TP.HCM: Heo truy xuất nguồn vào chợ đầu mối mới đạt 59%

Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, tính đến ngày 18/10, lượng thịt heo có đầy đủ thông tin truy xuất tại các chợ đầu mối chỉ mới đạt 59%.

Thịt heo vào chợ đầu mối TP.HCM phải đảm bảo thông tin truy xuất nguồn gốc. Ảnh: Tú Uyên

Cụ thể, ngay trong ngày 16/10 (ngày đầu tiên áp dụng quy định thịt heo không có đầy đủ thông tin truy xuất nguồn gốc sẽ không được nhập vào các chợ đầu mối), 100% heo vào chợ Bình Điền (quận 8) không có thông tin truy xuất, 78% heo vào chợ Hóc Môn (huyện Hóc Môn) không có đầy đủ thông tin.

Tuy nhiên, đến ngày 18/10, tỉ lệ này tăng dần. Tại chợ Bình Điền heo vào chợ có thông tin truy xuất nguồn gốc là 6%, chợ Hóc Môn là 24%. Trong khi đó, số lượng heo được kích hoạt cung cấp thông tin truy xuất nguồn gốc tại cơ sở chăn nuôi trong ngày 18/10 lên đến 95%, tại cơ sở giết mổ là 86%.

Việc đeo vòng nhận diện truy xuất nguồn gốc cho lợn đang làm theo quy trình đã được cơ quan quản lý nhà nước, các cấp ngành nghiên cứu, tính toán đến mức hợp lý nhất, tuy nhiên ngay khi triển khai, công tác này đã gặp nhiều khó khăn.

Lý giải về điều này, ông Tsàn A Sìn, Phó Giám đốc chợ đầu mối Bình Điền cho rằng, để chuẩn bị cho chủ trương của thành phố, từ ngày 16/10 heo không có đầy đủ thông tin truy xuất sẽ không vào chợ, công ty tiến hành làm “nháp” trước một ngày. Theo đó, Ban quản lý chợ tuyên truyền cho thương nhân biết đây là chương trình bắt buộc của thành phố để họ chuẩn bị.

Thế nhưng, chợ Bình Điền tiếp nhận heo từ miền Tây có đặc thù chăn nuôi nhỏ lẻ, thương lái mua gom ở từng hộ chăn nuôi; bản thân các hộ chăn nuôi lúng túng không biết địa chỉ mua vòng, không quen sử dụng phần mềm và cả một số nơi sóng wifi hạn chế… Bên cạnh đó, một số lò mổ ở Long An chưa phối hợp, thú y tại chỗ không kích hoạt thông tin vào vòng truy xuất. Ban quản lý chợ Bình Điền đã tập hợp danh sách những cơ sở giết mổ này gửi Sở Công Thương nhờ hỗ trợ giải quyết. Cũng có trường hợp thương lái đưa heo về lò mổ ở Long An giết mổ, gắn vòng truy xuất nguồn gốc từ miền Đông nhưng thực chất là heo thu gom từ miền Tây.

Ngoài ra, hiện các thương lái ở chợ Bình Điền còn gặp khó khăn trong khâu thực hành, thao tác theo quy trình nên đề nghị Hội Công nghệ cao TP.HCM hỗ trợ tập huấn thêm cho các thương lái, lò mổ vì hạ tầng, kỹ năng ở miền Tây còn hạn chế.

Trước tình hình trên, Ban quản lý các chợ đang phối hợp với các sở ngành thực hiện nhiều giải pháp nghiệp vụ nhằm gia tăng tỉ lệ heo có truy xuất nguồn gốc cung ứng vào thị trường TP.HCM.

Cụ thể, Ban quản lý chợ đầu mối Hóc Môn đã chủ động phát loa biểu dương các thương nhân thực hiện tốt quy định, yêu cầu các thương nhân chưa thực hiện ký cam kết trong vòng 3 ngày phải thực hiện. Chợ Bình Điền cho 5 ngày để thương nhân thực hiện quy định của đề án.

Theo quy trình, việc đưa heo vào hai chợ đầu mối phải có đầy đủ thông tin kích hoạt qua năm khâu gồm: chủ cơ sở giết mổ kích hoạch, thú y kiểm tra và kích hoạt trước khi xuất trại, thú y tại cơ sở giết mổ kích hoạt cho vào, cơ sở giết mổ kích hoạt xác nhận giết mổ tại cơ sở mình, thú y kích hoạt xác nhận khi lợn ra khỏi cơ sở giết mổ và kích hoạt khi vào chợ đầu mối. Nếu bỏ qua một trong các khâu thì vào đến chợ đầu mối vẫn xem là lợn chưa được truy xuất nguồn gốc.

Theo Sở Công Thương TP.HCM, việc đeo vòng truy xuất là bắt buộc, xu hướng tất yếu. Có thể thời điểm hiện nay chưa phát huy hết hiệu quả nhưng sắp tới sẽ có lộ trình sẽ hướng dẫn đầy đủ, có giải thích và hỗ trợ để từng bước làm tốt dần lên. Ý nghĩa của việc đeo vòng truy xuất để gây dựng thương hiệu và có giá bán tốt nhất cho các hộ chăn nuôi lợn tránh bị các thương lái ép giá. Để hỗ trợ các hộ chăn nuôi chi phí đeo vòng cho lợn cũng được TP.HCM hỗ trợ 50% chi phí mua vòng nhận diện cho hộ chăn nuôi nhỏ lẻ và 100% cho các tổ hợp tác xã, hợp tác xã đăng ký tham gia Đề án./.

Thu Dịu

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/tp-hcm-heo-truy-xuat-nguon-vao-cho-dau-moi-moi-dat-59.aspx