Tổng thống Trump 'kiến tạo' một Trung Đông mới?

(Baonghean) - Chuyến công du đầu tiên trên cương vị Tổng thống của ông Donald Trump tới 2 nước Trung Đông được nhận định là bước đi ngoại giao lịch sử. Chuyến đi không chỉ xây dựng mối quan hệ hợp tác, khôi phục lòng tin giữa Mỹ với các đồng minh chủ chốt ở khu vực mà có lẽ quan trọng hơn, Mỹ muốn chuyển thông điệp về sự “kiến tạo” một Trung Đông mới dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Xu hướng “tái cân bằng”

Suốt nhiều thập kỷ qua, Trung Đông luôn có vị trí đặc biệt quan trọng trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Tuy vậy, tầm ảnh hưởng của Mỹ với khu vực này có phần bị suy giảm trong 2 nhiệm kỳ của Tổng thống Barack Obama. Chính vì thế, với một tổng thống luôn thể hiện nhiều sự khác biệt, ông Donald Trump đã lựa chọn những điểm dừng chân trong chuyến công du đầu tiên là 2 nước Trung Đông, Arab Saudi và Israel.

Điều này mang một ý nghĩa biểu tượng lớn về ưu tiên trong chính sách đối ngoại của chính quyền Mỹ. Thậm chí, theo một số nhà quan sát, động thái ngoại giao của Mỹ có thể chứng minh cho xu thế chuyển hướng “tái cân bằng” trong các mối quan hệ quốc tế của chính quyền Tổng thống Donald Trump. Cùng với Đông Á và châu Âu, mối quan tâm của chính quyền Mỹ với Trung Đông sẽ tạo nên sự cân bằng giữa 3 trọng tâm chiến lược của Mỹ.

Tại Arab Saudi, Tổng thống Donald Trump có bài phát biểu đảo ngược quan điểm của ông về người Hồi giáo. Ảnh AP

Thực tế, trong 4 tháng đầu cầm quyền, Tổng thống Donald Trump đã thể hiện khá rõ mong muốn thiết lập lại vị thế tại Trung Đông, từ việc không kích bất ngờ tại Syria cho tới duy trì lập trường cứng rắn đối với Iran. Song để cụ thể hóa chiến lược của mình, Mỹ cần những điểm tựa và đó chính là những đồng minh thân thiết như Arab Saudi, hay Israel.

Trong chặng dừng chân đầu tiên, Tổng thống Mỹ đã ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác với tổng trị giá khoảng 380 tỷ USD, trong các lĩnh vực như phát triển cơ sở hạ tầng ở Mỹ và đầu tư cho ngành công nghiệp quốc phòng của Arab Saudi trong 10 năm tới.

Thỏa thuận này bao gồm cả hợp đồng quân sự trị giá 110 tỷ USD, được Tổng thống Mỹ Donald Trump và giới chức Nhà Trắng mô tả là hợp đồng quân sự lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ. Đây được coi là bằng chứng cho cam kết mới của Mỹ với an ninh của khu vực vùng Vịnh. Gói thỏa thuận này bao gồm nhiều loại vũ khí mà người tiền nhiệm Obama từng lưỡng lự thông qua vì lo ngại chúng có thể được sử dụng để giết hại dân thường trong cuộc chiến tại Yemen.

Tại Israel, một trong những mục tiêu lớn nhất của Tổng thống Trump là “trấn an đồng minh” khi quan hệ giữa hai quốc gia đồng minh này thời gian qua gặp nhiều “sóng gió”. Cũng giống như Arab Saudi, Israel cũng “thấp thỏm” thăm dò chính sách của Mỹ dành cho các đồng minh Trung Đông kể từ khi ông Trump đắc cử.

Và vì thế, chuyến thăm lần này của ông Trump có thể coi là lời giải mã cho những lo lắng từ phía Ten Aviv. Giới quan sát cho rằng, chính sách Trung Đông dưới thời Tổng thống Trump dù có điều chỉnh thế nào thì quan hệ đặc biệt Mỹ - Israel vẫn sẽ tiếp tục được duy trì, thậm chí được tăng cường.

