Tổng thống Mỹ cam kết sẽ đánh thuế tỷ phú nếu tái đắc cử

Lời kêu gọi đánh thuế tài sản đối với giới siêu giàu thế giới một lần nữa được chú ý sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết ông sẽ áp 'thuế tỷ phú' đối với Top 1% của nước này nếu tái đắc cử vào tháng 11/2024…

Phác thảo các đề xuất ngân sách năm 2025, mới đây, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhắm đến những cá nhân giàu có xứ cờ hoa và nhắc lại kế hoạch đánh thuế 25% đối với những người Mỹ có tài sản hơn 100 triệu USD.

“Không thể có chuyện tỷ phú mà lại đi trả thuế thấp hơn giáo viên, nhân viên vệ sinh, y tá…”, ông Joe Biden nhấn mạnh trong bài phát biểu. Cũng theo ông Biden, điều đó sẽ nâng mức thuế trung bình đối với 1.000 tỷ phú Mỹ từ 8,2% lên ngang bằng với mức 25% mà người lao động Mỹ trung bình phải trả.

Các kế hoạch, trước đây được nêu trong ngân sách năm 2024 của vị tổng thống, đã khơi dậy một cuộc tranh luận chưa có hồi kết về khối tài sản khổng lồ của những người giàu có nhất thế giới.

Tuy nhiên, vấn đề này đang ghi nhận nhiều ý nghĩa mới trong năm nay khi các chính phủ trên toàn cầu nỗ lực tìm kiếm cách thức mới để xử lý vấn đề tài chính công đang suy giảm và giải quyết tình trạng bất bình đẳng giàu nghèo.

Tháng trước, các bộ trưởng tài chính toàn cầu tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Brazil cho biết họ đang xem xét kế hoạch đánh thuế tối thiểu toàn cầu đối với 3.000 tỷ phú trên thế giới để đảm bảo rằng họ biết trao lại cho xã hội.

Những ý tưởng như vậy thậm chí còn nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của một số người giàu có nhất thế giới. Vào đầu năm 2024, mạng lưới những người được gọi là “Triệu phú Yêu nước” đã ký một bức thư ngỏ tới các nhà lãnh đạo thế giới, kêu gọi tăng thuế đối với người giàu. Trong số 260 người ký tên có người thừa kế Disney Abigail Disney và ngôi sao “Succession” Brian Cox.

Phil White, chủ doanh nghiệp đã nghỉ hưu và là người đã ký tên vào bức thư “Triệu phú Yêu nước”, chia sẻ với CNBC: “Đây là việc những người may mắn hơn đóng góp cho xã hội và họ thấy tự hào khi làm điều đó”.

Tuy nhiên, các quan điểm về tính hiệu quả của thuế tài sản và mức độ khả thi của nó trên thực tế vẫn đang nằm trong tranh cãi.

Nhìn chung, thuế tài sản là một loại thuế đánh vào giá trị của tất cả - hoặc hầu hết - tài sản thuộc về một cá nhân hoặc hộ gia đình giàu có, chẳng hạn như tiền mặt, bất động sản, xe cộ, đồ trang sức và các mặt hàng có giá trị khác.

Không giống như thuế thu nhập được tính dựa trên thu nhập hàng năm và thuế lãi vốn được đánh vào lợi nhuận tích lũy từ việc bán tài sản, thuế tài sản được coi là một cách hạch toán tổng thể hơn về tổng tài sản của một cá nhân. Những loại thuế như vậy từng phổ biến ở châu Âu, mặc dù việc thực hiện đã giảm bớt dần vào đầu thế kỷ 21 trong bối cảnh có nhiều nghi vấn về tính hiệu quả của chúng và sự chuyển dịch rộng rãi hơn sang các mức thuế suất cao hơn.

Việc đánh thuế tài sản cá nhân đã giảm dần theo thời gian (số lượng các quốc gia OECD thực hiện thuế tài sản)

Tính đến năm 2024, Thụy Sĩ, Na Uy, Tây Ban Nha nằm trong số ít quốc gia áp dụng một số hình thức thuế tài sản. Nhưng ngày càng có nhiều quốc gia đang đi theo ý tưởng này. Colombia đã đưa ra thuế tài sản vào năm 2022 và chính quyền Scotland nằm trong số những nơi đã đưa ra đề xuất tương tự.

Theo phó giáo sư kinh tế tại Đại học Warwick Arun Advani, các chính sách thuế tài sản hiệu quả nhất là những chính sách có mục tiêu và tính cụ thể. “Nếu các chính phủ muốn một loại thuế tài sản thực sự có hiệu lực ở mức độ cao nhất… thì ngay từ khi bắt đầu họ nên đưa ra yêu cầu ở ngưỡng cao”, PGS Advani nói và lưu ý rằng các chính sách từng bị bỏ ngỏ trước đây thường vẫn để thuế ở mức quá thấp hoặc cho phép quá nhiều miễn trừ nên khó có khả năng tạo ra nguồn thu thực sự.

Nhiều ý kiến ủng hộ nhấn mạnh rằng, doanh thu được tạo ra từ thuế tài sản có thể đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong việc giải quyết khoảng cách giàu nghèo.

Theo Oxfam, bất bình đẳng giàu nghèo toàn cầu đã gia tăng đáng kể trong những năm gần đây, trong đó 1% người giàu nhất chiếm tới 2/3 tổng số tài sản mới được tạo ra kể từ năm 2020.

50% dân số nghèo nhất toàn cầu hiện chỉ sở hữu 2% tổng tài sản ròng, trong khi 10% người giàu nhất nắm giữ 76%. Trong số đó, 1% người giàu nhất sở hữu khoảng 2/3.

Quay trở lại với đề xuất của Tổng thống Mỹ Joe Biden, mức thuế 25% đối với những người sở hữu hơn 100 triệu USD sẽ huy động được 500 tỷ USD trong 10 năm tới để giúp tài trợ thêm cho các quỹ phúc lợi như chăm sóc trẻ em, nghỉ phép sau sinh, an sinh xã hội cho người cao tuổi…

Theo một báo cáo riêng của Oxfam vào năm 2023 cho thấy ngay cả mức thuế 5% đối với các triệu phú và tỷ phú trên thế giới có thể huy động được 1,7 nghìn tỷ USD mỗi năm, đủ để giúp 2 tỷ người thoát nghèo.

Các tổ chức như “Triệu phú Yêu nước” nói rằng đó là một phần mục tiêu đã được nêu bật của họ. Một cuộc thăm dò vào đầu năm 2024 của tổ chức cho thấy hơn một nửa (58%) triệu phú từ các nước G20 ủng hộ mức thuế 2% đối với tài sản trên 10 triệu USD. Ba phần tư (74%) cho biết họ ủng hộ việc tăng thuế đối với người giàu nói chung.

Mỹ Hân

Nguồn Thương Gia: https://thuonggiaonline.vn/tong-thong-my-cam-ket-se-danh-thue-ty-phu-neu-tai-dac-cu-post550229.html