TPHCM loay hoay truy xuất nguồn nhập thịt heo về chợ đầu mối

Triển khai chỉ đạo của UBND TPHCM về thực hiện Đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo, đêm 15, rạng sáng 16.10, các sở, ngành thành phố đã ra quân kiểm tra, giám sát, kiên quyết không cho loại thịt heo không đeo vòng nhận diện và thiếu thông tin truy xuất nguồn gốc được nhập vào 2 chợ đầu mối lớn nhất TPHCM là Hóc Môn và Bình Điền. Đây là đợt cao điểm thứ ba (sau các đợt 1.3 và 31.7), TPHCM quyết tâm siết chặt quản lý thịt heo tại chợ đầu mối nhưng kết quả vẫn chưa được như kỳ vọng.

Cán bộ Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM kiểm tra thịt heo tại chợ Hóc Môn rạng sáng 16.10. Ảnh: M.Q

Thương lái gây áp lực với chợ đầu mối

Đêm 15 và rạng sáng 16.10, PV Báo Lao Động đã theo chân đoàn kiểm tra của Sở Công Thương TPHCM trực tiếp kiểm tra heo tại 2 chợ đầu mối Bình Điền và Hóc Môn. Theo ghi nhận, tại chợ đầu mối Bình Điền, tính đến 0h30 ngày 16.10, có 22 xe chở heo về chợ thì chỉ có 4 xe có heo đeo vòng nhận diện, có đầy đủ thông tin truy xuất nguồn gốc. Các xe còn lại không đảm bảo đầy đủ thông tin.

Còn tại chợ Hóc Môn, tính đến 2h sáng 16.10, có 100 xe chở thịt heo về chợ nhưng chỉ có 10% số heo đeo vòng và có thông tin truy xuất. Trước thực trạng trên, các lực lượng chức năng đã thực hiện ưu tiên cho hàng hóa có đầy đủ thông tin truy xuất nguồn gốc theo quy định của Đề án được nhập chợ trước, còn hàng hóa không đầy đủ thông tin phải “chờ” lập biên bản và giải quyết sau.

Thương nhân, thương lái đã gây áp lực và phản ứng với lực lượng chức năng tại chợ Bình Điền. Ảnh: MINH QUÂN

Tuy nhiên, hàng trăm thương nhân, thương lái đã gây áp lực và phản ứng với lực lượng chức năng. Họ đưa ra lý do mặt hàng thịt heo không thể chờ thời gian quá lâu, mỗi phút trôi qua là giá cả lại diễn biến khác nhau và có xu hướng rớt giá. Ngoài ra, các tiểu thương còn cho rằng, sau vụ phát hiện gần 4.000 con heo tại lò mổ Xuyên Á bị tiêm thuốc an thần, giá heo hơi rớt xuống thấp, nếu thành phố “ngăn sông cấm chợ” chẳng khác gì đang giết chết ngành chăn nuôi heo. Sau đó, lực lượng chức năng đành quyết định cho thịt heo không có đầy đủ thông tin truy xuất nguồn gốc được nhập chợ.

Nói về lý do thương nhân, thương lái vẫn không chấp hành Đề án truy xuất nguồn gốc, đại diện chợ Bình Điền cho rằng, do một số thương nhân, thương lái chưa tiếp cận, ứng dụng công nghệ thông tin và sử dụng thông thạo thiết bị; ngại đầu tư thêm thiết bị tốn kém chi phí.... Đặc biệt, theo phản ánh của một số thương lái, khi thu mua heo và vận chuyển về cơ sở giết mổ thì lực lượng thú y tỉnh không kích hoạt vòng nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo.

Còn theo ông Lê Văn Tiển - Phó Giám đốc Công ty Quản lý chợ Hóc Môn - 100% số heo nhập chợ có đeo vòng truy xuất nguồn gốc có thông tin đến trang trại nhưng chỉ có số ít có đủ thông tin đến cơ sở giết mổ. Do cơ sở Xuyên Á bị ngừng hoạt động, lượng heo nhập chợ trước đây chỉ khoảng 100-200 con từ các tỉnh nay tăng lên đến 3.100 con (trong tổng số 5.000 con heo kinh doanh tại chợ mỗi ngày) nên công tác phối hợp thực hiện đề án còn khó khăn.

