TP. HCM: Đề thi môn Văn thực tế, thí sinh không 'ngại' khó, tự tin điểm cao

Kết thúc môn thi đầu tiên (Ngữ văn) trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10, nhiều giáo viên, học sinh ở TP. HCM nhận xét đề không quá khó, phân hóa tốt.

Khoảng 10h ngày 11/6, hơn 93.000 học sinh tại TP. HCM đã hoàn thành môn thi Ngữ Văn, trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 trường công lập năm 2022-2023.

Những học sinh đầu tiên ra khỏi phòng thi.

Bài liên quan

Ông Bạch Ngọc Chiến: Sử dụng công nghệ trong giáo dục sẽ giúp hạ giá thành trong đào tạo

Con thi tuyển lớp 10, phụ huynh bên ngoài 'lòng như lửa đốt'

Hơn 92.700 học sinh lớp 9 ở TP. HCM hồi hộp tranh suất vào lớp 10

Linh phù thi cử, bùa phong thủy cầu đỗ đạt “bủa vây” sĩ tử

Theo ghi nhận của phóng viên báo Nhà báo & Công luận, hầu hết các em đều cảm thấy nhẹ nhõm, khá thoải mái trong buổi thi đầu.

Nhận xét về đề thi môn Ngữ văn, trong khi nhiều em trúng "tủ", không ít thí sinh bị "tủ đè" nhưng vẫn giữ được sự tự tin.

Đề thi được chia làm 3 câu. Câu 1 yêu cầu về phần đọc - hiểu, câu 2 là đoạn văn khoảng 500 chữ về một đề tài nghị luận. Phức tạp nhất là câu cuối, được phân ra 2 đề cho thí sinh tự chọn. Trong đó, phần 1 là phân tích hai khổ thơ trong bài Sang Thu của tác giả Hữu Thỉnh; phần 2 là một đề mở liên quan đến kiến thức, tư duy và trải nghiệm riêng của thí sinh.

Đoàn Nguyễn Mỹ Ngân (học sinh trường Quốc tế Á Châu) cho biết: "Đề không thực sự quá khó đối với em. Vì đề 1 ra bài Sang Thu, em không học trúng tủ nên quyết định làm đề 2 là đề mở. Vì đề mở nên cần vận dụng rất nhiều kiến thức xã hội, dẫn chứng đưa bài bài cũng phải chọn lọc nên lúc đầu khá khó khăn. Tuy nhiên, em tự tin mình có thể hoàn thành tốt, ít nhất cũng sẽ được 6-7 điểm".

Bên cạnh đó, theo Lê Châu Anh (học sinh trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa), đề thi năm nay không chỉ vừa sức với thí sinh mà còn dễ hơn so với những đề mà Châu Anh phải luyện tập hằng ngày.

"Em ôn hết không chừa bài nào, nhưng không may là bài Sang Thu em ôn chưa kỹ lắm nên hơi một số chi tiết em chưa thế làm tốt 100%. Nhìn chung, đề thi không quá khó. Phần đọc hiểu nếu để ý kỹ sẽ tìm ra đáp án ngay", Châu Anh nói.

Câu nghị luận xã hội đề cập về sự trưởng thành cũng khiến học sinh hào hứng, Châu Anh chia sẻ, chủ đề phù hợp với lứa tuổi và tâm lý của học sinh chuẩn bị bước vào trường THPT, đang từng bước thể hiện sự trưởng thành.

Giáo viên Đặng Thị Kiều Oanh (40 tuổi, giáo viên ngữ văn Trường Quốc tế Quy Nhơn và một trường THPT tại Quy Nhơn), nhận xét đề thi có tính phân loại, phân hóa tốt, yêu cầu học sinh có năng lực ngôn ngữ và diễn đạt. Độ khó vừa phải, học sinh với năng lực trung bình có thể kiếm điểm được, nếu đọc thật kỹ đề thi.

