TP.HCM nắng nóng kỷ lục, bao giờ mới có mưa 'thật đã'?

Giữa lúc hàng triệu người khắp Đông Nam Á hứng chịu đợt nắng nóng gay gắt, cư dân ở TP.HCM cũng đang từng ngày mong ngóng mưa xuống. Và cư dân mạng có cách cầu mưa của riêng mình.

Giữa đợt nắng nóng kỷ lục ở TP.HCM và Nam Bộ, cư dân mạng những ngày qua đang bắt đầu "réo tên" những nhân vật có khả năng "hô mưa, gọi gió" như Thủy Tinh, nữ hoàng băng giá Elsa, nàng tiên mùa đông trong Chuyện bốn mùa (sách giáo khoa tiếng Việt 2)... Nổi bật hơn cả là nhân vật Bà La Sát cùng chiếc quạt Ba Tiêu "quạt một cái thì lửa tắt, quạt hai cái thì sinh gió, quạt ba cái thì mưa xuống".

"Lập đoàn đi Hỏa Diệm Sơn, mượn quạt Ba Tiêu" là một sự kiện ảo trên Facebook thu hút khoảng 9.000 người hưởng ứng khi nắng nóng dự kiến kéo dài đến hết tháng 5.

Trang Nhung (15 tuổi) bày tỏ: "Các sự kiện được tạo ra ít nhiều để giải trí nhưng cũng khiến những ai trải qua đợt nắng nóng gay gắt hoàn toàn đồng cảm".

Đợt nắng nóng dài nhất trong gần 30 năm

Đang trong giai đoạn ôn thi vào lớp 10, Nhung cho biết nắng nóng kéo dài đã ảnh hưởng đáng kể đến tinh thần học tập của mình, nhất là khi nữ sinh không ăn bán trú nên phải về nhà buổi trưa, rồi tiếp tục đi học buổi chiều trong khung giờ 11h-13h.

Sự kiện "hô mưa, gọi gió" được nhiều người quan tâm những ngày qua.

"Nóng bức làm em thấy mệt hơn vào tiết cuối. Đoạn đường từ trường về nhà thật kinh khủng vì nắng rát da. Thời tiết như vậy khiến em không muốn làm gì, ăn gì, chỉ uống nước lạnh nhiều để hạ nhiệt - dù em biết như vậy không tốt", Nhung vừa nhìn thoáng qua chỉ số nhiệt độ phòng trên quạt hơi nước ở nhà, vừa nói với Tri thức - Znews. Nhiệt độ luôn dao động 35-37 độ C.

Vì nhà không có điều hòa, Nhung thường trằn trọc 2-3 giờ ban đêm mới có thể đi vào giấc ngủ.

Người đi làm như chị Hương (48 tuổi) cũng không tránh khỏi tình trạng rát chân, đổ mồ hôi đầm đìa trong quá trình di chuyển từ nhà đến công ty trên các tuyến đường ít cây xanh.

"Tôi có cảm giác người mình đã... bốc hơi. Khả năng chịu nóng của tôi không đến nỗi nào nhưng đợt nắng nóng kéo dài bất thường này có vẻ hơi quá sức chịu đựng. Tôi nhớ là trời đã mưa vào tầm này năm ngoái, nhưng năm nay thì đợi mãi không thấy trận mưa nào thật 'đã'", chị Hương bày tỏ.

Những ngày nóng đỉnh điểm ở TP.HCM. Ảnh: Khương Nguyễn - Duy Hiệu.

Từ đầu năm 2024 đến nay, người dân TP.HCM đã hứng chịu đợt nắng nóng dài nhất trong gần 30 năm (1997-2024), tức có tới 82 ngày nhiệt độ không khí cao nhất ngày đạt trên 35 độ C, theo ông Lê Đình Quyết, Trưởng phòng dự báo - Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ.

