TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 16/9: PHIÊN BẾ MẠC HỘI NGHỊ NGHỊ SỸ TRẺ TOÀN CẦU LẦN THỨ 9

Chiều 16/9/2023, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Thủ đô Hà Nội, dưới sự chủ trì của bà Dyah Roro Esti, Nghị sĩ Indonesia, thành viên Ban Lãnh đạo Diễn đàn Nghị sĩ trẻ IPU, Hội nghị Nghị sỹ trẻ toàn cầu lần thứ 9 chính thức bế mạc.

Tại phiên Bế mạc, sau tóm tắt của 03 Phiên thảo luận, Hội nghị nghe trình bày và thông qua Tuyên bố Hội nghị về Vai trò của giới trẻ trong việc thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững thông qua chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo”.

Cũng tại phiên họp, Ngài Duarte Pacheco, Chủ tịch Liên minh Nghị viện Thế giới và Ngài Vương Đình Huệ, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam sẽ có bài phát biểu bế mạc Hội nghị

Cổng Thông tin điện tử sẽ liên tục cập nhật nội dung phiên họp:

14h23: Bà Thái Quỳnh Mai Dung, Đại biểu Quốc hội Việt Nam giới thiệu đại biểu

Bà Thái Quỳnh Mai Dung cho biết, tham dự phiên khai mạc, về phía đại biểu quốc tế có Ngài Duarte Pacheco, Chủ tịch Liên minh Nghị viện Thế giới; Ngài Martin Chungong, Tổng thư ký Liên minh Nghị viện Thế giới; Ngài Dan Carden, Chủ tịch Diễn đàn Nghị sĩ trẻ IPU, Hạ nghị sĩ, Vương quốc Anh; Bà Cynthia Lopez Castro, Chủ tịch Diễn đàn Nữ nghị sĩ IPU.

Về phía Việt Nam có Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung, Chủ tịch Nhóm Đại biểu Quốc hội trẻ Việt Nam Nguyễn Anh Tuấn cùng các đại biểu, đại diện các cơ quan hữu quan.

14h26: Bà Dyah Roro Esti, Nghị sĩ Indonesia, Thành viên Ban lãnh đạo Diễn đàn Nghị sỹ trẻ phát biểu

Bà Dyah Roro Esti cho biết, vừa qua trên thế giới đã xảy ra nhiều thảm họa như động đất, thiên tai, hỏa hoạn, gây nhiều tổn thất nặng nề về người và tài sản, đặc biệt là tại Marocco, Lybia và Việt Nam. Để tỏ lòng thương tiếc các nạn nhân, các đại biểu sẽ dành một phút mặc niệm.

Vinh dự chủ trì phiên bế mạc, bà Dyah Roro Esti cho biết, các đại biểu đã đề cập đến nhiều vấn đề trong vài ngày qua. Vào ngày đầu tiên, các đại biểu đã đánh giá tiến độ của các mục tiêu phát triển bền vững cũng như vai trò của chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp để giúp chúng ta đẩy nhanh tiến độ. Và hôm nay, các đại biểu đã xem xét cách khai thác sự đa dạng văn hóa cũng có thể là động lực thúc đẩy việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, cũng như cách sử dụng công nghệ một cách có trách nhiệm để khai thác những mặt tích cực của những tiến bộ này đồng thời giảm thiểu rủi ro.

Tiếp đến, ông Nguyễn Minh Triết, Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, trình bày báo cáo Tọa đàm tăng cường năng lực số cho thanh niên đã diễn ra chiều ngày 14/9/2023 tại Nhà Quốc hội Việt Nam.

14h30: Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Nguyễn Minh Triết trình bày báo cáo Tọa đàm tăng cường năng lực số cho thanh niên

Phát biểu tại Hội nghị, Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Nguyễn Minh Triết cho biết, trong khuôn khổ chương trình Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh được giao tổ chức Tọa đàm “Tăng cường Năng lực số cho thanh niên Việt Nam”. Đây là cơ hội tốt để thanh niên Việt Nam, nghị sĩ trẻ các nước chia sẻ nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của năng lực số trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay.

