TP.HCM mang tết ấm áp đến người dân

Tổng kinh phí chăm lo tết Nhâm Dần trên địa bàn TP.HCM là hơn 1.062 tỉ đồng, tăng 136 tỉ đồng so với năm 2021.

TP.HCM vừa trải qua một năm với nhiều khó khăn, thử thách do ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19 lần thứ tư. Hiện nay, dịch COVID-19 đã giảm nhưng người dân, doanh nghiệp trên địa bàn TP phải gánh chịu nhiều sự mất mát cả về vật chất lẫn tinh thần.

Nhằm giúp người dân có một cái tết trọn vẹn sau một năm đầy khó khăn, các cấp chính quyền từ TP đến phường, xã đã thực hiện nhiều kế hoạch, chương trình chăm lo tết chu đáo, ấm áp và an toàn cho người dân.

Ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP.HCM, tặng quà tết cho lực lượng tuyến đầu chống dịch COVID-19. Ảnh: NH

Hơn 1.000 tỉ đồng chăm lo tết cho người dân

UBND TP.HCM vừa có báo cáo về công tác chăm lo năm 2022 và tình hình kinh tế - xã hội tháng 1-2022.

Theo đó, trong dịp tết, TP đã tổ chức 43 đoàn đến thăm, chúc tết và tặng quà cho các đối tượng thuộc diện chính sách, người có công, tuyến đầu chống dịch…

TP đã chăm lo chu đáo đời sống vật chất, tinh thần cho hơn 620.000 lượt diện chính sách có công, chính sách xã hội, dân nghèo, hộ nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt với tổng kinh phí hơn 606 tỉ đồng.

Trong đó có hơn 316.000 người chính sách có công; hơn 95.200 hộ nghèo, cận nghèo; hơn 163.500 người diện bảo trợ xã hội, gần 45.500 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn...

Sở LĐ-TB&XH TP.HCM thông tin tổng kinh phí chăm lo tết Nhâm Dần 2022 cho các diện chính sách có công, hộ nghèo, bảo trợ xã hội, trẻ em, người bị ảnh hưởng do dịch COVID-19 là hơn 1.062 tỉ đồng (tăng 136 tỉ đồng so với năm 2021). Trong đó, chi từ nguồn ngân sách TP là hơn 826,5 tỉ đồng, ngân sách trung ương là 16,3 tỉ đồng và kinh phí vận động xã hội hóa là 219,4 tỉ đồng.

Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, cho biết công tác chăm lo tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 theo chỉ đạo của UBND TP đã được các cấp, các ngành hưởng ứng mạnh mẽ, chăm lo tốt và kịp thời cho các đối tượng. Đảm bảo mọi người, mọi nhà đều được vui tết.

Năm nay, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng với quyết tâm chung của lãnh đạo TP cùng với sự đồng hành, chia sẻ của các tổ chức, các doanh nghiệp, các mạnh thường quân, TP đã tổ chức chăm lo chu đáo đời sống vật chất cho các đối tượng được chăm lo với phương châm “Tết đến với mọi người, mọi nhà”, không để ai bị bỏ lại phía sau, mọi người dân đều có một cái tết ấm áp, an vui.

Quan tâm hơn đến trẻ mồ côi do COVID-19

Về công tác chăm lo tết tại một số quận, huyện trên địa bàn TP.HCM cũng được địa phương quan tâm, đặc biệt là chăm lo tết cho các trẻ em mồ côi do COVID-19.

Trao đổi với PV, bà Lê Thị Ngọc Dung, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân, cho biết năm nay, ngoài những đối tượng được chăm lo tết theo quy định, quận cũng tập trung nhiều cho việc chăm lo cho trẻ em mồ côi do COVID-19 và gia đình bị ảnh hưởng của dịch COVID-19.

“Ngoài nguồn kinh phí từ cấp trên chuyển về, quận cũng vận động thêm kinh phí từ các mạnh thường quân để thực hiện chăm lo tết cho người dân. Đối với những đối tượng như trẻ em mồ côi, gia đình khó khăn thì ngoài việc chăm lo tết, quận cũng có những kế hoạch chăm lo lâu dài” - bà Dung chia sẻ.

Ông Nguyễn Hải Lâm, Chủ tịch UBND phường Tân Thới Nhất, quận 12, cũng cho biết tại phường, ngoài kinh phí chăm lo tết theo quy định, năm nay phường cũng vận động được các mạnh thường quân để chăm lo thêm.

“Dù chúng ta vừa trải qua một năm đầy khó khăn nhưng các mạnh thường quân vẫn quan tâm đóng góp, chăm lo cho người dân gặp khó khăn. Chúng tôi rất trân trọng sự đóng góp này. Hy vọng năm nay cả nước nói chung và TP nói riêng có một năm đầy thịnh vượng và dịch COVID-19 sẽ không còn” - ông Lâm chia sẻ.•

NGUYỄN PHƯƠNG LINH, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý
và phát triển bền vững (MSD):

Chăm lo trước mắt và hỗ trợ lâu dài

Năm qua, chúng ta chứng kiến những nỗ lực của chính quyền các cấp, đặc biệt là chính quyền TP.HCM để chăm lo đời sống cho nhân dân trong bối cảnh đại dịch và năm mới vừa qua.

Tôi thấy rất rõ việc chăm lo đã đến gần người dân hơn, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương, có hoàn cảnh khó khăn.

Trong và sau đại dịch, những hệ lụy nặng nề ảnh hưởng đến tình hình kinh tế - xã hội, an sinh đặt ra rất nhiều thách thức. Lúc này, chúng ta rất cần không chỉ sự hỗ trợ khẩn cấp mà còn là sự hỗ trợ đường dài để ổn định và phát triển dân sinh - không chỉ cho con cá mà còn cần cho cần câu cá.

Tôi cũng rất quan tâm tới việc TP.HCM sẽ có kế hoạch đường dài hỗ trợ cụ thể, dài hạn cho các trẻ em bị mồ côi hoặc ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, đảm bảo các em không bị lẻ loi hoặc bỏ quên. Và việc chăm lo cho trẻ em mồ côi do đại dịch không chỉ dừng lại ở hỗ trợ vật chất, mà còn là sự hỗ trợ về tâm lý, tinh thần, hỗ trợ cho gia đình và người chăm sóc thay thế, cách thức đồng hành, giúp các em vượt qua những mất mát để vươn lên.

Ngoài ra, một mình nỗ lực hay sự hỗ trợ của chính quyền có thể sẽ khó đủ, mà cần huy động sự tham gia và hỗ trợ của toàn dân, đặc biệt của doanh nghiệp, các tổ chức xã hội để sự hỗ trợ được hiệu quả.

NGỌC LÀI ghi

NGUYỄN HIỀN

Nguồn PLO: https://plo.vn/ban-doc/tphcm-mang-tet-am-ap-den-nguoi-dan-1042289.html