TPHCM: Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè lại ô nhiễm nặng vì rác

Sau khi hoàn thành cải tạo hơn 10 năm trước, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè được xem là dòng kênh đẹp nhất nội đô TPHCM. Thế nhưng, một bộ phận người dân vẫn chưa nâng cao ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường. Cụ thể, từ tháng 02/2024, do Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM chưa được tái ký hợp đồng nên cả trăm tấn rác thải dồn ứ trên con kênh này (đoạn qua quận Tân Bình) đã bốc mùi hôi thối, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.

Ô NHIỄM NẶNG NỀ

Những ngày qua, đoạn kênh Nhiêu Lộc từ cầu số 2 đến cầu số 1 chảy qua Phường 4, Quận Tân Bình ngập rác và lục bình. Trên dòng kênh, thùng xốp, túi nylon, tấm nệm mút, ly nhựa, xác động vật… dồn đống, nổi lềnh bềnh kín bề mặt kênh. Do nằm dưới nước lâu ngày, số rác thải này đã phân hủy và bốc mùi hôi thối, không chỉ gây ô nhiễm môi trường, làm xấu mỹ quan đô thị mà cuộc sống của những hộ dân tại đây cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Chị L.T.T (bán nước giải khát gần khu vực) cho biết, lúc trước rác thường được nhân viên đội thu gom điều khiển ghe xử lý hàng ngày, nhưng gần một tháng trở lại đây không thấy thu gom. Rác dồn về cuối dòng kênh, ứ đọng ngày càng nhiều. Mặt nước đen ngòm, nổi váng dầu dày đặc. Đang cao điểm mùa nắng, mùi hôi thối bốc lên từ kênh vào mỗi buổi trưa rất khó chịu.

Còn chủ quán ăn trên đường Hoàng Sa (Q.Tân Bình) chia sẻ: “Mùa này trời nắng nóng, lại có gió to nên bao nhiêu mùi xú uế từ con kênh bốc lên khiến chúng tôi lãnh đủ. Quán thì ế ẩm do khách không thể vừa mất tiền cho bữa ăn vừa bị mùi hôi thối của rác “tấn công”. Có người đến vừa ngồi xuống ghế, lập tức họ đứng lên cáo từ với những lý do… tế nhị”. Thậm chí, nhiều người chạy xe máy ngang qua đoạn kênh này đều phải bịt mũi vì mùi hôi nồng nặc.

Rác thải phủ kín mặt kênh Nhiêu Lộc

Theo quan sát của chúng tôi, rác thải nhiều nhất là đoạn cuối kênh chỗ quận Tân Bình. Rác dồn lại gây nên tình trạng hôi thối, muỗi cũng xuất hiện gây khó chịu cho người dân sống xung quanh và người đi đường. Nước kênh tại đây đen ngòm và bốc mùi hôi thối, có cả xác cá chết. Tuy khu vực bờ kênh có nhiều tán cây mát mẻ để trú nắng, nhưng không một ai dám đến đây thư giãn vì không chịu nổi mùi hôi thối nồng nặc.

Người dân sống quanh khu vực cho biết, khoảng một tháng nay không thấy đơn vị môi trường đi thu gom nên rác dồn về ngày càng nhiều và bốc mùi hôi, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân và gây mất mỹ quan đô thị. Trước đây ít xảy ra tình trạng ùn ứ rác thải do mỗi ngày có công nhân vớt rác và mang đi xử lý. Theo nhận định, có thể những người thiếu ý thức đem rác bỏ dưới kênh vào ban đêm, rồi rác theo thủy triều dồn về đây.

Lý giải tình trạng này, đại diện đội vớt rác kênh Nhiêu Lộc (Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TPHCM) cho biết, do đơn vị phụ trách chưa ký biên bản đấu thầu hợp đồng mới với Trung tâm Quản lý đường thủy TPHCM, nên từ giữa tháng 02/2024 đến nay, rác không được xử lý. Theo đại diện đội này, hợp đồng cũ đã hết hạn từ ngày 31/12/2023, sau đó đội vẫn làm thêm một thời gian trước khi buộc phải ngừng do không có kinh phí. Thông thường, đội phải vớt hơn 10 tấn rác mỗi ngày để ngăn ô nhiễm dòng kênh. Lượng rác tồn đọng ở kênh đến nay đã hơn 100 tấn.

