TP.HCM có 8 vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm

Trong 32 vị trí sạt lở bờ sông, kênh, rạch gây ảnh hưởng đời sống hàng nghìn hộ dân ở TP.HCM có 8 vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm.

UBND TP.HCM vừa công bố danh mục 32 vị trí sạt lở bờ sông, kênh, rạch nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm năm 2022 trên địa bàn. Theo đó, 8 vị trí đặc biệt nguy hiểm và 24 vị trí nguy hiểm gây ảnh hưởng khoảng 1.328 hộ dân.

Trong số 8 vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm có 3 điểm ở huyện Nhà Bè, 2 ở TP. Thủ Đức, 2 ở huyện Bình Chánh, 1 ở huyện Cần Giờ.

TP.HCM hiện có 32 điểm sạt lở nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm cần được triển khai dự án xây kè.

Theo UBND TP.HCM, 20 vị trí sạt lở đã có chủ trương đầu tư dự án kè chống sạt lở với kinh phí hơn 3.200 tỷ đồng xây gần 18km bờ kè.

Ngoài ra, vừa qua Sở GTVT TP cũng đề xuất UBND TP trình HĐND TP thông qua chủ trương đầu tư 3 dự án xây kè chống sạt lở gồm: Dự án xây dựng kè chống sạt lở bờ phải sông Sài Gòn (phường 25, quận Bình Thạnh), tổng vốn gần 106 tỷ đồng; Dự án nạo vét luồng, xây dựng kè bảo vệ bờ sông Chợ Đệm - Bến Lức (huyện Bình Chánh), tổng vốn hơn 233 tỷ đồng; Dự án xây dựng kè chống sạt lở bờ phải sông Cần Giuộc (từ cầu Ông Thìn về thượng lưu – huyện Bình Chánh), tổng vốn 274 tỷ đồng.

Hiện nay có 9/32 vị trí sạt lở chưa có chủ trương đầu tư dự án kè chống sạt lở gồm 2 vị trí ở TP. Thủ Đức, 1 ở Nhà Bè, 2 ở huyện Bình Chánh, 4 ở huyện Cần Giờ.

UBND TP giao Sở GTVT TP sớm tổ chức lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án xây dựng kè chống sạt lở bờ sông Đồng Nai (khu phố 3, phường Thạnh Mỹ Lợi, TP. Thủ Đức) và dự án xây dựng kè chống sạt lở bờ phải sông Cần Giuộc (từ cầu Ông Thìn về thượng lưu). Đối với các dự án khác, giao chính quyền TP. Thủ Đức và các quận huyện thông báo, cảnh báo cho người dân trong khu vực có nguy cơ sạt lở biết để chủ động phòng tránh; khảo sát, đề xuất giải pháp xử lý sạt lở.

Đối với những dự án đang triển khai đầu tư kè chống sạt lở, UBND TP yêu cầu các đơn vị chủ đầu tư khẩn trương đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt và sớm triển khai thi công, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng để phát huy hiệu quả phòng, chống sạt lở, bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của người dân trong các khu vực bị ảnh hưởng của sạt lở.

Các dự án kè trong quá trình chuẩn bị đầu tư phải khảo sát kỹ địa hình, địa chất, quá trình triển khai thi công phải đảm bảo chất lượng, bền vững, an toàn để phát huy hiệu quả phòng, chống sạt lở.

Đối với các dự án kè sau khi đầu tư hoàn thành đưa vào sử dụng phải tổ chức bàn giao cho đơn vị quản lý, vận hành, khai thác đảm bảo phát huy hiệu quả công trình.

UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện tiến hành rào chắn, khoanh vùng ngăn không cho người và phương tiện vào khu vực sạt lở để đảm bảo an toàn; bố trí cán bộ thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở, hỗ trợ người dân di dời tài sản đến nơi tạm cư an toàn.

Tăng cường kiểm tra và kiên quyết xử lý các trường hợp xây dựng công trình, nhà ở lấn chiếm hành lang bảo vệ bờ sông, kênh, rạch, bờ bao, đê bao, bờ kẻ đảm bảo an toàn hệ thống công trình phục vụ ngăn triều, phòng, chống sạt lở.

Giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tăng cường tuần tra, kiểm tra và xử lý triệt để các chủ phương tiện khai thác, vận chuyển cát, sỏi lòng sông trái phép, không phép trên tuyến sông Sài Gòn (khu vực huyện Củ Chi), sông Đồng Nai (khu vực TP. Thủ Đức), sông Lòng Tàu, sông Soài Rạp và vùng ven biển huyện Cần Giờ.

Tuấn Kiệt

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/tp-hcm-co-8-vi-tri-sat-lo-dac-biet-nguy-hiem-2153758.html