"Nhiệt độ không khí trung bình có xu hướng tăng theo từng năm, còn nắng nóng diễn ra với cường độ không đồng đều. Mức nhiệt cao nhất ở TP.HCM hàng chục năm qua không vượt quá 39 độ C; riêng năm 2024 đạt 39 độ - gần bằng mức cao nhất lịch sử là 39,3 độ vào ngày 7/5/1998", ông Quyết nói với Znews.

Bước sang tuần đầu tháng 5, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ dự báo nhiệt độ cao nhất của TP.HCM phổ biến ở mức 35-38 độ C, thấp nhất là 25-28 độ C. Như vậy, nắng nóng và nắng nóng gay gắt giảm bớt so với tuần cuối tháng 4, song vẫn còn xuất hiện ở trung tâm thành phố trong một vài ngày.

Bao giờ cho đến mùa mưa?

Sáng 2/5, một số khu vực ở quận 1, 3, 5, 6, Phú Nhuận... xuất hiện mưa rào khoảng 5-10 phút. Mưa đúng buổi sáng đầu tiên mọi người đi làm trở lại sau kỳ nghỉ lễ đã khiến nhiều người bất ngờ, hy vọng "cơn mưa vàng" này là dấu hiệu cho mùa mưa sắp đến để đập tan nóng bức ngày qua.

Nhiều người té xe do đường trơn trượt sau mưa hôm 2/5. Ảnh: Tôi là dân quận 5.

Trong bốn tháng đầu năm, TP.HCM đã đón ba cơn mưa rải rác trên địa bàn, chủ yếu là những cơn mưa nhỏ, phạm vi hẹp và không kéo dài. Về điều này, ông Quyết lý giải: "Những cơn mưa này chưa phải do hệ thống thời tiết lớn gây ra. Gió tầng thấp hiện là gió Nam, Đông Nam, thậm chí Tây Nam. Đây là dấu hiệu cho mùa mưa sắp đến với những cơn mưa đầu mùa, dự báo mưa có khả năng xuất hiện nhiều hơn từ ngày 4-5/5. Đến 15/5, TP.HCM bắt đầu bước vào mùa mưa".

Một hiện tượng thời tiết khác được nhiều người quan tâm là El Nino. Khoảng tháng 6, nó có thể chuyển sang La Nina mang theo mưa bão nhiều, nhiệt độ giảm... Tuy nhiên, các tác động này chưa chắc chắn vì kể cả những năm trung tính (không El Nino hay La Nina) vẫn xảy ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan.

Hiện tại, TP.HCM và các tỉnh Nam Bộ đã qua giai đoạn nắng nóng đỉnh điểm, song ông Quyết cho biết những ngày nhiệt độ không khí trên 35-36 độ nhưng không quá 40 độ sẽ tiếp diễn từ nay đến hết tháng 5.

Mưa khá lớn chiều 27/2 nhưng cũng nhanh chóng tạnh ráo. Ảnh: Duy Hiệu.

Đối với các tỉnh thành ở Bắc Bộ, Tây Nguyên, Trung Bộ và Nam Trung Bộ, tháng 5, tháng 6 vẫn là những tháng có nhiệt độ cực cao khi nhận "cú đấm kép" từ áp thấp nóng phía Tây hoạt động mạnh cộng với hiệu ứng phơn (hay gió khô nóng). Nhiệt độ khi ấy có thể lên đến 43-44 độ C.

"Nắng nóng với mức nhiệt trên 39 độ C gọi là đặc biệt gay gắt, có tác động rất xấu tới sức khỏe con người, nhất là đối tượng dễ bị tổn thương như người già và trẻ nhỏ", ông Quyết cảnh báo trong khi đọc tin tức trường học đóng cửa, nhiều người tử vong ở các nước Đông Nam Á.

Ngoài nắng nóng, biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng còn kéo theo nhiều hiện tượng cực đoan khác. Chẳng hạn, TP.HCM phải đối mặt với các trận mưa lớn gây ngập lụt diện rộng, kèm theo giông, lốc, gió giật mạnh, triều cường...

Mai Vũ

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/tphcm-nang-nong-ky-luc-bao-gio-moi-co-mua-that-da-post1473513.html