TP Hồ Chí Minh: Nhà mặt phố và cơn 'dư chấn' hậu Covid-19

Sau hơn 1 năm phục hồi kinh tế - xã hội hậu Covid – 19, diện mạo đời sống ở trung tâm TP Hồ Chí Minh vẫn còn đầy những 'dư chấn'. Rõ nhất là hàng loạt nhà mặt phố từng là điểm kinh doanh sôi động, sầm uất trên các tuyến đường lớn, đến nay vẫn cửa đóng then cài, phủ bụi thời gian.

Dọc các con đường lớn ở khu vực trung tâm Thành phố như Quận 1, Quận 3, Quận 5, Quận 10, Phú Nhuận, Bình Thạnh… có rất nhiều cao ốc, nhà mặt phố ở vị trí đắc địa bị bỏ hoang. Mặc dù băng rôn, biển cho thuê mặt bằng giăng chi chít, các trang mạng quảng cáo dịch vụ cho thê mặt bằng, bán nhà liên tục mời gọi, nhưng nhà mặt phố vẫn ế ẩm hàng loạt.

Căn nhà rất đẹp có vị trí đắc địa ở giao lộ Hai Bà Trưng - Nguyễn Đình Chiểu được thiết kế cầu kỳ, từng là điểm kinh doanh sôi động, đã bị bỏ trống gần 2 năm nay, đang hư hỏng, xuống cấp.

Trước khi đại dịch Covid – 19 bùng phát, đây là những nơi được cho thuê mặt bằng kinh doanh, buôn bán với giá lên đến hàng chục, hàng trăm triệu đồng mỗi tháng. Tuy nhiên, hiện nay chủ nhà không thể nhận được gì từ nguồn thu bất động sản này. Nhà bị bỏ phí, cho thuê cũng khó mà bán cũng chẳng ai mua, ngày một hư hỏng, xuống cấp.

Đi dọc các tuyến đường huyết mạch như: Hai Bà Trưng, Lý Tự Trọng, Nguyễn Đình Chiểu, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Võ Văn Tần, Điện Biên Phủ, Pasteur, Trần Cao Vân… chứng kiến hàng loạt nhà mặt phố bỏ hoang ai cũng xót xa.

Cả một dãy phố kinh doanh trên đường Hai Bà Trưng trong tình trạng cửa hàng bỏ không

Trong bối cảnh thị trường bất động sản “đóng băng”, việc tìm đối tác cho thuê, bán nhà mặt phố lại càng thêm khó khăn.

Trên một số diễn đàn bất động sản, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, sự suy thoái kinh tế ở nhiều phân khúc thị trường do ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19 là nguyên nhân chính khiến nhà mặt phố “đóng băng” hàng loạt. Bên cạnh đó, sự thay đổi căn bản về hình thức mua bán với sự lên ngôi của thương mại điện tử, bán hàng online khiến một bộ phận lớn người kinh doanh không còn mặn mà với thuê mặt bằng mở cửa hàng.

Căn nhà mặt tiền trăm tỷ trong cảnh hoang phế.

Hình ảnh ảm đạm của tòa nhà mặt phố cạnh giao lộ Lý Tự Trọng - Pasteur.

Tòa nhà đẹp như mơ ở giao lộ Hai Bà Trưng - Trần Cao Vân không có người thuê.

Chị Nguyễn Thị Tâm, kinh doanh thời trang ở phường 2, quận 5 chia sẻ: “Trước đây tôi thuê mặt bằng mở shop thời trang với giá 25 triệu đồng mỗi tháng. Trừ tất cả các chi phí dịch vụ, hàng tháng vợ chồng tôi tích lũy được hơn hai chục triệu đồng. Khi dịch bùng phát, chúng tôi chuyển qua kinh doanh online. Doanh thu không được như trước nhưng lợi nhuận sau chi phí thì vẫn ổn định. Khách hàng đã quen giao dịch online rồi nên không cần thuê nhà mặt phố với chi phí đắt đỏ nữa”.

Nhà nguyên căn trên đường Lê Thánh Tôn đang chờ khách thuê.

Tình trạng ế ẩm của nhà mặt phố là bài toán chưa có lời giải.

Cơn “dư chấn” của đại dịch Covid-19 để lại hậu quả nặng nề, cùng với đó là sự lên ngôi của thương mại điện tử khiến nhà mặt phố không còn là “hoàng đế” của mặt bằng kinh doanh

Trong bối cảnh hiện nay, việc tìm giải pháp “rã băng” cho phân khúc nhà mặt phố vẫn là bài toán khó chưa có lời giải. Thiệt hại về kinh tế đối với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh mặt bằng cho thuê là không hề nhỏ. Bên cạnh đó, thực trạng này đã ảnh hưởng xấu đến mỹ quan đô thị.

Thực hiện: HÀ PHƯƠNG TRẦN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/tp-ho-chi-minh-nha-mat-pho-va-con-du-chan-hau-covid-19-723209