Tốt nghiệp ngành Quản lý giáo dục có làm hiệu trưởng được không?

TS Nguyễn Quốc Trị (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) chia sẻ: 'Người học ngành Quản lý giáo dục phải biết chọn đúng việc mà làm và làm đúng cách đã chọn'.

Quản lý giáo dục là ngành học cung cấp những kiến thức, kỹ năng liên quan đến công tác quản lý, giám sát, tổ chức nhằm đảm bảo hệ thống giáo dục được vận hành và phát triển hiệu quả.

Đặc biệt, trong bối cảnh nền kinh tế - xã hội, khoa học - công nghệ phát triển không ngừng như hiện nay, nền giáo dục của Việt Nam ngày một được chú trọng, nhu cầu tham gia các hoạt động giáo dục của người dân cũng tăng cao.

Nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và hội nhập quốc tế hiện nay, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội là một trong những cơ sở đào tạo ngành Quản lý giáo dục ở nước ta với chương trình góp phần cung cấp nguồn nhân lực cho việc xây dựng nền hành chính giáo dục chuyên nghiệp, hiện đại.

“Ngành Quản lý giáo dục không phải chỉ là khuôn đúc ra thế hệ trẻ”

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Trị - Trưởng Khoa Quản lý giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết: Chúng ta đang sống trong thời đại có nhiều thay đổi và biến động khó lường, có những sự kiện diễn ra ngoài sức tưởng tượng của chúng ta. Với bối cảnh này cần có sự tham gia, vào cuộc, giải quyết bởi những con người thông minh, nhạy bén, sáng tạo và đủ khả năng thích ứng.

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Trị - Trưởng Khoa Quản lý giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ảnh: NVCC.

Trước những đòi hỏi của thời đại mới, tự thân mỗi người chúng ta buộc phải đổi mới. Nền giáo dục nước nhà nói chung và nhà trường các cấp nói riêng cũng không nằm ngoài dòng chảy thời cuộc này. Như vậy, nền giáo dục muốn đổi mới phải bắt nguồn từ những đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục.

Do đó, ngành Quản lý giáo dục không phải chỉ là một “khuôn đúc” ra lực lượng lao động, mà còn trang bị cho thế hệ tương lai về phẩm chất, năng lực, nghiệp vụ quản lý giáo dục. Để từ đó, thế hệ trẻ được trau dồi, mài giũa, rèn luyện lòng can đảm, sự chấp nhận thay đổi, đối mặt rủi ro và dám dấn thân trong lĩnh vực giáo dục để có đóng góp cho xã hội.

Hơn nữa, ngành học của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội mong muốn đào tạo các bạn trẻ trở thành những người có nền tảng căn bản trong vốn văn hóa và tri thức, trong lý luận và thực tiễn giáo dục để hành động một cách sáng tạo trong nghiệp vụ hành chính giáo dục nói riêng, cũng như trong lĩnh vực quản lý giáo dục nói chung.

Từ nền tảng đó, người học mới có thể hành động tạo ra cái mới, điểm tiến bộ trong nhà trường, các cấp, các cơ quan quản lý giáo dục và quản lý văn hóa.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Trị cũng nhận định, cái khó của những người làm công tác giáo dục là chúng ta làm việc hôm nay, nhưng chuẩn bị cho tương lai. Nếu dự báo, tìm hướng đi, tìm cách làm đúng thì kết quả gặt hái sẽ tốt. Ngược lại, nếu giữ cách nghĩ cũ, cách làm cũ, góc tiếp cận cũ, rời xa với yêu cầu đổi mới của thực tiễn giáo dục, mà không vươn tầm nhìn ra bên ngoài, thì sẽ trở thành “vật cản” của sự phát triển.

Chính vì vậy, Trưởng Khoa Quản lý giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội định hướng ngành học có mục tiêu giúp cho các bạn trẻ có đủ hành trang phẩm chất, kỹ năng gắn với thực tiễn sinh động của đổi mới giáo dục và quản trị nhà trường các cấp.

