TP.HCM: Cầu hàng hóa giảm trong tháng 8, nhập siêu vẫn tăng

Trong tháng 8/2017, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của TP.HCM giảm 0,6% so với tháng 7, và giảm 1,8% so với cùng kỳ 2016, đạt 74.056 tỷ đồng.

Ảnh minh họa

Nhập siêu 5 tỷ USD

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, lũy kế 8 tháng đầu năm 2017, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 10,3%, ước đạt 599.160 tỷ đồng.

Mặc dù thương mại hàng hóa của thành phố giảm nhưng thành phố vẫn nhập siêu 580 triệu USD trong tháng 8, đưa nhập siêu trong 8 tháng đầu năm 2017 lên 5 tỷ USD.

Cụ thể, tổng kim ngạch nhập khẩu 8 tháng là 27,8 tỷ USD, tăng 16%, gần gấp 2 lần so với cùng kỳ 2016 chỉ tăng 9,7%. Dù kim ngạch xuất khẩu 8 tháng tăng vọt 13,6% so với mức tăng cực thấp 0,8% cùng kỳ 2016 và đạt 22,8 tỷ USD. Điều này cho thấy truyền thống nhập siêu vẫn chưa thoát.

Với các mặt hàng xuất khẩu tăng mạnh chủ yếu là: cao su tăng 26%, máy vi tính, sản phẩm điện tử tăng gần 39% và phụ tùng và phương tiện vận tải tăng 66%.

Các nước xuất khẩu tăng mạnh là: Singapore tăng tới 97%, Malaysia tăng gần 50%, Myanma tăng 51%, Ấn Độ tăng 41%, Thái Lan tăng 37%... Các thị trường Châu Âu xuất khẩu lại tăng trưởng chậm lại.

Các doanh nghiệp TP.HCM chủ yếu nhập khẩu về sản phẩm điện tử và linh kiện tăng gần 36%, kim loại tăng 36%, chất dẻo nguyên liệu tăng gần 17%... chủ yếu từ các nước Trung Quốc tăng gần 51%, Ấn Độ 33%, Cambodia tăng 96% và Argentina tăng 88%...

Công nghiệp vẫn là kim loại, khoáng sản

Chỉ số công nghiệp tháng 8 của TP.HCM tăng 6,5% so với cùng kỳ tăng 5,4%. Các ngành tăng cao so với cùng kỳ là sản xuất kim loại tăng 86%, sản xuất than cốc, dầu mỏ tinh chế tăng gần 23%.

Tính chung 8 tháng đầu năm, chỉ số công nghiệp của TP.HCM tăng 7,3% so với cùng kỳ tăng gần 7,2%. Trong đó, 4 ngành công nghiệp trọng yếu: cơ khí chế tạo, điện tử, hóa chất – cao su – nhựa và chế biến lương thực tăng 11,8% so với cùng kỳ.

Ngành cơ khí – chế tạo có nhiều dây chuyền, máy móc được doanh nghiệp TP.HCM sản xuất với giá thành chỉ bằng 50-70% so với sản phẩm nhập khẩu cùng loại.

Ngành điện tử - công nghệ của TP.HCM phát triển thông qua việc tiếp thu trình độ khoa học công nghệ kỹ thuật cao từ các dự án của các tập đoàn kinh tế thế giới đầu tư sử dụng công nghệ bán dẫn, công nghệ vi mạch, bo mạch điện tử…

Một số sản phẩm được nghiên cứu, sản xuất thành công đưa vào thị trường tiêu thụ như: thiết bị đo điện điện tử, hộp đen gắn trên ô tô và xe máy, hệ thống giám sát container…

Bên cạnh đó, giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn thành phố tháng 8 tăng gần 11% (cùng kỳ 2016 là 9,6%), đạt 183.755 tỷ đồng.

Đặc biệt, công trình tuyết đường sắt Metro số 1 đã thực hiện khối lượng hơn 50%, thành phố đã tạm ứng vốn để triển khai thực hiện và đang làm việc với các bộ ngành để tháo gỡ khó khăn.

Vốn ODA đã giải ngân được 78% là 3.329 tỷ đồng trên tổng vốn 4.292 tỷ đồng của năm 2017.

LAN ANH

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/kinh-te-dau-tu/tphcm-cau-hang-hoa-giam-trong-thang-8-nhap-sieu-van-tang-3148669.html