Tổng thống Nga nêu quan điểm về Ukraine với các nhà lãnh đạo châu Phi

Ngày 17/8, Tổng thống Nga Vladimir Putin tiếp phái đoàn châu Phi tại St. Petersburg về các sáng kiến hòa bình cho tranh chấp tại Ukraine, một ngày sau khi phái này gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa trong một cuộc hội đàm song phương ngày 17/6. Ảnh: TASS

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa trong một cuộc hội đàm song phương ngày 17/6. Ảnh: TASS

Theo hãng thông tấn TASS, cuộc thảo luận giữa Tổng thống Putin và các đại diện của 7 quốc gia châu Phi kéo dài trong 3 giờ. Phái bộ châu Phi bao gồm Tổng thống Zambia Hakainde Hichilema, Tổng thống Comoros Azali Assoumani (người hiện cũng là Chủ tịch Liên minh châu Phi), Tổng thống Senegal Macky Sall, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa, Thủ tướng Ai Cập Mostafa Madbouly và Đại diện đặc biệt của Tổng thống Cộng hòa Congo và Uganda là ông Floran Nsiba và ông Ruhakana Rugunda.

Trong cuộc hội đàm với ông Putin ngày 17/8, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đã trình bày 10 điểm chính của kế hoạch hòa bình, trong đó bao gồm việc giảm leo thang xung đột giữa hai bên, đàm phán ngoại giao, bảo đảm chủ quyền của các quốc gia phù hợp với Hiến chương Liên Hợp Quốc, trao đổi tù nhân, tái thiết sau chiến tranh và những vấn đề khác.

Mở đầu buổi đàm phán, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh vào sự phát triển toàn diện quan hệ với các quốc gia châu Phi như một ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Nga.

TASS trích dẫn ông cho biết: "Chúng tôi nhất quán ủng hộ việc tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống với các quốc gia châu Phi và hiệp hội chính của khu vực là Liên minh châu Phi dựa trên các nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và không can thiệp vào công việc nội bộ".

Đặc biệt, nhà lãnh đạo Nga khẳng định nước này sẵn sàng đối thoại mang tính xây dựng với tất cả những ai mong muốn hòa bình dựa trên các nguyên tắc công bằng và cân nhắc lợi ích hợp pháp của tất cả các bên. Ông cũng đánh giá cao thái độ cân bằng của các nước châu Phi đối với tình hình ở Ukraine và mong muốn giải quyết cuộc khủng hoảng của các quốc gia này.

Kế hoạch hòa bình 10 điểm

Phát biểu với ông Putin, Tổng thống Comoros Azali Assoumani cho biết: "Chúng tôi đến để lắng nghe các bạn và thông qua đó để lắng nghe tiếng nói của người dân Nga. Chúng tôi muốn thúc đẩy các bạn tham gia đàm phán với Ukraine để chấm dứt vấn đề phức tạp này".

Tổng thống Senegal Macky Sall cũng thể hiện sự đồng tình khi cho biết châu Phi mong muốn Nga và Ukraine đạt được hòa bình và điều này chỉ có thể thực hiện được dựa trên đối thoại và thỏa hiệp. Trong bối cảnh đó, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa khẳng định Châu Phi muốn trở thành một trung gian hòa giải trong việc tìm kiếm hòa bình và trình bày kế hoạch 10 điểm chính để đạt được mục tiêu này.

Cụ thể, kế hoạch này kêu gọi lắng nghe lập trường của cả hai nước, giảm thiểu leo thang tình hình, bảo đảm chủ quyền của các quốc gia và dân tộc theo Hiến chương Liên hợp quốc, đảm bảo an ninh cho tất cả các quốc gia, đảm bảo vận chuyển ngũ cốc và phân bón của hai nước, hỗ trợ nhân đạo người dân, giải quyết vấn đề trao đổi phạm nhân và hồi hương trẻ em, tái thiết sau chiến tranh và viện trợ cho những người bị ảnh hưởng bởi chiến tranh và cuối cùng là hợp tác chặt chẽ hơn với các quốc gia châu Phi.