Hội nghị trao đổi chuyên môn ngành Quản lý giáo dục của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ảnh:
NVCC.

Cụ thể, đầu ra của người học chương trình đào tạo cử nhân ngành Quản lý giáo dục là có phẩm chất và năng lực chuyên môn về quản lý giáo dục, quản trị hành chính văn phòng; có năng lực sư phạm, năng lực nghiên cứu để làm việc tại các vị trí chuyên viên, nhân viên hành chính trong các cơ quan, tổ chức về giáo dục; giảng viên chuyên ngành quản lý giáo dục trong các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục; nghiên cứu viên trong các cơ quan, viện nghiên cứu về khoa học quản lý nói chung và quản lý giáo dục nói riêng.

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Trị nhấn mạnh: “Thay đổi là một quá trình bền bỉ, không thể nông nổi, có những việc ta nghĩ là rất tốt nhưng không phải là cứ tốt là sẽ làm được ngay. Tính khả thi trong phương pháp quản lý là một khía cạnh rất cần để ý tới. Trên thực tiễn, có thể thấy, nhà trường đang trên đà đổi mới định hướng đào tạo, xây dựng chương trình học liệu, phương pháp nghiên cứu và nội dung giảng dạy rất sinh động.

Để sinh viên ngành Quản lý giáo dục có thể bắt nhịp được công việc thực tế, nhà trường chú trọng đào tạo người học có tầm tư duy, phương pháp làm việc hiệu quả. Chúng tôi tin tưởng các em được đào tạo ngành Quản lý giáo dục biết phát huy những kết quả đã nghiên cứu được trong thời gian học tập, vận dụng vào thực tiễn hoạt động và nâng cao chất lượng giáo dục tại đơn vị đang công tác.

Đó là câu chuyện trách nhiệm, biết “dám làm dám chịu”, nhưng cũng phải “biết chọn đúng việc mà làm và làm đúng cách đã chọn”, cũng như biết “thay đổi sự quản lý để quản lý sự thay đổi”.

Cơ hội việc làm rộng mở

Chia sẻ cụ thể hơn về ngành học, Tiến sĩ Hoàng Thị Kim Huệ - Trưởng Bộ môn Quản lý nhà trường và các cơ sở giáo dục, Khoa Quản lý giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho hay:

Sinh viên tốt nghiệp ngành Quản lý giáo dục muốn vững bước trên chặng đường nghề nghiệp đã chọn thì cần có phẩm chất và năng lực chuyên môn về quản lý giáo dục và quản trị hành chính văn phòng; có năng lực sư phạm và năng lực nghiên cứu để làm việc. Người học khi ra trường sẽ bổ sung vào nguồn nhân lực chất lượng, hướng đến xây dựng nền hành chính giáo dục chuyên nghiệp, hiện đại, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và hội nhập quốc tế hiện nay.

Tiến sĩ Hoàng Thị Kim Huệ - Trưởng Bộ môn Quản lý nhà trường và các cơ sở giáo dục, Khoa Quản lý giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ảnh: NVCC.

Để thực hiện được sứ mệnh nói trên, ngành Quản lý giáo dục thực hiện đào tạo chuyên viên, nhân viên hành chính trong các cơ quan, tổ chức về giáo dục; nghiên cứu viên trong các cơ quan, viện nghiên cứu về khoa học quản lý nói chung và quản lý giáo dục nói riêng.

Như vậy, cơ hội nghề nghiệp của sinh viên sẽ gồm các vị trí hành chính văn phòng và nghiên cứu viên tại các cơ quan và tổ chức giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân – từ các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học công lập và tư thục, các tập đoàn, tổ chức giáo dục ngoài công lập và quốc tế, các cơ sở giáo dục thường xuyên (như trung tâm giáo dục thường xuyên và dạy nghề, các trung tâm học tập cộng đồng); đến các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục các cấp (Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo).

