TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP TRƯA 15/9: PHIÊN THẢO LUẬN CHUYÊN ĐỀ 1 – CHUYỂN ĐỔI SỐ

Tiếp tục chương trình làm việc của Hội nghị, 11h00 trưa 15/9, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Thủ đô Hà Nội, phiên thảo luận chuyên đề 1 'chuyển đổi số' được tổ chức dưới sự chủ trì của Ngài Fakafanua, Chủ tịch Nghị viện Tonga, thành viên Ban Lãnh đạo Diễn đàn Nghị sĩ trẻ IPU.

Theo đó, phiên thảo luận sẽ tập trung vào các vấn đề sau: (1) Việc hoàn thiện thể chế, chính sách trong việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi số nhằm tăng cường các cơ hội phát triển kinh tế bền vững; (2) Chia sẻ kinh nghiệm của nghị viện các nước trong công tác lập pháp, giám sát và vai trò của các nghị sỹ trẻ nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (4IR); (3) Chia sẻ những tiến bộ đạt được trong việc số hóa các hoạt động của nghị viện vì sự phát triển bền vững.

Ngay sau phát biểu dẫn đề là phần thảo luận, trao đổi các kinh nghiệm thực tiễn nghị viện của các đại biểu tham dự.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội liên tục cập nhật nội dung phiên họp:

11h21: Ông Lord Fakafanua, Chủ tịch Hội đồng Lập pháp Tonga, Thành viên Ban Lãnh đạo Diễn đàn Nghị sĩ trẻ IPU phát biểu mở đầu Phiên thảo luận

Ông Lord Fakafanua, Chủ tịch Hội đồng Lập pháp Tonga, Thành viên Ban Lãnh đạo Diễn đàn Nghị sĩ trẻ IPU cảm ơn Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, Chủ tịch IPU, Chủ tịch Diễn đàn Nghị sĩ trẻ, Tổng thư ký IPU và Chủ tịch Nhóm Đại biểu Quốc hội trẻ Việt Nam đã phát biểu tại phiên khai mạc của Hội nghị.

Bày tỏ vinh hạnh được chủ trì phiên họp đầu tiên của Hội nghị, Ông Lord Fakafanua cho biết, trong hai ngày tới, chúng ta có cơ hội khám phá các hành động cho phép ta sử dụng công nghệ kỹ thuật số và đổi mới sáng tạo để thúc đẩy việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững.

Ông Lord Fakafanua cho biết, kể từ khi “Tuyên bố Hà Nội” được thông qua tại đây 8 năm trước, đã có những tiến bộ đáng kể trong cách các nghị viện hỗ trợ thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Tuy nhiên, những thách thức khó khăn vẫn còn đó.Hiện tại, phiên đầu tiên của chúng ta sẽ nói về việc làm thế nào để khai thác Chuyển đổi số nhằm thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững.

Các diễn giả tham gia phát biểu về chủ đề này bao gồm: Ông Dan Carden, Chủ tịch Diễn đàn Nghị sĩ trẻ IPU, Hạ Nghị sĩ Vương Quốc Anh; Bà Cynthia Lopez Castro, Thành viên Hạ viện Mexico, Chủ tịch Diễn đàn Nữ nghị sĩ IPU; Ông Lưu Bá Mạc, Đại biểu Quốc hội Việt Nam; Bà Yetunde Bakare, Giám đốc YIAGA Châu Phi. Các đại biểu cũng sẽ nghe Video Thông điệp từ ông Walter Cervini, Thành viên Hạ viện Uruguay.

11h26: Chủ tịch Diễn đàn Nghị sĩ trẻ IPU Dan Carden phát biểu đề dẫn

Chủ tịch Diễn đàn Nghị sĩ trẻ IPU Dan Carden cho biết hiện nay thanh niên chiếm 50% dân số thế giới tuy nhiên chỉ 2,8% nghị sĩ ở nghị viện của các quốc gia là dưới 30 tuổi. Qua chia sẻ của các diễn giả tại Hội nghị cho thấy thanh niên hiện tiên phong trong nhiều lĩnh vực như công nghiệp kinh tế…với sự đóng góp năng động, linh hoạt và hiệu quả.

Theo Chủ tịch Diễn đàn Nghị sĩ trẻ IPU Dan Carden, cách những người trẻ nhìn thế giới, nhìn nhận các vấn đề khác với thế hệ khác nhưng dù là ai cũng đều phải có trách nhiệm để theo kịp với những thay đổi và phải tìm ra giải páp thích ứng cho thay đổi nhất là trong hoạt động của nghị viện.

Trước thực tế nghị viện một số nơi chưa kết nối tốt với thanh niên, Chủ tịch Diễn đàn Nghị sĩ trẻ IPU Dan Carden cho rằng nếu thanh niên không có cơ hội được thể hiện ý kiến thì nghị viện ngày càng xa rời người dân. Do đó, nâng cao năng lực thể chế, tạo ra cơ hội cho thanh niên được nói lên tiếng nói của mình sẽ giúp cho các nghị viện gắn kết chặt chẽ với cộng đồng và người dân.

Chủ tịch Diễn đàn Nghị sĩ trẻ IPU Dan Carden chỉ rõ, ngày nay, nhiều thách thức đang phải đối mặt liên quan đến công nghệ như tin giả, chia rẽ xã hội, chia rẽ chính trị…hay những sự kiện xảy ra gần đây đã cho thấy cần phải nâng cao nhận thức chung về sử dụng công nghệ hiệu quả hơn để giải quyết những thách thức trong xã hội và giúp các cơ quan lập pháp đưa ra quyết định đúng đắn vì sự phát triển.

11h30: Bà Cynthia Lopez Castro, Nghị sĩ Mexico, Chủ tịch Diễn đàn Nữ nghị sĩ IPU

Phát biểu tại Phiên thảo luận, bà Cynthia Lopez Castro cảm ơn tới các ông bà trong Liên minh Nghị viện thế giới đã hỗ trợ các nghị sỹ trẻ các nước trong thực hiện sứ mệnh của mình.

Về chuyển đổi số và những thách thức lớn thế giới đang phải đối mặt, bà Cynthia Lopez Castro cho biết, hiện chưa có cách tiếp cận phổ quát internet trên toàn cầu, điều này đòi hỏi cần có sự tiếp cận internet trên toàn cầu.

Bà Cynthia Lopez Castro cho biết, tại Mexico có đạo luật Olympia được bắt nguồn từ việc phát tán đoạn video có nội dung tình dục nhưng không được sự cho phép - đây là hành vi bạo lực trên mạng nhưng không được quy định trong Hiến pháp. Vì vậy, chúng tôi đã thành công trong việc đưa vào trong Hiến pháp và coi đây là hành vi phạm tội hình sự, vi phạm quyền riêng tư cá nhân. Điều luật này cũng được nhân rộng ở nhiều bang ở Mexico và một số quốc gia.

Bà Cynthia Lopez Castro tự hào vì những nỗ lực này đã được ghi nhận và mong muốn những nỗ lực này sẽ được các quốc gia khác thực hiện nhằm ngăn chặn, bảo vệ cho phụ nữ trong hiện tại và tương lai.

Hiện tại Mexico có tỷ lệ nghị sĩ nữ chiếm tới 50%, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao là phụ nữ, Chủ tịch Quốc hội là phụ nữ. Tại Hội nghị này, bà Cynthia Lopez Castro hy vọng các nghị viện cùng nhau hỗ trợ thực hiện các đạo luật tương tự để ngăn chặn các hành vi bạo lực đối với phụ nữ trên mạng.

11h36: Đại biểu Lưu Bá Mạc (Đoàn ĐBQH Việt Nam) phát biểu dẫn đề về thành tựu, chính sách và các giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số

Phát biểu gợi mở trong phiên thảo luận chuyên đề về chuyển đổi số, đại biểu Lưu Bá Mạc cho rằng, ngày nay, mỗi quốc gia, tổ chức hay cá nhân đều phải nỗ lực chuyển đổi, nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức, nếu không muốn bị bỏ lại phía sau. Chuyển đổi số giúp thay đổi cách vận hành nền kinh tế, tăng mạnh năng suất lao động, tạo các động lực mới cho tăng trưởng kinh tế; giúp các cơ quan nhà nước hoạt động ngày càng minh bạch, hiệu quả hơn, giúp thu hẹp khoảng cách phát triển.

