Tốt nghiệp THPT 2014: Hoang mang với đổi mới đề và đáp án môn văn

Ngày 10.4, Bộ GDĐT đã công bố những đổi mới kiểm tra, đánh giá chất lượng học tập môn ngữ văn ở trường phổ thông. Ngay sau công bố này, nhiều địa phương bày tỏ băn khoăn về việc thực hiện.

Cụ thể, môn ngữ văn sẽ có hai phần: Đọc hiểu và kiểm tra năng lực viết. Phần đọc hiểu sẽ kiểm tra kiến thức tiếng Việt, phát hiện những sai sót về chính tả, ngữ pháp, chấm câu, dùng từ… qua một văn bản bất kỳ. Phần kiểm tra năng lực viết gồm hai phần: Nghị luận xã hội và nghị luận văn học. Cũng theo Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Vinh Hiển: “Đề thi sẽ tiếp tục ra theo hướng mở nhằm tiến tới kiểm tra kỹ năng chứ không chỉ kiểm tra kiến thức”.

Học sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2014 môn Ngữ văn sẽ theo cách mới.

Tất cả những thay đổi này chỉ diễn ra trước kỳ thi tốt nghiệp chưa đầy 2 tháng. Bà Phạm Thị Huệ - Phó Trưởng phòng Giáo dục Trung học – Sở GDĐT Nam Định cho biết: “Rất nhiều giáo viên gọi điện đến Sở thắc mắc về các đổi mới và mong nhận được hướng dẫn để giúp học sinh ôn tập, nhưng chúng tôi cũng chịu vì Bộ chưa có “động tĩnh” gì để hướng dẫn”.

Theo bà Huệ, đối với các môn khác, giảm thời gian thi thì đề thi có thể cắt bớt một cách cơ học, nhưng môn ngữ văn thì không thể làm thế. “Học sinh nhiều năm nay đã quen với một đề văn làm trong 150 phút, bây giờ cũng đề văn ấy phải làm trong 120 phút, giáo viên không thể chuẩn bị cho các em kỹ năng này trong vòng chưa đầy 2 tháng với số tiết dành cho môn văn rất ít” – bà Huệ nói. Thầy Ngô Vưu – Tổ văn Trường THPT Quốc Học (Huế) thì cho biết: “Chúng tôi băn khoăn nhiều điểm, chẳng hạn như phần đọc hiểu sẽ vận dụng các đoạn văn bản ngoài hay trong sách giáo khoa? Phần nghị luận theo hướng mở sẽ được chấm như thế nào? Đối với học sinh giỏi, học sinh thành phố thì những thay đổi này không đáng lo, nhưng với học sinh nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa những đòi hỏi về vận dụng này sẽ gặp nhiều khó khăn”.

Bà Lê Thị Hương (Sở GDĐT Lào Cai) cho biết, hiện nay giáo viên và học sinh vẫn có suy nghĩ “thi gì học nấy, học gì thi nấy”, nếu cấu trúc đề dài, nhiều câu hỏi, nhiều phần mà chưa có hướng dẫn, hoặc định hướng để các em tìm hiểu thông tin làm bài thì sẽ gây khó khăn cho các em. Hơn nữa, việc chấm đề “mở” cũng cần có hướng dẫn “mở”.

Đại diện các Sở GDĐT đều đề xuất: “Bộ cần sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể giúp giáo viên và học sinh có thể hình dung ra cách thi môn văn năm nay để có cách ôn tập hợp lý”.

Tùng Anh

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/giao-duc-du-hoc/tot-nghiep-thpt-2014-hoang-mang-voi-doi-moi-de-va-dap-an-mon-van/20140411113120397p1c28.htm