TP.HCM phải là địa phương mạnh về CNTT

(TBVTSG) - TP.HCM được xem là thị trường thuận lợi cho ngành công nghệ thông tin (CNTT) phát triển nhờ vào nhiều yếu tố, từ hạ tầng kỹ thuật, năng lực ứng dụng, đội ngũ doanh nghiệp mạnh cho đến nguồn nhân lực.

Hoàng Duy Dịch vụ CNTT hiện chỉ chiếm khoảng 10% giá trị thị trường nhưng tỷ lệ tăng trưởng đạt khoảng 65-70%. Ảnh: Lê Toàn. Theo ông Lê Mạnh Hà, Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông TP.HCM, thành phố hội đủ các yếu tố để trở thành địa phương mạnh về CNTT. Các yếu tố lợi thế Trước tiên, đây là thị trường lớn cho ngành dịch vụ CNTT phát triển, là nơi hoạt động của nhiều doanh nghiệp CNTT lớn và tập trung nguồn nhân lực chất lượng cao của cả nước. Bên cạnh đó, TP.HCM còn có các khu công nghiệp phần mềm hoạt động có hiệu quả, là môi trường tốt cho các dịch vụ như gia công phần mềm, đào tạo, nghiên cứu… phát triển. “Việc ứng dụng mạnh CNTT trong khối cơ quan chính phủ, doanh nghiệp và người dân đang là những tiền đề quan trọng thúc đẩy thị trường CNTT phát triển”, ông Hà nói. Ông Hà cho biết, hướng đi của TP.HCM trong giai đoạn tới là tiếp tục triển khai mạnh mô hình chính phủ điện tử, tăng cường số lượng dịch vụ đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ công hướng đến doanh nghiệp và người dân. Mặt khác, để thúc đẩy ngành công nghiệp CNTT, TP.HCM sẽ tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của các khu công nghiệp CNTT tập trung hiện đang là thế mạnh của thành phố so với cả nước. Trong đó, gia công phần mềm là mảng hoạt động có lợi thế lớn của TP.HCM sẽ được chú trọng để có những bước đi phù hợp. Theo ông Hà, TP.HCM xếp thứ 4 trong “top 50” thành phố mới nổi hấp dẫn nhất về gia công phần mềm quốc tế do Global Services bình chọn năm 2009. Trong khi đó, dưới góc độ đánh giá về các thành phố là nơi an toàn khi gia công phần mềm dịch vụ thì TP.HCM xếp thứ 34/50 do Brown-Wilon Group xếp hạng. Nếu giữ được tốc độ tăng trưởng 35%/năm (theo số liệu tăng trưởng của ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam) thì trong ba năm tới TP.HCM sẽ đạt doanh thu ngang với thành phố Penang của Malaysia, tức khoảng 560 triệu đô-la Mỹ (năm 2009). Xét ở các yếu tố thị trường, về sản xuất, tại TP.HCM thị trường phần cứng chiếm 70% với tỷ lệ tăng trưởng 15-20%; phần mềm chiếm 20% nhưng tốc độ tăng trưởng đạt 30-40%. Dịch vụ CNTT hiện chỉ chiếm khoảng 10% giá trị thị trường nhưng tỷ lệ tăng trưởng đạt khoảng 65-70%. Những dữ liệu này cho thấy TP.HCM là thị trường tiềm năng cho việc phát triển ngành công nghiệp CNTT theo chiều sâu và có giá trị gia tăng cao trong tương lai, nếu có những lộ trình phát triển hợp lý. Đầu tư cho hạ tầng cơ sở TP.HCM đã có những bước tiến nhanh trong việc đầu tư cho kiến trúc hạ tầng CNTT để kết nối và cung cấp dịch vụ công. Mạng truyền dẫn tốc độ cao Metronet được sử dụng có hiệu quả cho việc kết nối các dữ liệu đến các sở ngành, quận huyện và các trường đại học. Nhiều hạ tầng quan trọng cho dịch vụ CNTT đã được chuẩn bị như Trung tâm chứng thực chữ ký số (CA) đã hoạt động từ năm 2006. Hạ tầng hiện nay đang hoạt động kết nối giữa mạng Metronet liên kết các sở ngành, cùng với các cơ sở song song như trung tâm dữ liệu (IDC), trung tâm quản trị hệ thống mạng (NOC), trung tâm CA và hệ thống định danh (AD). Các nội dung dữ liệu tại từng sở ngành trước đây hiện được tích hợp và xử lý để đưa về hệ thống trung tâm dữ liệu của thành phố. Đây được xem là cơ sở hoàn chỉnh cho việc tích hợp thống nhất với các sở chuyên ngành về nội dung thông