Ngoài ra, sinh viên tốt nghiệp ra trường còn có cơ hội làm việc tại các cơ quan phụ trách văn hóa, xã hội tại các tổ chức chính trị - xã hội từ Trung ương đến địa phương. Mức thu nhập trung bình dao động khoảng 10-20 triệu đồng/tháng. Một số đơn vị có thể thực hiện trả lương theo vị trí việc làm hoặc chỉ số đo lường hiệu suất cơ bản (KPIs).

Bên cạnh đó, một số cựu sinh viên có thể tự thành lập và vận hành cơ sở giáo dục riêng với mức thu nhập của doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực giáo dục, sau một thời gian đã tích lũy được và mở rộng hệ thống với sự phát triển khá bền vững.

Lễ trao bằng Thạc sĩ của Khoa Quản lý giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ảnh: NVCC.

Tiến sĩ Hoàng Thị Kim Huệ cũng chia sẻ: “Cử nhân Quản lý giáo dục khi tốt nghiệp ra trường chưa phải đã có thể đảm nhiệm ngay vị trí lãnh đạo, quản lý. Điều này hơi khác so với quan điểm thông thường về chuẩn đầu ra của ngành đào tạo đặc thù này.

Các em ra trường có thể làm đúng ngành nghề theo chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo được đề cập đến ở trên. Cũng có nhiều em học song song với văn bằng thứ hai tại trường hoặc trường đại học khác để có thêm cơ hội việc làm phù hợp. Điều này tạo lợi thế được đào tạo hai ngành mang tính bổ trợ, rất hiệu quả cho nhau”.

Đồng tình với ý kiến trên, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Trị nhận định: Nguồn “cung” ngành học này trên cả nước chưa đủ đáp ứng nguồn “cầu” của thị trường lao động trong xã hội hiện nay; bởi sự đa dạng của nhu cầu nhân lực quản lý giáo dục phục vụ cho sự phát triển của các loại hình trường học công lập và ngoài công lập và các vị trí việc làm khác mà xã hội mong đợi từ ngành Quản lý giáo dục. Vì thế, cơ hội việc làm của ngành Quản lý giáo dục là rất rộng mở.

Chị Lê Hà Vân - Cựu sinh viên lớp K66A, Khoa Quản lý giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, hiện đang công tác tại Phòng Tổ chức và Quản lý đào tạo của Trường Cao đẳng FPT Polytechnic Hà Nội. Theo chị Vân, với sự phát triển của nền giáo dục hiện nay, hệ thống giáo dục ngày càng đa dạng thì nhu cầu nhân lực có kiến thức chuyên môn về quản lý, chính sách giáo dục, kỹ năng trong lĩnh vực quản lý giáo dục ngày càng lớn.

Chị Lê Hà Vân - Cựu sinh viên lớp K66A, Khoa Quản lý giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ảnh: NVCC.

Sinh viên tốt nghiệp ngành Quản lý giáo dục cũng đa dạng cơ hội các vị trí việc làm như chuyên viên tư vấn giáo dục, chuyên viên đào tạo và phát triển chương trình học, giảng viên tại các cơ quan quản lý giáo dục, cơ sở giáo dục công lập và tư nhân, tổ chức văn hóa - giáo dục ở cộng đồng, tổ chức phi chính phủ hoặc làm việc trong các tổ chức nghiên cứu giáo dục và đào tạo.

Mức thu nhập đối với người học ngành Quản lý giáo dục có thể khác nhau tùy thuộc vào vị trí công việc, kinh nghiệm và quy mô tổ chức. Mức thu nhập khởi điểm trung bình cho vị trí công việc nhân viên hành chính giáo dục hiện nay dao động khoảng từ 7–12 triệu đồng/tháng.

