Tổng thống Trump sẽ 'khai tử' TPP ngay khi nhậm chức

Theo nguồn tin của Politico, Tổng thống Mỹ mới đắc cử - ông Donald Trump – đang chuẩn bị thực hiện những lời hứa trong chiến dịch của mình ngay khi bắt đầu nhiệm kỳ tại Nhà Trắng vào tháng 1/2017.

Theo con đường chính sách được mô tả dựa trên những tuyên bố của ông Trump, trong 100 ngày đầu tiên, chính quyền của ông Trump sẽ loại bỏ Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) và 100 ngày sau sẽ đến lượt Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) nếu những yêu cầu của vị tân tổng thống không được đáp ứng.

Một công việc khác vị ứng cử viên Đảng Cộng hòa dự kiến thực hiện là liệt kê Trung Quốc vào danh sách thao túng tiền tệ - việc mà ông Barack Obama tránh trong suốt 2 nhiệm kỳ của mình. Bên cạnh đó, ông Trump sẽ hợp tác với Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ và Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ để đảm bảo cơ hội chia đều cho các nhà đầu tư Mỹ tại nước ngoài.

Những nỗ lực của ông Obama với TPP sẽ bị ông Trump xóa sạch chỉ sau 1 ngày ?!

Trong bài phát biểu hồi tháng 10, ông Trump dùng từ “kinh khủng” để miêu tả các thỏa thuận thương mại tự do Mỹ đang tham gia và cho rằng những người phê duyệt các thỏa thuận này nên cảm thấy xấu hổ về điều đó. Vị ứng cử viên Đảng Cộng hòa tuyên bố sẽ “sửa sai” giúp những người tiền nhiệm.

Tuy nhiên, không có gì đảm bảo vị tân Tổng thống Mỹ sẽ thực hiện đúng như những cam kết trong chiến dịch tranh cử của mình khi bước chân vào Nhà Trắng.

Nhìn chung, con đường chính sách được miêu tả bên trên chỉ phản ánh lại những gì ông Trump phát biểu tại Pennsylvania ngày 22/10.

Trong số những đề xuất của ông Trump, việc tái đàm phán NAFTA với Canada và Mexico có thể tác động mạnh nhất tới nền kinh tế Mỹ. Vị ứng cử viên Đảng Cộng hòa gọi đây là “thỏa thuận thương mại tồi tệ nhất lịch sử”.

Sau đó, phụ thuộc vào quá trình đàm phán, ông Trump sẽ xem xét việc rút khỏi thỏa thuận này vào ngày thứ 200.

Cho tới thời điểm này, Canada chưa có bất kỳ động thái nào với ý kiến thay đổi thỏa thuận kéo dài suốt 23 năm qua.

Ngày 10/11, Đại sức Canada tại Mỹ - ông David MacNaughton – cho biết nếu các nước muốn cải thiện NAFTA, quốc gia lớn thứ 2 thế giới sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán.

Tuy nhiên, việc thay đổi thỏa thuận này có thể dẫn tới hậu quả nghiêm trọng cho một số ngành, điển hành là ngành ô tô. Các công ty nước ngoài, bao gồm Mỹ, đã đổ hơn 24 tỷ USD để phát triển cơ sở hạ tầng sản xuất tại Mexico từ năm 2010.

Nếu các công ty lắp ráp ô tô tại Mỹ chuyển nhà máy sang Mexico, họ sẽ phải trả thuế cao hơn. Trong khi đó, NAFTA “mới” có thể khiến những chiếc xe hơi quay trở lại Mỹ chịu thêm một số loại thuế trước đây được cắt giảm.

Một chuyên gia thương mại cho rằng việc đàm phán lại NAFTA nghe thì thú vị nhưng lại rất phức tạp.

Bản thân Mexico và Canada cũng có những đòi hỏi của riêng mình trong khi ngồi vào bàn làm việc cùng Mỹ.

Ngày 10/11, cựu Phó đại diện Thương mại Mỹ - bà Wendy Cutler – cho rằng việc tái lập mức thuế cũ (trước NAFTA) là điều không khả thi khi ngồi vào bàn đám phán với những nhà thương thuyết hàng đầu thế giới.

Trong ngày đầu tiên thay thế ông Obama, ông Trump cũng có thể xem xét mối quan hệ mới Trung Quốc. Việc khơi mào cuộc chiến tranh thương mại với nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới có thể khiến các nhà sản xuất Mỹ gặp khó khăn khi thâm nhập thị trường Trung Quốc và đẩy giá hàng hóa nhập khẩu lên cao.

Liệt kê Trung Quốc vào danh sách thao túng tiền tệ thì dễ nhưng việc áp mức thuế cao hơn lên hàng hóa xuất khẩu của nước này là một điều ông Trump cần cân nhắc bởi đây còn là vấn đề của Quốc hội Mỹ.

Câu hỏi được đặt ra hiện nay: Liệu Trung Quốc có thực sự phá giá đồng Nhân dân tệ? Hầu hết các nhà kinh tế đồng ý rằng chính phủ Bắc Kinh đang can thiệp sâu vào thị trường tiền tệ. Nhưng trong những năm trở lại đây, Trung Quốc đang vực dậy đồng tiền của mình thay vì tìm cách hạ giá nó.

Nếu ông Trump ám ảnh với việc thao túng tiền tệ, đó sẽ là vấn đề lớn với nước Mỹ.

Nguồn NDH: http://ndh.vn/tong-thong-trump-se-khai-tu-tpp-ngay-khi-nham-chuc-20161111120528269p145c151.news