Ngoài ra, cấu trúc đề thi giống cấu trúc đề năm 2020-2021. Dự đoán về đáp án của đề, cô Oanh cho rằng, ở câu 1, trong văn bản 1, ông Henry Chabert đã viết về lịch sử phát triển của TP. HCM (câu chủ đề nằm ở ngay đầu đoạn văn). Phép liên kết được sử dụng trong hai cầu đầu của văn bản 2 là phép đồng nghĩa (hữu hạn = có giới hạn) hoặc phép lặp (cuộc đời, thời gian).

Tiếp đó, thông điệp của văn bản 1, trân trọng quá khứ (lịch sử phát triển lâu dài TP. HCM); thông điệp của văn bản 2 là trải nghiệm trong hiện tại (sống trọn vẹn từng phút giây, học thêm nhiều thứ để tạo dựng cuộc sống hạnh phúc).

Nét mặt rạng rỡ của các thí sinh sau buổi thi đầu tiên.

Riêng câu số 2, đề yêu cầu bày tỏ rõ ràng quan điểm, quan tâm đến “việc học hỏi từ quá khứ” hay “trải nghiệm trong hiện tại” hơn. Đồng thời, lý giải một cách hợp lý vì sao em chọn điều đó.

“Các em nên quan tâm cả hai để hài hòa giữa quá khứ và hiện tại. Bởi vì, học hỏi từ quá khứ là để chúng ta trân trọng, rút ra bài học cho bản thân mình từ những sai lầm. Tuy nhiên, chúng ta không nên vì thế mà vội vã bỏ cuộc, hãy sống và hướng về trọn vẹn với hiện tại. Trải nghiệm trong hiện tại là con người muốn hoàn thiện bản thân mình sẽ phải trải nghiệm, để chúng ta nỗ lực vươn lên, khắc phục và hoàn thiện bản thân cũng như cống hiến cho cuộc đời”, cô Oanh lý giải.

Cô Oanh tiếp tục: “Riêng ở TP.HCM, phần nghị luận xã hội yêu cầu 500 chữ, trong khi các tỉnh thành khác thường chỉ 200 chữ trở xuống. Đây là bài văn lớn nên thí sinh cần phải phân chia thời gian hợp lý mới có thể làm tốt”. Cũng theo nữ giáo viên này, phần nghị luận văn học rất nhân văn khi cho phép thí sinh chọn một trong hai, đề đóng hoặc đề mở. “Nếu học sinh không học tốt hoặc không cảm nhận tốt bài Sang thu thì rất dễ không đánh giá đúng năng lực của em ấy, vì bên cạnh Sang thu còn đến tận 15 tác phẩm khác. Nhưng khi cho phép học sinh chọn đề mở thì có thể thấy được năng lực sáng tạo và sử dụng ngôn ngữ của em ấy. Đây là điều cần thiết nhất trong môn văn”.

Chia sẻ thêm về mối liên kết giữa đề nghị luận xã hội và đề mở nghị luận văn học khi đều đề cập đến vấn đề “thời gian”, nữ giáo viên Quy Nhơn đánh giá đề ra rất sát với thực tế giới trẻ hiện nay. “Các bạn trẻ hiện đại đang có xu hướng sống nhanh, sống vội, sống gấp nên vô tình bỏ quên rất nhiều thứ. Và đề thi đã khuyến khích các em thêm trân trọng thời gian, từ đó góp phần thành công trong cuộc sống. Thạc sĩ Oanh còn gợi ý trong tương lai, có thể phát triển đề theo hướng cho phép học sinh tự sáng tạo một mẩu truyện ngắn hay một khổ thơ, “giúp đánh giá tốt năng lực văn học chứ không chỉ dừng lại ở việc phân tích các nhận định”.

Thúy Vy

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tp-hcm-de-thi-mon-van-thuc-te-thi-sinh-khong-ngai-kho-tu-tin-diem-cao-post198686.html