TP.HCM: Cải tạo hồ bơi sau 90 năm sử dụng để phục vụ người lao động

Ngày 17/11, Liên đoàn lao động (LĐLĐ) thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) tổ chức Lễ khởi công công trình cải tạo, nâng cấp hồ bơi tại Cung Văn hóa Lao động TP.HCM (quận 1) với tổng kinh phí gần 24 tỉ đồng.

Phát biểu tại chương trình, đồng chí Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch LĐLĐ TP.HCM cho biết, trong quần thể kiến trúc của Cung Văn hóa Lao động TP.HCM, công trình hồ bơi là một công trình kiến trúc đặc biệt, được người Pháp thiết kế, thi công và đưa vào hoạt động vào tháng 9/1933. Tuy nhiên, trải qua trên 90 năm khai thác, sử dụng, hệ thống kết cấu, kỹ thuật hồ bơi cũng như kiến trúc, cảnh quan ... đã xuống cấp nghiêm trọng, không còn đáp ứng yêu cầu về an toàn và tiện nghi sử dụng.

Đồng chí Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch LĐLĐ TP.HCM phát biểu tại Lễ khởi công.

Đồng chí Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch LĐLĐ TP.HCM phát biểu tại Lễ khởi công.

Theo đồng chí Trần Thị Diệu Thúy, để cải tạo, sửa chữa hồ bơi nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển các môn thể thao dưới nước cho cán bộ, công nhân viên, người lao động và nhân dân trên địa bàn TP.HCM, Ban Thường vụ LĐLĐ TP.HCM đã có Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư cải tạo, nâng cấp công trình Hồ bơi Cung Văn hóa Lao động và đã được Tổng LĐLĐ Việt Nam phê duyệt chủ trương đầu tư tại quyết định số 4421/QĐ-TLĐ ngày 31/3/2022.

Đây cũng là công trình đầu tiên mà Tổng LĐLĐ Việt Nam giao LĐLĐ TP.HCM làm chủ đầu tư triển khai thực hiện trong danh mục đăng ký công trình đầu tư trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.

"Đây là công trình tiêu biểu của LĐLĐ TP.HCM trong giai đoạn 2021 - 2025, chào mừng thành công Đại hội XII công đoàn TP.HCM, Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, nhiệm kỳ 2023 -2028; kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2024) và 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025). Vì thế ngay từ khi được Tổng LĐLĐ Việt Nam phê duyệt chủ trương đầu tư, LĐLĐ TP.HCM đã nỗ lực phối hợp các đơn vị tư vấn thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư theo quy định của Nhà nước và Tổng LĐLĐ", đồng chí Trần Thị Diệu Thúy nói.

Các đại biểu thực hiện nghi thức khởi công.

Các đại biểu thực hiện nghi thức khởi công.

Cung Văn hóa Lao động TP.HCM với diện tích khuôn viên hơn 30.000 m2 được khánh thành và đưa vào sử dụng ngày 5/12/1925 có tên là “Cung Thể thao”. Sau khi đất nước thống nhất năm 1975, “Cung Thể thao” được TP.HCM chuyển giao cho Liên hiệp Công đoàn TP.HCM quản lý và sử dụng. Năm 1985, công trình được đổi tên thành Nhà Văn hóa Lao động và năm 1998, được đổi tên lần nữa thành Cung Văn hóa Lao động TP.HCM.

Cung Văn hóa Lao động phục vụ chủ yếu nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tập luyện thể dục thể thao cho công nhân viên chức, người lao động và nhân dân trên địa bàn TP.HCM. Đây cũng là nơi tập luyện, bồi dưỡng và phát hiện nhiều vận động viên tiềm năng ở nhiều bộ môn thể thao như bóng nước, bi sắt, tennis, cầu lông, bóng bàn, bóng chuyền và bơi lội... Một số vận động viên còn được tham dự các cuộc thi lớn như: SEA Games, Para Games... Nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật được tổ chức tại đây như: Hội họa, thời trang, nhiếp ảnh, dân ca và một số chương trình biểu diễn nghệ thuật, liên hoan sân khấu và hội diễn văn nghệ quần chúng.

Minh Tuấn

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/tphcm-cai-tao-ho-boi-sau-90-nam-su-dung-de-phuc-vu-nguoi-lao-dong-162838.html