TP.HCM quản lý mua bán trên vỉa hè theo danh mục vị trí, bỏ cấp phép sử dụng

Theo quy định mới của TP.HCM: Các tổ chức kinh doanh dịch vụ, mua bán hàng hóa sử dụng tạm thời một phần vỉa hè được xếp vào trường hợp không phải cấp phép sử dụng. Tuy nhiên, phải tuân theo danh mục vị trí hè phố đủ điều kiện tổ chức kinh doanh dịch vụ, mua bán hàng hóa do UBND cấp huyện ban hành.

UBND TP.HCM vừa ký ban hành Quyết định số 32 ngày 26.7.2023 quy định về quản lý và sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố (vỉa hè) trên địa bàn TP.HCM.

Theo đó, từ ngày 1.9.2023, việc sử dụng tạm thời hè phố làm điểm tổ chức kinh doanh dịch vụ, mua bán hàng hóa phải tuân theo danh mục do UBND cấp huyện ban hành. UBND TP.HCM phân cấp cho UBND cấp huyện ban hành danh mục vị trí hè phố đủ điều kiện tổ chức kinh doanh dịch vụ, mua bán hàng hóa.

Đây là 1 trong 5 trường hợp được sử dụng tạm thời một phần hè phố không phải cấp phép sử dụng(*). Phạm vi sử dụng là một phần hè phố tại vị trí tiếp giáp với địa điểm mà nơi tổ chức, cá nhân đăng ký hoạt động kinh doanh dịch vụ, mua bán hàng hóa.

Từ ngày 1.9.2023 TP.HCM bỏ thủ tục cấp phép sử dụng tạm thời vỉa hè để kinh doanh dịch vụ, buôn bán hàng hóa. Ảnh: Tứ Quý

Ngoài ra, còn có các trường hợp khác được sử dụng tạm thời một phần hè phố không phải cấp phép sử dụng:

Tổ chức đám cưới, đám tang và điểm trông, giữ xe phục vụ đám cưới, đám tang (Hộ gia đình có đăng ký cư trú tại địa phương. Thời gian sử dụng không quá 48 giờ. Trường hợp đặc biệt không được quá 72 giờ đối với đám tang. Khi có nhu cầu sử dụng tạm thời một phần hè phố tổ chức đám cưới, đám tang và điểm trông giữ xe phục vụ đám cưới, đám tang phải thông báo cho UBND cấp xã nơi cư trú để được hỗ trợ giải quyết; hướng dẫn, giám sát thực hiện và tạo điều kiện, hỗ trợ các biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị..);

Điểm để xe hai bánh không thu tiền dịch vụ trông, giữ xe (tổ chức, cá nhân có đăng ký cư trú, đăng ký hoạt động kinh doanh được sử dụng tạm thời hè phố làm điểm để xe hai bánh không thu tiền dịch vụ trông, giữ xe nhưng phải thuộc danh mục do UBND cấp huyện ban hành, bao gồm vị trí hè phố đủ điều kiện tổ chức điểm để xe hai bánh không thu tiền dịch vụ trông, giữ xe tại cửa hàng, trụ sở hoạt động của tổ chức, cá nhân.

Phạm vi sử dụng là một phần hè phố tại vị trí tiếp giáp công trình nhà ở, hộ kinh doanh, trụ sở nơi tổ chức, cá nhân đăng ký cư trú, hoạt động kinh doanh, mua bán hàng hóa tại địa phương);

Đối với điểm bố trí các công trình, tiện ích phục vụ giao thông công cộng, lắp đặt các công trình tạm, các công trình phục vụ tổ chức giao thông trên hè phố, dải phân cách, đảo giao thông và bố trí đường dành cho xe đạp: UBND TP.HCM phân cấp cho Sở Giao thông vận tải xem xét chấp thuận.

TP.HCM ước tính thu được 1.552 tỷ đồng/năm phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố. Ảnh: Tứ Quý

Các trường hợp sử dụng tạm thời một phần hè phố phải cấp phép sử dụng: Tổ chức các hoạt động văn hóa (thể thao, diễu hành, lễ hội), tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước (Thời gian sử dụng theo giấy phép UBND cấp huyện nhưng không quá 30 ngày; trường hợp hơn 30 ngày phải được UBND TP.HCM chấp thuận);

Điểm trông, giữ xe phục vụ hoạt động văn hóa (thể thao, diễu hành, lễ hội);

Điểm trung chuyển vật liệu, phế thải xây dựng để phục vụ thi công công trình (tổ chức, cá nhân được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng hoặc công trình thuộc các trường hợp được miễn cấp giấy phép xây dựng; Phạm vi và thời gian sử dụng theo giấy phép UBND cấp huyện, từ 22 giờ đêm ngày hôm trước đến 6 giờ sáng ngày hôm sau);

Điểm trông, giữ xe có thu phí (UBND cấp huyện ban hành danh mục các tuyến đường có phần hè phố đủ điều kiện bố trí điểm trông, giữ xe có thu phí. Các tổ chức đáp ứng yêu cầu kinh doanh hoạt động trông, giữ xe có thu phí theo quy định).