Đề cập đến một số vấn đề liên quan đến chuyển đổi số đã và đang tác động đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia, đại biểu Lưu Bá Mạc cho rằng, quá trình chuyển đổi số đang diễn ra ở các quốc gia với các mức độ khác nhau cho thấy yếu tố nền tảng quan trọng nhất cho quá trình chuyển đổi số đó là phải hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm thúc chuyển đổi số, đảm bảo tính bao trùm và phát triển bền vững, lấy người dân làm trung tâm, bao gồm thúc đẩy hạ tầng số, hệ sinh thái số, các giải pháp hiệu quả gắn kết chuyển đổi số với phát triển bền vững và không bỏ lại ai ở phía sau.

Thứ hai, để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, cần xác định việc xây dựng và thúc đẩy phát triển các nền tảng số quốc gia là giải pháp có tính đột phá. Nền tảng số là "hạ tầng mềm" của không gian số, giải quyết các bài toán cụ thể của chuyển đổi số, tạo lập và lưu trữ dữ liệu người dùng; càng có nhiều người sử dụng thì dữ liệu càng nhiều, chi phí càng rẻ, giá trị tạo ra càng lớn.

Đại biểu Lưu Bá Mạc cho rằng, sự thành công, phát huy hiệu quả của quá trình chuyển đổi số đòi hỏi phải nâng cao nhận thức và kỹ năng số cho người dân, đặc biệt cho người dân ở vùng sâu, vùng xa.

Bên cạnh đó, quá trình chuyển đổi số đặt ra các cuộc thảo luận về chủ quyền quốc gia trên không gian mạng. Trong thế giới thực, việc tôn trọng chủ quyền quốc gia là một nguyên tắc cơ bản được ghi nhận trong hệ thống luật pháp quốc tế. Do tính chất xuyên biên giới của không gian mạng, việc đảm bảo chủ quyền quốc gia trên không gian mạng là một vấn đề mới, phức tạp. Do đó, việc triển khai đồng bộ các giải pháp sẽ góp phần bảo vệ chủ quyền số của các quốc gia. Việc đảm bảo chủ quyền trên không gian mạng cần có sự hợp tác và phối hợp của các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế nhằm đem lại một môi trường mạng an toàn, lành mạnh và phát triển bền vững.

Đại biểu Lưu Bá Mạc nhấn mạnh, chuyển đổi số trong các hoạt động nghị viện cũng không tách rời xu thế chung của quá trình chuyển đổi số trong các lĩnh vực. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động Quốc hội được coi là nhiệm vụ thường xuyên nhằm hỗ trợ và nâng cao các hoạt động của Quốc hội, xây dựng, phát triển các nền tảng số, công cụ số hỗ trợ toàn diện hoạt động nghị viện, tăng cường, nâng cao nhận thức của các nghị sỹ về lợi ích và tác động của các công nghệ mới đối với mọi mặt của đời sống: kinh tế, chính trị, xã hội.

11h43: Bà Yetunde Bakare - Giám đốc YIAGA Africa phát biểu

Phát biểu tại Hội nghị, bà Yetunde Bakare cho biết, bà làm việc ở Tổ chức YIAGA Africa ở Nigerria. Chủ đề mà Hội nghị thảo luận rất nhiều là công nghệ ảnh hưởng rất nhiều tới các hoạt động và đời sống, các chúng ta tương tác và vận hành hiện nay.

Theo bà Yetunde Bakare, số liệu thống kê năm 2023 cho thấy, hiện có 5,4 tỷ người trên thế giới, tương đương 67% dân số toàn cầu đang sử dụng Internet, đây là số liệu tăng hơn 50% so với năm 2018. Tuy nhiên có 1 điểm thú vị là có nhiều hộ gia đình ở nông thôn, vùng sâu vùng xa với cơ sở hạ trầng hạn chế hơn thì họ không có khả năng tiếp cận Internet nhiều như vậy. Bà Yetunde Bakare khẳng định có sự khác biệt trong việc tiếp cận Inernet giữa các tầng lớp xã hội khác nhau. Do đó, bà Yetunde Bakare đề nghị cần có giải pháp để đảm bảo thế hệ trẻ tiếp cận được thông tin, cần sử dụng công nghệ số để gắn kết thế hệ trẻ này.

Vấn đề đặt ra là làm thế nào để chúng ta thu hẹp khoảng cách phát triển số, năng lực số trong bối cảnh chuyển đổi số. Các nghị viện có thể thúc đẩy đầu tư cho các kỹ năng số của thế hệ trẻ và các thế hệ lớn tuổi hơn nhằm đảm bảo tính bao trùm số.

Bên cạnh đó, bà Yetunde Bakare đề nghị cần thúc đẩy quan hệ đối tác công tư, quan hệ với các tổ chức xã hội… nhằm đảm bảo phát triển bao trùm, gắn kết các tầng lớp với nhau, có cùng chiến lược và hỗ trợ chính sách bao trùm số.

Bà Yetunde Bakare cho rằng, với công nghệ số, các nghị sĩ trẻ có thể mở rộng hiểu biết, nâng cao ý thức của người dân, đồng thời khuyến khích người dân tham gia vào tiến trình lập pháp. Khi đó, công việc của các nghị sĩ sẽ thực chất hơn, góp phần nâng cao tính minh bạch giải trình của các nghị sĩ.

11h50: Ông Walter Cervini, Nghị sĩ Uruguay phát biểu ghi hình

Phát biểu ghi hình tại Hội nghị, Ông Walter Cervini, Nghị sĩ Uruguay cho rằng, nội dung thảo luận hôm nay rất quan trọng bởi vấn đề này liên quan đến lĩnh vực chuyển đổi số. Trong bối cảnh thế giới đang thay đổi, Ông Walter Cervini nhấn mạnh, chúng ta cần nắm bắt được những thay đổi và tạo ra những khuôn khổ cho những thay đổi đó…

Theo Nghị sĩ Walter Cervini, việc ứng dụng công nghệ vào công việc sẽ cho phép và giúp chúng ta quản lý tốt hơn những thay đổi, hướng đến một tương lai tốt đẹp hơn. Đặc biệt, Nghị sĩ Walter Cervini nhấn mạnh, AI (Trí tuệ nhân tạo) đang phát triển nhanh chóng, và công nghệ này nên được ứng dụng tích cực vào trong hoạt động của các nghị viện để góp phần nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả các hoạt động của nghị viện.

11h55: Ông Lord Fakafanua, Chủ tịch Hội đồng Lập pháp Tonga, Thành viên Ban Lãnh đạo Diễn đàn Nghị sĩ trẻ IPU điều hành phiên thảo luận

Điều hành nội dung thảo luận, ông Lord Fakafanua cảm ơn những thông điệp, chia sẻ đáng quý từ các đại biểu. Tiếp đến, chúng ta sẽ tiến hành nội dung thảo luận.

11h56: Nghị sĩ Trung Quốc phát biểu

Đại biểu đến từ Quốc hội Trung Quốc cho biết, kỹ năng số là động lực thúc đẩy quan trọng, Trung Quốc có nhiều nỗ lực thúc đẩy chuyển đổi số, thu hẹp khoảng cách số giữa thành thị và nông thôn với số lượng lớn người đang dùng mạng xã hội ở Trung Quốc

Để thúc đẩy phát triển bền vững, việc thực hiện chuyển đổi số là rất quan trọng. Trung Quốc đã chú trọng thúc đẩy nền kinh tế số, thực hiện chuyển đổi số, xây dựng không gian mạng cho người trẻ… Trung Quốc cũng xác định cần tận dụng tối đa các thế mạnh, cơ hội từ công nghệ số như việc mua bán trực tuyến, thanh toán online… Nền kinh tế số của Trung Quốc được đánh giá cao trên thế giới. Người trẻ đang đóng vai trò rất tích cực trong phát triển nền kinh tế số. Tuy nhiên, cần có bộ công cụ để thu hẹp khoảng cách số giữa các thành viên trong xã hội, đó là nền tảng quan trọng cho phát triển bền vững.