Đồng thời, thông qua những phát biểu, chia sẻ kinh nghiệm tại Tọa đàm, tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, các cơ quan hữu quan của Việt Nam có thêm những gợi ý để tham khảo trong quá trình tổ chức các hoạt động hỗ trợ tăng cường năng lực số cho thanh niên thời gian tới…

Tại Tọa đàm, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận những vấn đề lớn liên quan tới năng lực số của thanh niên và thống nhất cho rằng, chuyển đổi số là cuộc cách mạng toàn dân và toàn diện. Trong đó, lực lượng có điều kiện thuận lợi nhất để làm tốt việc chuyển đổi số bởi đặc trưng sáng tạo, khả năng tiếp cận nhanh với công nghệ và dễ dàng chấp nhận những cái mới. Trong chuyển đổi số, thanh niên là chủ thể tham gia thực hiện chuyển đổi số, đồng thời cũng là chủ thể thụ hưởng kết quả mang lại từ chuyển đổi số.

Từ nhận thức đúng đắn về vai trò, sứ mệnh và sức mạnh của tuổi trẻ, thời gian qua thanh niên đã chủ động, tích cực tham gia vào công cuộc chuyển đổi số quốc gia và đã tạo ra được nhiều giá trị tích cực. Các cấp lãnh đạo, các tổ chức thanh niên đã hỗ trợ, tạo thêm môi trường thuận lợi để thanh thiếu niên nâng cao năng lực số của bản thân và có những đóng góp hết sức cụ thể cho cộng đồng.

Về đề xuất giải pháp tăng cường năng lực số cho thanh niên thời gian tới, các ý kiến cho rằng, cần iếp tục thực hiện các giải pháp tuyên truyền để thanh niên hiểu những tác động của chuyển đổi số đối với sự phát triển của nhân loại, sự hoàn thiện của mỗi cá nhân và vai trò cần thiết của năng lực số đối với thanh niên trong bối cảnh chuyển đổi số. Đồng thời chia sẻ các mô hình, giải pháp hiệu quả trong nâng cao năng lực số cho thanh niên. Từ nhận thức đúng đắn, thông tin đầy đủ, kịp thời thanh niên mới có hành động tích cực, thiết thực.

Bên cạnh đó, triển khai các giải pháp nâng cao năng lực số thông qua các khóa đào tạo, tập huấn, Các cuộc thi, giải thưởng về công nghệ thông tin, chuyển đổi số; các diễn đàn, tọa đàm chia sẻ kiến thức, kỹ năng số,…thu hút thanh thiếu niên tham gia để hoàn thiện kỹ năng bản thân, tìm kiếm được tài năng trẻ trong lĩnh vực công nghệ thông tin, chuyển đổi số…

Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Nguyễn Minh Triết cho biết, Tọa đàm đã diễn ra thành công tốt đẹp, đáp ứng được mục tiêu đề ra, đồng thời nhấn mạnh những nội dung của Tọa đàm rất hữu ích cho Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và các cơ quan, tổ chức quan tâm tới vấn đề năng lực số của thanh niên.

14h36: Đại biểu Quốc hội Việt Nam Hoàng Minh Hiếu trình bày báo cáo tổng kết Chuyên đề số 1

Trình bày báo cáo Phiên 1 “Chuyển đổi số”, ông Hoàng Minh Hiếu, Đại biểu Quốc hội Việt Nam cho biết, trong khuôn khổ Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 tại Hà Nội, Việt Nam từ ngày 14 – 17/9/2023, các đại biểu đã tham gia phiên họp đầu tiên về “Chuyển đổi số” được chủ trì bởi Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Tonga Lord Fakafanua, Thành viên Ban lãnh đạo Diễn đàn Nghị sĩ trẻ IPU; ông Mohamed Anouar Bouchouit, Thành viên Quốc hội Nhân dân Algeria, Thành viên Ban Lãnh đạo Diễn đàn Nghị sĩ trẻ IPU.

Sau phần trình bày của các nghị sĩ đến từ: Mexico, Việt Nam, Uruguay, Lithuania, Kenya, Nghị viện Châu Âu và Giám đốc YIAGA Châu Phi, đã có 30 ý kiến được các nghị sĩ, đại diện các tổ chức trực thuộc và quan sát viên trao đổi, thảo luận.

Các thảo luận và ý kiến tập trung vào 3 nội dung chính:

(1) Hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi số và tạo thêm cơ hội phát triển kinh tế bền vững;

(2) Chia sẻ kinh nghiệm của các nước trong công tác lập pháp, giám sát và vai trò của nghị sĩ trẻ trong thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

(3) Chia sẻ những tiến bộ đạt được trong việc số hóa các hoạt động của nghị viện và thúc đẩy kinh tế, xã hội số. Trong đó nhấn mạnh hoàn thiện thể chế cho đổi mới, thử nghiệm các mô hình mới, triển khai các ứng dụng và nền tảng số mới để tăng tốc chuyển đổi số; Phổ cập kết nối số thông qua đào tạo, nâng cao nhận thức số, văn hóa số và kỹ năng số cho người dân, đặc biệt là giới trẻ; Thu hẹp khoảng cách số và đảm bảo khả năng tiếp cận công nghệ một cách công bằng để không ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển bền vững môi trường kỹ thuật số.

