TP HCM giải quyết thách thức về TOD

Nghị quyết 98 cho phép TP HCM thí điểm mô hình TOD. Tuy nhiên, việc triển khai sẽ gặp nhiều thách thức nên cần cơ chế, chính sách thu hút đầu tư

Ngày 9-1, Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP HCM tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện nhiệm vụ, công tác năm 2023 và triển khai kế hoạch công tác năm 2024.

4 nhóm việc quan trọng

Thông tin tại hội nghị cho hay năm 2024 ngành quy hoạch - kiến trúc có 4 nhóm công việc quan trọng. Cụ thể là các nhiệm vụ trọng tâm, chiến lược; công tác rà soát, lập quy hoạch những khu vực trọng điểm, cải thiện thu hút đầu tư; công tác chỉnh trang đô thị; công tác xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật.

Đáng chú ý, ở nhóm thứ nhất có việc tiếp tục rà soát, tham mưu hoàn thiện Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060. Với đồ án này, trong tháng 1 sẽ hoàn thành việc lấy ý kiến người dân để kịp trình Ban Thường vụ Thành ủy, báo cáo HĐND TP HCM, Bộ Xây dựng để hoàn thành trong quý I/2024.

Sau khi đồ án được phê duyệt, bước tiếp theo là tập trung thẩm định, trình UBND TP HCM phê duyệt các đồ án quy hoạch phân khu làm cơ sở triển khai dự án đầu tư xây dựng. Việc điều chỉnh tổng thể các đồ án quy hoạch phân khu trên địa bàn thành phố bảo đảm đồng bộ với định hướng điều chỉnh quy hoạch chung thành phố.

Ngoài ra, để tạo thêm nguồn lực phát triển thành phố thì phát triển không gian ngầm, các đồ án liên quan tới sông Sài Gòn, mô hình TOD (lấy định hướng phát triển hệ thống giao thông công cộng làm cơ sở quy hoạch phát triển đô thị, lấy đầu mối giao thông làm điểm tập trung dân cư để từ đó hình thành tiếp hệ thống giao thông phân tán)... được tập trung. Với câu chuyện chung cư cũ, nhà ở xã hội, vì thành phố đã "đặt hàng" nên sau khi có đồ án quy hoạch chung là phải làm các nội dung này.

Nhóm thứ hai là công tác rà soát quy hoạch các khu vực trọng điểm thu hút đầu tư. Theo đó, tiếp tục thi tuyển quốc tế ý tưởng quy hoạch bán đảo Bình Quới - Thanh Đa; thi tuyển ý tưởng cho khu Công viên Lịch sử - Văn hóa dân tộc. Đây là 2 nội dung đã xin ý kiến, có thể trong tuần này UBND TP HCM chỉ đạo để triển khai ngay 2 cuộc thi.

Sở cũng sẽ tham mưu triển khai công tác quy hoạch tại các khu vực động lực phát triển thành phố gồm Cần Giờ, Tây Bắc, khu Nam. Trong đó, hoàn thành đồ án quy hoạch khu đô thị biển Cần Giờ được xác định rất quan trọng, làm cơ sở để quản lý, kêu gọi đầu tư.

Nhóm việc thứ ba gồm thực hiện Chương trình bảo tồn di sản kiến trúc cảnh quan thành phố; công tác thiết kế tổng thể khu trung tâm thành phố tại các trục Lê Lợi - Nguyễn Huệ - Tôn Đức Thắng - Hàm Nghi, Công viên 23 Tháng 9, chợ Bến Thành. Cùng với đó, thẩm định trình phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 khu công viên Bến Bạch Đằng, quận 1; công viên quận 12; công viên Văn hóa Gò Vấp...

Để phát triển thành phố, khối lượng công việc của ngành quy hoạch - kiến trúc TP HCM trong năm 2024 là rất lớn. Trong ảnh: Một góc TP HCM nhìn từ trên cao

Giải bài toán TOD

Chia sẻ về việc phát triển đô thị theo mô hình TOD, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP HCM Nguyễn Thanh Nhã cho biết năm 2024 sở tiếp tục rà soát quỹ đất xung quanh nhà ga metro số 1, Vành đai 3 trên cơ sở áp dụng Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội.

