TP.HCM: Thách thức lớn phát triển đô thị theo mô hình 'tập trung- đa cực'

Với ưu thế nằm tại vị trí chiến lược, TP.HCM đang tập trung phát triển theo mô hình 'tập trung – đa cực', nhưng phát triển chậm do thiếu nguồn lực và phải đối mặt với nhiều thách thức lớn khác...

Ảnh minh họa.

Theo Viện Quy hoạch Xây dựng TP.HCM, hiện thành phố đã hoàn thành công tác phủ kín quy hoạch phân khu 1/2000 chủ yếu phục vụ công tác quản lý đô thị. Tuy nhiên, quy hoạch chưa gắn kết với phát triển kinh tế - xã hội, do đó, đây là nguyên nhân chủ quan ảnh hưởng đến thực trạng phát triển cấu trúc đô thị của thành phố.

CHƯA HOÀN THIỆN MÔ HÌNH “TẬP TRUNG – ĐA CỰC”

Các trung tâm dịch vụ công cộng cấp thành phố (trung tâm các cực phát triển) và khung hạ tầng giao thông chính (vành đai, trục chính) chưa được hình thành, chưa tạo kết nối với khu trung tâm hiện hữu, để hoàn thiện mô hình “tập trung- đa cực”.

Ngoài ra, vấn đề đa dạng chức năng sử dụng đất và số lượng các trung tâm phụ xung quanh chưa được nghiên cứu phù hợp theo nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến tiến độ hình thành mô hình này.

Sơ lược thực trạng phát triển TP.HCM - Nguồn: Viện Quy hoạch Xây dựng TP.HCM.

Theo đó, các vấn đề thách thức đối với phát triển đô thị tại TP.HCM đó là hình thái đô thị và hạ tầng.

Cụ thể, hình thái không gian đô thị phát triển theo dạng lan tỏa, dàn trải (vùng phát triển tự phát bao quanh khu trung tâm TP.HCM với các trục giao thông hướng tâm) dẫn đến các bất cập về giao thông, môi trường, hệ thống dịch vụ công cộng.

Cấu trúc đô thị đặc thù tại TP.HCM là các khu vực dân cư và nhà ở riêng lẻ phân bố dàn trải, mật độ xây dựng cao nhưng hệ số sử dụng đất thấp và đặc biệt là có nhiều đường hẻm nhỏ và dài.

Cấu trúc đô thị phân tán buộc người dân phải phụ thuộc vào các phương tiện giao thông cá nhân, đặc biệt là xe máy do khoảng cách đi bộ từ nhà ra đường phố chính (có tổ chức giao thông công cộng) là rất lớn. Đồng thời, cấu trúc đô thị phân tán cũng không tạo động lực để phát triển giao thông công cộng do nhu cầu đi lại không tập trung, khó thu gom hành khách.

Mặt khác, giao thông đô thị cũng chưa theo kịp tốc độ phát triển, tỷ lệ đất giao thông thấp, giao thông công cộng còn rất yếu, chỉ đáp ứng được dưới 10% nhu cầu đi lại.

Giao thông đường bộ tại các khu vực có địa hình thấp bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các tác động biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Đặc biệt khu vực phía Nam.

Giao thông đường bộ kết nối giữa TP.HCM và các khu vực lân cận đang đô thị hóa còn yếu, chưa kết nối các phần quan trọng của vùng đại đô thị với nhau.

Chưa có hệ thống giao thông đường sắt nội vùng nhằm kết nối TP.HCM và các cực phát triển tại các địa phương trong vùng thành phố. Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất nằm ngay trong nội đô, hiện quá tải về cơ sở hạ tầng.

Hệ thống cảng biển của vùng TP.HCM hoạt động thiếu cân đối: 80% lượng container hàng hóa tại khu vực TP.HCM phải thông qua cảng Cát Lái (có thể đón tàu trọng tải 30.000 ‐ 40.000 DWT) làm tình trạng ùn ứ nghiêm trọng xảy ra ở đây. Hiện nay, chưa có cảng biển nào trong vùng TP.HCM có đường sắt kết nối, việc vận chuyển hàng hóa ra vào cảng chỉ bằng đường bộ nên tình trạng ùn tắc thường xuyên xảy ra.

Chưa khai thác hết thế mạnh của đường thủy nội địa do có rất nhiều cầu qua kênh, rạch có tĩnh không thấp.

Ngoài ra, thành phố cũng bị tác động và cạnh tranh trong vùng khi sự phát triển nhanh chóng của TP.HCM và các khu vực đô thị chủ yếu tiếp giáp phía Bắc và phía Đông TP.HCM.

Chẳng hạn, phía Nam tỉnh Bình Dương (Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên), phía Tây tỉnh Đồng Nai (Biên Hòa, Trảng Bom, Long Thành, Nhơn Trạch) đang theo xu hướng hình thành một đại đô thị với hạt nhân TP.HCM, có bán kính 30km từ trung tâm, lan tỏa lấn chiếm các không gian mở và bao trùm các đô thị làng mạc xung quanh.