Trung Quốc cũng tham gia tích cực vào các tham vấn, chia sẻ về các cơ chế quốc tế của Liên hợp quốc, ký kết các văn bản quốc tế liên quan đến chiến lược phát triển kinh tế số, tạo nên cơ sở chắc chắn cho tương lai thịnh vượng hơn cho nến kinh tế số, tháo gỡ rào cản, nâng cao khả năng tiếp cận cơ hội cho đông đảo người dân.

12h00: Nghị sĩ Serbia phát biểu

Phát biểu tại phiên họp, nghị sĩ Serbia cho biết Quốc hội Serbia rất quan tâm tới chủ đề này Hội nghị. Năm 2021, 2022, Quốc hội Serbia đã tổ chức phiên họp với người dân về vai trò của số hóa, trong đó người dân đã chia sẻ và thảo luận về ảnh hưởng của chuyển đổi số. Qua đó Quốc hội Serbia đã nâng cao nhận thức tầm quan trọng của vấn đề này đối với người dân....

Chuyển đổi số của Serbia đã đạt được rất nhiều thành tựu trong các năm qua. Đại dịch COVID-19 đã cho thấy vai trò quan trọng của công nghệ số. Chuyển đổi số có vai trò quan trọng trong mọi lĩnh vực của đời sống, Serbia thúc đẩy việc phát triển của trí tuệ nhân tạo đã giúp người dân trao đổi thông tin nhanh hơn, hiệu quả hơn. Dữ liệu của thể chế dễ dàng sử dụng và dễ dàng chia sẻ hơn.

Nghị sĩ Serbia nhấn mạnh, việc chuyển đổi từ môi trường vật lý sang môi trường số cũng rất cần thiết đối với các chủ thể tham gia vào quá trình triển khai và chuẩn bị cho chuyển đổi số. Việc sử dụng máy tính cũng là một phần nỗ lực trong thúc đẩy trí tuệ nhân tạo. Do đó, Serbia mong muốn thúc đẩy số hóa trong cả các hoạt động của doanh nghiệp.

12h04: Nghị sĩ Cuba

Thảo luận tại hội nghị, đại diện Quốc hội Cuba cảm ơn Việt Nam về sự đón tiếp chu đáo trong khuôn khổ Hội nghị lần này và cho rằng việc tổ chức Hội nghị tiếp tục đóng góp vào những nỗ lực của nghị viện đạt được mục tiêu đề ra, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Đại biểu của Cuba chia sẻ là một quốc gia châu Mỹ, thời gian qua, Cuba nỗ lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo thông qua việc quy định trong Hiến pháp, các văn kiện của Đảng. Quốc hội Cuba cũng chia sẻ với những nỗ lực của Chính phủ thông qua nhiều luật nhằm tạo hành lang pháp lý cho chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo.

Nhấn mạnh những thách thức các nước phải đổi mặt hiện nay, đại biểu của Cuba cũng chia sẻ những khó khăn của Cuba khi phải đối mặt các hình thức bao vây cấm vận cản trợ sự phát triển cơ sở hạ tầng và công nghệ. Do đó, đại biểu Cuba đánh giá cao sáng kiến về nội dung thảo luận tại Hội nghị lần này nhằm tăng cường vai trò của thanh niên, của nghị sĩ trẻ.

Đại biểu Cuba đề xuất xây dựng nhóm hợp tác liên nghị viện cho các nghị sĩ trẻ trong khuôn khổ Diễn đàn Nghị sĩ trẻ. Bày tỏ trân trọng khi tiếng nói của Cuba được lắng nghe tại Hội nghị lần này, đạibiểu Cuba khẳng định cam kết của Cuba sẵn sàng hợp tác với cộng đồng quốc tế trong thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững, tăng cường hợp tác số vì lợi ích cho người dân Cuba cũng như người dân toàn thế giới.

12h08: Nghị sỹ Kenya

Chia sẻ tại Phiên thảo luận, nghị sỹ Kenya cho biết, tại Kenya có nhiều hành vi bắt nạt trên mạng, vì vậy đã có luật điều chỉnh lĩnh vực này, với mức phạt lên tới 25 năm tù. Pháp luật của Kenya cũng có những lệnh hạn chế tiếp xúc với đối tượng vi phạm tội tình dục; có những quy định phạt tiền và phạt tù đối với lĩnh vực này; quy định phạt về nội dung mang tính khiêu dâm…. Nghị viện Kenya mong muốn chia sẻ những biện pháp xử phạt mạnh mẽ tại hội thảo để nghị viện các nước tham khảo.

12h10: Nghị sĩ Kuwait phát biểu

Phát biểu tại Hội nghị thảo luận chuyên đề thứ nhất về chuyển đổi số, đại diện nghị sĩ của Kuwait cho biết, những công nghệ mà chúng ta chứng kiến hiện nay chính là nhờ một phần các nghị viên của chúng ta liên tục đổi mới, cập nhật các chính sách, có nền tảng pháp lý để bảo vệ quyền con người. Đây là điều rất quan trọng để chúng ta có thể hiện thực hóa các mục tiêu SDGs.

Nhân dịp này, đại diện nghị sĩ của Kuwait gửi lời chia buồn sâu sắc tới các nạn nhân do thiên tai và do gặp nạn ở các quốc gia Namibia, Việt Nam và Marốc.

12h12: Nghị sĩ Iran phát biểu

Phát biểu Hội nghị, Nghị sĩ Iran cho rằng, nội dung thảo luận hôm nay có liên quan mật thiết tới các mục tiêu phát triển bền vững liên quan đến chuyển đổi số. Trong bối cảnh mới, Nghị sĩ Iran cho rằng, việc trang bị và tăng cường năng lực số là rất cần thiết, đặc biệt là những người trẻ, nghị sỹ trẻ…

Theo Nghị sĩ Iran, đây sẽ là nhiệm vụ lớn mà tất cả các quốc gia cần tham gia và nỗ lực, không một nhóm nhỏ nào có thể tự thực hiện được, để thúc đẩy sự phát triển bền vững bao trùm trong giai đoạn tới.

12h15: Nghị sĩ Ireland phát biểu

Nghị sĩ Ireland đánh giá Mexico có nhiều thay đổi táo bạo trong trao quyền cho phụ nữ, giới trẻ. Ireland cũng ủng hộ các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong việc mang internet cáp quang đến cho các hộ gia đình nông thôn, giúp phụ nữ, người lao động có thể làm việc gần nhà hơn.

Kể từ đại dịch Covid-19, phụ nữ Ireland đã bị ảnh hưởng khá nhiều trong lĩnh vực lao động, việc làm. Chúng ta đã có nhiều nỗ lực, nhưng những thay đổi cần đến từ chính trong các gia đình. Cần đẩy mạnh chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, đảm bảo ở cả các mặt cung và cầu, cung cấp đủ các phương tiện hỗ trợ về giao thông, nền tảng số, chăm sóc trẻ em để giảm bớt gánh nặng của phụ nữ.

Cần có những thay đổi thực chất, cụ thể, không nên chỉ nhìn chuyển đổi số như một vấn đề xa vời, lớn lao, mà cũng nên nhìn nhận một cách cụ thể, rõ ràng, tạo ra những thay đổi nhỏ nhưng hiệu quả để đảm bảo quyền lợi của người phụ nữ, giúp công cuộc chuyển đổi số có kết quả thiết thực.