Các trường hợp sử dụng tạm thời một phần lòng đường: Tổ chức các hoạt động văn hóa (thể thao, diễu hành, lễ hội) và điểm trông, giữ xe ô tô phục vụ các hoạt động văn hóa (Theo giấy phép của Sở Giao thông vận tải hoặc UBND cấp huyện. Thời gian sử dụng lòng đường làm điểm trông, giữ xe ô tô phục vụ các hoạt động văn hóa không được quá thời gian tổ chức hoạt động văn hóa đó);

Điểm trung chuyển rác thải sinh hoạt của doanh nghiệp vệ sinh môi trường đô thị (Sở Giao thông vận tải ban hành danh mục các vị trí, tuyến đường có lòng đường đủ điều kiện bố trí điểm trung chuyển rác thải sinh hoạt của doanh nghiệp vệ sinh môi trường đô thị. Các doanh nghiệp vệ sinh môi trường đô thị phải đáp ứng các điều kiện về hoạt động trung chuyển rác thải theo quy định. Thời gian từ 22 giờ đêm ngày hôm trước đến 06 giờ sáng ngày hôm sau);

Bố trí điểm trông, giữ xe có thu phí (Sở Giao thông vận tải ban hành danh mục các tuyến đường có lòng đường đủ điều kiện bố trí điểm trông, giữ xe có thu phí. Các tổ chức đáp ứng yêu cầu kinh doanh hoạt động trông, giữ xe có thu phí theo quy định thực hiện theo phạm vi và thời gian sử dụng tại giấy phép được cấp).

Vạch sơn trên vỉa hè trung tâm TP.HCM phân định khu vực đỗ xe sát tường, dành một lối thông thoáng cho người đi bộ và không gian cho các hoạt động gần phía lòng đường. Ảnh: Tứ Quý

Tổ chức, cá nhân khi xây dựng công trình (dân dụng, công nghiệp, nhà ở riêng lẻ, hạ tầng kỹ thuật) tiếp giáp lòng đường, hè phố phải có giải pháp để bảo vệ an toàn cho người tham gia giao thông khi lưu thông qua khu vực công trình (có kết cấu che chắn xung quanh, bên trên phạm vi lưu thông của người đi bộ, bố trí hàng rào, đèn chiếu sáng, biển cảnh báo).

Cơ quan được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo phân cấp xem xét quyết định việc bố trí công trình phụ trợ để bảo đảm an toàn giao thông cho người đi bộ trên hè phố (hàng rào, trụ ngăn xe) tại khu vực tập trung đông người và khu vực cần thiết khác.

Việc thu và nộp phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố thực hiện theo quy định tại Luật Phí và Lệ phí và các văn bản hướng dẫn thi hành.

“Phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố là khoản thu đối với tổ chức, cá nhân được phép sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố theo quy định của pháp luật; phù hợp với quy hoạch, kế hoạch và quy định của Nhà nước về quản lý, sử dụng lòng đường, hè phố theo quy định tại Luật Phí và Lệ phí và các văn bản hướng dẫn thi hành” – Quyết định 32 cho biết.

Như Người Đô Thị đã thông tin, cuối tháng 6.2023 Sở Giao thông vận tải TP.HCM có tờ trình gửi UBND TP.HCM đề nghị xây dựng Nghị quyết ban hành mức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn TP.HCM. Theo đó, dự kiến nguồn thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố là 1.552 tỷ đồng/năm, sẽ nộp toàn bộ vào ngân sách thành phố nhằm mục đích duy tu, bảo trì lòng đường, hè phố…

Phải có bản vẽ vị trí mặt bằng đề nghị cấp phép sử dụng tạm thời

Đối với các trường hợp phải thực hiện thủ tục cấp phép sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố, nộp hồ sơ cấp phép bao gồm: Đơn đề nghị cấp phép sử dụng tạm thời một phần lòng đường hoặc hè phố (theo mẫu); một bản vẽ vị trí mặt bằng đề nghị cấp phép sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố có đầy đủ các thông tin: vị trí sử dụng, phạm vi sử dụng, phương án bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (theo mẫu).

Đối với trường hợp điểm trung chuyển vật liệu, phế thải xây dựng để phục vụ thi công công trình, hồ sơ phải kèm theo Giấy phép xây dựng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp (bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu)…

Minh Hoàng – Phạm Tuấn

(*) Theo quy định tại Quyết định số 74 ngày 23.10.2008 mà Quyết định số 32 ngày 26.7.2023 thay thế: Việc cấp phép sử dụng tạm thời vỉa hè vào việc kinh doanh dịch vụ, buôn bán hàng hóa chỉ áp dụng tại các tuyến đường nằm trong danh mục công trình và tuyến đường đặc thù được phép sử dụng vỉa hè vào kinh doanh dịch vụ, buôn bán hàng hóa. UBND các quận, huyện lập danh mục này, gửi Sở Giao thông vận tải thẩm định và trình UBND thành phố quyết định

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/tp-hcm-quan-ly-mua-ban-tren-via-he-theo-danh-muc-vi-tri-bo-cap-phep-su-dung-40387.html