TP.HCM phải phát triển đa cực, xanh, thông minh

Theo các chuyên gia, kiểu phát triển 'vết dầu loang' (đô thị đơn cực) lâu nay không thích hợp nữa, thay vào đó, thành phố phải phát triển đa cực, xanh, thông minh, đảm bảo môi trường bền vững.

Tạo không gian mới, động lực mới, giá trị mới cho TP.HCM

Phát biểu khai mạc hội thảo và gợi ý thảo luận, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng ghi nhận, đồ án quy hoạch được chuẩn bị công phu, khoa học, cơ bản có những cơ sở pháp lý làm nền tảng. Ông Nguyễn Chí Dũng nêu rõ Quy hoạch lần này hướng tới mục tiêu tạo không gian mới, động lực mới, giá trị mới cho TP.HCM. Nhấn mạnh TP.HCM là đô thị đặc biệt, là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục, công nghệ hàng đầu của cả nước, tuy nhiên thời gian qua sự phát triển của TP đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, kỳ vọng.

“Các tỉnh, thành khác vượt lên, TP.HCM chậm lại. Sắp tới, lợi thế cửa ngõ quốc tế chắc chắn sẽ suy giảm khi sân bay Quốc tế Long Thành đi vào hoạt động”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đặt vấn đề.

Toàn cảnh hội thảo

Với vai trò là Chủ tịch Hội đồng thẩm định Quy hoạch, ông Nguyễn Chí Dũng cũng thẳng thắn nêu rõ, hạ tầng đô thị TP.HCM đang quá tải, chậm phát triển hạ tầng ngầm, khiến chất lượng cuộc sống người dân không được tăng cao, đối mặt với các vấn đề về ngập úng, ùn tắc giao thông…

Do đó, tại khuôn khổ hội thảo này, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng đề nghị các đại biểu cho ý kiến về các vấn đề trọng tâm mà TP.HCM cần giải quyết hiện nay là gì, trọng tâm trọng điểm của Quy hoạch là gì. Đồng thời, xác định khâu đột phá thời gian tới.

Theo Bộ trưởng Bộ KH-ĐT, TP.HCM cũng đã đề xuất mục tiêu, kịch bản tăng trưởng, tầm nhìn của TP trong dự thảo Quy hoạch. Bộ trưởng đề nghị các chuyên gia đánh giá các vấn đề này một cách thấu đáo để TP xem xét tính phù hợp của mục tiêu, kịch bản, tầm nhìn.

Lãnh đạo Bộ KH-ĐT cũng gợi mở hội thảo cần tập trung cho ý kiến về các ngành, lĩnh vực ưu tiên của TP.HCM; cho ý kiến về phát triển hạ tầng của TP gồm hạ tầng giao thông, hạ tầng ngầm, hạ tầng số…; an ninh nguồn nước; phát triển văn hóa – xã hội.

Xác lập vai trò kết nối của TP.HCM với các đô thị lớn

Trước khi bước vào phiên thảo luận, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã khẳng định nhận thức, quyết tâm của TP.HCM trong việc xây dựng Quy hoạch. Theo Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi, TP.HCM xác định nhận lãnh vai trò trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước trong bối cảnh hội nhập, cạnh tranh quốc tế. TP.HCM có trách nhiệm để xác lập vị trí, vai trò, nhiệm vụ của mình trong xây dựng phát triển đất nước.

Người đứng đầu chính quyền TP.HCM nêu rõ TP xác định việc lập Quy hoạch không chỉ làm riêng cho TP và TP cũng không thể tự làm một mình. Theo đó, TP.HCM thực hiện việc này đặt trong bối cảnh liên kết vùng, liên kết, hợp tác quốc tế. "Chúng tôi đặt trong bối cảnh hợp tác quốc tế, từ khu vực như Đông Nam Á, châu Á, từ đó xác lập vai trò kết nối của TP đối với các đô thị lớn của các nước", ông Phan Văn Mãi cho hay.

Ông Phan Văn Mãi bày tỏ mong muốn hội thảo giúp nhận diện rõ hơn những hạn chế, khai mở hết tiềm năng để TP.HCM làm tròn vai trò đã nhận lãnh là một trung tâm phát triển, không chỉ của vùng Đông Nam bộ, mà của cả nước và xa hơn, là của khu vực.

Khái quát về định hướng xây dựng quy hoạch, GS-TS, KTS Trần Trọng Hanh, Chủ nhiệm Đồ án quy hoạch TP.HCM nói, với quy mô dân số gần 10 triệu dân, TP.HCM sẽ là 1 trong 20 siêu thành phố trên thế giới; trong khi quỹ đất thuận lợi để khai thác còn lại rất ít.

“Kiểu phát triển “vết dầu loang” (đô thị đơn cực) lâu nay không thích hợp nữa, thay vào đó, thành phố phải phát triển đa cực, xanh, thông minh, đảm bảo môi trường bền vững. Mô hình phát triển mới cũng sẽ ngăn chặn được tình trạng di dân ồ ạt, nâng cao chất lượng sống cho người dân”, GS-TS, KTS Trần Trọng Hanh nhấn mạnh.

Trong khi đó, TS Cao Viết Sinh, nguyên Thứ trưởng Bộ KH-ĐT, cho rằng, TP.HCM từng là ví dụ tiêu biểu của đổi mới sáng tạo, nhưng bây giờ dường như “dè dặt hơn nhiều”.

Về kịch bản tăng trưởng, TS Cao Viết Sinh cho rằng, các kịch bản nêu trong quy hoạch có phần chưa hợp lý: “Nếu thành phố chỉ chọn tăng trưởng 8,3% (kịch bản trung bình - PV) thì vùng không thể đạt 9% như quy hoạch vùng đã xác định”. Theo ông, mức hợp lý phải là 9%.

Ông Chris Malone, Giám đốc Điều hành của Boston Consulting Group (BCG) cho rằng, đồ án quy hoạch khá tập trung vào phát triển không gian, cần chú trọng hơn về phát triển kinh tế - xã hội. Theo vị chuyên gia này, TP.HCM giống một chiếc xe hơi, muốn chạy được với tốc độ cao thì trước hết phải đánh giá rất cụ thể động cơ của chiếc xe đó cũng như chế độ vận hành. "TP.HCM có thể và cần phát huy thế mạnh của mình về đội ngũ nhân lực trẻ, thông minh, năng động với trình độ công nghệ cao để phát triển mạnh mẽ các ngành dịch vụ nói chung và dịch vụ phục vụ sản xuất nói riêng", ông Chris Malone nhấn mạnh.

Phương Hà

Nguồn Du lịch TP.HCM: https://tcdulichtphcm.vn/chuyen-dong/tphcm-phai-phat-trien-da-cuc-xanh-thong-minh-c2a69403.html