12h19: Nghị sĩ Nam Phi phát biểu

Nghị sĩ Nam Phi nhất trí với các ý kiến tại Phiên thảo luận về vai trò quan trọng của nghị sỹ trong thúc đẩy chuyển đổi số, nhằm mang lại lợi ích của người dân, tập trung cơ sở hạ tầng, kỹ năng… Hiến pháp Nam Phi quy định Quốc hội có các ủy ban giám sát để đảm bảo Chính phủ hoạt động đúng quy định và trách nhiệm giải trình.

Chuyển đổi số được quy định rõ ràng và nhiệm vụ của Bộ Thông tin và Truyền thông, với vai trò thúc đẩy chuyển đổi số và mọi người có thể tiếp cận internet đáng tin cậy. Quốc hội Nam Phi cũng có một ủy ban giám sát về lĩnh vực này, trong đó xác định đầu tư cơ sở hạ tầng, đề xuất xây dựng trung tâm dữ liệu lớn.

Nam Phi mong muốn đóng góp môi trường số an toàn tại Châu Phi, hiện có 300km cáp quang internet trải dài trên toàn quốc gia; đồng thời đưa ra lời kêu gọi đầu tư của các công ty lớn để thúc đẩy cơ sở hạ tầng; mong muốn đầu tư có các giải pháp đảm bảo an toàn an ninh mạng.

Nam Phi có đội ngũ kỹ sư tốt để đảm bảo vận hành an toàn, ổn định; đồng thời có chiến lược phát triển công nghệ số, có nhiều công cụ phát triển đổi mới sáng tạo. Quốc hội Nam Phi cũng có chiến lược phát triển công nghệ thông tin tập trung vào chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo.

12h23: Nghị sĩ Georgia phát biểu

Tại phiên thảo luận, nghị sĩ Georgia cho biết, Georgia đang trong quá trình để trở thành thành viên đầy đủ của Liên minh Châu âu, cam kết các nguyên tắc về quyền con người và dân chủ. Georgia cam kết thúc đẩy vai trò của các nghị sĩ nữ.

Trí tuệ nhân tạo hiện nay không chỉ gây gián đoạn các quy trình vận hành mà còn gây gián đoạn con người, thay đổi cách tạo ra những nội dung liên quan đến phụ nữ. Do đó, cần phải ngăn chặn vấn đề này thông qua các chính sách cụ thể.

12h25: Nghị sĩ trẻ Nghị viện Bồ Đào Nha phát biểu

Đại diện Nghị viện Bồ Đào Nha cho rằng trong cách mạng số thì kĩ năng số là yếu tố quan trọng góp phần thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững. Cùng với đó là thực hiện cách mạng số, chuyển đối số trong lĩnh vực dịch vụ công như tăng cường minh bạch và bình đẳng là điều cần thiết để đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau. Nhấn mạnh phát triển số bao trùm bền vững là nền tảng cho xã hội số. Theo đó, mọi người dù ở độ tuổi nào, khu vực nào, trình độ nào…cũng đều có khả năng thụ hưởng dịch vụ.

Đại biểu Bồ Đào Nha cho rằng để đạt được mục tiêu trên cần phải có đào tạo kĩ năng số ở quy mô toàn xã hội để người dân hiểu về an ninh mạng, quyền riêng tư trên mạng, phòng, chống tin giả, mở rộng mạng lưới kết nối, bao phủ internet…là những bước đi quan trọng vì tương lai bền vững hơn, bảo đảm người dân có cơ hội tiếp cận bình đẳng.

12h27: Nghị sĩ Peru phát biểu

Phát biểu Hội nghị, Nghị sĩ Peru đánh giá cao nội dung thảo luận của Hội nghị, qua đó thấy được vai trò của giời trẻ trong việc tham gia thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững thông qua chuyển đổi số.

Theo Nghị sĩ Peru, thế giới đang ở trong bối cảnh mới, thông qua chuyển đổi số, chúng ta có thể sử dụng công nghệ để tìm ra những giải pháp cần thiết và bền vững để giải quyết những thách thức mà thế giới đang phải đối mặt hiện nay. Để làm được điều đó, Nghị sĩ Peru cho rằng cần có sự ủng hộ, tham gia của giới trẻ.

Như vậy, chúng ta cần tạo ra cơ hội để người trẻ được tăng cường kỹ năng số và tham gia nhiều hơn vào quá trình xây dựng chính sách.

12h29: Nghị sĩ Timor Leste phát biểu

Phát biểu tại Hội nghị, nghị sĩ Timor Leste cho biết, tại Timor Leste, bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chi phí Internet vẫn đắt nhất trên thế giới. Vì vậy, nghị sĩ Timor Leste mong muốn các quốc gia chia sẻ kinh nghiệm đã từng trải qua khó khăn về chính sách này và đề xuất giải pháp khắc phục.

Bên cạnh đó, nghị sĩ Timor Leste nêu rõ, Quốc hội nước này đã xây dựng và phát triển đạo luật về bảo vệ trẻ em và chống tội phạm mạng để đối phó với việc xâm nhập mạnh mẽ trên Internet. Nghị sĩ Timor Leste hy vọng các quốc gia có thể chia sẻ kinh nghiệm triển khai thực tế đạo luật bảo vệ phụ nữ trên môi trường mạng để quốc gia này tham khảo và thực hiện tại Timor Leste.

12h31: Nghị sĩ Morocco phát biểu

Phát biểu thảo luận, nghị sĩ Morocco nêu một số thách thức liên quan đến chuyển đổi số, đó là cần đảm bảo cơ sở hạ tầng số; có năng lực, chuyên gia về lĩnh vực này; có mức độ quản trị phù hợp tạo ra cơ hội thúc đẩy chuyển đổi số và tăng cường hợp tác quốc tế; có công cụ tham khảo thúc đẩy phát triển công nghệ số.

Nghị sĩ Morocco cũng cho biết, để chuyển đổi số thành công cũng cần các công cụ tham khảo bổ trợ thực hiện chuyển đổi số giữa các quốc gia. Tại phiên thảo luận, nghị sĩ Morocco cũng bày tỏ cảm ơn của các quốc gia đã bày tỏ lời chia buồn đối với thảm họa gần đây tại

12h33: Nghị sĩ Ukraina phát biểu

Nghị sĩ Ukraina cho biết, lần cuối cùng có vinh dự được tham dự sự kiện lớn này là từ năm 2017. Từ đó đến nay, Ukraina đã xảy ra nhiều biến cố, thay đổi nghiêm trọng. Trong bối cảnh đó, Ukraine vẫn đang tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, nâng cao kỹ năng số để bảo vệ người dân, đảm bảo công dân tiếp cận được với các dịch vụ số.

Ukraina cũng có đội ngũ Nghị sĩ trẻ khá đông, và rất tích cực trong việc ứng dụng công nghệ số, xây dựng hộ chiếu điện tử trên điện thoại, đảm bảo an toàn, an ninh cho người dân. Người dân có thể dễ dàng đăng ký và thực hiện các thủ tục, dịch vụ công thông qua điện thoại thông minh. Ukraina cũng hợp tác với nhiều quốc gia trong vấn đề này. Ukraina cũng sẵn sang hợp tác với các đối tác châu Á trong lĩnh vực này.

12h37: Đại biểu Quốc hội Việt Nam phát biểu

Phát biểu Hội nghị, đại biểu Quốc hội Việt Nam cho biết, thời gian qua, Việt Nam cũng đã hoàn thiện khung khổ pháp lý liên quan đến chuyển đổi số (như về thanh toán điện tử, các chương trình, chiến lược chuyển đổi số quốc gia…)…

Đại biểu Quốc hội Việt Nam cũng cho biết, trong hoạt động của Quốc hội, Quốc hội Việt Nam cũng đã giảm dần việc sử dụng tài liệu giấy và chuyển sang sử dụng các tài liệu mềm. Đại biểu Quốc hội Việt Nam nhấn mạnh, thông qua Hội nghị này, Quốc hội Việt Nam mong muốn học hỏi được thêm nhiều kinh nghiệm của các Nghị viện thế giới.