Dựa trên kết quả thảo luận, Hội nghị ghi nhận và đánh giá cao kinh nghiệm của các nước trong xây dựng luật pháp, chính sách cũng như những thành tựu đạt được trong chuyển đổi số và vai trò của các nghị sĩ. Đồng thời, đề nghị nghị viện các quốc gia:

Cập nhật các quy định và phương pháp làm việc của nghị viện cho phép các nghị sĩ tham gia trực tuyến nhiều hơn, tân dụng các nền tảng tương tác tạo điều kiện giao tiếp trực tiếp toàn diện giữa cử tri và đại biểu, thúc đẩy sự tham gia có ý nghĩa của các nhóm, đặc biệt là giới trẻ.

Xem xét việc phát triển hoặc củng cố các cơ quan nghị viện hướng tới tương lai, như Ủy ban tương lai và các cơ chế phù hợp với điều kiện cụ thể của mỗi quốc gia, giúp nghị viện dự đoán và ứng phó với các xu hướng dài hạn hoặc những mối đe dọa, đồng thời đảm bảo rằng thanh niên được tham gia vào tiến trình đó.

Đảm bảo tất cả các nghị sĩ được trang bị kiến thức cần thiết và hỗ trợ kỹ thuật để tham gia đầy đủ vào quá trình; tăng cường sử dụng hỗ trợ trợ lý ảo để hỗ trợ các nghị sĩ; sử dụng các công cụ AI để nâng cao chất lượng công tác lập pháp; phát triển các văn bản quy phạm pháp luật.

Ban hành các chính sách để ngăn chặn và ứng phó với bất kỳ hình thức quấy rối và bạo lực nào được hỗ trợ bởi công nghệ đối với các thành viên quốc hội, bao gồm cả bạo lực đối với các nữ nghị sĩ;

Vận động xây dựng các cơ chế và phương pháp hiệu quả để thu thập thông tin và dữ liệu nhằm giám sát việc thực hiện SDGs và tăng cường trách nhiệm giải trình của Chính phủ; Ủng hộ vai trò của Liên hợp quốc trong việc xây dựng các tiêu chuẩn, khung pháp lý về không gian mạng, chuyển đổi số và AI trên cơ sở đồng thuận.

14h42: Đại biểu Trần Khánh Thu báo cáo tổng kết phiên chuyên đề 2 về Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp

Trong khuôn khổ Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 tại Hà Nội, Việt Nam từ ngày 14 đến 17 tháng 9 năm 2023, phiên thứ hai về “Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp” do ông Wilson Soto Palacios, Nghị sĩ Quốc hội nước Cộng hòa Peru chủ trì, Thành viên Ban liên Nghị viện của Diễn đàn Nghị sĩ trẻ.

Đại biểu Trần Khánh Thu cho biết, sau phần trình bày của ông Denis Naughten, Nghị sĩ Quốc hội Cộng hòa Ireland, Chủ tịch Nhóm công tác Khoa học và Công nghệ IPU, các tham luận viên là người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Sky Mavis, Giám đốc HICOOL và các chuyên gia của UNDP, có 18 ý kiến đã được trao đổi và thảo luận của các nghị sĩ các nước, đại diện các tổ chức liên kết và quan sát viên, tập trung vào nội dung sau: (i) Hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm tích cực thúc đẩy đổi mới sáng tạo và hệ sinh thái Khởi nghiệp (bao gồm cả tinh thần khởi nghiệp của thanh niên) hướng tới phát triển toàn diện và bền vững; (ii) Kinh nghiệm của quốc hội trong công tác lập pháp, giám sát và vai trò của nghị sĩ trẻ trong việc thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; (iii) Phát triển trí tuệ nhân tạo, góp phần thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs); (iv) Đề xuất với các nghị viện về xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, giải pháp nhằm giảm thiểu rủi ro liên quan đến AI.