Theo ông Nguyễn Thanh Nhã, TOD cũng là phương thức nhà nước và nhân dân cùng làm. Về mặt kỹ thuật thì có thể làm được ngay nhưng thực tế triển khai thì cần những cơ chế, chính sách để người dân, doanh nghiệp chia sẻ, tính toán để từ đó tạo nguồn lực, đặc biệt là quỹ đất.

Vấn đề quỹ đất, Sở Tài nguyên và Môi trường cùng địa phương đang rà soát đất công, đất tư, đất chưa sử dụng, đất sử dụng chưa hợp lý. Trên cơ sở đó, Sở Quy hoạch - Kiến trúc rà soát, cân đối gia tăng chỉ tiêu có liên quan như chức năng thương mại, cho phép gia tăng dân số để làm nhà ở, cải thiện môi trường xung quanh… "Chúng ta ưu tiên khu vực đất công hoặc khu vực dịch chuyển chức năng quy hoạch, chức năng công cộng để bố trí làm TOD" - ông Nhã nói.

Cũng theo Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc, người dân cần hiểu sẽ đóng góp và được hưởng lợi gì, doanh nghiệp cũng biết được tạo điều kiện phát triển xung quanh thì đóng góp ngược lại thế nào, nhà nước chia sẻ trách nhiệm tài chính ra sao… Do vậy, thành phố sẽ có chuyên đề riêng về cơ chế, chính sách để thu hút phát triển theo mô hình này.

Nói riêng về không gian ngầm khu vực trung tâm thành phố, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc cho hay về lâu dài sẽ có không gian thương mại. Không gian ngầm sẽ thu hút du khách, đặc biệt là khi kết nối nhà ga metro.

Ngoài ra, ông Nguyễn Thanh Nhã cho rằng dự định kéo dài metro số 1 đến Bình Dương, Đồng Nai là bài toán quan trọng và cần tính toán đến mức độ khả thi, phải mang lại hiệu quả cho các địa phương.

Theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP HCM, đơn vị sẽ phải rà soát, hoàn thành hệ thống quy hoạch phân khu với hơn 500 đồ án. Đây là khối lượng công việc rất lớn.

Ý tưởng đáng giá triệu đô

Ông Nguyễn Thanh Nhã cho hay đang chờ thành phố duyệt kinh phí để tổ chức thi tuyển quốc tế ý tưởng quy hoạch, kiến trúc bán đảo Bình Quới - Thanh Đa. Theo ông, thành phố muốn ý tưởng hay của đơn vị lớn, nổi tiếng thế giới nhưng nếu giải thưởng ít quá thì không hấp dẫn họ tham gia. Vì thế, UBND TP HCM đã giao Sở Tài chính tìm nguồn vốn phù hợp. Phương án là xã hội hóa, kêu gọi đóng góp vào ngân sách rồi chia kinh phí cho việc thi tuyển theo quy định. Dự kiến, giải nhất là gần 1 triệu USD.

Ông Nguyễn Thanh Nhã cho hay giải nhất dự kiến là gần 1 triệu USD

"Nếu đi thi mà giá chỉ 1-2 tỉ đồng thì rất khó. Họ sẽ cân nhắc không tham gia mà chỉ còn đơn vị nhỏ tham gia thôi" - ông Nguyễn Thanh Nhã nói.

Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP HCM cũng cho biết chuẩn bị mời các chuyên gia từ Mỹ, Pháp, Đức, Singapore, Nhật... có uy tín về quy hoạch tham gia Hội đồng Thi tuyển, bên cạnh một số thành viên người Việt Nam.

Bài và ảnh: Quốc Anh

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/tp-hcm-giai-quyet-thach-thuc-ve-tod-196240109220059783.htm