TP Hồ Chí Minh đang hoàn thiện thủ tục đầu tư

Chiều 2/10, Ủy ban Kinh tế phối hợp với Ủy ban Tài chính - Ngân sách tổ chức phiên giải trình tình hình triển khai thực hiện Luật Đầu tư công và kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh điều hành phiên giải trình. Ảnh: TN

Còn thiếu 6 nghìn tỷ đồng để GPMB sân bay Long Thành

Theo báo cáo, tổng số vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 nguồn ngân sách Nhà nước (NSNN) được Quốc hội thông qua là 2 triệu tỷ đồng, trong đó bố trí 80 nghìn tỷ đồng để thực hiện các dự án quan trọng quốc gia.

Trả lời câu hỏi của các đại biểu Quốc hội đặt ra tại phiên giải trình, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong số 80 nghìn tỷ đồng, có 10.000 tỷ đồng dành cho dự án chống ngập của TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, đến nay, dự án này của TP Hồ Chí Minh vẫn chưa hoàn thành được thủ tục.

Thông tin thêm vấn đề này, theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông, ngày 19/9, Bộ này đã có văn bản cho ý kiến về dự án chống ngập của TP Hồ Chí Minh, trong đó có 1 dự án nhóm A và 35 dự án nhóm B và C, đã trình và đang chờ Thủ tướng Chính phủ xem xét.

Đại diện TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh, thành phố đã rất tích cực, bởi chống ngập là một trong những vấn đề bức xúc của địa phương. Con số chính xác của dự án này không phải là 10.000 tỷ đồng. Có 36 tiểu dự án chống ngập của TP, với tổng vốn là 9.963 tỷ đồng, trong đó có 1 dự án nhóm A, 25 dự án nhóm B và 10 dự án nhóm C. Ngày 29/7, UBND TP đã có báo cáo gửi Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Tại phiên giải trình, các đại biểu Quốc hội cũng đề cập đến nguồn vốn phục vụ cho công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) dự án sân bay Long Thành. Về việc này, Bộ trưởng Dũng cho biết, con số 5.000 tỷ đồng phục vụ cho GPMB sân bay Long Thành chỉ là mức dự kiến, tạm xác định con số ban đầu.

Hiện tỉnh Đồng Nai đã lập báo cáo, lại dự kiến 23 nghìn tỷ đồng phục vụ GPMB cho sân bay Long Thành. Trong kế hoạch trung hạn chưa có nguồn bổ sung cho con số này. Theo dự kiến đến năm 2020 cần khoảng 11 nghìn tỷ đồng để GPMB. Như vậy nếu dự án được phê duyệt thì còn thiếu 6 nghìn tỷ đồng từ nay đến 2020. Bộ trưởng Dũng cho biết, sẽ xem xét chuyển nguồn từ các dự án không triển khai để có 6 nghìn tỷ đồng cho GPMB sân bay Long Thành.

Cũng theo ông Dũng, nguyên nhân giải ngân chậm có nhiều, gồm cả chủ quan và khách quan. Ví dụ, ra vốn xong mới bắt đầu dự án, mất rất nhiều thời gian, rồi làm đấu thầu, GPMB đều rất phức tạp, mất nhiều thời gian. Mà những cái đó không thể làm tắt, làm ngay, làm trước được, phải có quyết định chắc chắn mới có căn cứ, cơ sở để làm dự án, còn ban đầu chỉ là khái toán.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày tại phiên giải trình. Ảnh: TN

Có hiệu lực chưa được 3 năm, Luật Đầu tư công lại được đề nghị sửa

Luật Đầu tư công được Quốc hội thông qua ngày 18/6/2014 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2015. Theo Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, điều này đã tạo cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ và hoàn chỉnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý hoạt động đầu tư và sử dụng vốn đầu tư công; khắc phục tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải trong đầu tư công…

Triển khai Luật Đầu tư công và các nghị định hướng dẫn thi hành cũng ngăn ngừa được sự tùy tiện, chủ quan, duy ý chí trong việc quyết định chủ trương đầu tư; việc quản lý đầu tư công ngày càng chặt chẽ, công khai và minh bạch hơn; tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản được kiểm soát chặt chẽ…

Tuy nhiên, Bộ trưởng Dũng cho biết, đây là luật mới, có liên quan trực tiếp đến quyền lợi, lợi ích, quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của tất cả các bộ, ngành và địa phương nên khó tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc cần phải hoàn thiện và được phân thành 11 nhóm vấn đề.

Điển hình như việc phân loại dự án đầu tư, phê duyệt chủ trương đầu tư dự án thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP), thẩm quyền quyết định đầu tư dự án đầu tư công, điều chỉnh dự án, kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công hằng năm…

Trước những khó khăn, thách thức liên quan đến đầu tư công, thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang khẩn trương hoàn thiện hồ sơ dự án xây dựng Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, trình Chính phủ và báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định ngay trong một kỳ họp - kỳ họp thứ tư (tháng 10/2017).

Tổng số vốn đầu tư phát triển nguồn NSNN kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch là 1.605.975,095 tỷ đồng, bằng 89,2% tổng mức vốn kế hoạch được Quốc hội thông qua (không bao gồm 200 nghìn tỷ đồng dự phòng chung).

Số vốn còn lại chưa giao hơn 194.009 tỷ đồng, bằng 10,7% tổng mức kế hoạch được Quốc hội thông qua (không bao gồm 200 nghìn tỷ đồng dự phòng chung), trong đó, hơn 181.967 tỷ đồng khi phân bổ tiếp phải trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi thực hiện; hơn 12.041 tỷ đồng của các dự án chưa đủ thủ tục đầu tư, được Chính phủ cho phép hoàn thiện đến ngày 30/9/2017.

Số vốn phải thu hồi về dự phòng chung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 do bố trí không đúng quy định là 15,68 tỷ đồng.

Thảo Nguyên

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/chinh-tri/doi-noi/tp-ho-chi-minh-dang-hoan-thien-thu-tuc-dau-tu_t114c67n125112