TP.HCM tận dụng đột phá từ Nghị quyết 98, thu hút tối đa nguồn lực kiều bào

Nhiều giải pháp nhằm thu hút nguồn lực trí thức kiều bào tham gia thúc đẩy đổi mới sáng tạo của TP.HCM được các đại biểu đề xuất tại tọa đàm về vai trò cộng đồng doanh nhân, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài đối với sự phát triển TP.HCM theo Nghị quyết 98 của Quốc hội, Chỉ thị 27 của Thành ủy TP.HCM và Nghị quyết 18 của HĐND Thành phố.

Bà Nguyễn Thúy Hồng, Phó Đại sứ, Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ cho biết, đội ngũ doanh nhân, trí thức người Việt ở Mỹ đang phát triển rất mạnh cả về chất và lượng, với hơn 200.000 người, chiếm hơn một nửa số lượng trí thức người Việt Nam ở nước ngoài.

Tuy nhiên hiện còn một số điểm nghẽn về quy tụ nguồn lực của người Việt tại Mỹ do hoạt động vẫn còn riêng lẻ, chưa hình thành mạng lưới nên chưa phát huy tiềm năng vốn có. Ngoài ra, điều kiện làm việc và chế độ đãi ngộ trong nước chưa đủ sức hấp dẫn.

Tọa đàm diễn ra dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến (ảnh: Tỷ Huỳnh)

Bà Hồng đề xuất, các cơ quan hữu quan ở Trung ương và TP.HCM cân nhắc để có biện pháp thiết thực, hiệu quả và mang tính đột phá; hoàn thiện cơ chế tiếp nhận, xử lý, phản hồi và vận dụng hiến kế của các chuyên gia, trí thức kiều bào để họ cảm thấy được lắng nghe:

"Việt kiều tại Mỹ cho rằng cần có những cơ chế hợp tác cụ thể trong từng ngành, từng dự án; trao đổi trực tiếp với các địa phương, bộ ngành, giảm tình trạng họp hành, trao đổi nhưng sau đó chưa có phản hồi, tiếp thu. Chúng tôi cũng kiến nghị TP.HCM xem xét có kế hoạch hợp tác cụ thể với trí thức kiều bào trong từng lĩnh vực, đặc biệt là công nghệ cao, đổi mới sáng tạo; có thể xem xét cân nhắc tạo ra 1 số vị trí việc làm đặc thù, đòi hỏi trình độ chuyên môn, công nghệ cao để tìm kiếm nhân tài", bà Nguyễn Thúy Hồng nói.

Bà Trần Tuệ Tri, kiều bào tại Singapore (ảnh: Ngọc Xuân)

Đồng quan điểm, bà Đỗ Thị Bích Ngọc, Trưởng Văn phòng Khoa học công nghệ Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc cho rằng, TP.HCM nên có những giải pháp cụ thể thu hút đội ngũ nhà khoa học, du học sinh về làm việc sau khi họ hoàn thành chương trình đào tạo hoặc làm việc ở nước ngoài. Thành phố cần xây dựng chương trình hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tiếp nhận công nghệ chuyển giao…

Theo bà Trần Tuệ Tri, kiều bào tại Singapore, Cố vấn cấp cao Việt Nam Brand Purpose, để tiếp tục nâng cao và phát huy hơn nữa tiềm năng khởi nghiệp sáng tạo, TP.HCM phải có những giải pháp đột phá hơn, tập trung về chất chứ không chỉ về lượng: "Khi đến tham quan các vườn ươm, tôi chưa thấy được sự nhộn nhịp, sôi động như ở các trung tâm đổi mới sáng tạo ở Singapore hay Pháp, Đức. Tôi đề xuất TP.HCM có thể tạo tổ hợp dịch vụ về hệ thống sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Với cơ chế của Nghị quyết 98 chúng ta có thể tạo thành một điểm đến, kết nối tất cả nhà đầu tư, đơn vị với nhau".

Bà Vũ Thị Huỳnh Mai, Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM (ảnh: Tỷ Huỳnh)

Tại tọa đàm, bà Vũ Thị Huỳnh Mai, Chủ nhiệm Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM cho biết TP.HCM có 2,8 triệu kiều bào ở 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, nhưng hiện vẫn chưa có hệ thống cơ sở dữ liệu về các lĩnh vực hoạt động của kiều bào và nghề nghiệp của họ. Việc xây dựng phần mềm dữ liệu này hỗ trợ tích cực cho công tác tập hợp kiều bào ở các quốc gia, vùng lãnh thổ, phát huy được vai trò của họ để hỗ trợ cho sự phát triển của TP.HCM.

Ngọc Xuân/VOV-TP.HCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/nguoi-viet/tphcm-tan-dung-dot-pha-tu-nghi-quyet-98-thu-hut-toi-da-nguon-luc-kieu-bao-post1093995.vov