Đại biểu Trần Khánh Thu nêu rõ, qua thảo luận, Việt Nam ghi nhận và đánh giá cao kinh nghiệm của các quốc gia trong việc xây dựng chính sách, pháp luật cũng như những thành tựu của họ trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp cũng như vai trò của các nghị sĩ trong quá trình này. Việt Nam đề nghị các Nghị viện:

Tăng cường hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, bao gồm việc xây dựng và phát triển khung pháp lý cho đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, tăng ngân sách để hỗ trợ các doanh nghiệp do thanh niên lãnh đạo và có sự tham gia của thanh niên, các doanh nghiệp khởi nghiệp và sáng kiến đổi mới của thanh niên.

Đồng thời thúc đẩy các chương trình giáo dục cung cấp các kỹ năng cần thiết cho thanh niên để chuẩn bị cho thế hệ các doanh nhân tiếp theo, tập trung vào hỗ trợ kỹ năng kỹ thuật số; Khuyến khích IPU xem xét các giải pháp khả thi trong các cơ cấu hiện có để tham gia vào các vấn đề đổi mới và chuyển đổi kỹ thuật số.

Bên cạnh đó, khuyến khích khởi nghiệp và sáng kiến đổi mới trong thanh niên, sinh viên, phụ nữ, đồng thời tăng cường lồng ghép giới, gắn kết họ với SDGs, xây dựng một chương trình riêng cho đổi mới kỹ thuật số và khởi nghiệp.

14h49: Đại biểu Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Hà trình bày báo cáo tổng kết chuyên đề số 3

Báo cáo Phiên thảo luận chuyên đề 3 “Thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa vì sự phát triển bền vững”, đại biểu Nguyễn Thu Hà cho biết, tại phiên thảo luận, các đại biểu tập trung vào các nội dung như: Hợp tác kỹ thuật số dựa trên đạo đức và giảm thiểu tác động không mong muốn của chuyển đổi số đối với quyền riêng tư, bảo mật và hạnh phúc; Phát huy vai trò của văn hóa trong các chính sách phát triển tại cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế; Cam kết bảo vệ và phát huy sự đa dạng văn hóa; tạo môi trường, hệ sinh thái thuận lợi cho văn hóa và đa dạng văn hóa; Vai trò của văn hóa và đa dạng văn hóa trong phát triển bền vững.

Trên cơ sở các ý kiến trao đổi, thảo luận, Hội nghị ghi nhận và đánh giá cao kinh nghiệm và thành tựu của các nước trong xây dựng chính sách, pháp luật nhằm thúc đẩy đa dạng văn hóa và vai trò của các nghị sĩ trong quá trình này.

Qua phiên thảo luận, Nghị viện các nước cần phát triển cách tiếp cận chung của nghị viện nhằm thiết lập một khuôn khổ các nguyên tắc, giá trị trong việc ra quyết định, nghiên cứu và phát triển khoa học và công nghệ, chẳng hạn Bộ Quy tắc ứng xử của IPU về đạo đức khoa học và công nghệ, nhằm đảm bảo việc phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ được thực hiện có trách nhiệm, có đạo đức vì mục tiêu phát triển bền vững và tôn trọng đa dạng văn hóa.

Bên cạnh đó, Nghị viện các nước cần thiết lập khuôn khổ pháp lý về đạo đức và ứng xử trên không gian mạng nhằm ngăn chặn bạo lực và lạm dụng trực tuyến đối với các nhóm dễ bị tổn thương, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái. Tăng cường luật khung bảo vệ dữ liệu, nhất là dữ liệu cá nhân và thúc đẩy các thuật toán với nguồn mở và minh bạch. Tăng cường lòng tin trên cơ sở thúc đẩy đối thoại liên văn hóa và tôn trọng sự đa dạng văn hóa, kiến thức bản địa với tư cách là một động lực cho sự phát triển bền vững, thịnh vượng và chung sống hòa bình.

Ngoài ra, Nghị viện các nước cần thúc đẩy tôn trọng sự đa dạng văn hóa trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4; thắt chặt sự hợp tác trong đổi mới phương cách vận hành nền kinh tế, tăng mạnh năng suất lao động, tạo các động lực mới cho tăng trưởng kinh tế, đồng thời, giúp các cơ quan nhà nước hoạt động ngày càng minh bạch, hiệu quả hơn trên lộ trình số hóa, nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển và đảm bảo chủ quyền quốc gia cũng như quyền riêng tư cá nhân trên không gian mạng.