CHỈ ĐẠO KHẨN

Từ năm 2019, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè được UBND TPHCM giao Trung tâm Quản lý đường thủy (thuộc Sở Giao thông vận tải TPHCM) phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện việc đấu thầu, lên phương án hoạt động của đơn vị thu gom rác. Thế nhưng từ đầu tháng 02/2024, toàn tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè không được thu gom rác. Việc này khiến đủ các loại rác và lục bình dồn về phía thượng lưu kênh (đoạn cầu số 1, cuối đường Hoàng Sa, Trường Sa) gây ô nhiễm và mất mỹ quan đô thị.

Đại diện Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM cho biết, cuối năm 2023, khi hợp đồng cũ hết hạn, công ty có đề nghị Trung tâm Quản lý đường thủy trình Sở Giao thông Vận tải nếu chưa kịp đấu thầu thì có thể thực hiện hình thức đặt hàng. Tuy nhiên, thời gian làm hồ sơ kéo dài nên mặc dù công ty có hỗ trợ làm tiếp đến qua Tết, nhưng phải tạm dừng vì vấn đề kinh phí.

Liên quan vấn đề này, Giám đốc Trung tâm Quản lý đường thủy TPHCM cho hay, trước nay việc thu gom rác trên kênh vẫn vận hành bình thường. Đến tháng 9/2023, TPHCM có ban hành bộ định mức giá mới về việc vớt rác trên sông. Sau đó, trung tâm bắt đầu áp dụng, đồng nghĩa với việc xây dựng lại các phương án và đấu thầu để trình Sở Tài nguyên và Môi trường, phối hợp cùng Sở Tài chính và Sở Giao thông Vận tải trình UBND TP duyệt thì mới triển khai tiếp.

Do cần thời gian làm hồ sơ nên từ đầu năm 2024 đến nay vẫn đang chờ triển khai, đấu thầu. Trong thời gian chờ đợi, trung tâm vẫn phối hợp với Công ty Môi trường đô thị (đơn vị thầu trực tiếp thu gom rác trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè) duy trì người và máy móc gom rác trên kênh, đảm bảo thu gom rác. Sau khi khảo sát, hai bên cũng thống nhất tạm thời dùng những dây thép để ngăn chặn, không cho rác đổ từ thượng nguồn về hạ lưu. Nhưng bên trong hợp lưu phía thượng nguồn cầu số 1 kết nối vào những cống, mương hở thì rác thải sinh hoạt rất nhiều.

Nỗ lực dọn dẹp rác thải.

Trước sự việc con kênh đẹp nhất thành phố bị tái ô nhiễm, lãnh đạo UBND TPHCM đã có chỉ đạo khẩn, yêu cầu các đơn vị liên quan, phối hợp cùng đơn vị thu gom rác tiếp tục duy trì người, máy móc dọn rác trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, đặc biệt là số lượng rác tồn đọng từ 31/12 đến nay. Lãnh đạo thành phố cũng đề nghị các đơn vị liên quan đẩy nhanh thủ tục duyệt đơn giá, đấu thầu, để công tác thu gom xử lý rác thải ô nhiễm trên toàn bộ tuyến kênh đi vào hoạt động trở lại.

Ngay sau đó, đơn vị phụ trách vớt rác trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (thuộc Công ty Môi trường đô thị) đã điều 3 canô cùng các nhân viên đi thu gom rác từ sáng sớm 10/3 và các giờ nước lên (do sợ nước rút gây khó khăn cho việc đi lại), chủ lực là ở đoạn kênh cuối đường Hoàng Sa và Trường Sa. Hai chiếc canô chạy vớt rác toàn tuyến kênh, còn 1 chiếc sẽ vớt rác ở khu vực cầu số 1. Khu vực này cũng là nơi có hàng trăm tấn rác, nhưng mỗi lần chiếc ca nô của đơn vị chỉ chở được khoảng hơn 1 tấn.

DÙNG CAMERA XỬ PHẠT NGƯỜI XẢ RÁC

Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè dài gần 10km, chảy qua các Quận 1, 3, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình, đổ ra sông Sài Gòn. Hơn 30 năm trước, con kênh ô nhiễm nặng, trở thành nơi chứa mọi thứ rác thải sinh hoạt, đen ngòm và hôi thối. Những năm 1990, chính quyền TPHCM lên kế hoạch cải tạo nhưng khó khăn về vốn nên chưa thể thực hiện. Đến năm 2002, thành phố triển khai dự án cải tạo tổng vốn đầu tư hơn 8.600 tỷ đồng. Hơn 7.000 hộ dân với khoảng 50.000 người được di dời để thực hiện dự án trọng điểm.

