TP. Hồ Chí Minh: Tăng doanh nghiệp, lượng hàng tham gia bình ổn thị trường

Chương trình bình ổn thị trường năm 2022 - Tết Quý Mão 2023 tại TP. Hồ Chí Minh thu hút 69 doanh nghiệp với lượng hàng đăng ký tham gia tăng hơn năm ngoái.

Theo Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, trong bối cảnh giá cả nguyên vật liệu toàn cầu biến động phức tạp, để đảm bảo khả năng bình ổn thị trường, đặc biệt các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, Sở Công Thương đã vận động thêm các nguồn lực xã hội và tăng sản lượng sản phẩm hàng hóa tham gia chương trình.

Cụ thể, có tổng số 69 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tham gia chương trình năm nay (tăng 9 doanh nghiệp so với năm 2021) trong đó có nhiều đơn vị quy mô lớn, thương hiệu mạnh, chiếm lĩnh thị phần cao như: Cholimex (gia vị), TH True Milk (sữa), MM Mega Market, Cental Retail (phân phối)… Với doanh nghiệp phân phối có Saigon Co.op, Bách Hóa Xanh, Satra, MM Mega Market, Cental Retail, Aeon Citimart, GS25…

Doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường năm 2022 tại TP. Hồ Chí Minh tăng hơn so với năm 2021

Điểm mới của chương trình bình ổn năm nay, theo đại diện Sở Công Thương, có sự chia rõ 3 nhóm đối tượng tham gia thông qua 3 hình thức: cung ứng hàng hóa, phân phối hàng hóa và hỗ trợ tín dụng. “Việc phân chia để phân biệt rõ từng đối tượng; từ đó có chính sách hỗ trợ, yêu cầu nghĩa vụ cụ thể, sát thực tế. Đặc biệt, năm nay, trong bối cảnh thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh nên Sở sẽ tiếp tục đôn đốc doanh nghiệp bình ổn thị trường xây dựng phương án tạo nguồn hàng, thu mua, dự trữ… đúng tiến độ, kế hoạch của UBND thành phố; đảm bảo sản lượng cung ứng ra thị trường đầy đủ, giá bán ổn định để phục vụ người dân”- đại diện Sở Công Thương cho biết.

Theo đó, có 39 doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu (tăng 4 doanh nghiệp so với năm 2021). Lượng hàng đăng ký cũng tăng mạnh so năm 2021, cụ thể: gạo tăng 27%, đường tăng 56%, dầu ăn tăng 101%, thịt gia cầm tăng 2%, trứng gia cầm tăng 6%, thực phẩm chế biến tăng 31%, gia vị tăng gấp 5 lần, lương thực khô (mì, bún, phở… khô) tăng gấp 8 lần.

Theo kế hoạch, trong các tháng thường, lượng hàng bình ổn thị trường chiếm từ 25 - 33% nhu cầu thị trường; các tháng trong giai đoạn ứng phó khẩn cấp phòng chống dịch Covid-19, lượng hàng bình ổn thị trường chiếm từ 35 - 50% nhu cầu thị trường.

Trong nhóm các mặt hàng phục vụ mùa khai giảng có 11 doanh nghiệp tham gia, tăng 1 doanh nghiệp so năm 2021; lượng hàng cung ứng chiếm 35-50% nhu cầu thị trường. Trong đó, tập học sinh là 20,48 triệu quyển/mùa, đồng phục học sinh 428.000 bộ/mùa, cặp - ba lô - túi xách 1,66 triệu cái/mùa, giày - dép học sinh 64.000 đôi/mùa.

Nhóm các mặt hàng sữa có 7 doanh nghiệp tham gia, tăng 4 doanh nghiệp, trong đó có 3 doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng sữa chiếm thị phần cao tại Việt Nam (Vinamilk, TH Truemilk, Nutifood).

Nhóm hàng dược phẩm có 8 doanh nghiệp tham gia chương trình với 19 nhóm thuốc, chủ yếu các loại dược phẩm dùng để điều trị các bệnh thường gặp ở nhiều người, các bệnh mãn tính, có nhu cầu sử dụng nhiều bao gồm các thuốc giảm đau - hạ sốt, chống dị ứng, trị tiêu chảy, trị bệnh đau dạ dày, trị ho hen phế quản, thuốc tim mạch, trị tiểu đường, thuốc kháng sinh, kháng viêm…

Các mặt hàng phục vụ người dân phòng, chống dịch Covid-19 thu hút 4 doanh nghiệp tham gia với 2 nhóm hàng là khẩu trang các loại và nước rửa tay sát khuẩn.

Là doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường nhiều năm liên tục, ông Phan Văn Dũng - Phó Tổng giám đốc Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) cho biết, năm nay trong bối cảnh giá cả nguyên liệu đầu vào tăng cao, nhiều doanh nghiệp bình ổn đã phải tăng giá sản phẩm từ 6 - 12% song Vissan vẫn chủ động tiếp tục giữ ổn định giá thịt heo để kích cầu tiêu thụ. Việc này xuất phát từ chỗ doanh nghiệp đã dự trữ được nguyên liệu từ 3-4 tháng. Trường hợp giá heo hơi tiếp tục tăng, doanh nghiệp không thể cân đối được nữa thì sẽ đề nghị xem xét tăng giá.

Ở góc độ nhà phân phối, theo ông Nguyễn Anh Đức - Tổng giám đốc Saigon Co.op, nhà bán lẻ này đã triển khai 6 giải pháp chính trong năm 2022, tập trung vào chương trình bình ổn thị trường. Trong đó, chú trọng địa phương hóa nguồn hàng, cụ thể là với những mặt hàng thiết yếu, bắt buộc phải dùng nguồn hàng tại địa phương để tối ưu hóa chi phí. Tuy nhiên, ông Đức cho rằng, năm 2022, diễn biến chung của giá xăng dầu, những biến động về chính trị - xã hội thế giới sẽ tác động rất lớn đến CPI. Vì vậy, doanh nghiệp bình ổn thị trường mong muốn có được sự hỗ trợ mang tính bền vững để chuẩn bị nguyên liệu, tổ chức sản xuất và cung ứng ra thị trường.

Mai Ca

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tp-ho-chi-minh-tang-doanh-nghiep-luong-hang-tham-gia-binh-on-thi-truong-174447.html