "tín hiệu báo động" do thiếu hụt đơn hàng, đời sống và việc làm của hàng chục ngàn người lao động bị đe dọa, cũng đã có tín hiệu phục hồi, với mức tăng 5,1% đối với chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP), cao nhất trong 4 năm gần đây. Đó là điều kiện để xuất khẩu tăng 7,5%, ước đạt 10,1 tỷ USD.

Một điểm sáng nữa là trong bối cảnh thị trường bất động sản của cả nước vẫn tiếp tục trầm lắng, thì những dấu hiệu tích cực đã xuất hiện ở TPHCM. Mặc dù giá bất động sản vẫn ở mức thấp, lượng hàng tồn kho còn khá nhiều, nhưng số lượng giao dịch đã tăng đáng kể.

Đó có thể coi là tín hiệu tích cực cho khả năng thị trường sẽ "tan băng" trong thời gian tới.

Đầu tư công đã tạo nên nhiều hiệu ứng tích cực trong 2 năm qua dưới sự "thúc giục" của lãnh đạo thành phố. Nếu như giai đoạn 2011 - 2022, bình quân mỗi năm thành phố chỉ giải ngân 20.000 tỷ đồng vốn đầu tư công thì năm 2023 đạt gần 48.000 tỷ đồng.

Chỉ trong quý I, 9.000 tỷ đồng vốn đầu tư công đã được bơm ra - bao gồm vốn kế hoạch cuối năm cũ và vốn mới. Khối lượng vốn lớn này hỗ trợ tăng trưởng và giải quyết điểm nghẽn hạ tầng.

Vượt qua giai đoạn "trầm lắng", hiện TPHCM như một "đại công trường" với rất nhiều dự án đang hối hả thi công, trong đó nổi bật là các dự án phát triển hạ tầng, như Vành đai 3, nút giao An Phú, nút giao cửa ngõ phía Nam thành phố... Nhiều dự án quan trọng khác cũng đang chuẩn bị khởi công, thổi vào luồng sinh khí mới sôi động và mát lành...

Có thể nói, chỉ trong khoảng nửa năm, kinh tế TPHCM đã có những chuyển biến mang tính đột phá, qua đó thành phố dần lấy lại "phong độ", tiếp nối đà tăng trưởng nhanh và mạnh như đã từng có trong những năm trước đây.

Để sự tăng trưởng được bền vững

Theo chuyên gia kinh tế, PGS,TS Trần Hoàng Ngân, có 3 yếu tố giúp cho kinh tế TPHCM tăng trưởng tích cực trong những tháng đầu năm 2024.

Đầu tiên là thể chế. Nghị quyết 98 về cơ chế đặc thù đã giúp địa phương tháo gỡ một số khó khăn và nhận chia sẻ nhiều hơn của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ.

Thời gian qua, TPHCM đã ban hành tổng cộng 30 chính sách, chương trình hành động để triển khai nghị quyết này.

Cùng với sự phát triển của hệ thống doanh nghiệp, nguồn nhân lực chất lượng cao đang tăng trưởng khi ngày càng quy tụ được nhiều chuyên gia, nhà khoa học, kiều bào tụ hội về cùng chung tay xây dựng thành phố. Nhiều doanh nghiệp đổi mới sáng tạo cũng chọn TPHCM là điểm đến và bộ máy nhân sự của cơ quan công quyền cũng có nỗ lực đáng kể, giúp giải quyết thủ tục hồ sơ nhanh gọn hơn.

Tuy nhiên, bên cạnh những biểu hiện thuận lợi, tích cực, vẫn còn không ít khó khăn, thách thức. Về thị trường, mặc dù sức mua tăng trưởng trở lại, nhưng người tiêu dùng vẫn chịu áp lực về giá khi nhiều doanh nghiệp đang cố gắng "thắt lưng buộc bụng" để cân đối chi phí, việc điều chỉnh giá trong quý II là khó tránh khỏi, kéo theo hệ quả là doanh số bán lẻ có thể sẽ chậm lại.

Theo Cục Thống kê TPHCM, xu hướng tiết kiệm, cắt giảm chi tiêu của người tiêu dùng vẫn là thách thức lớn cho các đơn vị kinh doanh.

Đối với lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, trong bức tranh tổng thể đang dần sáng lên, cũng còn tồn tại những mảng màu tối: Các đơn hàng không đến với tất cả nhà sản xuất; chỉ số sản xuất công nghiệp của các ngành điện tử, dệt may, giày dép vẫn giảm.

Khảo sát xu hướng kinh doanh ngành chế biến, chế tạo của Cục Thống kê cho biết, vẫn còn 36,6% doanh nghiệp chật vật; dự báo tình hình quý II, 35% cho là tốt hơn, 40% ổn định và 24% khó khăn hơn.

