TP Hồ Chí Minh: hoàn thiện Đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị trong tháng 5/2024

Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi yêu cầu các các sở, ngành có liên quan phấn đấu hoàn thiện Đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh (Đề án) trong tháng 5 để kịp thời gửi Bộ Giao thông vận tải phê duyệt.

Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: CT

Theo đó, chiều 9/5, tại cuộc họp nghe báo cáo về Đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh và góp ý của các chuyên gia cùng các sở, ngành, đơn vị liên quan, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi đề nghị các sở, ngành có liên quan góp ý cụ thể cho đề án để kịp thời gửi Bộ Giao thông vận tải trong tháng 5 này.

Được biết, trong thời gian qua, Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh đã cùng các sở ngành, đơn vị liên quan đã xây dựng Đề án metro, đề xuất định hướng phát triển, xây dựng lộ trình, kế hoạch, hình thức đầu tư, phương án huy động nguồn vốn.

Cùng với đó là việc xác định các cơ chế, chính sách đặc thù để đẩy nhanh thủ tục chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư phát triển mạng lưới đường sắt đô thị trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đến năm 2035 và các tuyến mới dự kiến bổ sung trong Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TP Hồ Chí Minh đến năm 2040 và tầm nhìn đến năm 2060.

Theo Đề án, dự kiến đến năm 2035, TP Hồ Chí Minh sẽ hoàn thành khoảng 183 km metro; đến năm 2045, xây dựng thêm gần 170 km để hoàn thiện 7 tuyến, nâng tổng chiều dài lên hơn 350 km.

Tại buổi họp, nhiều ý kiến đều cho rằng, cần làm rõ hình thức đầu tư, phương án nguồn vốn, huy động nguồn vốn và các cơ chế đột phá mới, chính sách đặc thù mới. Cùng với đó, với các cơ chế nào ngoài Nghị quyết 98 thì nên đề xuất cụ thể, nhất là nhóm cơ chế tài chính, cần phải xác định rõ.

TP Hồ Chí Minh phấn đấu đến năm 2045 sẽ nâng tổng chiều dài các tuyến Metro lên hơn 350 km Ảnh: CT

Kết luận buổi họp, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi nêu ý kiến chỉ đạo Giám đốc Sở Giao thông vận tải và các thành viên Tổ công tác, các sở, ngành góp ý cụ thể đúng với chuyên môn của từng ngành cho đề án, đơn vị nào không có ý kiến cũng phải có văn bản khẳng định không có ý kiến.

Đồng thời, Sở Giao thông vận tải phải thường xuyên tiếp thu, cập nhật những ý kiến góp ý vào Đề án để ngày 15/5 trình UBND TP Hồ Chí Minh để Thành phố gửi Bộ Giao thông Vận tải.

Theo Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, Đề án này là một nội dung TP Hồ Chí Minh cụ thể hóa thực hiện Kết luận số 49 của Bộ Chính trị. Đây cũng là công cụ quan trọng để thành phố tái cấu trúc đô thị, phát triển mô hình đô thị đa trung tâm, phân bố dân cư phù hợp các hoạt động kinh tế - xã hội với siêu đô thị như TP Hồ Chí Minh.

Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cũng đề nghị cần phải thực hiện đồng bộ các quy hoạch, đặc biệt phải cập nhật quy hoạch chung của thành phố. Trong đó, giao Sở Quy hoạch và Kiến trúc chủ trì rà soát cập nhật các quy hoạch này một cách đồng bộ vào quy hoạch chung thành phố; giao Sở Tài nguyên và Môi trường có văn bản cụ thể về cơ chế, phương án thu hồi đất, giải phóng mặt bằng và những cơ chế khác; giao Sở Tài chính nghiên cứu cụ thể cơ chế nguồn vốn và nêu ra các vấn đề để các sở ngành cùng góp ý sâu các cơ chế liên quan về nguồn vốn.

“Để thực hiện được mục tiêu đến năm 2035 hoàn thành 183 km metro, TP Hồ Chí Minh sẽ kiến nghị Chính phủ, Quốc hội có nghị định, nghị quyết với tinh thần áp dụng những cơ chế mới phân quyền, phân cấp để thành phố tiến hành thực hiện” - Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết.

Văn Dũng

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/tp-ho-chi-minh-hoan-thien-de-an-phat-trien-he-thong-duong-sat-do-thi-trong-thang-52024-380184.html