12h40: Ông Lord Fakafanua, Chủ tịch Hội đồng Lập pháp Tonga, Thành viên Ban Lãnh đạo Diễn đàn Nghị sĩ trẻ IPU phát biểu

Điều hành Phiên thảo luận, ông Lord Fakafanua cho biết, còn 1 số ý kiến phát biểu sẽ được tiếp tục trong Phiên làm việc chiều ngày 15/9, từ 13h30-15h.

PHẦN 2

14h04: Ông Mohamed Anouar Bouchouit, Thành viên Quốc hội Nhân dân Algeria, Thành viên Ban Lãnh đạo Diễn đàn Nghị sĩ trẻ IPU

Ông Mohamed Anouar Bouchouit, Thành viên Quốc hội Nhân dân Algeria, Thành viên Ban Lãnh đạo Diễn đàn Nghị sĩ trẻ IPU cho biết, trong phần đầu tiên, cuộc thảo luận tập trung vào việc sử dụng Chuyển đổi số như một công cụ để thúc đẩy phát triển bền vững và cải thiện chức năng của các cơ quan Quốc hội. Trong phần thứ hai này, các đại biểu sẽ tập trung vào các tình huống cụ thể của nghị viện các nước và chia sẻ những kinh nghiệm và thực hành tốt của chúng ta.

Ông Mohamed Anouar Bouchouit cho biết, các nghị sĩ trẻ tham gia ở phần 2 của chuyên đề này có: Ông Marius Matijošaitis, Thành viên Nghị viện Lithuanian; Ông John Methu, thành viên Hạ viện Kenya; Ông Brando Benifei, thành viên Nghị viện Châu Âu cùng các đại biểu, đại diện phái đoàn các nước.

14h06: Ông Marius Matijosaitis - Nghị sĩ Lithuania

Giới thiệu về công cuộc chuyển đổi số ở Lithuanian, ông Marius Matijosaitis cho biết, quốc gia này chú trọng củng cố cơ sở hạ tầng số, ưu tiên cải thiện kỹ năng số cho nhóm người dễ bị tổn thương như người già, người có thu nhập thấp, người có trình độ công nghệ số thấp.

Ông Marius Matijosaitis cũng cho biết, Lithuania đã triển khai xây dựng Cổng Chính phủ số, trong đó cung cấp nhiều dịch vụ công trực tuyến tạo điều kiện cho người dân thực hiện các dịch vụ qua mạng. Lithuania cũng cung cấp dịch vụ để người nước ngoài đăng ký thường trú và đây là năm thứ ba Lithuania triển khai thực hiện dịch vụ này.

Ngoài ra, Lithuania đã hỗ trợ cung cấp hỗ trợ sim điện thoại, cung cấp các hệ thống gia đình thông minh, cung cấp thẻ căn cước công dân điện tử ở mức độ cao, cho phép công dân của Cộng hòa Lithuania sử dụng các dịch vụ xuyên biên giới do quốc gia khác cung cấp.

Ông Marius Matijosaitis khẳng định, tại Lithuania có nhiều sáng kiến đã được áp dụng và đạt được nhiều kết quả đáng mừng. Tại hội nghị này, ông Marius Matijosaitis mong muốn các nghị viện cùng hợp tác, chia sẻ học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, có thể tăng cường hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng, chống thong tin sai lệch, bảo vệ an toàn thông tin và bảo vệ nền dân chủ, độc lập của các quốc gia…

14h13: Thượng nghị sĩ Kenya John Methu phát biểu

Chia sẻ kinh nghiệm của Kenya, Thượng nghị sĩ Kenya John Methu cho biết Kenya là một trong những nền kinh tế lớn ở Nam Phi. Cũng như nhiều nước Đông Phi và các nước trên thế giới, Kenya chú trọng chuyển đổi số và phát huy vai trò của thanh niên bởi 60% dân số Kenya là người trẻ tuổi.

Kenya đặt ra mục tiêu đến năm 2030 tất cả người dân cần được trang bị kĩ năng số, nhất là trang bị cho thanh niên kĩ năng số. Đồng thời thực hiện chuyển đổi số, trang bị kỹ năng số trong thanh niên cần có cách tiếp cận đa chiều, đồng bộ nhiều giải pháp.

Theo đó, về trung hạn, Kenya xác định sẽ lắp đặt 100km đường dây cáp quang, trang bị kiến thức số cho người trẻ, phân phát các thiết bị số tại các cơ sở tiểu học để người dân tiếp cận công nghệ từ sớm.

Ngoài ra, Kenya đã dựa vào số hóa hệ thống tài chính, tiền điện tử. Kenya cũng có chính sách hỗ trợ tài chính cho người dân bằng cách tiếp cận dịch vụ tài chính thông qua các kênh điện tử.

Tuy nhiên, Kenya cũng phải đối mặt với thách thức về tính kết nối. Do đó, Kenya lắp đặt các điểm cung cấp wifi để từ đó người dân và các tại các trụ sở có thể tiếp cận mạng.

Là quốc gia nông nghiệp, Kenya cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong hoạt động nông nghiệp.

Thượng nghị sĩ Kenya John Methu nhấn mạnh tại Hội nghị lần này cần hết sức chú trọng trách nhiệm đối với thế hệ trẻ và các nghị sĩ trẻ phải thể hiện trách nhiệm của mình. Theo Thượng nghị sĩ Kenya John Methu, cần quan tâm để bố trí, dành nguồn lực phù hợp cho nhiệm vụ chuyển đổi số thì mới có thể đáp ứng được yêu cầu đề ra.

14h20: Ông Brando Benifei, Nghị sĩ Nghị viện châu Âu phát biểu ghi hình

Ông Brando Benifei, thành viên Nghị viện Châu Âu cho biết, trong nhiệm kỳ vừa qua, ông là báo cáo viên về trí tuệ nhân tạo của Nghị viện Châu Âu. Đạo luật về trí tuệ nhân tạo là nỗ lực đầu tiên trên thế giới trong việc định hướng tác động của trí tuệ nhân tạo đối với mọi mặt đời sống. Ý tưởng then chốt là cần học hỏi từ những gì đã diễn ra để đề phòng rủi ro, mở rộng cơ hội sử dụng trí tuệ nhân tạo để giảm thiểu bất bình đẳng, hoặc các rủi ro về thông tin, dữ liệu, cũng như các rủi ro có thể phát sinh.

Hiện nay, các quốc gia thuộc Nghị viện Châu Âu đang thảo luận về nhiều vấn đề liên quan đến đạo luật, tập hợp những cách làm tốt đã có trong thực tiễn để giảm thiểu các rủi ro, tạo điều kiện cho các đơn vị kinh doanh tận dụng tốt trí tuệ nhân tạo mà hạn chế được rủi ro từ công cụ này. Nghị viện Châu Âu muốn đưa những bài học kinh nghiệm thành quy định pháp luật, hướng đến việc bảo vệ người dân, người lao động trước vấn nạn lạm dụng thông tin bằng trí tuệ nhân tạo. Tuy mỗi người, mỗi nước đều có góc nhìn, cách tiếp cận khác nhau, nhưng cần thiết tạo ra một ngôn ngữ chung, hiểu biết chung trong vấn đề trí tuệ nhân tạo, để có những quy định nhất quán, chung nhất về vấn đề này, để các nước có thể cùng nhau đối phó được các thách thức pháp lý mà trí tuệ nhân tạo đang tạo ra.

Điều quan trọng là có chính sách tổng thể ở cấp toàn cầu để giảm thiểu rủi ro từ trí tuệ nhân tạo. Có ý kiến cho rằng, nếu không cẩn thận, thì trí tuệ nhân tạo có thể dẫn đến sự diệt vong của nhân loại. Cần có nhiều thảo luận sâu sắc hơn trên quy mô toàn cầu về vấn đề này, để sự phổ biến của hệ thống trí tuệ nhân tạo không dẫn tới viễn cảnh mất kiểm soát. Ông Brando Benifei hy vọng các bên sẽ có hợp tác chặt chẽ để hệ thống trí tuệ nhân tạo có thể phục vụ tốt cho lợi ích của nhân loại.

