TP.HCM: Giải ngân hơn 15.600 tỷ đồng tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng

Tính từ đầu năm 2023 đến nay, tổng số vốn bồi thường giải phóng mặt bằng đã chi trả đến người dân thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) đạt hơn 15.647 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 59,14%).

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) TP.HCM, số vốn bồi thường được giao trong năm 2023 là hơn 20.789 tỷ đồng, số vốn của kế hoạch năm 2022 thực hiện tiếp tục trong năm 2023 là 5.668 tỷ đồng. Đến nay số tiền còn lại trong kế hoạch vốn năm 2022 là hơn 1.328 tỷ đồng. Phần lớn số tiền này đang gửi Kho Bạc Nhà nước do các vướng mắc liên quan đến một số trường hợp như phân chia di sản thừa kế, tòa án các cấp đang thụ lý giải quyết, phần vốn còn ở một số địa phương không hấp thụ được đang làm thủ tục trả về ngân sách...

Thi công dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên.

Thi công dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên.

Như vậy, tổng số vốn bồi thường đang thực hiện theo dõi việc giải ngân (chi trả đến người dân) trong năm 2023 là hơn 26.457 tỷ đồng; đến nay các địa phương đã giải ngân được hơn 15.647 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 59,14%. Số tiền cần tiếp tục thực hiện giải ngân là 10.811 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 40,86%) để đảm bảo mục tiêu giải ngân trong năm 2023.

Theo đại diện Sở TNMT TP.HCM: Để đạt được tỷ lệ giải ngân theo mục tiêu của Ủy ban nhân dân (UBND) TP.HCM đề ra trong năm 2023 (đạt 95%), trong 30 ngày còn lại (tháng 12/2023), Thành phố cần tăng cường nhiều giải pháp, sự nỗ lực phối hợp chặt chẽ của các sở - ngành, UBND các địa phương, các chủ đầu tư dự án, các Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực các địa phương... cũng như việc huy động mọi nguồn lực thực hiện, cùng tháo gỡ các vướng mắc, củng cố hoàn thiện các thủ tục pháp lý để tiếp tục giải ngân phần vốn ghi còn lại.

Tính đến ngày 30/11/2023 có 5 địa phương giải ngân phần vốn bồi thường đạt tỷ lệ trên 90% gồm các quận: 8, 10, 12, Tân Bình, Phú Nhuận, riêng quận 7 đạt trên 80%. Có 9 địa phương đạt tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công từ 50% đến 80% gồm các quận: 4, 11, Bình Thạnh, Bình Tân, Gò Vấp và các huyện: Bình Chánh, Nhà Bè, Củ Chi, Hóc Môn.

Có 4 địa phương còn lại tiến độ giải ngân phần vốn bồi thường chỉ đạt tỷ lệ dưới 50%, gồm các quận: 6, Tân Phú, thành phố Thủ Đức, huyện Cần Giờ. Đáng chú ý có 2 địa phương có tỷ lệ giải ngân rất thấp dưới 30% gồm quận 6 (14,27%) và quận Tân Phú (22,97%); 2 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt 0% gồm quận 3 (423 tỷ đồng/1 dự án), quận 5 (587 tỷ đồng/3 dự án).

Về tình hình giải ngân các dự án trọng điểm, riêng dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 được giao vốn năm 2023 là 14.751 tỷ đồng, đã chi tiền cho 1.354/1.679 hộ với tổng số tiền hơn 7.200 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 48,81%). Dự án đường Dương Quảng Hàm (đoạn từ quận Bình Thạnh đến Công viên Văn hóa) đã chi tiền được 358/425 hộ với số tiền 1.082/1.546 tỷ đồng (đạt 69,98%). Dự án cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên đã chi tiền được 38/46 hộ với số tiền là 138/153 tỷ đồng (đạt 88,63%).

Đại diện Sở TNMT TP.HCM cho biết thêm, hiện nay đơn vị này đang tăng cường các giải pháp cùng với UBND các địa phương tháo gỡ vướng mắc để cải thiện, đẩy nhanh tiến độ giải ngân dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng phục vụ dự án tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) trên địa bàn quận 3.

Sở TNMT sẽ đôn đốc UBND các địa phương, các chủ đầu tư dự án khẩn trương hoàn thiện các thủ tục pháp lý, chứng từ phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Kho bạc nhà nước tăng cường giải ngân vốn bồi thường từ Kho bạc chuyển về. Trong đó, huyện Bình Chánh tiếp tục giải ngân 104 tỷ đồng, huyện Nhà Bè giải ngân 67 tỷ đồng, quận 7 tiếp tục giải ngân 23,354 tỷ đồng và quận Tân Bình nhận 93,64 tỷ đồng.

Đối với UBND thành phố Thủ Đức, Sở TNMT kiến nghị cần tăng cường rà soát, thực hiện tiếp tục phê duyệt chính sách, phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các dự án còn lại có khả năng giải ngân số tiền tạm ứng. Cụ thể là đối với dự án nâng cấp, mở rộng đường Lã Xuân Oai - đoạn ngã 3 đường Lò Lu đến Nguyễn Duy Trinh (190 tỷ đồng); dự án nâng cấp, mở rộng đường Lã Xuân Oai - đoạn ngã 3 đường Lã Xuân Oai đến đường D2 Khu Công Nghệ cao (281 tỷ đồng); dự án đường kết nối từ đường Long Phước vào trường Đại học Luật TP.HCM (42 tỷ đồng); dự án hệ thống thoát nước đường số 8, Phước Bình (7,2 tỷ đồng), dự án mở rộng đường Tăng Nhơn Phú (42 tỷ đồng).

Ngoài ra Sở TNMT cũng kiến nghị UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương giao UBND địa phương, đặc biệt là các huyện Nhà Bè, Hóc Môn, Củ Chi rà soát quỹ đất trên địa bàn để đề xuất dự án xây dựng khu tái định cư; trong đó về bồi thường, hỗ trợ đối với đất nông nghiệp áp dụng theo Nghị quyết số 98 của Quốc hội về thí điểm cơ chế đặc thù cho TP.HCM.

Giải phóng mặt bằng ảnh hưởng rất lớn đến giải ngân đầu tư công

Tính từ đầu năm 2023 đến ngày 6/12/2023, TP.HCM đã giải ngân 35.157 tỷ đồng, đạt 51,2% kế hoạch. Một trong nhiều nguyên nhân khiến kết quả giải ngân đầu tư công đạt thấp là do vướng mắc về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, việc phối hợp giải quyết thủ tục đầu tư của các cơ quan, sở, ngành, chủ đầu tư. Tại TP.HCM có nhiều dự án chưa được tính toán kỹ chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng dẫn đến số vốn còn dư lại lên tới 5.449 tỷ đồng.

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công, UBND TP.HCM xác định rõ trách nhiệm của các sở, ban ngành Thành phố, Chủ tịch UBND quận, huyện và thành phố Thủ Đức, chủ đầu tư dự án; sẽ xem xét, xử lý trách nhiệm đối với tập thể và người đứng đầu các cơ quan, đơn vị nếu không hoàn thành nhiệm vụ được giao. Kết quả giải ngân vốn đầu tư công là căn cứ để đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ, năng lực chỉ đạo, điều hành đối với từng tập thể, cá nhân, cơ quan, đơn vị.

Xuân Tình

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/tphcm-giai-ngan-hon-15600-ty-dong-tien-boi-thuong-giai-phong-mat-bang-163834.html