TP. HCM: Sẽ cấm xe tải nhỏ chạy ban ngày để giảm kẹt xe

Để giảm ùn tắc giao thông tại TP. HCM, Chủ tịch UBND TP. HCM đã yêu cầu Sở Giao thông vận tải phối hợp với các sở ngành nghiên cứu phương án không cho xe vận tải nhỏ hoạt động vào ban ngày, chuyển hẳn vào ban đêm.

Ngày 4/8, tại cuộc họp sơ kết tình hình đảm bảo trật tự an toàn giao thông 6 tháng đầu năm 2017, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP. HCM cho biết, tình trạng ùn tắc giao thông vẫn còn thường xuyên xảy ra không chỉ vào giờ cao điểm, nhất là tại khu vực cửa ngõ, các trục đường xuyên tâm, cảng Cát Lái, sân bay Tân Sơn Nhất.

Cấm ô tô tải hoạt động ở nội thành vào ban ngày

Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Thành Phong cho biết, để giảm ùn tắc, đảm bảo trật tự an toàn giao thông từ nay đến hết năm 2017, yêu cầu Sở Giao thông vận tải phối hợp với các sở ngành nghiên cứu phương án không cho xe vận tải nhỏ hoạt động vào ban ngày, chuyển hẳn vào ban đêm trên những hành lang chính hay bị ùn tắc; tiếp tục tổ chức phân luồng giao thông, bổ sung tín hiệu đèn, phối hợp giữa các lực lượng chức năng tại các điểm có nguy cơ ùn tắc.

Đồng thời, yêu cầu Sở Giao thông vận tải phối hợp với các sở ngành liên quan khẩn trương triển khai đề án thu phí đậu xe ô tô, mức phí tăng dần từ ngoại ô vào trung tâm thành phố; đồng thời hoàn thành đề án phố đi bộ khu vực trung tâm; trong đó, có quy hoạch dọc tuyến sông Sài Gòn từ huyện Nhà Bè đến huyện Củ Chi; hoàn tất các thủ tục để khởi công bãi đậu xe ngầm công viên Lê Văn Tám, sân khấu Trống Đồng; đưa vào hoạt động tuyến buýt sông trong tháng 8/2017; phối hợp với các đơn vị của Bộ Giao thông vận tải để tổ chức lại các điểm làm bến bãi đậu xe; đánh giá lại hoạt động của Uber, Grab và có các phương án phân luồng phù hợp, công khai khi hoàn thành các dự án công trình.

Ngoài ra, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong cũng yêu cầu các sở ngành đẩy nhanh kết nối hệ thống camera, từ cơ quan về một đầu mối, tiến hành thu phí tự động tại các trạm thu phí giao thông BOT trên địa bàn; yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét yếu tố làm chỗ để xe khi cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp;

Liên quan đến vấn đề này, ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho biết, vào thời gian buổi trưa, xe tải dưới 5 tấn hoạt động nhiều do phục vụ dịch vụ nhà hàng, khách sạn, cơ sở sản xuất nhỏ trong khu dân cư gây kẹt xe. Vì thế trong thời gian tới sẽ phải hạn chế hoạt động xe tải nhỏ vào ban ngày trên hành lang chính hay ùn tắc.

Sẽ hạn chế xe tải nhỏ hoạt động trong nội đô vào ban ngày.

Sẽ hạn chế xe tải nhỏ hoạt động trong nội đô vào ban ngày.

Trong khi đó, theo Trung tá Huỳnh Trung Phong, Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt (PC67), Công an TP. HCM, trung bình mỗi tháng thành phố đăng ký mới 30.000 phương tiện; trong đó ô tô chiếm 15%. Lượng xe tải hiện đang quản lý chiếm 34% tổng số phương tiện ô tô với khoảng 210.000 xe.

Do quy định về khung thời gian cho phép hoạt động của đối tượng xe tải nên có hiện tượng dồn, ùn xe theo các khung giờ cao điểm, chiếm nhiều diện tích mặt đường.

Ngoài ra các phương tiện này khó soay sở khi xảy ra sự cố giao thông nên dễ dẫn đến ùn tắc. Cùng với đó xe ô tô hoạt động Uber, Grab với số lượng lớn, thời gian hoạt động không hạn chế nên cũng ảnh hưởng nhất định đến trật tự an toàn giao thông.

Ngoài ra, Chủ tịch UBND TP. HCM còn yêu cầu các Sở, ngành liên quan phải kiên quyết không cấp phép xây dựng đối với các cao ốc, công trình tập trung đông người trên một số trục đường, một số khu vực chưa đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông theo quy hoạch và dứt khoát không được mềm lòng. Ngoài ra, các Sở, ngành phải đẩy nhanh tiến độ đề án thu phí ô tô vào trung tâm TP theo giờ, tuyến đường.

Không cấp phép xây dựng đối với các cao ốc, công trình tập trung đông người trên một số trục đường.

92% vụ TNGT là do ý thức của người tham gia gia giao thông

Báo cáo tại cuộc họp, Phó Trưởng Ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TP Nguyễn Ngọc Tường cho biết, trong 6 tháng đầu năm nay, toàn thành phố xảy ra 1.814 vụ tai nạn giao thông, làm chết 333 người, bị thương 1.446 người.

So với cùng kỳ năm ngoái, số vụ tai nạn giao thông đã giảm 29 vụ, số người chết giảm 60 người, số bị thương giảm 51 người.

Có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu do lái xe cơ giới lưu thông không đúng phần đường, không chú ý quan sát, xử lý tay lái kém, đổi hướng không đúng quy định, không giữ khoảng cách an toàn, vi phạm tốc độ… Có hơn 92% vụ tai nạn giao thông liên quan đến ý thức của người tham gia lưu thông còn kém.

Ùn tắc giao thông tại TP.HCM đang làm đau đầu các nhà quản lý.

Trong thời gian qua, hàng loạt các giải pháp giảm ùn tắc giao thông đã được TP. HCM đề xuất và áp dụng nhưng vẫn chưa có phương án nào phát huy được tác dụng. Bài toán giảm ùn tắc giao thông vẫn đang là bài toán nan giải với thành phố.

Hiện, TP.HCM có khoảng 800.00 ôtô và 7 triệu xe máy, chiếm 1/3 lượng xe máy của cả nước, chưa kể có khoảng hơn 1 triệu xe máy của người dân từ các địa phương khác đến TP.HCM làm ăn sinh sống. Và trung bình mỗi ngày thành phố có khoảng 850 môtô, xe gắn máy và 180 ôtô đăng ký mới.

Theo các chuyên gia giao thông, có hai nguyên nhân cơ bản dẫn đến ùn tắc giao thông ngày càng nghiêm trọng tại các thành phố lớn là ý thức người dân và hạ tầng phát triển không kịp với nhu cầu.

Trước đó, hồi tháng 7 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo triển khai các giải pháp chống ùn tắc giao thông trên địa bàn hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM.

P.V (tổng hợp theo TTXVN, Lao Động, SGGP)

Pháp luật Net

Nguồn Pháp Luật Net: http://phapluatnet.vn/tin-trong-nuoc/tp-hcm-se-cam-xe-tai-nho-chay-ban-ngay-de-giam-ket-xe