14h56: Bà Dyah Roro Esti, Nghị sĩ Indonesia, Thành viên Ban Lãnh đạo Diễn đàn Nghị sĩ trẻ IPU

Bà Dyah Roro Esti cảm ơn ba báo cáo viên vì những báo cáo tóm tắt toàn diện đã phản ánh những xem xét đề nghị và thảo luận mà Hội nghị đã có trong ba phiên họp vừa qua.

Sau khi được nghe báo cáo của các phiên thảo luận chuyên đề, hai báo cáo viên của toàn Hội nghị sẽ chia sẻ với các đại biểu tuyên bố của Hội nghị. Ngài Dan Carden, Chủ tịch Diễn đàn Nghị sĩ trẻ và bà Hà Ánh Phượng, Đại biểu Quốc hội Việt Nam sẽ công bố tuyên bố của Hội nghị.

14h57: Ngài Dan Carden, Chủ tịch Diễn đàn Nghị sĩ trẻ; Bà Hà Ánh Phượng, Đại biểu Quốc hội Việt Nam trình bày dự thảo Tuyên bố của Hội nghị.

Trình bày Tuyên bố Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9, bà Hà Thị Phượng và ông Dan Carden cho biết, trong dự thảo tuyên bố không thể đưa hết các ý kiến của đại biểu tham dự vào Tuyên bố nhưng cơ bản nêu những nội dung chính.

Dự thảo Tuyên bố của Hội nghị nêu rõ: Chúng tôi, với hơn 200 nghị sĩ trẻ, có mặt tại Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 từ ngày 14-17/9/2023 tại thủ đô Hà Nội, Việt Nam để khẳng định cam kết trong việc thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) được tổ chức từ, đặc biệt thông qua chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo. Độ tuổi trung bình của chúng tôi là 37,8 tuổi và khoảng 37% trong số chúng tôi là nữ nghị sĩ.

Tham dự Hội nghị có các đại diện của các tổ chức toàn cầu và khu vực, các nhóm thanh niên, các công ty khởi nghiệp, trí thức trẻ và các nhà lãnh đạo của IPU và Việt Nam. Chúng tôi rất vui mừng khi Hội nghị diễn ra đúng ngày 15/9, Ngày Quốc tế vì Dân chủ của Liên hợp quốc.

Với vai trò là những nhà sáng tạo then chốt, người sử dụng công nghệ và người thúc đẩy công nghệ phát triển, giới trẻ đang nắm giữ vị trí quan trọng trong việc đặt chuyển đổi số và sáng tạo vào trung tâm của các hoạt động nhằm đẩy nhanh tiến độ của các SDG và để mọi người dễ tiếp cận hơn và không ai bị bỏ lại phía sau. Có thể thấy những người trẻ tuổi ngày nay đã và đang đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng trong các khu vực tư nhân như CEO của các công ty công nghệ và các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, hay các nhà đầu tư trong lĩnh vực chuyển đổi số. Và trong lĩnh vực chính trị, vị trí của người trẻ cũng cần được phát triển tương tự như vậy.

Chúng ta, những nghị sĩ trẻ, biết cách giải quyết những vấn đề phức tạp trong bối cảnh kỹ thuật số và chúng ta hiểu rõ nhất nhịp đập của giới trẻ và các thế hệ tương lai của đất nước mình. Vai trò của chúng ta là đưa ý chí và nguyện vọng của họ tới nghị trường.

Giới trẻ quen với những công nghệ mới, họ hội tủ đầy đủ giá trị để thúc đẩy các giải pháp mới vì lợi ích của toàn nhân loại, thông qua khởi nghiệp, phát triển công nghệ mới và khai thác Trí tuệ nhân tạo (AI).

Đại dịch Covid-19 đã chứng minh tầm quan trọng chiến lược của các công cụ kỹ thuật số trong nghị viện của chúng ta. Những công cụ này có thể góp phần vào quá trình lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng toàn diện hơn, minh bạch hơn và tăng cường sự tham gia của công chúng. Khoa học - công nghệ là nền tảng để thúc đẩy hòa bình và phát triển bền vững, đồng thời cũng đưa ra những giải pháp cho những thách thức phức tạp ngày nay. Khoa học cho phép việc hoạch định chính sách dựa trên bằng chứng và thông tin đầy đủ, cho dù đó là về vấn đề bảo vệ môi trường, phát triển hay giải quyết xung đột.