Con kênh được nạo vét gần 1,1 triệu m3 đất, lắp đặt gần 16km bờ kè, thi công 9km tuyến cống bao, gia cố cầu, đặt máy bơm công suất lớn, làm đường hai bên... Đến năm 2011, công trình kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè khánh thành. Để chỉnh trang cảnh quan dọc tuyến, thành phố đầu tư hơn 550 tỷ đồng nâng cấp, mở rộng đường Hoàng Sa và Trường Sa từ đường Út Tịch (Q.Tân Bình) đến đường Nguyễn Hữu Cảnh (Quận 1) dài khoảng 15km. Đoạn kênh uốn lượn qua khu cầu Kiệu (Q.Phú Nhuận) với dòng nước trong xanh, nhiều loại cây xanh lớn được trồng hai bên, tán rộng tạo bóng mát.

Trong dự án cải tạo, có 16 cây cầu dọc tuyến kênh được sửa chữa, xây mới. Bóng mát của hàng cây xanh, không khí trong lành dọc 2 bờ kênh sau khi được cải tạo. Nhiều loài cây, hoa, tiểu cảnh… được trồng trên vỉa hè đường Hoàng Sa, Trường Sa. Mỗi ngày, công nhân môi trường đi thuyền vớt rác thải, lục bình, cá chết... dọc tuyến kênh. Từ tháng 02/2020, chính quyền thành phố chi hơn 36 tỷ đồng nạo vét bùn, rác gần 9km kênh để giảm ô nhiễm và cải thiện môi trường nước. Với độ sâu nạo vét từ 0,9 - 1,1m, khoảng 122.000m3 bùn được hút lên sau đó đem đến xử lý ở Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước.

Cùng với những nỗ lực của chính quyền TPHCM khi phải chi số tiền lớn để cải tạo kênh rạch, người dân cần có ý thức trong việc bảo vệ môi trường, không nên vứt rác bừa bãi. Theo thống kê của Đội vớt rác kênh Nhiêu Lộc, mỗi ngày phải vớt hơn 10 tấn rác để ngăn ô nhiễm dòng kênh, thậm chí ngày cao điểm lên tới 13 - 14 tấn. Vậy lượng rác này từ đâu ra, trong khi hằng ngày các tổ hợp vẫn thu gom rác tại nhà dân?

Một công nhân trong đội vớt rác kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè bức xúc: “Ý thức của không ít người dân rất kém, cứ tiện tay là vứt rác xuống kênh. Họ không nghĩ tới người khác phải vớt rác vất vả, nặng nhọc như thế nào. Ngày nào cũng vớt nhưng rác lúc nào cũng rất nhiều, có hôm anh em phải làm đến 21 - 22 giờ đêm mới xong. Rác thải xuống kênh đủ thứ loại, từ vỏ hộp cơm, bao nylon, thùng xốp cho đến rác cồng kềnh như bàn ghế, chăn chiếu…”.

Thiết nghĩ, TPHCM cần đầu tư hệ thống camera có thể truy xuất được và xử phạt nghiêm các hành vi xả rác bừa bãi. Thay vì phạt tiền, thì camera ghi lại hình ảnh những người xả rác ra kênh, bắt họ đi dọn dẹp cho đến chừng nào sạch. Thông thường, trên bờ kênh rạch có thùng rác. Vì thế, chính quyền gắn camera kiểm soát để phạt người vứt rác bừa bãi. Đồng thời, thưởng cho những đội xử lý bắt được ai vứt rác bừa bãi. Chỉ có vậy mới giảm bớt được tình trạng những người dân vô ý thức xả rác ra kênh rạch.

TPHCM CÒN 166 ĐIỂM TỒN ĐỌNG RÁC

Sở TN&MT TPHCM vừa có báo cáo về tình hình chất lượng vệ sinh môi trường đô thị tháng 02/2024 trên địa bàn TP. Theo đó, qua công tác kiểm tra, giám sát của Ban Quản lý các Khu liên hợp xử lý chất thải TP, tính đến 18/02, ghi nhận 166 điểm còn tồn đọng rác thải ô nhiễm trên địa bàn TP.Thủ Đức và các quận, huyện. Trong đó, có 115 điểm đã được dọn dẹp vệ sinh nhưng tái phát sinh rác thải, 10 điểm mới phát sinh và 41 điểm chưa dọn dẹp vệ sinh. Một số địa bàn vẫn còn nhiều điểm tồn đọng rác thải cần được giải quyết triệt để như TP.Thủ Đức 50 điểm; quận Bình Tân 28 điểm, huyện Hóc Môn 15 điểm, Quận 12 còn 13 điểm và quận Bình Thạnh còn 11 điểm.

Hồng Châu

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/doi-song/tphcm-kenh-nhieu-loc-thi-nghe-lai-o-nhiem-nang-vi-rac_160304.html