tin, giải pháp công nghệ, giải pháp kỹ thuật và bước tiến cho các dịch vụ công ở cấp độ cao nhất có thể. Một bước đi quan trọng nữa là việc hợp tác giữa Công ty Phát triển Công viên Phần mềm Quang Trung (QTSC) và IBM để xây dựng nền tảng đám mây phục vụ cho việc phát triển chính quyền điện tử tại TP.HCM. Phòng thí nghiệm này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy nhanh hơn quá trình hiện đại hóa cơ sở hạ tầng công nghệ của thành phố. Một hệ thống hosting và nền tảng giải pháp sẽ đáp ứng được những tiêu chuẩn quản lý khắt khe hơn về kỹ thuật và hiệu suất trên kiến trúc mạng Internet phục vụ việc hợp nhất dữ liệu của chính quyền thành phố trong tương lai. Nếu việc đầu tư và ứng dụng thành công, thành phố sẽ sở hữu một hạ tầng có năng lực kiểm soát tốt hơn các nguồn tài nguyên, tính bảo mật và khả năng mở rộng cao. Điều này cho phép chính quyền thành phố đưa ra các dịch vụ công tốt hơn để hỗ trợ sự tăng trưởng và phát triển trong tương lai. Tiên phong ứng dụng dịch vụ công TP.HCM từ nhiều năm nay vẫn duy trì vị trí số 1 cả nước về số lượng dịch vụ công cung cấp trên mạng lẫn số lượng người dân truy cập thông tin. Hai yếu tố gắn kết hữu cơ này đã thúc đẩy nhanh hơn việc cải tiến nền hành chính điện tử so với các địa phương khác trên cả nước. Hơn 4.000 dịch vụ công trực tuyến được cung ứng trong nhiều lĩnh vực quan trọng như cấp giấy phép hồ sơ kinh tế, xây dựng, văn hóa, lao động, hộ tịch, khai sinh, chứng tử… Nhiều dịch vụ đang được cung cấp ở cấp độ 3 và đang thử nghiệm ở cấp độ 4 cho quy trình hành chính khép kín. Các dịch vụ công cũng đang dần được số hóa để có thể cung cấp được trên nền công nghệ 3G như một xu hướng của dich vụ di động trong tương lai. Song song đó, TP.HCM đã mở rộng hợp tác, chia sẻ công nghệ và các giải pháp ứng dụng đến các tỉnh thành lân cận để tạo nên những hiệu ứng nhất định trong việc ứng dụng chính quyền điện tử trên cả nước. Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó giám đốc Sở Thông tin-Truyền thông TP.HCM, kinh nghiệm thành công của thành phố trong việc triển khai và xây dựng chính quyền điện tử là sự kết hợp giữa nhiều yếu tố, mà trước tiên là sự tập trung quản lý nhà nước về một cơ quan đầu mối cùng với định hướng đúng trong việc triển khai. TP.HCM đã tạo được một cơ chế vận hành linh hoạt trên cơ sở định hướng rõ ràng về mô hình chính quyền điện tử là giải quyết những vấn đề xuất phát từ nhu cầu thực tế. Theo ông Tuấn, thực chất của chính quyền điện tử là phần mềm ứng dụng nhưng để thành công phải đi từ thực tiễn ở các địa phương để có thể đo lường cụ thể hiệu quả. Trong đó giải pháp công nghệ không mang tính quyết định mà sự thành công nằm ở chỗ con người - bộ máy vận hành công nghệ đó. Giải quyết bài toán quan trọng về dịch vụ công là phải định hướng triển khai và đầu tư đồng bộ từ cơ sở hạ tầng, phần mềm cho đến cơ sở dữ liệu và đào tạo nguồn nhân lực. Lộ trình này đi từ mô hình thí điểm cụ thể tại từng địa phương, bộ phận hoặc lĩnh vực cần thiết, sau đó có những sự đánh giá, chọn lọc và nhân rộng. Theo ông Tuấn, thành công của ứng dụng CNTT trong việc quản lý nhà nước chính là làm thay đổi mô hình giao dịch chính phủ truyền thống nhờ tính tương tác mạnh hơn và liên thông, các nhu cầu được đáp ứng nhanh chóng. Quy trình dịch vụ công nếu ứng dụng thành công sẽ là giải pháp giúp kết nối và chia sẻ thông tin để xử lý công việc nhanh chóng và tiết kiệm được nhiều thời gian, tiền của cho cả xã hội.

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/home/kinhteso/toancanh/41044/