TP.HCM: Gia tăng cơ hội tham gia thị trường carbon cho doanh nghiệp

Sáng 11/5 vừa qua, Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA) tổ chức chương trình Cafe Doanh nhân HUBA lần thứ 76 với chủ đề 'Tín chỉ carbon: Ai bán, ai mua?'.

Phát biểu tại chương trình, ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch HUBA cho biết, thời gian qua, TP.HCM ghi nhận nhiều doanh nghiệp đã chủ động đầu tư xử lý chất thải, nước thải; sử dụng nguyên liệu và quy trình thân thiện với môi trường cho hoạt động sản xuất kinh doanh để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Phát triển xanh không chỉ giúp doanh nghiệp tiết kiệm được nhiều chi phí trong quá trình sản xuất, kinh doanh mà còn giúp doanh nghiệp có nhiều cơ hội tham gia thị trường carbon.

Chủ tịch HUBA Nguyễn Ngọc Hòa phát biểu tại chương trình.

Tại chương trình, nhiều nội dung hữu ích, thiết thực được đưa ra trao đổi, thảo luận, Trong đó, chủ đề được trao đổi sôi nổi nhất là: Ai mua, ai bán, hành lang pháp lý nào cho thị trường tín chỉ carbon? Doanh nghiệp cần làm gì để tham gia thị trường tín chỉ carbon? Nhiều doanh nghiệp vẫn còn băn khoăn không biết mình thuộc diện phải mua hay được bán tín chỉ carbon, do hiện nay Việt Nam chưa có hạn ngạch phát thải khí nhà kính cụ thể.

Tiến sĩ Nguyễn Phương Nam, Chuyên gia đánh giá về kiểm kê khí nhà kính của Liên hiệp quốc phát biểu tại chương trình, Việt Nam hiện có khoảng 1.912 cơ sở đang thực hiện kiểm kê phát thải khí nhà kính theo quy định. Đây chính là các khách hàng sẽ tham gia thị trường carbon trong thời gian tới. Để có thể tạo ra tín chỉ carbon đòi hỏi doanh nghiệp phải có tầm nhìn về vấn đề bền vững, sẵn lòng đầu tư vào công nghệ sạch và chuẩn bị tâm thế cho sự chuyển dịch trong hệ thống chuỗi cung ứng xanh và bền vững của hệ sinh thái kinh doanh. Kết quả tín chỉ carbon không phải một sớm một chiều là có được, thời gian ít nhất phải từ 3 năm cùng với sự quyết tâm cao của lãnh đạo công ty.

Các đại biểu tham quan gian hàng của doanh nghiệp xanh.

Tại chương trình, ông Nguyễn Quang Thanh, Phó Tổng giám đốc Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM thông tin về khung pháp lý hình thành thị trường carbon tại Việt Nam; đối tượng tham gia trao đổi trên thị trường carbon tại Việt Nam; trách nhiệm phát triển, lộ trình phát triển thị trường carbon trong nước; nguyên tắc hoạt động thị trường carbon, quy trình tạo tín chỉ carbon…

Về quy mô thị trường sản phẩm carbon tại TP.HCM có các trang bị thiết bị tiết kiệm năng lượng cho các tòa nhà, lắp đặt điện mặt trời mái nhà, nâng cấp lên đèn đường led, nâng cấp lên xe máy điện…

Ông Nguyễn Quang Thanh cho biết, nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới cho thấy, quy mô thị trường sản phẩm của TP.HCM có giá trị tín chỉ carbon khoảng 790 triệu USD. Cụ thể, với dự án trang thiết bị tiết kiệm năng lượng cho các tòa nhà, chi phí đầu tư khoảng 405,1 triệu USD, thời hạn 15 năm, có thể giảm phát thải khoảng 12,3 triệu tấn CO2/10 năm, giá trị tín chỉ carbon khoảng 206,9 triệu USD. Dự án lắp đặt điện mặt trời mái nhà, chi phí đầu tư khoảng 280 triệu USD, thời hạn 25 năm, giá trị tín chỉ carbon khoảng 64,5 triệu USD; dự án nâng cấp đèn LED (131,358 đèn), mức chi phí đầu tư khoảng 20,1 triệu USD, thời hạn 10 năm, giảm phát thải khoảng 0,5 triệu tấn CO2/10 năm, giá trị tín chỉ carbon khoảng 7,4 triệu USD. Dự án, nâng cấp xe máy điện mức chi phí khoảng 6,9 tỷ USD, thời hạn 25 năm, mức giảm khoảng 34,6 triệu tấn CO2/10 năm, giá trị tín chỉ carbon đạt hơn 579 triệu USD.

Ông Cao Tung Sơn, Trưởng phòng Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu, Sở Tài nguyên & môi trường TP.HCM cũng cho biết thêm, hiện TP.HCM đang hướng dẫn thực hiện kiểm kê khí nhà kính cho các cơ sở, nếu cơ sở đáp ứng các yêu cầu sẽ được Bộ Tài nguyên & môi trường phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính. Tổ chức cá nhân muốn kinh doanh tín chỉ carbon phải nộp đơn đăng ký với Bộ thông qua hệ thống đăng ký quốc gia.

Anh Thư

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/tphcm-gia-tang-co-hoi-tham-gia-thi-truong-carbon-cho-doanh-nghiep-87944.html