TP.HCM kiến nghị phát triển tín dụng với 5 lĩnh vực ưu tiên

Năm 2014, TP.HCM sẽ tập trung phát triển tín dụng với năm lĩnh vực ưu tiên,trong đó xác định trọng tâm là ngành công nghiệp hỗ trợ.

Chiều 27/12, Thành ủy và Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã có buổi làm việc với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình về tình hình hoạt động Ngân hàng năm 2013 và nhiệm vụ của ngành Ngân hàng năm 2014 trên địa bàn thành phố.

Nợ xấu vẫn ở mức cao

Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong năm 2013, tổng vốn huy động trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh ước đạt 1.135.800 tỷ đồng, tăng 11% so với cuối năm ngoái.

Tổng dự nợ tín dụng ước đạt 952.550 tỷ đồng, tăng 9% so với cuối năm 2012. Trong đó, dư nợ cho vay lĩnh vực sản xuất kinh doanh chiếm khoảng 83% tổng dư nợ tín dụng (khoảng 769.000 tỷ đồng). Dư nợ cho vay hỗ trợ sản xuất kinh doanh đối với năm lĩnh vực ưu tiên có lãi suất dưới 9%/năm đạt 126.412 tỷ đồng, chiếm 16,4% tổng dư nợ cho vay lĩnh vực sản xuất kinh doanh.

Về chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở, đến nay, các ngân hàng thương mại Nhà nước đã ký kết với tổng hạn mức 739 tỷ đồng cho 358 khách hàng.

Đánh giá chung, Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Hồng cho rằng, tiền gửi huy động trên địa bàn Thành phố duy trì tăng trưởng khá (tăng 11%). Trong đó, huy động từ tiền gửi tiết kiệm dân cư chiếm tỷ trọng lớn nhất và tăng đều qua các năm (2011: 42%; 2012: 50,6%; 2013: 53,9%) đã cho thấy người dân vẫn tin tưởng và chọn kênh đầu tư tiết kiệm qua ngân hàng, thu hút được nguồn vốn tiết kiệm từ dân cư, tạo nguồn vốn luân chuyển phục vụ cho nhu cầu của thị trường.

Lãi suất ổn định và duy trì ở mức thấp. Vốn tín dụng tiếp tục được tiếp tục tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Doanh nghiệp, khách hàng sản xuất kinh doanh tiếp tục được hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn thông qua việc cơ cấu lại nợ, giãn nợ và điều chỉnh giảm lãi suất. Các cơ chế này đã góp phần giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, giảm áp lực trả nợ từ đó có điều kiện cân đối lại hoạt động sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh đó, hệ thống ngân hàng thương mại trên địa bàn Thành phố đã tích cực tham gia chương trình của Thành phố trong việc kết nối giữa ngân hàng và doanh nghiệp.

Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Hồng cũng nhận định, tình hình kinh tế thế giới vẫn còn biến động và tiềm ẩn nhiểu rủi ro đã và sẽ tiếp tục tác động đến thị trường tài chính, trong đó có ngân hàng. Thị trường bất động sản vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi; hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp phục hồi chậm… Điều này ảnh hưởng đến quá trình phát triển sản xuất kinh doanh và hoạt động tín dụng của các ngân hàng. “Vấn đề nội tại và nổi cộm của hệ thống ngân hàng vẫn là vấn đề nợ xấu vẫn ở mức cao.

Tính đến cuối tháng 11/2013, tổng nợ xấu trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh ở mức 51.161 tỷ đồng, chiếm 5,49% tổng dư nợ tín dụng. Trong đó, nợ xấu nhóm năm (nợ có khả năng mất vốn) chiếm tỷ lệ cao nhất, chiếm 74% (37.929 tỷ đồng). Điều này làm tăng nguy cơ tổn thất cho các ngân hàng, ảnh hưởng đến việc mở rộng, tăng trưởng tín dụng và luân chuyển vốn trong nền kinh tế.

Phấn đấu tăng trưởng tín dụng đạt 14%

Trước những kết quả đạt được cũng như những khó khăn, vướng mắc hiện nay, tại buổi làm việc, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết trong năm 2014 sẽ tập trung phát triển tín dụng đối với năm lĩnh vực ưu tiên; trong đó xác định trọng tâm là ngành công nghiệp hỗ trợ, các doanh nghiệp vừa và nhỏ có ứng dụng công nghệ cao nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp nâng cao năng lực, hiện đại hóa công nghệ, phát triển bền vững.

Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ hiệu quả nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cần có các giải pháp tích cực thúc đẩy tăng trưởng tín dụng năm 2014 phấn đấu đạt 14%. Giảm lãi suất cho vay đối với năm lĩnh vực ưu tiên (hiện mức lãi suất áp dụng tối đa là 9%/năm), kể cả cho vay trung, dài hạn, giúp doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, nâng cao năng lực, đủ sức cạnh tranh hội nhập.

Liên quan đến vấn đề cho vay hỗ trợ nhà ở, để đẩy nhanh việc giải ngân gói tín dụng hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam giảm lãi suất cho vay hỗ trợ nhà ở và tăng thời hạn cho vay lên 15-20 năm (mức quy định hiện nay là 10 năm) đối với khách hàng mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở thương mại, tạo điều kiện cho các đối tượng trên đủ khả năng trả nợ và tiếp cận nguồn vốn vay hỗ trợ. Đồng thời, cho phép khách hàng được vay toàn bộ giá trị căn nhà (100%) thay vì chỉ cho vay 80% giá trị căn nhà như quy định hiện nay.

Tải buổi làm việc, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho rằng, trong lĩnh vực ngân hàng, với sự chỉ đạo xuyên suốt của chính quyền Thành phố, cùng với những định hướng sắp tới trong việc tiếp tục đẩy mạnh các chương trình kết nối, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp và phục vụ phát triển kinh tế Thành phố, mức tăng trưởng tín dụng tại Thành phố Hồ Chí Minh trong năm 2014 hoàn toàn có cơ sở để đạt mức 14%, góp phần tăng trưởng chung cho toàn ngành ngân hàng đạt 12-14% trong năm 2014.

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, tính đến thời điểm hiện nay, tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống đã đạt trên 11% mặc dù theo thống kê đến ngày 22/12 vừa qua, tăng trưởng tín dụng chỉ mới đạt 9,5%. Như vậy, so với mục tiêu tăng trưởng đặt ra trong năm 2013, tăng trưởng tín dụng ngân hàng có khả năng sẽ đạt 12%.

Trong hai năm 2012 và 2013, tăng trưởng tín dụng sát với tăng trưởng kinh tế, phù hợp với “sức khỏe” của các ngân hàng nên tín dụng ngân hàng hiệu quả, đi vào sản xuất kinh doanh nhiều hơn, đảm bảo tăng trưởng tín dụng lành mạnh.

Liên quan đến các đề xuất của Thành phố Hồ Chí Minh, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan cũng như đề xuất Chính phủ để có giải pháp tháo gỡ tích cực, hoàn thiện chính sách tín dụng theo hướng thông thoáng hơn, bảo đảm thuận lợi hơn nữa cho tăng trưởng tín dụng và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Đối với kiến nghị liên quan đến gói 30.000 tỷ đồng, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết sẽ kiến nghị Chính phủ có cơ chế thông thoáng hơn để cán bộ công chức, lực lượng vũ trang tiếp cận được nhà ở.

Về kiến nghị thời hạn cho vay gói 30.000 tỷ đồng kéo dài từ 10-20 năm và lãi suất giảm từ 6% xuống còn 4-5%/năm, ông Nguyễn Văn Bình cho biết sẽ kiến nghị theo hướng giảm lãi suất và kéo dài thời hạn cho vay nhưng chưa thể xác định lãi suất và thời gian cụ thể…

Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Hải nhấn mạnh đến hiệu quả cơ chế chính sách của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và sự chủ động phối hợp chặt chẽ, quyết liệt của Thành phố cùng với Ngân hàng Nhà nước thực hiện chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng trên địa bàn Thành phố, góp phần quan trọng để Thành phố phát triển ổn định.

Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải đề nghị Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục phối hợp tốt hơn nữa với Thành phố Hồ Chí Minh để thúc đẩy tín dụng tăng trưởng tích cực hơn cả về lượng và chất trong thời gian tới; nâng cao hiệu quả hoạt động của lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng/.

Hoàng Hải (Vietnam+)

Nguồn TTXVN: http://www.vietnamplus.vn/tphcm-kien-nghi-phat-trien-tin-dung-voi-5-linh-vuc-uu-tien/237266.vnp