TP. Hồ Chí Minh: Nâng tầm phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Tổng thu từ du lịch của TP. Hồ Chí Minh trong 8 tháng năm 2023 ước đạt 106.020 tỷ đồng, tăng 42,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong điều kiện một số ngành kinh tế đang gặp nhiều khó khăn thì ngành du lịch của thành phố này vẫn đang được xem là ngành kinh tế mũi nhọn với doanh thu tăng trưởng mỗi năm 15 - 16%.

Du lịch trên xe buyt 2 tầng qua trụ sở UBND TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Nguyễn Nam

Góp phần thúc đẩy tăng cầu nội địa và tăng trưởng kinh tế

Nhiều năm qua, TP. Hồ Chí Minh là một trong những trung tâm du lịch lớn của cả nước, mỗi năm đón hàng triệu du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, lưu trú. Đồng thuận với đó, TP. Hồ Chí Minh được xem là một trong những địa phương có tốc độ tăng trưởng du lịch nhanh nhất cả nước.

Đặc điểm nổi bật của TP. Hồ Chí Minh trong số ít thành phố trên thế giới có được, đó là một đô thị lớn có nhiều nét văn hóa lịch sử mang tính đặc trưng, nhưng lại còn có biển, rừng và hệ thống sông rạch liên hoàn từ nội thành ra đến biển.

Đặc biệt, 2 hệ thống hạ tầng và cũng là sản phẩm tự nhiên, độc đáo, đặc sắc là khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ với diện tích 70.500 ha gắn với đô thị sinh thái biển Cần Giờ; khu sinh thái sông nước dọc sông Sài Gòn lên đến khu địa đạo Củ Chi, đền Bến Dược gắn với vùng nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao và vườn, trang trại sinh thái, cây cảnh, hoa kiểng ven sông Sài Gòn đi từ quận 1 lên đến huyện Củ Chi và tỉnh Tây Ninh.

Theo số liệu thống kê, tổng thu từ du lịch TP. Hồ Chí Minh trong 8 tháng năm 2023 đạt khoảng 106 nghìn tỷ đồng, tăng 42,3% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu từ du lịch TP. Hồ Chí Minh và Quảng Ninh đang nằm trong top đầu cả nước khi cùng tăng 57,6%.

Mới đây, để kích cầu, ngành du lịch TP. Hồ Chí Minh đã chủ động tổ chức nhiều hoạt động phong phú để thu hút khách du lịch như: tổ chức hàng loạt các hội chợ triển lãm, ẩm thực văn hóa; lễ hội sông nước, trên bến - dưới thuyền... đặc biệt trong dịp nghỉ lễ dài ngày dịp 2/9 vừa qua. Các hoạt động trên đã thu hút hàng ngàn lượt khách du lịch trong nước và quốc tế đến tham quan, hưởng thụ.

Cũng theo số liệu thống kê từ Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh, riêng trong tháng 8 khách quốc tế đến thành phố đạt hơn 350.000 lượt, tính chung 8 tháng năm 2023, ngành du lịch thành phố đón hơn 2,71 triệu lượt khách. So với cùng kỳ năm ngoái, con số này tăng tới 92,3% và đạt 54,3% so với kế hoạch cả năm.

Mặc dù chưa phải là dịp cao điểm đón khách quốc tế (từ cuối tháng 9, đầu tháng 10 đến tháng 4 năm sau) nhưng lượng khách quốc tế đến TP. Hồ Chí Minh hiện chiếm gần 30% tổng lượng khách quốc tế tới Việt Nam trong 8 tháng đầu năm.

Theo Giám đốc Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Ánh Hoa, hiện tại các doanh nghiệp du lịch xác nhận vẫn chưa có sự tăng trưởng đột biến về số lượng khách sau khi chính sách visa (45 ngày) mở cửa có hiệu lực từ ngày 15/8. Tuy nhiên, lượng khách tìm kiếm, thăm hỏi thông tin và đăng ký ở cả khối lữ hành và khối khách sạn đã tăng khoảng 20 - 30%. Bà Hoa nhận định, từ tháng 9 đến cuối năm nay sẽ có sự tăng trưởng mạnh ở cả khách quốc tế lẫn nội địa.

Gần đây nhất, nhiều tín hiệu cho thấy thị trường du lịch MICE (loại hình du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện…) đang có tín hiệu khởi sắc trở lại tại TP. Hồ Chí Minh. Sản phẩm du lịch này đang thu hút những đoàn khách quốc tế lớn từ Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore, Trung Quốc... với quy mô khoảng 1.000 khách.

