TP.HCM: Xây dựng thành phố thân thiện với trẻ em

Ngày 18/7, UBND TP.HCM phối hợp với Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam (Unicef) tổ chức hội thảo tham vấn chương trình hợp tác giữa TP.HCM và Unicef giai đoạn 2017 – 2021 sáng kiến thành phố thân thiện với trẻ em.

Một lớp học cho con em công nhân KCN Tân Tạo, quận Tân Bình, TP.HCM do Doanh nghiệp đầu tư. Ảnh T.D

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Thu nhấn mạnh, trong những năm qua, các chỉ tiêu về bảo vệ, chăm sóc trẻ em hàng năm cơ bản đã đạt hoặc vượt những mục tiêu đề ra. Số lượng trẻ em được hưởng các dịch vụ công về giáo dục, học tập, chăm sóc sức khỏe, tham gia các hoạt động vui chơi giải trí miễn phí ngày càng nhiều; trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc và tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển ngày càng tốt hơn; cơ sở vui chơi giải trí đã tăng lên đáng kể, qua đó giúp các em rèn luyện và phát triển một cách toàn diện về thể chất, trí tuệ và tâm hồn.

Song song đó, với sự hợp tác, hỗ trợ kỹ thuật và tài chính của Unicef, thành phố đã triển khai chương trình “Bạn hữu trẻ em TP.HCM” giai đoạn 2012 -2016 nhằm thực hiện các kế hoạch, dịch vụ về quyền trẻ em với kinh phí thực hiện từ vốn ODA là gần 29 tỷ đồng, vốn đối ứng trên 2,6 tỷ đồng.

Hàng năm, TP.HCM cũng đã tổ chức chương trình “Lãnh đạo thành phố gặp gỡ thiếu nhi” nhằm tạo điều kiện cho thiếu nhi thành phố được trình bày ý kiến, nguyện vọng, ước mơ và những đề xuất thiết thực góp phần đáp ứng nhu cầu vui chơi, học tập và phát triển của thiếu nhi. Mới đây, ngày 22/6/2017, Hội đồng trẻ em TP.HCM được thành lập. Mô hình này là một trong những giải pháp thực hiện quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề trẻ em quan tâm theo Luật Trẻ em.

Tuy nhiên, theo bà Yoshimi Nishino, Trưởng phòng chính sách và Quản trị Unicef, trẻ em TP.HCM hiện đang phải đối mặt với các vấn đề như: Trẻ em của các gia đình nhập cư tại TP.HCM có tỷ lệ theo học ở các bậc học ít hơn, đặc biệt ở mẫu giáo và tiểu học. Đồng thời, các đối tượng này đang gặp khó khăn trong việc mua bảo hiểm y tế và dễ bị bóc lột sức lao động trong các xưởng, cơ sở sản xuất nhỏ và phi chính thức. TP.HCM vẫn còn nhiều địa điểm thiếu an toàn cho trẻ em và trẻ em đường phố là nạn nhân của xâm hại tình dục…

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng cho rằng, trẻ em đô thị tại Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng đang đương đầu với những vấn đề như: Chất lượng cuộc sống giảm sút do ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông, thiếu không gian vui chơi giải trí. Trẻ em vị thành niên vi phạm pháp luật, nghiện ma túy và các chất gây nghiện khác. Trẻ em cũng đang đối mặt với các vấn đề như khai sinh cho trẻ em được chăm sóc trong các cơ sở trợ giúp xã hội, trẻ em không xác định được quốc tịch…

Theo đó, ông Nam khuyến nghị với TP.HCM cần củng cố tổ chức thành lập tổ chức phối hợp liên ngành thành phố về trẻ em. TP.HCM phát triển để thành một trung tâm vùng về dịch vụ xã hội, đặc biệt là dịch vụ về trẻ em cho các trẻ em di cư, nhập cư.

Khi triển khai sáng kiến thành phố thân thiện với trẻ em, TP.HCM cũng nên là nơi đi đầu trong quy hoạch, đầu tư phát triển cơ sở vật chất bảo đảm các quyền trẻ em. Lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu thực hiện các quyền trẻ em vào quy hoạch phát triển kinh tế xã hội quốc gia, ngành và địa phương. Khuyến khích sự tham gia của tổ chức xã hội, cá nhân giải quyết các vấn đề trẻ em…

Thu Dịu

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/tp-hcm-xay-dung-thanh-pho-than-thien-voi-tre-em.aspx