Nga đánh giá cao nỗ lực của châu Phi trong việc xúc tiến hòa bình. Ảnh: TASS

Nga đánh giá cao nỗ lực của châu Phi trong việc xúc tiến hòa bình. Ảnh: TASS

Phản ứng của Tổng thống Putin

Về phía nhà lãnh đạo Nga, ông đưa ra một số lập trường không tương đồng của quốc gia mình trước những đề xuất này cùng những lời giải thích.

Theo đó, ông cho biết Nga đã cố gắng ủng hộ người dân Donbass sau cuộc đảo chính ở Ukraine và đã cố gắng giải quyết tình hình một cách hòa bình trong một thời gian dài. Về mặt hỗ trợ, ông cho biết chính quyền Kiev bắt đầu cuộc đảo chính năm 2014 và Nga “có quyền cung cấp viện trợ theo Điều 51 của Hiến chương Liên Hợp Quốc”.

Thêm vào đó, ông cũng chỉ ra rằng phía Nga chưa bao giờ từ chối đàm phán với Ukraine nhưng chính phủ Ukraine bày tỏ sự không sẵn sàng thông qua sắc lệnh của Tổng thống Zelensky về việc cấm đàm phán với Moscow.

Ngoài ra, ông Putin cũng cung cấp cho phái đoàn châu Phi các thông tin về dự thảo thỏa thuận được Kiev và Moscow ký sơ bộ tại Istanbul hồi năm 2022 liên quan tới các điều khoản về tính trung lập và đảm bảo an ninh và thậm chí cả về lực lượng vũ trang và số lượng các phương tiện cũng như vũ khí.

Về vấn đề tái định cư trẻ em, ông Putin khẳng định các nhà chức trách Nga đã tiến hành quá trình này một cách hợp pháp. Theo ông, Nga đã di dời trẻ em khỏi vùng xung đột và không có ý định chia tách bất kỳ trẻ em nào khỏi gia đình của mình. Ông cũng tuyên bố chính quyền Nga "chưa bao giờ phản đối việc hòa giải trẻ em với gia đình của mình”.

Liên quan tới thỏa thuận ngũ cốc, TASS dẫn lời Tổng thống Nga cho biết việc lương thực không tới được châu Phi là một sự lừa dối. Ông cho biết đã có khoảng 31,7 triệu tấn nông sản được xuất khẩu từ các cảng của Ukraine theo sáng kiến ngũ cốc Biển Đen nhưng chỉ 3,1% khối lượng này được chuyển đến các nước đang phát triển.

Do đó, ông tuyên bố các chuyến hàng ngũ cốc của Ukraine không giải quyết được nạn đói và cũng không xảy ra như một hệ quả của chiến dịch quân sự đặc biệt mà đã xuất hiện từ trước khi tình hình tại Ukraine leo thang.

Tổng kết lại cuộc thảo luận, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov, người cũng có mặt ở đó, cho biết các sáng kiến hòa bình của các nhà lãnh đạo châu Phi vẫn chưa được củng cố trên giấy tờ. Tuy nhiên, ông cho biết Moscow ghi nhận sự hiểu biết về "những lý do thực sự, sâu xa đằng sau các sự kiện hiện tại" của các quốc gia châu Phi.

Ông Lavrov cho biết Nga ủng hộ cách tiếp cận của các quốc gia châu Phi về việc không tiêu chuẩn kép, về sự tôn trọng tất cả các nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc, hay về các vấn đề khác như đảm bảo không có biện pháp trừng phạt đơn phương, không quốc gia nào phải cố gắng đảm bảo an ninh của mình bằng cách đánh đổi an ninh của người khác hay về việc an ninh vẫn không thể chia cắt trên quy mô toàn cầu.

Phát ngôn của Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov, cũng đánh giá cao các đề xuất của phái đoàn châu Phi. Đồng thời, ông cho biết Tổng thống Putin và các đại diện châu Phi sẵn sàng tiếp xúc thêm dù không phải tất cả các điều khoản của sáng kiến hòa bình đều tương quan với lập trường của Nga.

Ngân Hà

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/tong-thong-nga-neu-quan-diem-ve-ukraine-voi-cac-nha-lanh-dao-chau-phi-post23083.html