TP.HCM cần kiến tạo một hành trình mới

Xu hướng phát triển tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn được TP.HCM xem là sứ mệnh quan trọng cho xây dựng một đô thị bền vững.

Diễn đàn Kinh tế TP.HCM (HEF) năm 2023 với chủ đề “Tăng trưởng xanh - Hành trình hướng tới giảm phát thải ròng bằng không” đã khai mạc vào ngày 15-9. này có sự tham gia của khoảng 1.200 đại biểu đến từ các định chế tài chính quốc tế, các chuyên gia, các nhà lãnh đạo... cùng bàn các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn, cũng như cách thức áp dụng mô hình tăng trưởng xanh cho TP.HCM.

Áp dụng mô hình kinh tế xanh vào sản xuất, kinh doanh

Nhiều doanh nghiệp (DN) tại TP.HCM đang xây dựng mô hình phát triển theo xu thế kinh tế xanh nhằm bảo vệ môi trường, thể hiện tinh thần đầu tư có trách nhiệm và góp phần cùng TP.HCM hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh.

TS Lê Thái Hà, Quỹ VinFuture, cho biết: Mô hình kinh tế tuần hoàn đang trở thành xu hướng quan trọng trên toàn cầu, đặc biệt là trong bối cảnh vấn đề biến đổi khí hậu và tài nguyên ngày càng trở nên thách thức. Do đó, quỹ đã phát động 10 chương trình hành động trọng điểm nhằm chung tay hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng không vào năm 2050 của Chính phủ.

Chẳng hạn, quỹ cam kết tài trợ trồng 30.000 cây rừng tại huyện Cần Giờ, đưa mô hình xe buýt và taxi chạy bằng điện phục vụ người dân TP.HCM… Qua đó, góp phần giảm thiểu hàng triệu kilogram khí thải carbon, giúp thúc đẩy hành vi, ý thức của người về bảo vệ môi trường.

Ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP.HCM, đang trao đổi với các đại biểu tại diễn đàn. Ảnh: HOÀNG QUÂN

Một quỹ đầu tư có trụ sở tại TP.HCM là VinaCapital cũng hợp tác với các công ty năng lượng hàng đầu như GS Energy, EDF Renewables để đầu tư vào các dự án năng lượng sạch và tái tạo như năng lượng mặt trời, điện gió trong bờ và ngoài khơi, điện khí hóa lỏng, sinh khối và hydro. Một trong những mục tiêu của các dự án này là giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, góp phần hiện thực hóa cam kết của Việt Nam không có khí thải carbon.

Vissan, một công ty thực phẩm lớn tại TP.HCM, cũng đang nhanh chóng đưa mô hình kinh tế xanh áp dụng cho sản xuất, kinh doanh. Ông Nguyễn Ngọc An, Tổng Giám đốc Công ty Vissan, cho biết hiện công ty đang áp dụng mô hình sản xuất sạch hơn cho toàn bộ quá trình sản xuất, kinh doanh và dịch vụ.

“Mục tiêu nhằm giảm chi phí vận hành, cải thiện lợi nhuận và an toàn cho người lao động, đồng thời giảm tác động đến môi trường của DN, cũng như nâng cao khả năng cạnh tranh tại thị trường trong nước và quốc tế” - ông An nói.

Theo các , nếu các DN áp dụng mô hình sản xuất sạch hơn ở quy mô rộng có thể giúp giảm bớt các vấn đề nghiêm trọng về ô nhiễm không khí và nước; hiện tượng nóng lên toàn cầu, suy thoái cảnh quan, cạn kiệt tài nguyên, acid hóa môi trường tự nhiên và nhân tạo, ô nhiễm thị giác, giảm đa dạng sinh học.

Khuyến khích , thúc đẩy đổi mới

Ông Jeremy Jurgens, Giám đốc điều hành kiêm Giám đốc Trung tâm Cách mạng công nghiệp lần thứ tư của Diễn đàn Thế giới (WEF), cho biết ngày nay các TP đang là trung tâm phát thải nên cần phải có các giải pháp giảm thiểu điều này. WEF đã có các sáng kiến giúp các TP trở nên xanh hơn như TP không phát thải carbon, sáng kiến nông nghiệp chính xác (precision agriculture) nhằm đáp ứng chính xác yêu cầu của cây trồng, tránh lãng phí sử dụng phân bón hoặc thuốc hóa học… Qua đó, góp phần bảo vệ môi trường và tiết kiệm năng lượng, giảm số lao động, cuối cùng tăng lợi tức cho nông dân.

“Chúng tôi sẵn sàng hợp tác, đồng hành với TP.HCM cho mục tiêu hành trình hướng tới giảm phát thải ròng bằng không” - ông Jeremy Jurgens nói.

Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP.HCM, cho biết sự phát triển kinh tế truyền thống không còn là lựa chọn tối ưu nữa nên TP.HCM cần chuyển hướng kiến tạo một hành trình mới, một hành trình tăng trưởng xanh với tầm nhìn cho một tương lai bền vững.

Theo đó, TP.HCM đang khẩn trương hoàn thiện khung chiến lược phát triển xanh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm xây dựng TP trở thành đô thị văn minh, hiện đại, nghĩa tình, đồng thời là điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư.

