TP.HCM đầu tư hơn 7.000 tỷ đồng cho hạ tầng và trang thiết bị y tế

Nhiều dự án phát triển cơ sở hạ tầng và mua sắm trang thiết bị của các đơn vị y tế tại TP.HCM đã chính thức được bổ sung vào kế hoạch đầu tư công, với tổng mức đầu tư hơn 7.000 tỷ đồng….

Hơn 7.000 tỷ đồng sẽ được TP.HCM đầu cho hạ tầng và trang thiết bị y tế trong thời gian tới - Ảnh minh họa

Ngày 19/9, tại Kỳ họp thứ 11 (kỳ họp chuyên đề) của HĐND TP. HCM khóa X, lãnh đạo thành phố đã bàn và thông qua nhiều nội dung quan trọng, cấp bách liên quan việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội TP.HCM.

ĐẦU TƯ HẠ TẦNG VÀ TRANG THIẾT BỊ Y TẾ

Tại kỳ họp lần này, HĐND TP.HCM đã thông qua nghị quyết về việc bổ sung các dự án phát triển cơ sở hạ tầng và trang thiết bị của các đơn vị trực thuộc Ngành Y tế thành phố vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và giai đoạn 2025 - 2030 với tổng mức đầu tư hơn 7.000 tỷ đồng từ nguồn ngân sách của thành phố.

Ba bệnh viện đa khoa khu vực đang xây dựng cơ sở hạ tầng mới đã được HĐND TP.HCM chấp thuận thông qua các dự án mua sắm trang thiết bị. Cụ thể, Bệnh viện Đa khoa Khu vực Hóc Môn có tổng mức đầu tư mua sắm trang thiết bị y tế là 1.491 tỷ đồng; Bệnh viện Đa khoa Khu vực Củ Chi 1.365 tỷ đồng; Bệnh viện Đa khoa Khu vực Thủ Đức 1.450 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Hội đồng HĐND chấp thuận thông qua các dự án xây mới cơ sở hạ tầng và mua sắm trang thiết bị cho 17 cơ sở y tế.

Trong đó, các bệnh viện tuyến thành phố gồm: Bệnh viện Nguyễn Trãi; Bệnh viện Phục hồi Chức năng và Điều trị Bệnh Nghề nghiệp; Viện Y Dược học Dân tộc; Bệnh viện Nhi đồng 2; Bệnh viện Nguyễn Tri Phương; Bệnh viện Trưng Vương, Bệnh viện Nhân dân Gia định và Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch.

Đồng thời, ở tuyến quận/huyện có các cơ sở y tế khác, cụ thể: Bệnh viện Quận 8, Bệnh viện Quận Bình Tân; các trung tâm y tế quận, huyện gồm Trung tâm Y tế Quận 3 và Trung tâm Y tế Quận 7.

Ngoài ra, còn có các trung tâm chuyên ngành trực thuộc Sở Y tế cũng được điều chỉnh thông qua đầu tư xây mới cơ sở hạ tầng và trang thiết bị là Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố, Trung tâm Cấp cứu 115, Trung tâm Kiểm chuẩn Xét nghiệm, Ngân hàng Máu.

Tổng mức đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 sau khi điều chỉnh là 3.035 tỷ đồng và giai đoạn 2026 - 2030 là 4.054 tỷ đồng.

Đặc biệt, lần đầu tiên HĐND TP.HCM đã chấp thuận thông qua tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án đầu tư theo phương thức đối tác công - tư trong lĩnh vực y tế là 30 tỷ đồng.

XÂY DỰNG THÊM NGÂN HÀNG MÁU

Trong bối cảnh Ngân hàng máu Bệnh viện Truyền máu huyết học có dấu hiệu quá tải, HĐND thành phố cũng đã thông qua nội dung đầu tư gần 700 tỷ đồng xây dựng Ngân hàng máu.