14h28: Ông Mohamed Anouar Bouchouit, Thành viên Quốc hội Nhân dân Algeria, Thành viên Ban Lãnh đạo Diễn đàn Nghị sĩ trẻ IPU điều hành phiên thảo luận

Cảm ơn những ý kiến sâu sắc của các đại biểu, ông Mohamed Anouar Bouchouit cho biết, để đảm bảo về mặt thời gian, mỗi đại biểu đăng ký phát biểu có thể trình bày quan điểm, ý kiến của mình trong thời gian 3 phút.

14h30 : Nghị sĩ Thái Lan phát biểu

Phát biểu Hội nghị, Nghị sĩ Thái Lan cho rằng, trong thời gian tới, các quốc gia cần tối ưu hóa áp dụng chuyển đổi số trong thương mại, đổi mới sáng tạo. Đặc biệt, các cơ quan lập pháp cần hành động để có những chính sách bao trùm về số.

Nghị sĩ Thái Lan cho biết, hiện Chính phủ Thái Lan đang áp dụng các chương trình đào tạo kỹ năng số cho người lao động, tăng cường môi trường pháp lý thuận lợi để mọi người dân có thể hưởng lợi từ quá trình chuyển đổi số.

14h34: Nghị sĩ Ai Cập phát biểu

Thay mặt cho Quốc hội Ai Cập, nghị sĩ quốc gia này cho biết, quá trình chuyển đổi số ở Ai Câp đóng vai trò quan trọng, Ai Cập đã có nhiều tiến triển để đảm bảo cho tương lai kết nối. Các doanh nghiệp start-up có dấu ấn trên toàn cầu. Ai Cập cũng có chính sách thân thiện với doanh nghiệp. Nghị sĩ nước này cho rằng, thời gian tới sẽ tăng cường sự kết nối số, tăng cường sự tiếp cận Intenet, qua đó giúp cho dịch vụ công trực tuyến dễ tiếp cận hơn.

Theo nghị sĩ Ai Cập, Ngân hàng Trung ương Ai Cập cũng được tăng cường kĩ năng số để tạo điều kiện cho cộng đồng dễ bị tổn thương, giúp cho họ dễ tiếp cận các công nghệ số. Quỹ Ai cập cũng đã tạo điều kiện đào tạo công nghệ số cho trẻ em và những người dễ bị tổn thương. Và việc mở rộng tiếp cận mạng di động tại vùng nông thôn đã tạo điều kiện cho nhiều người Ai Cập hơn được tiếp cận với công nghệ số.

Điều quan trọng là chúng ta cần tiếp tục mở rộng và tăng cường cơ sở hạ tầng số, tăng cường xây dựng và đào tạo kĩ năng cho người dân. Thành tựu này có thể giải quyết các thách thức để đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau trong hành trình số tương lai và kết nối trên nền tảng số đối với tất cả mọi người.

14h36: Nghị sĩ Thượng viện Nigeria phát biểu

Tại phiên thảo luận, nghị sĩ Thượng viện Nigeria bày tỏ cảm ơn Quốc hội Việt Nam đã tổ chức sự kiện quan trọng này cũng như sự đón tiếp nồng hậu đối với các đại biểu tham dự hội nghị.

Đối với chủ đề về chuyển đổi số, nghị sĩ Nigeria cho biết, Nigeria cũng như châu Phi luôn đi chậm trong cuộc cách mạng số. Hiện nay, Nigeria đang chuẩn bị đạt được tiền đề để tham gia tích cực vào cuộc cách mạng công nghệ 4.0 về internet và kết nối. Gigeria có dân số tương đối trẻ, có trí tuệ và sự sáng tạo.

Nghị sĩ đặt vấn đề, vai trò cụ thể của IPU như thế nào trong việc tăng cường hơn nữa và thúc đẩy quá trình chuyển đổi số?

14h41: Nghị sĩ Syria phát biểu

Sau một thời gian dài chiến tranh truyền thống dưới dạng vật lý, hiện nay đang xuất hiện dạng thức chiến tranh mới trên môi trường mạng, chúng ta cần thích ứng và sử dụng hiệu quả các công cụ trên môi trường số để vượt qua các cuộc chiến tranh dạng thức mới này, đảm bảo môi trường an toàn cho người dân, đề phòng các hình thức tội phạm mới trên môi trường mạng.

Với các nước đang trong tình trạng chiến tranh, việc tiếp cận cơ sở hạ tầng số là vô cùng khó khăn. Vì vậy, việc bảo vệ hòa bình là rất quan trọng. Nghị sĩ Syria cũng nhân dịp này cảm ơn chủ nhà Việt Nam đã đón tiếp nhiệt tình và nồng ấm tại Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần này.

14h43: Đại biểu Quốc hội Hàn Quốc

Phát biểu tại phiên thảo luận chuyên đề, đại biểu Quốc hội Hàn Quốc chúc mừng và đánh giá cao công tác tổ chức Hội nghị của Quốc hội Việt Nam
Đại biểu nêu rõ, chuyển đổi số phải nằm trong tất cả các lĩnh vực, không chỉ có công nghệ mà cả trong đời sống xã hội, kinh doanh và xây dựng thể chế để thúc đẩy phát triển và đưa ra dự báo trong tương lai. Bên cạnh đó, trong quá trình này cũng đối mặt với những thách thức mới như trí tuệ nhân tạo, tự động hóa…

Do đó, Hàn Quốc đã thông qua luật về Luật trí thuệ nhân tạo và robot để làm khung khổ cho lĩnh vực này. Tuy nhiên với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, robot, trí tuệ nhân tạo, Hàn Quốc nhận thấy cần phải có được trách nhiệm giải trình lớn hơn, nhất là trước những quan ngại về an toàn trước robot hay xe tự lái…Do đó cần có quy định pháp luật, thiết lập khuôn khổ pháp lý phù hợp để giảm thiểu rủi ro trong lĩnh vực này.

Nhấn mạnh tiềm năng của công nghệ số là không giới hạn và vai trò của hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực chuyển đổi số, đại biểu Hàn Quốc cho rằng các nghị sĩ trẻ cần linh hoạt hơn áp dụng công nghệ số, xã hội số để có các quy định phù hợp trong luật. Điều này cũng thể hiện trách nhiệm của các nghị sĩ với hiện tại và tương lai.

14h46: Nghị sĩ Bolivia phát biểu

Nghị sĩ Bolivia cho biết, Bolivia đã có bước tiến lớn về mặt công nghệ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo nhiều công ăn việc làm. Việc phát triển truy cập internet trên khắp đất nước đã đem lại hiệu quả mạnh mẽ nhiều mặt về giáo dục, y tế, người dân được tiếp cận thông tin nhanh chóng. Việc giáo dục về khoa học, kỹ thuật cũng có hiệu quả cao hơn.

Nghị sĩ Bolivia cho biết, kinh nghiệm phát triển công nghệ số, đảm bảo quyền tiếp cận internet và công nghệ số của các nước là rất cần thiết để học hỏi, áp dụng, đảm bảo lợi ích người dân, phát huy hơn nữa những tác động tích cực mà công nghệ số đã mang tới cho đất nước Bolivia thời gian qua. Nhờ sự phát triển công nghệ, việc học tập, thăm khám bệnh từ xa cũng được hiện thực hóa. Một vấn đề lớn đặt ra là đảm bảo tính công bằng về cơ hội tiếp cận của người dân đối với công nghệ số.

Để giải được bài toán này, không chỉ cần chia sẻ kinh nghiệm, mà còn cần có các kế hoạch cụ thể, rõ rang, khả thi để đảm bảo cơ hội tiếp cận đồng đều, không để ai bị bỏ lại phía sau.