Việc truy xuất nguồn gốc thịt heo bằng điện thoại thông minh tiếp tục bị nghẽn từ lò mổ trở đi. Ảnh: MINH QUÂN

Heo không cần đeo vòng vẫn truy xuất được nguồn gốc?

Trước khi bị tạm ngừng hoạt động, lò mổ Xuyên Á (huyện Củ Chi) có công suất giết mổ 5.000-6.000 con heo/đêm, là lò mổ lớn nhất tại TPHCM cũng như khu vực xung quanh. Đây là nơi tập trung giết mổ heo của rất nhiều thương lái tại TPHCM cũng như các tỉnh lân cận. Sau khi giết mổ heo tại đây, các thương lái chỉ mất khoảng 25 phút là đưa heo mảnh ra sạp tại các chợ đầu mối.

Chính vì thế, khi lò mổ này bị tạm ngừng hoạt động sau khi bị phát hiện gần 4.000 con heo bị tiêm thuốc an thần hồi cuối tháng 9 vừa qua, các thương lái phải chở heo tản ra khắp các lò mổ khác tại TPHCM (khoảng 1.500 con) cũng như Long An, Đồng Nai, Bình Dương (khoảng 3.500 con)… rồi chở ngược lại thành phố.

Có thể thấy, việc lò mổ Xuyên Á tạm dừng hoạt động đã ảnh hưởng rất lớn đến Đề án truy xuất nguồn gốc thịt heo của TPHCM. Bởi theo một cán bộ Chi cục Thú y TPHCM, khoảng 90% số heo giết mổ tại các tỉnh mặc dù có đeo vòng nhận diện nhưng không có thông tin truy xuất.

Điều này lý giải tại sao chợ đầu mối Hóc Môn, lượng heo đeo vòng nhận diện có thông tin truy xuất nguồn gốc giảm hẳn kể từ khi lò mổ Xuyên Á dừng hoạt động, bởi hiện 60% số heo nhập về chợ được giết mổ chủ yếu ở các tỉnh.

Mặc dù thịt heo không đeo vòng nhận diện và thiếu thông tin truy xuất nguồn gốc vẫn được nhập vào 2 chợ đầu mối Hóc Môn và Bình Điền, nhưng Ban quản lý hai chợ này khẳng định là có thể truy xuất nguồn gốc theo cách khác, chứ không thể truy xuất nguồn gốc theo quy định của Đề án nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo do thành phố đang triển khai.

Cụ thể, heo nhập các chợ được truy xuất và bảo chứng bởi Giấy chứng nhận của cơ quan Thú y, Giấy niêm phong đi đường... “Giấy chứng nhận này cơ bản truy xuất được nguồn gốc. Còn bản thân bà con thương nhân chưa quen với Đề án nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo đang được triển khai tại địa bàn thành phố, nên cần triển khai theo lộ trình phù hợp với tình hình thực tế và diễn biến thị trường” - đại diện chợ Bình Điền nói.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa - Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM - cho biết, Tổ công tác Đề án tiếp tục theo dõi, bám sát diễn biến tình hình thực tế trong những ngày tiếp theo và sẽ có báo cáo về UBND thành phố để có chỉ đạo kịp thời.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, Đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo thành công ở kênh phân phối hiện đại, nhưng lại tắc nghẽn ở kênh phân phối, bán lẻ truyền thống là do thương nhân, thương lái chưa tham gia tích cực. Vì vậy, cần có những giải pháp chế tài mạnh về mặt kinh tế để thương nhân, thương lái nâng cao nhận thức của khâu này để xây dựng chuỗi cung ứng thịt heo đảm bảo an toàn thực phẩm và sức khỏe người tiêu dùng.

MINH QUÂN

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/phong-su/tphcm-loay-hoay-truy-xuat-nguon-nhap-thit-heo-ve-cho-dau-moi-570429.ldo