Tới đây, tận dụng cơ chế, chính sách vượt trội, TP. Hồ Chí Minh tập trung phát triển du lịch xanh, du lịch sinh thái, du lịch bền vững trên cơ sở khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế và thế mạnh về du lịch của thành phố.

Số hóa để thúc đẩy du lịch phát triển

Theo Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh, để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, bền vững theo Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm thực hiện cơ chế chính sách đặc thù, TP. Hồ Chí Minh nhất quán dựa vào nội lực, đầu tư trọng tâm, trọng điểm, chất lượng và chuyên nghiệp; đa dạng hóa sản phẩm cùng với ưu tiên đầu tư phát triển sản phẩm du lịch đa dạng, phong phú...

Về lâu dài, TP. Hồ Chí Minh đang tập trung xây dựng đề án phát triển lợi thế của 2 khu du lịch đô thị sinh thái, khu dự trữ sinh quyển gắn với biển Cần Giờ; đồng thời kết nối với sông Sài Gòn hình thành mạng lưới, chuỗi du lịch sinh thái dọc sông Sài Gòn sẽ tạo thế liên hoàn phát triển du lịch bền vững, ổn định, lâu dài cho TP. Hồ Chí Minh.

Du khách tham quan khu địa đạo Củ Chi. Ảnh: CTV

Về giải pháp thu hút khách du lịch từ nay đến cuối năm 2023, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa cho biết, ngành tập đang trung cho Hội chợ Du lịch quốc tế TP. Hồ Chí Minh sắp diễn ra với việc tăng cường quy mô ít nhất gấp đôi hội chợ năm trước, đồng thời chú trọng đến các xu hướng du lịch mới trên thế giới.

Cùng với đó, tập trung phát triển du lịch MICE, thu hút các đoàn khách du lịch, bên cạnh việc ưu tiên cải thiện chất lượng sản phẩm, dịch vụ và các cơ sở lưu trú, Sở Du lịch TP.Hồ Chí Minh còn ban hành chính sách du lịch MICE TP. Hồ Chí Minh với nhiều điều kiện ưu đãi.

Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, thời điểm hiện nay, trước nhu cầu và xu hướng du lịch của du khách ngày càng thay đổi, nhất là nhóm khách trẻ, một trong những thành công nổi bật trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động quảng bá du lịch của TP. Hồ Chí Minh có thể kể đến là việc thực hiện “Ứng dụng công nghệ 3D trong thông tin, quảng bá du lịch”.

Trước thực tế này, ngành du lịch TP. Hồ Chí Minh cũng nỗ lực chuyển mình bằng cách tăng cường tính năng cho các ứng dụng (app) du lịch kết nối điểm đến, cơ sở lưu trú, nhà hàng, điểm tham quan, mua sắm…

Theo Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh, nhờ công nghệ, các sản phẩm du lịch ở Việt Nam cũng như thế giới cũng dễ dàng cập nhật qua điện thoại, iPad… Ứng dụng gồm: ứng dụng công nghệ cao quét 3D tái hiện không gian một phần thành phố từ trên cao và Bản đồ tương tác thông minh 3D/360 TP. Hồ Chí Minh đã đem lại hiệu quả đáng kể.

Ứng dụng này còn tích hợp thêm thông tin, hình ảnh 3D, 2D của các khu du lịch, di tích lịch sử, điểm du lịch. Thông qua công nghệ thực tế ảo Virtual Reality (VR), ứng dụng cho phép du khách trải nghiệm cảm giác bay trong không gian ảo trên bầu trời TP. Hồ Chí Minh và tham quan thành phố nhìn từ trên cao./.

PGS.TS Trương Thị Hiền - nguyên Giám đốc Học viện Cán bộ TP. Hồ Chí Minh cho rằng, để du lịch TP. Hồ Chí Minh thật sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế - xã hội; phát triển du lịch gắn với bảo tồn tài nguyên, môi trường, văn hóa...; ngoài cơ chế, chính sách vượt trội cho TP. Hồ Chí Minh, cần phát triển 2 sản phẩm du lịch mũi nhọn, bền vững, ổn định trong chuỗi liên kết thành một chương trình du lịch sông nước, sinh thái, nghỉ dưỡng trên địa bàn thành phố.

Gia Cư

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/tp-ho-chi-minh-nang-tam-phat-trien-du-lich-tro-thanh-nganh-kinh-te-mui-nhon-136318.html