14h49: Nghị sĩ tham gia thảo luận tại phiên họp

Phát biểu Hội nghị, Nghị sĩ tham dự cho biết, ngày nay thế giới được kết nối rất tốt, nhất là trong bối cảnh số. Tuy nhiên, chuyển đổi số cũng sẽ đặt ra những thách thức mới về việc bảo vệ dữ liệu cá nhân. Do vậy, chúng ta cần có chiến lược cụ thể, khai thác cẩn trọng và tránh lạm dụng.

14h52: Nghị sĩ Burundi phát biểu

Phát biểu tại phiên thảo luận chuyên đề, nghị sĩ Burundi cho biết, Chính phủ nước này đã có nhiều nỗ lực trong phát triển chuyển đổi số, áp dụng chuyển đổi số trong việc quản trị. Quốc gia này cũng có nhiều hỗ trợ dành cho các chương trình phát triển số và hỗ trợ cho việc tiếp cận mạng Internet của người dân. Ở Burundi, Internet được sử dụng rất nhiều tại các thành phố lớn. Người dân tận dụng công nghệ số trong các lĩnh vực như thuế…

Tuy nhiên, nghị sĩ Burundi cho rằng, khoảng cách số giữa thành thị và nông thôn vẫn còn rất lớn và phải đối mặt với nhiều thách thức. Để có thể giảm thiểu khoảng cách này, Burundi đã sáng lập một Hội liên hiệp, một tổ chức để có thể tận dụng các thành tựu chuyển đổi số để giảm đói nghèo và thất nghiệp.

Quốc gia này cũng đã triển khai nhiều cơ chế hỗ trợ trong lĩnh vực số, ví dụ các ngân hàng dành cho phụ nữ ứng dụng về công nghệ số. Chính phủ của Burundi cũng ý thức được rằng, đổi mới và sáng tạo là yếu tố hàng đầu trong các chính sách của nước này.

Nghị sĩ Burundi cho biết, nước này có những khóa đào tạo tăng cường năng lực cũng như trao đổi hội thảo để giúp cho các thành phần tư nhân đến người dân, các cơ quan đến cơ quan Chính phủ liên quan có thể ý thức về thách thức cũng như sự phát triển của lĩnh vực số. Đồng thời mong muốn trao đổi kinh nghiệm giữa giới trẻ trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, bởi đây là lĩnh vực mang tính quyết định trong phát triển kinh tế.

Bên cạnh đó, nghị sĩ Burundi cũng mong muốn tạo ra những mối quan hệ đối tác hiệu quả để cùng phát triển các dự án, tận dụng được những công nghệ mới.

14h56: Nghị sĩ Indonesia phát biểu

Tại phiên thảo luận, Nghị sĩ Indonesia cho biết, Indonesia là một trong những nền kinh tế số đang phát triển nhanh nhất khu vực Đông Nam Á. Từ năm 2025, nền kinh tế số của Indonesia sẽ tăng trưởng 19% và sẽ có giá trị 130 tỷ USD. Nền kinh tế số của Indonesia dự báo cũng sẽ tăng gấp trong vòng dưới 10 năm. Tuy nhiên, Indonesia cũng cần có bước tiến để đảm người dân, đặc biệt là thanh niên và người dân ở khu vực nông thôn tiếp cận đc công nghệ số, dịch vụ số và có thể hưởng lợi từ những dịch vụ này.

Cho biết Indonesia có 144 triệu người dân là thanh niên, nghị sĩ nhấn mạnh thanh niên đóng vai trò quan trọng trong chuyển đổi số của Indonesia. Chính vì vậy cần đào tạo cho họ về công nghệ số, các doanh nghiệp cũng cần tuyển thêm người lao động được đào tạo về số từ năm 2030 để hỗ trợ nền kinh tế số. Để hỗ trợ nền kinh tế số, Indonesia

Chính vì vậy, Quốc hội cần hỗ trợ cho chương trình nghị sự số, thông qua hỗ trợ pháp lý cho nền kinh tế số nhằm cải thiện cơ sở hạ tầng số, trong đó có phân bổ ngân sách. Thêm vào đó, Indonesia cũng đã có các đạo luật cho chuyển đổi số, công nghệ số thông qua mở rộng cơ sở hạ tầng để bảo vệ lợi ích công, lợi ích người lao động và doanh nghiệp. Điều này cho phép tăng cường kết nối số và thúc đẩy chuyển đổi số.

14h59: Nghị sĩ Phần Lan phát biểu

Nghị sĩ Phần Lan cho biết, Phần Lan rất quan tâm đầu tư nghiên cứu để giáo viên cải thiện chất lượng giảng dạy thông qua ứng dụng công nghệ số giúp thay đổi nền tảng của xã hội phù hợp với tốc độ thay đổi nhanh chóng với các nước trên thế giới.

Phần Lan tích cực ứng dụng công nghệ vào giáo dục, các thiết bị cầm tay đã được đưa vào ngành giáo dục, giúp cập nhật những thông tin từ thế giới xung quanh. Tuy nhiên nhưng sự phát triển trí tuệ của các em chưa theo kịp với hệ thống thông tin đa dạng, hấp dẫn, dễ dẫn tới nghiện các thiết bị di động. Vấn đề đặt ra tại Hội nghị là làm sao có giải pháp để phát huy khả năng tập trung cho trẻ em và tận dụng tốt các thiết bị hiện đại cho ngành giáo dục.

15h02: Nghị sĩ Thổ Nhĩ Kỳ phát biểu

Nghị sĩ Thổ Nhĩ Kỳ bày tỏ mong muốn xây dựng Chính phủ số thông qua Cổng Thông tin Chính phủ điện tử. Cổng Thông tin Chính phủ điện tử Thổ Nhĩ Kỳ được thành lập năm 2018, các dịch vụ công được đẩy lên tại trang này, hiện nay đã có hơn 1000 dịch vụ công được triển khai, với sự tham gia của rất nhiều cơ quan hữu quan, số người sử dụng lên tới hàng trục chiệu người.

Nghị sĩ Thổ Nhĩ Kỳ nêu rõ, Cổng Thông tin Chính phủ điện tử là đầu mối giải quyết thủ tục, cung cấp dịch vụ công của Chính phủ số. Hiện nay, có nhiều tranh luận về vai trò của Chính phủ số, cần có chính sách phù hợp để các bên đều có thể tiếp cận và đồng tình. Phái đoàn Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm phát triển Cổng Thông tin Chính phủ điện tử để đẩy mạnh phát triển công nghệ số đáp ứng nhu cầu phát triển của nền hành chính công của các nước.

15h05: Đại diện Đoàn nghị sĩ trẻ Malaysia chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi số

Đại biểu Malaysia nêu rõ đứng trước những thay đổi nhanh chóng của chuyển đổi số, Malaysia đã có những thích ứng nhanh chóng. Theo đó, Malaysia đã có Kế hoạch phát triển mạng lưới số Manila với mục tiêu thúc đẩy chuyển đổi số và đảm bảo cho người dân có thể tiếp cận Internet tốc độ cao dù ở bất cứ nơi đâu.

Malaysia cũng phát triển nhanh chóng khi ứng dụng công nghệ số trong giáo dục. Theo đó tại Malaysia đã phát triển nền giáo dục số, tư duy số cho người trẻ từ khi còn rất nhỏ và trao quyền cho người trẻ với các kĩ năng số mới.

Nhận thức rằng, trong thời đại số hiện nay thì an ninh mạng là vấn đề cần quan tâm và Malaysia mong muốn có thể tạo lập cơ sở dữ liệu số và cơ sở hạ tầng số an tòa để cung cấp cho người dân

Tầm nhìn của Malaysia là trở thành quốc gia số hóa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, khuyến khích thương mại điện tử, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo. Do đó Malaysia đã xây dựng Kế hoạch tổng thể về phát triển môi trường số với mục tiêu xây dựng môi trường số toàn diện, bao trùm, thông qua công nghệ để thúc đẩy minh bạch, hiệu quả trách nhiệm của các dịch vụ công. Cùng với Chính phủ thì Malaysia khuyến khích người dân tham gia vào công tác quản trị và quá trình chuyển đổi số này.