“Công tác đào tạo cần phát huy sự năng động, sáng tạo, quyết tâm"

Theo Tiến sĩ Nguyễn Quốc Trị, thực tiễn cho thấy, công tác tuyển sinh đã có nhiều đổi mới trong việc đa dạng các phương thức tuyển sinh đến thực hiện đơn giản hóa việc đăng ký xét tuyển, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển, ưu tiên khu vực và ưu tiên đối tượng,... Tất cả những điểm đổi mới này đều hướng tới mục tiêu là công tác tuyển sinh ngày càng thuận lợi, minh bạch, công bằng, tạo cơ hội cao nhất người học.

Tuy nhiên, công tác tuyển sinh ngành Quản lý giáo dục vẫn còn một số khó khăn, thách thức ở phía trước. Chẳng hạn, nhận thức của xã hội, của các em học sinh và gia đình về ngành Quản lý giáo dục đôi khi chưa đầy đủ, cho rằng tốt nghiệp đại học sẽ làm quản lý, lãnh đạo giáo dục.

Trong khi đó, vị trí việc làm của sinh viên ngành Quản lý giáo dục sau khi ra trường chủ yếu vẫn ưu tiên trở thành chuyên viên quản lý hành chính giáo dục trong các cơ quan quản lý giáo dục và các cơ sở giáo dục.

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Trị cùng đồng nghiệp và các sinh viên Khoa Quản lý giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội trong buổi ra quân thực tập tốt nghiệp. Ảnh: NVCC.

Bên cạnh đó, một số cơ sở đào tạo ngành Quản lý giáo dục trên cả nước cần hỗ trợ nhiều hơn cho thí sinh, đánh giá hiệu quả các phương thức tuyển sinh của trường, tránh gây phức tạp, không đảm bảo quyền lợi công bằng tối đa cho thí sinh,...

Song, với tinh thần lường trước những khó khăn, công tác triển khai tư vấn tuyển sinh cần phát huy sự năng động, sáng tạo và quyết tâm. Tiến sĩ Nguyễn Quốc Trị cũng bày tỏ hy vọng với tinh thần sẵn có cùng kết quả của những năm vừa qua, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Khoa Quản lý giáo dục sẽ ứng phó được trước những khó khăn, thử thách, giữ đà phát triển của công tác tuyển sinh và đào tạo chuyên ngành Quản lý giáo dục trong thời gian tới.

Tính đến năm 2024, Khoa Quản lý giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tròn 19 tuổi. Tuy đây chưa phải là chặng đường dài trong truyền thống hơn 73 năm lịch sử vẻ vang của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, nhưng khoảng thời gian ấy đủ để Khoa Quản lý giáo dục khẳng định sự trưởng thành và phát triển.

Trong suốt quá trình, các thế hệ thầy và trò của Khoa Quản lý giáo dục đã có những đóng góp quan trọng đối với giáo dục đất nước, góp phần đào tạo những thế hệ cán bộ quản lý giáo dục có trách nhiệm với đất nước. Năm học 2008-2029, ngành Quản lý giáo dục bắt đầu tuyển sinh và đào tạo trình độ cử nhân.

Với bề dày lịch sử và truyền thống về chất lượng đào tạo, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội chú trọng thể hiện uy tín, chất lượng của một trường đại học và sẽ thuận lợi trong khả năng thu hút nhiều sinh viên giỏi, vào đủ chỉ tiêu của các ngành học, trong đó có ngành Quản lý giáo dục.

Chị Hà Vân cho biết, khi là sinh viên năm thứ 2, người học được đi kiến tập tại trường trung học phổ thông để học hỏi việc chủ nhiệm lớp và có cơ hội thực hành khả năng quản lý lớp học. Đến năm thứ 4, Khoa sẽ phối hợp với các cơ sở giáo dục đại học uy tín để tạo cơ hội cho sinh viên trải nghiệm thực tế các công việc nhân viên hành chính giáo dục ở các phòng ban trong nhà trường.

