TP Hồ Chí Minh: Kiểm tra 35 cơ sở kinh doanh vàng, tạm giữ 719 sản phẩm

Ngày 16-5, Cục Quản lý thị trường thành phố Hồ Chí Minh có văn bản trả lời cơ quan báo chí về công tác quản lý thị trường vàng và thực phẩm chức năng.

Thành phố Hồ Chí Minh tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trên thị trường vàng. Ảnh: TT.

Thành phố Hồ Chí Minh tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trên thị trường vàng. Ảnh: TT.

Văn bản nêu rõ: Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và UBND thành phố Hồ Chí Minh về triển khai các biện pháp tăng cường quản lý thị trường vàng, đơn vị đã phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát, xử lý nhiều vi phạm trong lĩnh vực này.

Cụ thể, tính đến ngày 14-5, Cục Quản lý thị trường đã phát hiện, kiểm tra 35 cơ sở kinh doanh vàng, tạm giữ 719 sản phẩm gồm nhẫn, dây chuyền, vòng đeo tay, mặt dây chuyền… không có hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ (một số có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu) với tổng giá trị khoảng 1,3 tỷ đồng.

Cơ quan chức năng đang xác minh làm rõ các vấn đề liên quan và xử lý nghiêm khi phát hiện sai phạm. Với những trường hợp đã xác định vi phạm, Cục Quản lý thị trường đã xử phạt 21 vụ với tổng số tiền 1,25 tỷ đồng; tịch thu hàng hóa vi phạm.

Cũng theo Cục Quản lý thị trường thành phố Hồ Chí Minh, theo quy định pháp luật hiện hành, vàng đang kinh doanh tại cửa hàng không có hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ, giả mạo nhãn hiệu… sẽ bị tịch thu.

Cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều loại thực phẩm chức năng giả lưu thông trên thị trường. Ảnh: TT.

Cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều loại thực phẩm chức năng giả lưu thông trên thị trường. Ảnh: TT.

Về tăng cường quản lý thị trường thực phẩm chức năng, qua gần 5 tháng đầu năm 2024, Cục Quản lý thị trường thành phố đã kiểm tra, xử lý 17 vụ vi phạm, tạm giữ hơn 12.200 sản phẩm các loại, trị giá gần 500 triệu đồng; đã xử phạt vi phạm với số tiền hơn 216 triệu đồng và buộc tiêu hủy hàng hóa vi phạm.

Theo Cục Quản lý thị trường thành phố, hiện có nhiều cá nhân, tổ chức lợi dụng mạng xã hội quảng cáo thực phẩm chức năng giả hoặc thổi phồng công dụng để lừa người mua, gây khó khăn cho công tác quản lý. Mặt khác, khi xử lý thực phẩm chức năng, bắt buộc phải giám định, dẫn tới thời gian xử lý lâu; khó xử lý hình sự, thông thường, chỉ có thể phạt hành chính, mức xử phạt chưa đủ răn đe với đối tượng vi phạm. Đây là những vấn đề cần được cơ quan có thẩm quyền xem xét để có biện pháp xử lý hữu hiệu hơn.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/tp-ho-chi-minh-kiem-tra-35-co-so-kinh-doanh-vang-tam-giu-719-san-pham-666533.html