Khoa học có thể là cơ sở của việc tìm kiếm tri thức và giải pháp vì mục đích chung, tạo ra một nền tảng trung lập để hợp tác và tạo động lực chung sống hòa bình. Chúng ta, những nghị sĩ trẻ, có thể đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển thế hệ thanh niên am hiểu công nghệ và có khả năng giải quyết vấn đề để thúc đẩy hòa bình và phát triển bền vững…

Để giúp thúc đẩy việc thực hiện các SDGs thông qua chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo, các nghị sĩ trẻ chúng tôi đã thảo luận và đề xuất những hành động sau:

1. Trong lĩnh vực Chuyển đổi số, chúng tôi kêu gọi và đề nghị các nghị viện thành viên:

Cập nhật các quy định và cách thức làm việc của nghị viện để các nghị sĩ có thể tham gia và ứng dụng trực tuyến, chuyển đổi số nhiều hơn, tận dụng các nền tảng tương tác nhằm hỗ trợ đối thoại trực tiếp giữa cử tri và nghị sĩ, thúc đẩy sự tham gia của các nhóm, đặc biệt là giới trẻ vào các hoạt động nghị viện;

Cân nhắc việc nghiên cứu thành lập hoặc củng cố các ủy ban thuộc nghị viện hướng tới tương lai, chẳng hạn như Ủy ban tương lai và các cơ chế phù hợp với điều kiện cụ thể của mỗi quốc gia, để giúp nghị viện dự báo và ứng phó với các xu hướng dài hạn hoặc những mối đe dọa tiềm ẩn, đồng thời đảm bảo rằng thanh niên tham gia vào các cơ quan đó;

Đảm bảo tất cả các nghị sĩ được trang bị kiến thức cần thiết và được hỗ trợ kỹ thuật để tham gia đầy đủ vào các quy trình thủ tục lập pháp trực tuyến; tăng cường ứng dụng nền tảng trợ lý ảo hỗ trợ các nghị sĩ; sử dụng công cụ AI để nâng cao chất lượng lập pháp; và xây dựng thư viện số dành cho các văn bản pháp luật của quốc gia;

Ban hành các văn bản pháp luật và chính sách nhằm thu hẹp khoảng cách số và đảm bảo khả năng tiếp cận cho tất cả mọi người, thông qua các việc bao gồm chi phí truy cập thấp, xây dựng các cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và nâng cao kỹ năng chuyên môn;

Xây dựng khung khổ pháp lý phù hợp và tăng cường hợp tác quốc tế trong bảo vệ chủ quyền số của các quốc gia nhằm đem lại một môi trường mạng an toàn, lành mạnh và phát triển bền vững; Ban hành các chính sách và thủ tục phù hợp để ngăn chặn và ứng phó với các hình thức quấy rối và bạo lực trên mạng đối với các nghị sĩ, bao gồm cả bạo lực với các nữ nghị sĩ;

2. Trong lĩnh vực Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, chúng tôi kêu gọi và đề nghị các nghị viện thành viên:
Củng cố hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, thông qua việc xây dựng khung khổ pháp lý và tăng cường ngân sách cho lĩnh vực này.

Thúc đẩy phát triển các chương trình giáo dục chú trọng vào các kỹ năng cần thiết để chuẩn bị cho thế hệ tương lai - thế hệ của những nhà đổi mới sáng tạo và doanh nhân trẻ ưu tiên các kỹ năng kỹ thuật số;

Khuyến khích các hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo chú trọng thanh niên, sinh viên, phụ nữ, tăng cường lồng ghép giới gắn với các SDGs; xây dựng một chương trình riêng cho đổi mới sáng tạo số và khởi nghiệp số;

3. Trong lĩnh vực văn hóa, chúng tôi kêu gọi và đề nghị các nghị viện thành viên:
Phát triển cách tiếp cận chung của nghị viện nhằm thiết lập một khuôn khổ các nguyên tắc, giá trị trong việc ra quyết định, nghiên cứu và phát triển khoa học và công nghệ, chẳng hạn Bộ Quy tắc ứng xử của IPU về đạo đức khoa học và công nghệ, nhằm đảm bảo việc phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ được thực hiện có trách nhiệm, có đạo đức và bền vững;

Đóng góp mạnh mẽ vào nỗ lực nhằm ngăn chặn bạo lực trực tuyến đối với phụ nữ và trẻ em gái, thông qua thúc đẩy bình đẳng giới, kiểm soát phát ngôn thù hận và quản lý AI để phụ nữ và trẻ em gái được bảo vệ và để các công nghệ mới không thành kiến về giới;