Nguyên nhân là bởi, Mỹ muốn “kiềm chế” Iran sau khi nước này được “cởi trói” khỏi các lệnh trừng phạt cách đây hơn 2 năm. Hơn nữa, duy trì quan hệ với Israel có thể giúp Mỹ tiếp tục phát huy vai trò chủ đạo trong việc giải quyết vấn đề Israel và Palestine.

Chiến lược “đơn giản hóa” về Hồi giáo

Việc lựa chọn Arab Saudi là điểm đến đầu tiên trong chuyến công du cũng được nhìn nhận là nhằm xóa bỏ suy nghĩ lâu nay của dư luận về việc Tổng thống Donald Trump chủ trương chống Hồi giáo. Trong chiến dịch tranh cử, không ít lần ông kêu gọi “chặn đứng hoàn toàn” việc người Hồi giáo nhập cảnh Mỹ. Thậm chí, ông đã ban hành lệnh cấm nhập cảnh với công dân của 6 nước đạo Hồi vào Mỹ khi vừa nhậm chức, làm dấy lên những lời chỉ trích khắp thế giới.

Trái ngược với những quyết định cứng rắn đó, khi đến thăm Arab Saudi và tham dự các hội nghị quan trọng với các đối tác Vùng Vịnh, Tổng thống Mỹ khẳng định đạo Hồi là “một trong những đức tin vĩ đại nhất thế giới”. Ông cũng tin rằng chuyến thăm này sẽ mở ra “chương mới” trong quan hệ giữa Mỹ và thế giới Hồi giáo.

Cụm từ “chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo cấp tiến” mà ông Trump thường xuyên sử dụng trong chiến dịch tranh cử cũng không được nhắc đến khi ông chủ Nhà Trắng phát biểu trước các nhà lãnh đạo ở Vùng Vịnh.

Tổng thống Donald Trump ký nhiều thỏa thuận quan trọng với Arab Saudi. Ảnh Reuters.

Với sự kiềm chế như vậy, có vẻ như Tổng thống Trump đã lựa chọn cách tiếp cận không khác những người tiền nhiệm là Tổng thống Barack Obama hay Tổng thống George W. Bush về vấn đề người Hồi giáo. Điều đó cho thấy, chính quyền Tổng thống Donald Trump đang cố gắng “đơn giản hóa” chiến lược về Hồi giáo để tránh những căng thẳng khó kiểm soát như những gì được thể hiện thời gian qua.

Ý tưởng thành lập một liên minh kiểu “NATO trong thế giới Arab” của chính quyền Trump cho thấy sự thay đổi rõ nét chính sách về Hồi giáo của Washington. Dù không đề cập cụ thể cơ cấu tổ chức cũng như vai trò của Mỹ trong liên minh này, song theo Tổng thống Trump “mục tiêu của liên minh là để quốc gia cùng nhau chia sẻ mục tiêu đánh bật chủ nghĩa cực đoan và mang lại một tương lai tràn đầy hy vọng”.

Tuy vậy, dưới góc nhìn của giới quan sát, ý tưởng thành lập liên minh này không phải giúp Mỹ đánh bại IS, bởi thực tế, cuộc chiến chống khủng bố IS đang dần đi đến hồi kết. Thực chất Mỹ muốn duy trì sự ảnh hưởng về quân sự lâu dài hơn ở Trung Đông thời “hậu IS”.

Với những gì được thể hiện trong chuyến công du đầu tiên của Tổng thống Donald Trump, có thể thấy chính quyền Mỹ dường như đang kỳ vọng ‘thiết kế’ một Trung Đông mới. Ở đó, sự hiện diện của Mỹ sẽ được củng cố hơn. Tuy vậy, hiện vẫn còn quá sớm để khẳng định, Mỹ và Tổng thống Trump có thể “kiến tạo” một Trung Đông đang có quá nhiều rạn nứt./.

Thanh Huyền

Nguồn Nghệ An: http://baonghean.vn/quoc-te/201705/tong-thong-trump-kien-tao-mot-trung-dong-moi-2810611/