TP.HCM: Tốn hàng chục ngàn tỷ đồng nhưng vẫn ngập và ùn tắc giao thông

Nhiều năm qua, TP.HCM đã triển khai hàng loạt biện pháp chống ngập và giải quyết ùn tắc giao thông. Thế nhưng, cứ mỗi khi mưa lớn, thành phố lại ngập trong biển nước nhiều giờ đồng hồ; tình trạng ùn tắc kẹt cứng giao thông nhiều nơi xảy ra thường xuyên.

Một công trình chống ngập tại TP.HCM.

Theo Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, 2 cầu vượt ở cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất được Thủ tướng cho phép thực hiện theo lệnh cấp bách nhằm "giải cứu" tình trạng ùn tắc ở khu vực này. Trong đó, cầu vượt tại giao lộ Trường Sơn và nhánh đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài được xây hình chữ Y, gồm: Một nhánh dẫn vào nhà ga quốc tế dài hơn 300 m, một nhánh dẫn vào nhà ga quốc nội dài hơn 150 m, dự án có tổng mức đầu tư 242 tỷ đồng.

Cầu vượt tiền tỷ, giao thông vẫn ùn tắc

Ghi nhận của phóng viên Báo Người Tiêu Dùng, sau khi thông xe cầu vượt tại giao lộ Trường Sơn, chỉ có ô tô con, xe khách, xe buýt được đi trên cầu vượt để vào sân bay. Xe máy phải đi dưới cầu, sau đó rẽ phải vào đường Hồng Hà để quay đầu tại các điểm vào sân bay. Tình trạng ùn tắc vẫn xảy ra, nhất là trong những giờ cao điểm.

Trong khi đó, với tổng mức đầu tư 504 tỷ đồng, cầu vượt tại vòng xoay Nguyễn Kiệm - Nguyễn Thái Sơn được xây bằng thép gồm nhánh hướng Nguyễn Kiệm - Nguyễn Thái Sơn; nhánh cầu vượt hướng Nguyễn Kiệm - Hoàng Minh Giám, và nhánh từ đường Hoàng Minh Giám - Nguyễn Thái Sơn cũng trong tình trạng tương tự.

Các loại xe có tải trọng trên 10 tấn, xe thô sơ, người đi bộ bị cấm chạy, đi lên cầu. Phía dưới cầu vượt, hướng từ đường Đặng Văn Sâm đến nút giao Nguyễn Kiệm - Nguyễn Thái Sơn, phần đường giữa cầu vượt và dải phân cách trồng cây xanh, cấm xe 2-3 bánh. Phần đường giữa dải phân cách trồng cây xanh và vỉa hè phía công viên, cấm ô tô (trừ xe buýt). Hướng từ nút giao Nguyễn Kiệm - Nguyễn Thái Sơn đến đường Đặng Văn Sâm các loại xe được phép lưu thông bình thường. Phản ánh của nhiều hộ dân tại các khu vực cho thấy, mặc dù cầu vượt được đầu tư số tiền lớn nhưng việc kẹt xe vẫn kéo dài.

Anh Lê Sỹ Hòa, ngụ quận Tân Bình, cho biết: “Theo tôi, đây cũng chỉ là giải pháp cấp bách trước mắt. Thành phố hơn 10 triệu dân, hạ tầng lạc hậu nên việc lưu thông tập trung tại khu vực có hạ tầng hiện đại thì sẽ không giải quyết dứt điểm được việc ùn tắc giao thông”.

Kẹt xe diễn ra thường xuyên tại các nút giao thông, nhất là sau mưa lớn.

Dự án chống ngập sẽ... đi về đâu ?

Trung tâm Quản lý nước và Biến đổi khí hậu thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM nhận định, thành phố ước cần 6-8 tỷ USD cho các dự án tiêu thoát nước chống ngập và thời gian qua, tổng vốn đã chi chỉ khoảng 3-4 tỷ USD, tức mới đáp ứng 50%. Một chuyên gia chống ngập cho hay: “Chính quyền thành phố cần đẩy mạnh việc tạo cơ chế huy động vốn, khuyến khích tư nhân tham gia chống ngập. Nhìn lại những khu vực như quận Thủ Đức, quận 9, Tân Phú, Bình Tân, quận 12… nhiều hệ thống thoát nước vẫn chưa được đầu tư hoàn chỉnh nên vẫn còn tình trạng ngập. Điều này cho thấy việc cần làm sắp tới vẫn là cơ chế đột phá, đủ sức hấp dẫn để nhà đầu tư tham gia chống ngập”.

Nhận định về việc xây dựng 104 hồ điều tiết giúp thu gom nước mưa trong điều kiện biến đổi khí hậu gây mưa vượt tần suất, vị chuyên gia cung cấp thông tin: Đến nay, mới chỉ có một số hồ đang trong giai đoạn tìm vốn, đền bù giải phóng mặt bằng để xây dựng như hồ điều tiết Khánh Hội (quận 4), hồ điều tiết Bàu Cát (Tân Bình), hồ điều tiết Gò Dưa (Thủ Đức) nhưng vẫn chưa có hồ nào hoàn thành đi vào hoạt động.

Mới đây, Công ty Sekisui (Nhật Bản) và đối tác Việt Nam là VMC Group đã triển khai thi công lắp đặt hồ điều tiết thông minh chống ngập nước được xây dựng trên đường Võ Văn Ngân trước cổng Nhà Văn hóa Thiếu nhi quận Thủ Đức. Hồ điều tiết này được xây dựng ngầm trong lòng đất có sức chứa 109 m3 nước mưa, thời gian thi công xây dựng hồ là 7 ngày và sau đó tái lập mặt đường trả lại không gian bên trên và ô tô trọng tải dưới 25 tấn có thể đậu trên mặt hồ.

Thế nhưng với việc hạ tầng xuống cấp, thiếu hụt về tài chính, nhiều người quan ngại việc TP.HCM vừa đề xuất Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối ngân sách trung ương cho 36 dự án chống ngập cho thành phố với tổng vốn đầu tư gần 10.000 tỷ đồng là điều khó thành hiện thực. Và nếu có thì những dự án chống ngập sẽ giải quyết được tình trạng ngập của thành phố?

Theo UBND TP.HCM, đến nay đã yêu cầu Khu quản lý giao thông đô thị số 1 bảo trì, tổ chức giao thông hợp lý qua khu vực cầu vượt; khu quản lý giao thông đô thị số 3 tiếp tục thực hiện giai đoạn 2 dự án xây dựng cầu vượt bằng thép Nguyễn Kiệm - Nguyễn Thái Sơn vượt tiến độ nhưng phải bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn để giải quyết ùn tắc kéo dài.

Hoàng Bắc - Ảnh: Trần Phong

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://www.nguoitieudung.com.vn/tphcm-ton-hang-chuc-ngan-ty-dong-nhung-van-ngap-va-un-tac-giao-thong-d60631.html