Trên thực tế, xu hướng hiện nay cho thấy sự giảm tương đối của tỷ trọng dân số đô thị TP.HCM so với dân số đô thị toàn vùng (từ 70% cách đây 10 năm xuống 65%) là do sự phát triển bùng nổ của các đô thị lân cận ngoài ranh giới hành chính TP.HCM, đặc biệt tại thành phố Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) và Thủ Dầu Một‐ Thuận An‐ Dĩ An (tỉnh Bình Dương).

“ĐỐI MẶT” BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU VÀ BẪY THU NHẬP TRUNG BÌNH

Đối với vấn đề biến đổi khí hậu, nước biển dâng, thành phố có vị trí ngay gần cửa của hệ thống lưu vực sông lớn thứ 3 Việt Nam ‐ hệ thống sông Đồng Nai tỏa khắp một vùng châu thổ kênh rạch chằng chịt và rừng ngập mặn ven biển. Triều cường lên xuống trong thành phố, và mạng lưới kênh mương và cống đã được xây dựng để chỉnh trị và kiểm soát dòng chảy.

Một phần đáng kể của thành phố thường xuyên ngập lụt do sự kết hợp của cả thủy triều, sóng lớn khi bão, mưa bão, lũ lụt và các công trình nhân tạo.

Ở cấp toàn cầu, TP.HCM được xác nhận là một thành phố chịu nguy cơ các tác động của biến đổi khí hậu – thành phố đã được xác định là một trong 10 thành phố có khả năng chịu tác động nặng nề nhất và đứng hàng thứ 5 về số dân sẽ có thể phải chịu tác động vào năm 2070.

Biến đổi khí hậu sẽ tác động tới hoạt động kinh tế và sản lượng công nghiệp cả trực tiếp bằng việc ngập lụt những khu vực sản xuất lẫn gián tiếp qua việc ngập lụt những hạ tầng thiết yếu.

Sụt lún đất không phải là một yếu tố về khí hậu, nhưng cũng là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến khu vực thường xuyên xảy ra ngập lụt và thiệt hại khi có mưa lớn. Nguyên nhân sụt lún đất do khai thác nước ngầm và khả năng thấm hút giảm đang xẩy ra trên diện rộng thành phố.

Đối với thách thức về kinh tế, TP.HCM có nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình khi khả năng cạnh tranh thấp trên bình diện quốc tế.

Tăng trưởng kinh tế phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn đầu tư nước ngoài, do đó, rủi ro cao nếu có biến động. Các ngành kinh tế địa phương chưa trở thành động lực chủ đạo cho nền kinh tế. Doanh nghiệp nội địa chưa phát triển mạnh.

Tăng trưởng kinh tế và thu nhập của TP.HCM cao so với cả nước, nhưng chưa ngang tầm với các đô thị lớn trong khu vực Đông Nam Á.

Chưa chuyển đổi theo hướng nền kinh tế tri thức, thiếu các ngành dịch vụ chất lượng cao, các ngành công nghệ cao và các sản phẩm có khả năng cạnh tranh quốc tế.

Phát triển công nghiệp chủ yếu nhờ thu hút FDI, công nghiệp địa phương chưa phát triển. Liên kết giữa các ngành công nghiệp còn yếu, chưa hỗ trợ và thúc đẩy phát triển cho nhau.

Thiếu các trung tâm giáo dục đào tạo chất lượng cao. Các trung tâm nghiên cứu, viện nghiên cứu phát triển hiện nay chưa ngang tầm với khu vực Đông Nam Á.

Tình trạng nhập cư, tỷ lệ thất nghiệp cao và nền kinh tế phi chính thức gia tăng. Có sự chưa hiệu quả trong đầu tư vào bất động sản. Các hạn chế về khả năng huy động nguồn lực tài chính để đầu tư hạ tầng thành phố...

Theo đó, Viện nghiên cứu quy hoạch cho rằng công tác điều chỉnh quy hoạch chung ngoài vấn đề đạt mục tiêu cụ thể, còn phải đảm bảo xem xét tác động và hậu quả phụ. Điều này giúp tránh tình trạng xung đột lợi ích và tối ưu hóa tác động tích cực đối với cả môi trường và xã hội.

Do vậy, phương pháp tích hợp trong nghiên cứu phát triển đô thị cần đòi hỏi sự hợp tác giữa các bộ phận, tổ chức và chuyên gia đa ngành để đảm bảo rằng toàn bộ hệ thống các yếu tố liên quan được tích hợp vào quá trình đề xuất quyết định và thực hiện kế hoạch.

Ban Mai

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/tp-hcm-thach-thuc-lon-phat-trien-do-thi-theo-mo-hinh-tap-trung-da-cuc.htm