Tăng cường luật khung bảo vệ dữ liệu và các công cụ pháp lý khác, nhất là dữ liệu cá nhân, các mối đe dọa mạng và thúc đẩy các thuật toán nguồn mở và minh bạch;

Nội dung Tuyên bố cũng gửi lời cảm ơn tới Quốc hội Việt Nam đã đăng cai tổ chức chu đáo, chuyên nghiệp và thành công Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần này và ủng hộ sự tham gia của nghị sĩ trẻ, giới trẻ cũng như việc thúc đẩy thực hiện các SDG, thông qua IPU và các cơ chế liên nghị viện quốc tế và khu vực. Đồng thời, sẽ sát cánh cùng nhau để giữ lời hứa trong Tuyên bố Hà Nội 2015 và đáp lại lời kêu gọi cấp bách của Chương trình nghị sự 2030.

15h06: Bà Dyah Roro Esti, Nghị sĩ Indonesia, Thành viên Ban Lãnh đạo Diễn đàn Nghị sĩ trẻ IPU

Điều hành phiên bế mạc, bà Dyah Roro Esti, Nghị sĩ Indonesia, Thành viên Ban Lãnh đạo Diễn đàn Nghị sĩ trẻ IPU cho biết, Tuyên bố là văn kiện hữu ích và mang tính định hướng hành động, có thể hỗ trợ chúng ta trong công việc của mình.

Trước khi thông qua, bà Dyah Roro Esti lưu ý, nếu có bất kỳ nhận xét nào, mời các nghị sĩ chuyển các lời nhận xét đến Ban Thư ký IPU và các báo cáo viên. Hãy đảm bảo rằng các nhận xét không làm thay đổi những nội dung chính của báo cáo.

Trên tinh thần đó, Hội nghị đã thống nhất thông qua Tuyên bố Hội nghị về Vai trò của giới trẻ trong việc thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững thông qua chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo.

15h08: Ngài Duarte Pacheco, Chủ tịch Liên minh Nghị viện Thế giới phát biểu

Ngài Duarte Pacheco, Chủ tịch Liên minh Nghị viện Thế giới bày tỏ cảm ơn Quốc hội Việt Nam về đón tiếp chu đáo, tích cực, trọng thị dành cho các phái đoàn, qua đó tổ chức thành công Hội nghị rất lớn này. Chủ tịch IPU cũng cảm ơn các diễn giả đã đóng góp công sức vào quá trình chuẩn bị và tiến hành Hội nghị. Đồng thời, Chủ tịch IPU cũng cảm ơn các đại biểu tham dự đã đem đến nhiều ý kiến sâu sắc, truyền nhiều cảm hứng mạnh mẽ.

Ngoài ra, Chủ tịch IPU cũng cảm ơn các phiên dịch viên cùng từng cá nhân, đặc biệt là những người từ nhiều quốc gia xa xôi đã đóng góp vào thành công chung của Hội nghị.

Chúng ta đang gặp nhiều thách thức trong việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Trong 7 năm tới, chúng ta có rất nhiều việc phải làm để đảm bảo sự phát triển bền vững cho cả nhân loại. Chúng ta cần quyết tâm thực hiện những điều đã cam kết, các Nghị sĩ trẻ cần trở thành những nhà lãnh đạo, không chỉ là những chính trị gia.

Thế hệ trẻ cần tạo ra thay đổi, thúc đẩy khoa học, đổi mới sáng tạo, dành nhiều nguồn lực hơn nữa cho công nghệ, nâng cao hiểu biết số, có phản ứng phù hợp để bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. IPU, các thành viên ban lãnh đạo, ban thư ký IPU luôn hỗ trợ và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các Nghị sĩ trẻ hành động.

Vì vậy, thế hệ trẻ cần hành động mạnh mẽ, không bỏ cuộc, chạy đua với thời gian, làm việc chăm chỉ, phối hợp chặt chẽ để quyết liệt triển khai những gì đã cam kết, tạo ra những kết quả đáng tự hào.

15h17: Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc.

Phát biểu tại Lễ Bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, sau hai ngày làm việc sôi nổi, khẩn trương, hữu nghị, đoàn kết và với tinh thần trách nhiệm cao, Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 đã hoàn thành toàn bộ chương trình nghị sự chính thức và thành công tốt đẹp.