15h07: Nghị sĩ Lào phát biểu

Phát biểu Hội nghị, Nghị sĩ Lào nhấn mạnh tầm quan trọng của giới trẻ và thanh niên đối với mục tiêu phát triển bền vững với mọi quốc gia; đồng thời cho biết, Chính phủ Lào hiện đang thực hiện chuyển đổi số thông qua xây dựng kinh tế số, xã hội số… Nghị sĩ Lào cho rằng, trong thời gian tới, chúng ta cần tăng cường áp dụng công nghệ số trong các lĩnh vực, đặc biệt là đối với thanh niên, giới trẻ, nghị sỹ trẻ các nước.

15h10: Nghị sĩ Algeria phát biểu

Thảo luận chuyên đề 2, nghị sĩ Algeria cho biết, bản thân là đại diện trẻ nhất của Thượng viện Algeria. Quốc gia này đã hết sức nỗ lực để nắm lấy cơ hội của thời đại mới để đạt được mục tiêu phát triển bền vững.

Hiện để đạt các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) năm 2030, chúng ta chỉ đạt được 12% các mục tiêu SDGs, điều này buộc chúng ta phải hành động mạnh mẽ hơn. Trong bối cảnh toàn cầu gặp khó khăn như vậy, chúng ta có cơ hội mới đó là chuyển đổi số. Algeria sẽ nắm lấy cơ hội này với nhiều tiềm năng.

Thanh niên Algeria hướng tới thực hiện SGDs vào năm 2030, 70% dân số Algeria là dân số trẻ, do vậy đây là điều kiện để quốc gia này tận dụng quá trình chuyển đổi số là một công cụ quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội mang tính bền vững.

Nghị sĩ Algeria nêu rõ, nước này hiện đang tập trung vào các dự án, tạo ra một kênh Chính phủ tăng cường năng lực, sự hiệu quả như kênh Algeria số để cung cấp các dịch vụ chung, thiết yếu, trong đó có căn cước điện tử, giấy phép doanh nghiệp điện tử… Và hiện hơn 2 triệu người dân Algeria đã được hệ thống này phục vụ.

Về tác động của các mục tiêu phát triển bền vững, nghị sĩ nước này cho biết, Algeria tập trung vào hòa bình và an ninh - mục tiêu SDGs số 6, sẽ giảm thiểu được rủi ro về tham những, giảm thiểu khoảng cách về số. Nghị sĩ Algeria cho rằng, vấn đề số hóa còn khó khăn và sẽ không có ý nghĩa khi người dân nước này không được tiếp cận nội dung số.

Do đó, Algeria đã lắp đặt hàng nghìn km cấp quang kết nối thành thị và nông thôn. Đây không chỉ là tác động về công nghệ mà còn thực hiện mục tiêu phát triển bền vững số 9 (giảm thiểu vấn đề bất bình đẳng). Qua đó, Algeria tập trung vào đào tạo nền tảng số để trang bị cho người dân kĩ năng để có thể tồn tại trong môi trường số trong tương lai.

15h14: Nghị sĩ Timor Leste phát biểu

Chia sẻ về việc cải tiến các chính sách để thúc đẩy dịch vụ công, dịch vụ số, đại biểu cho biết, đây là công cụ tốt để tang cường hiệu quả cũng như sự minh bạch. Các công nghệ số được áp dụng trong quản lý thông tin, xây dựng hệ thống dữ liệu.

Chính phủ và các bộ, ngành của Timor Leste đã góp phần giúp minh bạch tài chính, quản lý hiệu quả, đồng thời cho phép các Nghị sĩ thực hiện hiệu quả vai trò giám sát các cơ quan Chính phủ. Timor Leste đang tiến hành cải cách về quản trị để đảm bảo phù hợp với những yêu cầu thực tế trong quá trình xây dựng đất nước.

15h17: Nghị sĩ Bồ Đào Nha phát biểu

Tại phiên thảo luận, nghị sĩ Bồ Đào Nha cho biết, Bồ Đào Nha luôn muốn tạo điều kiện, trao quyền cho người trẻ để tạo ra một đất nước số. Theo đại biểu, tất cả người dân bất kể tuổi tác tại Bồ Đào Nha đều được đào tạo về số để có thêm kỹ năng mới, đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau. Bồ Đào Nha không những đảm bảo bao trùm về số đối với tất cả người dân mà còn muốn cải thiện kỹ năng của người lao động để duy trì việc làm, mức độ kỹ năng trong thị trường lao động.

Bồ Đào Nha ưu tiên hỗ trợ những người trẻ tuổi chưa có việc làm, những người dễ bị tổn thương; đóng góp chuyển đổi số cho các tổ chức và đảm bảo phát triển bền vững. Các vấn đề liên quan đến an ninh mạng, quản lý dữ liệu số và tiếp thị số là những kỹ năng Bồ Đào Nha đào tạo để tạo sự cạnh tranh lớn hơn, tính số cao hơn, hiệu quả hơn, phù hợp hơn với các mục tiêu phát triển bền vững. Qua đó thúc đẩy phát triển xã hội và xóa đói giảm nghèo.

15h20: Đại diện Đoàn Nghị sĩ trẻ Bahrain

Đại biểu của Bahrain cho rằng cần phải đào tạo cho lao động trẻ để có cơ hội tiếp cận việc làm. Tại Bahrain đã có sáng kiến về thiết lập các quỹ để hỗ trợ cho thanh niên thực hiện các dự án về công nghệ thông tin và công nghệ số từ đó tận dụng các cơ hội cho mình đồng thời mang lại cơ hội cho những người trẻ khác. Nhấn mạnh trong quá trình chuyển đổi số, các nước phải đảm bảo cho thế hệ trẻ có thể nhận được những hỗ trợ cần và đủ.

15h21: Đại diện mạng lưới y tế phát biểu.

Phát biểu thảo luận, đại diện mạng lưới y tế cho rằng công nghệ số đóng vai trò rất quan trọng, phải coi đây là nền tảng cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Cần coi y tế là một phần thiết yếu trong chương trình nghị sự của mỗi quốc gia và cần có các hành lang pháp lý phù hợp tạo điều kiện để tiếp cận công nghệ số.

Cùng với đó, tiến hành cải cách và có mô hình tài chính cụ thể, tăng cường đầu tư cho y tế, xây dựng các đạo luật để tiếp cận công nghệ thông tin công bằng; cần thu hẹp khoảng cách trong tiếp cận thông tin; chú trọng hỗ trợ các đối tượng dễ bị tổn thương.

15h24: Ông Mohamed Anouar Bouchouit, Thành viên Quốc hội Nhân dân Algeria, Thành viên Ban Lãnh đạo Diễn đàn Nghị sĩ trẻ IPU điều hành phiên thảo luận

Ông Mohamed Anouar Bouchouit cảm ơn những ý kiến thảo luận cùng sự tham gia chia sẻ của các đại biểu. Sau đây, các đại biểu sẽ phát biểu ngắn gọn kết thúc nội dung thảo luận này.

Ông Marius Matijosaitis - Nghị sĩ Lithuania cho biết, tại phiên thảo luận, các đại biểu đã nói về nhiều chủ đề về giáo dục và nhiều vấn đề khác, qua đó, có thể thấy, chúng ta có nhiều việc cần phải thực hiện, những thảo luận này là rất có ý nghĩa.

Ông John Methu, thành viên Hạ viện Kenya đồng ý rằng có rất nhiều việc cần thực hiện để đạt tới mục tiêu phát triển bền vững năm 2030. Tất cả những điều này đòi hỏi chúng ta phải tập trung trong việc xác lập kế hoạch ngân sách quốc gia với tư cách là các Nghị sĩ để đảm bảo các chương trình của chúng ta có đầy đủ nguồn lực để có thể thực hiện hiệu quả, gây dựng cộng đồng số đạt được các mục tiêu đã đề ra.

Phiên thảo luận Chuyên đề 1 về Chuyển đổi số kết thúc.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=79890