TP Hồ Chí Minh: Đòi vỉa hè cho người đi bộ 'đừng là sự thách đố!'

Cách đây đúng 2 tháng, chiến dịch ra quân giành lại vỉa hè cho người đi bộ ở Quận 1, TP Hồ Chí Minh do ông Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch quận dẫn đầu đã được thực hiện ráo riết, quyết liệt. Thậm chí, ông Đoàn Ngọc Hải còn tuyên bố “từ quan” nếu công việc không thành.

Hàng loạt xe ô tô dừng đỗ lòng lề đường bị kéo giữ, các hàng quán bảng hiệu phải co cụm, hàng loạt bậc cấp của các cơ quan, công sở và khách sạn bị đập bỏ, không khoan nhượng.
Tất cả đều hướng đến mục đích tối thượng là vỉa hè thông thoáng, an toàn cho người đi bộ. Với quyết tâm trên đã cho những hiệu quả tức thì, các tuyến phố ở quận 1 ngay lập tức đã phong quang hơn.
Thế nhưng, hình như những biện pháp thị uy đó mới chỉ là bề nổi, những hành động tuân thủ đó mới chỉ là phần ngọn. Nó chưa xuất phát từ ý thức nơi gốc rễ, cũng chưa duy trì để trở thành giá trị nền tảng.
Hình ảnh vị Phó Chủ tịch xông xáo và cương quyết tới mức quyết liệt nay đã không thấy nữa, các đội kiểm tra liên ngành cũng ít thấy ra quân. Và các khu vực vỉa hè ở khu vực trung tâm quận 1 - cũng là trung tâm TP Hồ Chí Minh - hiện ra sao, có đỡ được chút nào hay bề nổi vẫn chỉ là bề nổi, phần ngọn vẫn không thay đổi được căn bản?
Dưới đây là những hình ảnh mà PV Báo Kinh tế & Đô thị ghi nhận trên các tuyến phố thuộc quận 1 vào ngày 17/5/2017:

Chúng tôi đến những tuyến phố Đồng Khởi, Nguyễn Huệ và Hải Triều - nơi có thể nói là từng mét vuông vỉa hè đều có giá trị đắt đỏ bậc nhất TP và nhận thấy sự thay đổi là có nhưng không nhiều.

Mọi hoạt động bán buôn vẫn tấp nập, hối hả và những lấn chiếm trong cách dừng đỗ xe, trưng bày hàng hóa là vẫn có, như buôn bán luôn phải vậy, khách đi bộ cũng là khách xem hàng. Không có một cái nhíu mày hay một lời phàn nàn.

Ở cuối đường Nguyễn Huệ ra tới đường Tôn Đức Thắng, bến Bạch Đằng chúng tôi thấy gần chục mét chiều dài vỉa hè đang bị quây lại bởi các khung bạt quảng cáo phế thải đang che kín toàn bộ hàng chục mét vuông vỉa hè, chắc chắn nó đã nằm đây không phải một ngày và bất cứ ai đi bộ qua đây đều sẽ bị đẩy xuống lòng đường.

Trong khi những tấm bạt hiflex được chằng buộc đó không thấy nhằm cho một mục đích hay bảng biểu giấy phép nào cả, ngoài những đống rác do ai đó tranh thủ đổ phế thải, dù đối diện là khách sạn hạng sang Majestic.

Vòng qua phố đi bộ Nguyễn Huệ (phường Bến Nghé) chúng tôi dừng lại trước địa chỉ số 8, tòa nhà VTP Office Service Center do công ty Quản lý Kinh doanh nhà TP quản lý, nơi này ngày 18/3 đã bị đoàn kiểm tra liên ngành của Phó Chủ tịch Đoàn Ngọc Hải cương quyết cho đập bỏ những bậc cấp rất sang trọng đúng theo thiết kế mặt tiền tòa nhà.

Đã hai tháng trôi qua, nơi đây vẫn chỉ là một đống bầy hầy trên con phố huy hoàng bậc nhất quận 1. Và vỉa hè nơi đó, còn bị thu hẹp hơn bởi bạt quây nhếch nhác và vẻ mỹ quan đô thị thì chắc chắn là sự thất bại.

Tất cả mọi thứ đều y chang như khi ông Đoàn Ngọc Hải lệnh cho xe cẩu và máy xúc tới phá hủy bậc cấp. Không có sự phục hồi nào. Ai sẽ trả lời cho người dân là tại sao, ý nghĩa thì đúng đắn, mà kết quả lại giống như một sự thách đố lẫn nhau, trong khi người chịu thiệt trước tiên chính là du khách và người dân thành phố.

Ngày 21-4, UBND quận 1, TP Hồ Chí Minh đã ký quyết định đồng ý với đề xuất của Phòng Quản lý đô thị quận về việc thu hồi 24 giấy phép cho sử dụng tạm vỉa hè làm điểm giữ xe máy trên địa bàn quận, gây ảnh hưởng đến giao thông qua lại.

Các đơn vị bị thu hồi giấy phép gồm công đoàn Phòng nội vụ, Tòa án, Ban chỉ huy quân sự, công đoàn các phường Phạm Ngũ Lão, Bến Thành, Bến Nghé, Nguyễn Thái Bình, Cầu Kho… Tuy nhiên trên các con đường Ngô Đức Kế, Hải Triều, Tôn Đức Thắng, tình trạng đậu đỗ xe hơi, xe máy có thu phí vẫn diễn ra lộn xộn, các bãi giữ xe cả tự phát lẫn bãi xe có giấy phép đều gây khó dễ cho người đi bộ, đẩy họ phải đi xuống lòng đường.

Ở khu công trường Mê Linh, các biển cấm đậu xe cắm chung với biển giữ xe thu phí, ô tô đậu tràn cả lên vạch đi bộ.

Tại đường Nguyễn Du, khu vực nhà thi đấu gần CMT8, nơi ông Hải rà soát kiểm tra rất mạnh thời gian trước, nay các loại xe hơi lại tiếp tục đậu hàng hai, lấn chiếm làm thu hẹp chiếm lòng đường, không có kiểm tra giám sát duy trì thành quả đã đạt được.

Những giá trị nhân văn của chiến dịch giành lại vỉa hè cho người dân đã không thấy thể hiện nữa. Và như thế một hoạt động ý nghĩa, tưởng như sẽ lan ra toàn thành phố và cả nước, nếu không được thực hiện rốt ráo, sẽ chỉ là một sự đánh trống bỏ dùi, khó có thể nhân rộng.

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/tp-ho-chi-minh-doi-via-he-cho-nguoi-di-bo-dung-la-su-thach-do-288345.html