Hội nghị đã thông qua Tuyên bố về “Vai trò của giới trẻ trong việc thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững thông qua chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo”. Đây là Tuyên bố đầu tiên của Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu qua 9 kỳ tổ chức. Điều đó thể hiện sự quyết tâm, đồng thuận cao và cam kết mạnh mẽ của các nghị sĩ trẻ IPU trong việc thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững trên phạm vi toàn cầu.

Các phiên khai mạc, bế mạc, thảo luận chuyên đề đều có sự tham dự của đông đảo các vị Lãnh đạo cao cấp của Việt Nam và IPU, các vị Đại sứ, đại diện các cơ quan ngoại giao, các tổ chức quốc tế và hàng trăm nghị sĩ trẻ đến từ nghị viện thành viên IPU khắp các châu lục. Các phiên thảo luận đã ghi nhận hàng trăm lượt ý kiến phát biểu, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất kiến nghị có giá trị về chủ đề Hội nghị. Thông qua thảo luận, chúng ta đã đạt được những nhận thức chung và việc đề cao hợp tác quốc tế, chủ nghĩa đa phương, các nguyên tắc cơ bản của Liên Hợp quốc và luật pháp quốc tế trong đẩy nhanh thực hiện các SDG

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, thành công của Hội nghị nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 cho thấy Diễn đàn nghị sĩ trẻ IPU là một diễn đàn rất cần thiết, bổ ích cho các nghị sĩ trẻ và tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của nghị sĩ trẻ nói riêng, giới trẻ nói chung với tư cách là chủ nhân tương lai của mỗi quốc gia, dân tộc và của cả thế giới trong việc tham gia thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của IPU và của Liên hợp quốc.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trân trọng đề nghị Ban Thư ký IPU và các nghị viện thành viên IPU lan tỏa kết quả của Hội nghị này tới Hội nghị Thượng đỉnh của Liên Hợp quốc về các Mục tiêu phát triển bền vững sẽ diễn ra từ ngày 18-19/9/2023 tại New York. Qua đó tôn vinh vai trò, khẳng định cam kết và hành động của IPU và nghị sĩ trẻ nói riêng trong nỗ lực chung toàn cầu nhằm đẩy nhanh việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đề nghị IPU và kêu gọi các nghị viện thành viên tích cực triển khai thực hiện Tuyên bố Hội nghị; đồng thời xác lập cơ chế thích hợp để hợp tác, hỗ trợ nhau, nhất là giữa các nước phát triển và đang phát triển trong chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo.

Trong mọi chặng đường phát triển của các quốc gia, Quốc hội và các nghị sĩ với vai trò lập pháp, giám sát và thực thi cao cả của mình, luôn là lực lượng tiên phong trong các nỗ lực cải cách pháp luật, thể chế và hội nhập quốc tế, là cầu nối giữa ý chí chính trị và nguyện vọng nhân dân, giữa pháp luật trong nước và luật pháp quốc tế, giữa nhân dân các quốc gia, dân tộc, đóng góp cho hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững ở phạm vi khu vực cũng như toàn cầu.

Khẳng định chủ trương nhất quán của Việt Nam là thúc đẩy đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, dựa trên các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Việt Nam hết sức coi trọng và tham gia tích cực, có trách nhiệm tại các thể chế đa phương mà Việt Nam là thành viên.

Trên tinh thần đó, Quốc hội Việt Nam sẽ tiếp tục hợp tác tích cực cùng IPU và các nghị viện thành viên chung tay hành động để hiện thực hóa các mục tiêu, các nghị quyết của IPU nói chung và của Hội nghị Nghị sĩ trẻ nói riêng để không ngừng phát huy các sứ mệnh cao cả và nâng tầm ngoại giao nghị viện..

Quốc hội Việt Nam khẳng định sẽ tiếp tục đóng góp tích cực vào các hoạt động chung của IPU và sẵn sàng đăng cai tổ chức thêm những hội nghị và cơ chế khác trong khuôn khổ hoạt động của IPU

15h32: Bà Dyah Roro Esti, Nghị sĩ Indonesia, Thành viên Ban Lãnh đạo Diễn đàn Nghị sĩ trẻ IPU phát biểu

Cảm ơn Ngài Vương Đình Huệ, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam đã là nguồn động lực lớn cho các đại biểu, Bà Dyah Roro Esti chân thành cảm ơn đất nước Việt Nam đã chào đón các đại biểu và tổ chức Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9. Ban Tổ chức Hội nghị của Việt Nam và Ban Thư ký IPU đã hoàn thành xuất sắc việc tổ chức Hội nghị. Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 đã đi đến hồi kết.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=79946