Thời gian thực hiện dự án Ngân hàng máu từ năm 2023 đến 2026. Địa điểm xây dựng tại cụm y tế Tân Kiên, huyện Bình Chánh. Khi nơi đây đi vào hoạt động, công suất tối đa tiếp nhận đến cũng năm 2050 là một triệu đơn vị máu mỗi năm. Sau khi hoàn thành, đây sẽ là ngân hàng máu thứ 2 tại TP.HCM.

Ngân hàng máu đầu tiên đặt tại Bệnh viện Truyền máu huyết học, nhiều năm qua đáp ứng đầy đủ nhu cầu máu của các đơn vị khám chữa bệnh trong toàn thành phố. Tuy nhiên, hiện nơi đây có dấu hiệu quá tải, vượt công suất hoạt động.

Sáu năm trước, cả nước có 96 triệu dân, số đơn vị hiến máu tiếp nhận được 1,4 triệu, tương đương 1,46% dân số hiến máu. Trong đó, TP.HCM chiếm hơn 1/3 số đơn vị máu tiếp nhận được. Hiện, dân số Việt Nam tăng lên khoảng hơn 100 triệu người. Bộ Y tế đặt mục tiêu đến năm 2022 tối thiểu 2% dân số hiến máu.

Theo Ngân hàng máu thế giới, để đáp ứng nhu cầu điều trị thì số lượng người hiến máu cần chiếm khoảng 4% dân số. Như vậy, ước tính đến những năm 2022 - 2050, số lượng máu cần thu gom sẽ tăng dần đến 4% dân số, đạt khoảng 4 triệu đơn vị máu mỗi năm.

Từ phân tích trên, lãnh đạo TP.HCM cho rằng xây dựng một ngân hàng máu mới tại thành phố với quy mô công suất tối đa lên đến một triệu đơn vị mỗi năm là cần thiết.

Đại diện Bệnh viện Truyền máu huyết học cũng cho biết nhu cầu cung cấp chế phẩm máu trong những năm tới rất lớn và Ngân hàng máu của bệnh viện “đang đuối sức”. Do đó, rất cần thiết xây dựng Ngân hàng máu mới với quy mô lớn hơn để phục vụ dài hạn cho thành phố và các tỉnh phía Nam.

Bệnh viện Truyền máu huyết học là bệnh viện chuyên khoa đầu ngành về truyền máu và huyết học tại khu vực phía Nam. Đây là nơi tổ chức tiếp nhận, điều chế, bảo quản, phân phối máu và các chế phẩm từ máu cho các cơ sở điều trị, mục tiêu ban đầu là điều chế và cung cấp mỗi năm 250.000 đơn vị.

Năm 2019, ngân hàng máu tại bệnh viện được công nhận đạt chứng nhận GMP châu Âu, đòi hỏi cơ cấu tổ chức, trình độ nhân sự, trang thiết bị, quy trình kỹ thuật, sản phẩm đầu ra đều phải đạt chuẩn chất lượng của Ngân hàng máu thế giới.

Vào cuối tháng 8 vừa qua, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) đã ký kết hợp tác với Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) nhằm chia sẻ kiến thức, kỹ thuật và thông tin khoa học trong lĩnh vực Y học dự phòng, qua đó tạo điều kiện cho Trung tâm nâng cao năng lực kiểm soát bệnh tật.

Theo đó, trong 5 năm, hai bên sẽ chia sẻ kiến thức, kỹ thuật và thông tin khoa học trong lĩnh vực Y học dự phòng. Đại học Oxford sẽ hỗ trợ HCDC trong đào tạo các kỹ thuật chẩn đoán bệnh truyền nhiễm như phân lập và phát hiện tác nhân gây bệnh bằng phương pháp sinh học phân tử và giải mã gene; phân tích dữ liệu dịch bệnh, quản lý phòng xét nghiệm và nghiên cứu khoa học;...

Thi Nguyễn

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/tp-hcm-dau-tu-hon-7-000-ty-dong-cho-ha-tang-va-trang-thiet-bi-y-te.htm