Môi trường kinh doanh trên địa bàn cũng chưa thực sự cải thiện khi trong quý I, cứ một doanh nghiệp mới tham gia thị trường lại có một doanh nghiệp rút lui; dư nợ tín dụng chỉ tăng 8%; thu hút đầu tư nước ngoài giảm 7,6% về quy mô.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận định: "Tất cả cho thấy sức khỏe chung chưa phục hồi mạnh mẽ, do đó nhiệm vụ quý II rất nặng". Theo ông Mãi, năm 2024, TPHCM đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP 7,5 - 8%. Như vậy, các quý còn lại vẫn phải duy trì được tốc độ tăng trưởng như quý I thì mới có khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng năm. Đó là một nhiệm vụ rất khó khăn, nhiều thách thức.

Phương hướng phát triển kinh tế của thành phố trong thời gian tới xác định thương mại dịch vụ vẫn là chỗ dựa hàng đầu, trong bối cảnh tình hình địa chính trị vùng Trung Đông, Nga - Ukraine tiếp tục diễn biến phức tạp và một số động lực tăng trưởng toàn cầu chậm cải thiện.

Ông Phan Văn Mãi đặc biệt quan tâm đến giải pháp phát triển kinh tế sự kiện của TPHCM. Từ đầu năm đến nay, địa phương này tổ chức hàng loạt sự kiện dịp Tết Dương lịch, Nguyên đán, Lễ hội Áo dài, Hội báo toàn quốc, Liên hoan phim Quốc tế...

Tại khu vực trung tâm Quận 1 thường xuyên có các hoạt động sự kiện diễn ra. Các hoạt động nói trên góp phần giúp ngành du lịch đạt doanh thu dịch vụ lữ hành tăng đến gần 60% và tổng doanh thu du lịch tăng 23,8% trong quý I và dự báo còn khả quan hơn trong quý II.

Cùng với đó, cần tiếp tục đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công như dòng vốn "mồi" vừa kích thích chuỗi cung ứng ngành xây dựng, vừa gia tăng thu nhập cho người dân, doanh nghiệp thông qua cơ hội việc làm, đồng thời cải thiện điểm nghẽn hạ tầng, thúc đẩy logistics phát triển, khơi thông mạch máu luân chuyển con người, hàng hóa.

Theo tính toán, mỗi tháng thành phố cần giải ngân được 8.000 tỷ đồng - nhiệm vụ rất nặng nề, đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ tất cả các bên liên quan để đạt được.

Điểm đến đầy hứa hẹn

Với một nền kinh tế đa dạng và năng động, TPHCM trở thành điểm thu hút người dân khắp nơi trên cả nước về sinh sống, làm việc. Theo Báo cáo "Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI): Đo lường từ kinh nghiệm thực tiễn của người dân, năm 2023" công bố hồi đầu tháng 4, TPHCM là địa phương đứng đầu danh sách "điểm đến" mà người dân cả nước muốn di cư đến.

Có lẽ hồi đại dịch Covid-19, khi dòng người hối hả rời thành phố để "hồi hương", khó có thể hình dung được thành phố này đã tìm lại được sức thu hút mạnh mẽ và nhanh chóng đến như vậy. Tuy nhiên, để thực sự trở thành "nơi đáng sống" thì thành phố còn phải giải quyết rất nhiều vấn đề quan trọng.

Ví dụ, TPHCM có quỹ việc làm rất đa dạng và cởi mở, nhưng lại chưa có quỹ nhà ở xã hội được đầu tư và hỗ trợ từ chính sách để tương thích với cơ cấu của lực lượng lao động.

TPHCM có nhiều đại lộ hiện đại nhưng vẫn còn nhiều con đường ngay trong thành phố bị những "nút thắt cổ chai", nhiều con đường chật hẹp và xuống cấp đến mức vô lý. TPHCM vẫn chưa có lời giải thỏa đáng cho tình trạng kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm môi trường không khí, môi trường nước.

TPHCM có nhiều tiến bộ đáng ghi nhận trong triển khai mô hình chính quyền điện tử, chính quyền số so với nhiều nơi nhưng vẫn chưa tương xứng với kỳ vọng của người dân, doanh nghiệp. Công tác quy hoạch đô thị vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiều nơi vẫn còn bộn bề, nhếch nhác...

Câu hỏi được đặt ra, liệu các nhà hoạch định chính sách và quản lý TPHCM đã đủ mạnh dạn để đặt mình vào quỹ đạo đó hay chưa, khi cơ hội lớn đang được đặt trong tầm tay của họ với Nghị quyết 98 cho phép thành phố được kiến tạo cho mình một quỹ đạo mới để đột phá và bứt tốc trên đường đua phát triển?

Khánh Nguyễn

Báo Lao động Xã hội

Kỷ niệm 49 năm Ngày 30/4 và Ngày Quốc tế Lao động 1/5

LĐXH

Nguồn Dân Sinh: https://dansinh.dantri.com.vn/dien-dan-dan-sinh/tphcm-no-luc-tim-lai-hinh-anh-dau-tau-20240429112826303.htm