Có thể nói, đây là một hoạt động rất ý nghĩa, giúp cho những sinh viên năm cuối được học, được hành một cách thực tế khi áp dụng những kiến thức, kỹ năng đã học vào một vị trí công việc cụ thể, hiểu được cách thức vận hành của cơ sở giáo dục như thế nào. Từ đó, người học có thể vững bước hơn khi đi tiếp đến những vị trí công việc trong tương lai.

Người học ngành Quản lý giáo dục cần có những tố chất, kỹ năng gì?

Theo Tiến sĩ Hoàng Thị Kim Huệ, sau khi theo học chuyên ngành Quản lý giáo dục, các em sinh viên sẽ được phát triển các năng lực quản lý hành chính – văn phòng trong các cơ quan quản lý giáo dục và cơ sở giáo dục. Từ đó bước đầu được trang bị năng lực quản lý hành chính, quản lý nguồn lực, quản lý hoạt động chuyên môn; năng lực nghiên cứu khoa học; năng lực sử dụng ngoại ngữ trong hoạt động; và năng lực ứng dụng công nghệ thông tin.

Để có thể phát huy những kỹ năng đã được đào tạo, rèn luyện trong thực tiễn công việc, các em cần có khả năng nhận diện và hiểu được các vấn đề thực tiễn, cần có khả năng linh hoạt trong áp dụng những điều đã được học để giải quyết các vấn đề đó cũng như khả năng thực thi, tự giám sát, đánh giá và điều chỉnh sao cho đáp ứng yêu cầu của công việc đề ra.

Bên cạnh đó những phẩm chất như yêu nghề và có trách nhiệm cao với nghề nghiệp. Định hướng giá trị đúng đắn và tác phong mẫu mực cũng chính là hành trang thiết yếu để em có thể vượt qua những thách thức trong nghề và hoàn thành tốt công việc được giao.

Tiến sĩ Hoàng Thị Kim Huệ tại buổi trao đổi chuyên môn Quản lý giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ảnh: NVCC.

Chị Lê Hà Vân cho biết, sinh viên ngành Quản lý giáo dục lúc mới ra trường có thể phải đối mặt với một số thách thức như chưa có đầy đủ kinh nghiệm về lĩnh vực giáo dục nên sẽ cần thời gian để tìm hiểu, nắm bắt được quy trình làm việc của vị trí công tác và quy định, quy trình vận hành riêng của tổ chức.

Để có thể đảm nhận tốt yêu cầu công việc, sinh viên cần tích lũy kiến thức, đọc sách, nghiên cứu các tài liệu để hiểu được các quy định và xu hướng phát triển trong giáo dục.

Ngoài ra, người học nên lập kế hoạch cân đối thời gian để trau dồi kỹ năng cần thiết như ngoại ngữ, tin học văn phòng. Bởi vì, với sự phát triển không ngừng của công nghệ thông tin và hội nhập quốc tế, thì việc người học thành thạo những kỹ năng trên sẽ giúp cho các bạn tiếp cận được với các nguồn thông tin mới kịp thời cũng như tích hợp xử lý công việc một cách hiệu quả.

Đặc biệt, sinh viên nên đặt ra mục tiêu và kế hoạch cho bản thân, xác định rõ nghề nghiệp cụ thể muốn đạt được sau khi tốt nghiệp. Từ đó, chúng ta xác lập các bước cụ thể để chuẩn bị thực hiện mục tiêu nghề nghiệp đó, có thể bao gồm việc như: tìm kiếm cơ hội thực tập, học lên cao, định hình kỹ năng và kinh nghiệm cần thiết,… Điều này phần nào sẽ giúp các bạn tự tin hơn khi bước vào môi trường làm việc một cách chủ động khi đã có sự chuẩn bị trước.

Lưu Diễm

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/tot-nghiep-nganh-quan-ly-giao-duc-co-lam-hieu-truong-duoc-khong-post242632.gd