Khung chiến lược này xác định người dân, DN là trung tâm chuyển đổi số, đồng thời thúc đẩy liên kết vùng và hợp tác quốc tế nhằm thực hiện bốn trụ cột gồm phát triển nguồn lực xanh, xây dựng hạ tầng xanh, phát triển hành vi xanh, xác định ngành hoặc lĩnh vực tiên phong.

Để hỗ trợ giải pháp này, TP sẽ huy động các nguồn lực đầu tư vào năng lượng tái tạo, giảm phát thải nhà kính, xây dựng hệ thống giao thông công cộng, giảm ô nhiễm không khí kết hợp với đô thị hóa thông minh, tiết kiệm năng lượng và tài nguyên.

“TP cũng đang triển khai các biện pháp khuyến khích sáng tạo, thúc đẩy đổi mới và phát triển, tạo môi trường thuận lợi để cộng đồng DN cùng chung tay xây dựng TP hướng tới giảm phát thải bằng không” - bí thư Thành ủy TP.HCM khẳng định.

Ông Lê Công Thành, Thứ trưởng Bộ TN&MT, cho rằng xét về các yếu tố cho sự phát triển của kinh tế xanh, TP.HCM có nhiều điều kiện thuận lợi so với các địa phương khác trong cả nước. Cụ thể, TP có lợi thế về thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao từ khắp nơi trên cả nước và nước ngoài trong các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ… với nhiều tiềm năng phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến vào sản xuất, quản trị và liên kết quốc tế.Tuy nhiên, TP cần tiếp tục có lộ trình, kế hoạch hành động cụ thể, rõ ràng để tạo thuận lợi trong triển khai tăng trưởng xanh và hướng tới phát thải ròng bằng không.

“Để đạt mục tiêu này, TP có thể thông qua việc kêu gọi cộng đồng DN trong và ngoài nước có những đề xuất sáng kiến cho hoạt động này, lan tỏa các mô hình triển khai thành công theo phương châm Nhà nước kiến tạo thể chế và dẫn dắt, DN và người dân đóng vai trò trung tâm” - ông Thành gợi ý.

Động lực cơ cấu lại nền kinh tế

TS Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, nhận định TP.HCM cần tập trung vào việc xây dựng kinh tế tuần hoàn, một trong các cách thức hướng tới tăng trưởng xanh. Để làm được điều này, phải thực hiện một cách đồng bộ từ khâu thiết kế tới khâu triển khai đối với từng ngành, từng lĩnh vực, đối với từng DN và người dân, cũng như đạt được sự đồng thuận, thống nhất từ lãnh đạo, các cấp quản lý.

Phát triển kinh tế tuần hoàn sẽ tạo cơ hội và động lực quan trọng nhằm cơ cấu lại nền kinh tế, cải thiện năng suất lao động, thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững. Đồng thời sẽ tạo điều kiện để khai thác hiệu quả hơn các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

“Cơ hội này càng có ý nghĩa khi TP.HCM đang giữ vai trò quan trọng là trung tâm của vùng Đông Nam Bộ, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đồng thời là một đầu tàu xuất khẩu của cả nước” - bà Minh cho hay.

Khoảng 1.200 đại biểu tham dự Diễn đàn Kinh tế TP.HCM (HEF) năm 2023 với chủ đề “Tăng trưởng xanh - Hành trình hướng tới giảm phát thải ròng bằng không” ngày 15-9. Ảnh: PM

Giải quyết hài hòa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường

Với đặc thù về đô thị, quy mô dân số, tính năng động của nền kinh tế, TP.HCM là nơi thử nghiệm rất tốt các chính sách thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, đặc biệt trong bối cảnh TP có Nghị quyết 98/2023 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù.

TP.HCM cần phát huy tinh thần chủ động trong việc triển khai thực thi hiệu quả các chủ trương, chính sách và chiến lược từ trung ương để xây dựng định hướng hay chiến lược phát triển kinh tế xanh phù hợp; xác định rõ lợi thế và các ngành, lĩnh vực, sản phẩm ưu tiên, nguồn lực triển khai và huy động các DN, người dân.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: TÚ UYÊN

Chuyển đổi xanh và tăng trưởng xanh tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh mới nhưng cũng đòi hỏi nguồn lực lớn đó là tài chính để các DN có thể đầu tư vào công nghệ xanh, hiệu quả, giảm thiểu chi phí sản xuất và xử lý chất thải.

Mặt khác, các cơ hội kinh doanh từ nguồn năng lượng tái tạo, giao thông xanh, chuỗi cung ứng hàng hóa xanh từ sản xuất đến tiêu dùng đang tạo ra nhiều cơ hội hợp tác kinh doanh hấp dẫn cho các DN trong và ngoài nước.

Vì vậy, với các DN, đây là cơ hội để tiếp cận với các cơ hội kinh doanh mới, mạnh dạn liên kết hợp tác và huy động nguồn lực để từng bước chuyển đổi mô hình kinh doanh, hướng đến hiệu quả về lâu dài. Sự chậm trễ chuyển đổi sẽ khiến DN tụt hậu xa hơn trong việc đáp ứng nhu cầu khác nhau về tăng trưởng xanh.

Phó Thủ tướng LÊ MINH KHÁI

PHƯƠNG MINH - TÚ UYÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/tphcm-can-kien-tao-mot-hanh-trinh-moi-post751700.html