Tổng thống Hàn Quốc hứng chỉ trích vì phó chủ tịch Samsung ra tù sớm

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In hôm 13/8 đề nghị công chúng 'thấu hiểu' quyết định phóng thích Phó chủ tịch Samsung Electronics Lee Jae Yong giữa làn sóng chỉ trích.

“Tôi hoàn toàn nhận thức lợi ích và thiệt hại khi phóng thích Phó chủ tịch Lee”, thư ký tổng thống về truyền thông công chúng Park Soo Huyn trích lời ông Moon trong một buổi họp báo. “Tôi chấp nhận việc phóng thích vì lợi ích quốc gia và hy vọng công chúng thấu hiểu”.

Tổng thống Moon thừa nhận những ý kiến phản đối phóng thích là đúng. Tuy vậy, những người yêu cầu tha tù trước thời hạn cho ông Lee kỳ vọng hành động này có thể giúp phát triển ngành công nghiệp bán dẫn trong nước, cũng như giúp Hàn Quốc có thêm vaccine Covid-19.

Vì sao phóng thích?

Bình luận của ông Moon được đưa ra chỉ vài giờ sau khi ông Lee được phóng thích khỏi Trung tâm giam giữ Seoul tại tỉnh Gyeonggi. Ông Lee nằm trong danh sách 810 người được Bộ Tư pháp Hàn Quốc thả nhân ngày kỷ niệm giải phóng 15/8.

Ông Lee ở tù từ tháng 1 do bị kết tội đưa hối lộ và biển thủ liên quan đến cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye. Ông bị kết luận đã đưa hối lộ cho bà Park và bạn của bà là Choi Soon Sil để chính phủ ủng hộ kế hoạch chuyển giao của tập đoàn Samsung.

Phó chủ tịch Samsung Electronics Lee Jae Yong rời nhà tù. Ảnh: Korea Times.

Vụ bê bối trên đã gây ra các cuộc biểu tình lớn trên quy mô toàn quốc từ năm 2016 đến 2017, góp phần khiến bà Park bị luận tội và mở đường cho ông Moon trở thành tổng thống.

Sau khi chính phủ Hàn Quốc công bố quyết định phóng thích ông Lee, các tổ chức xã hội dân sự và một số chính trị gia kêu gọi Tổng thống Moon phải giải trình quyết định này. Họ chỉ trích ông Moon từ bỏ “các giá trị về công bằng và công lý” mà ông đã cam kết trong chiến dịch tranh cử tổng thống.

Trong khi đó, trước tuyên bố của ông Park hôm 13/8, Nhà Xanh (phủ tổng thống Hàn Quốc) tỏ ra tương đối yên lặng về vụ việc. Cơ quan này khẳng định đây là quyết định của ủy ban về phóng thích của Bộ Tư pháp Hàn Quốc.

“Những người muốn ông Lee được thả nhắc đến những đóng góp mà ông có thể thực hiện đối với vị thế của Hàn Quốc trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu. Đây là vấn đề đã được nhắc đến trong Hội nghị Thượng đỉnh Hàn - Mỹ hồi tháng 5”, một quan chức Nhà Xanh cho biết.

“Ngoài ra, họ cũng nhắc đến vai trò của ông Lee trong đảm bảo vaccine Covid-19 cho Hàn Quốc”, quan chức này nói. “Theo quan điểm của tổng thống và Nhà Xanh, công chúng Hàn Quốc thực sự có nhu cầu này. Chúng tôi mong ông Lee sẽ đáp ứng được kỳ vọng của mọi người".

Phản ứng từ dư luận

Ngay sau khi ra tù, ông Lee lên tiếng xin lỗi vì “gây lo lắng”. “Tôi xin lỗi vì đã gây lo lắng cho mọi người. Tôi nhận thức rõ mối quan tâm, chỉ trích và những điều chờ đợi mình phía trước”, ông nói.

Ông Lee đứng trước áp lực đáp ứng các kỳ vọng của người ủng hộ khi ra tù. Ảnh: Sky News.

Trong lịch sử, nhiều doanh nhân hàng đầu Hàn Quốc từng bị bắt giam với các cáo buộc như đưa hối lộ, biển thủ, trốn thuế…Tuy vậy, đa số trường hợp không phải ngồi tù toàn bộ thời gian của bản án. Bản thân cố Chủ tịch Samsung Lee Kun Hee - cha của ông Lee - từng được ân xá hai lần vì “những đóng góp đối với nền kinh tế quốc gia”.

“Rõ ràng ông Lee được đối xử một cách ưu tiên, đặc biệt khi một phiên tòa khác nhằm vào ông còn đang diễn ra”, giáo sư kinh tế Song Won Keun tại Đại học Gyeongsang nói với AFP.

Cơ quan công tố Hàn Quốc đang truy tố ông Lee vào 10 người khác liên quan tới vụ sáp nhập hai công ty con của Samsung hồi năm 2015.

Dù được phóng thích, ông Lee vẫn bị cấm làm việc trong Samsung trong 5 năm. Lệnh cấm này không được dỡ bỏ, theo Yonhap. Ngoài ra, ông cũng sẽ phải thông báo cho nhà chức trách nếu muốn thay đổi nơi cư trú hoặc rời khỏi đất nước từ một tháng trở lên.

Các nhà phân tích nhận định việc Hàn Quốc “phóng thích” ông Lee (thay vì ân xá) cho thấy chính phủ muốn giảm sự chỉ trích từ công chúng. “Phóng thích là biện pháp dễ dàng hơn”, nhà phân tích chính trị Park Sung Min nói với Nikkei Asia.

Nhìn chung, dư luận Hàn Quốc tương đối ủng hộ việc phóng thích ông Lee. Khảo sát của YTN hồi tháng 7 cho thấy hai phần ba số người được hỏi ủng hộ việc phóng thích.

Tuy vậy, các tổ chức xã hội dân sự và công đoàn chỉ trích quyết định của chính phủ khi thừa nhận đặc quyền của một số người nhất định.

Người biểu tình phản đối ông Lee trước một tòa án tại Seoul năm 2017. Ảnh: BBC.

Chỉ vài giờ sau tuyên bố từ Nhà Xanh, đại diện từ 1.056 tổ chức lao động, nhân quyền và tổ chức dân sự tổ chức một cuộc họp báo để chỉ trích Tổng thống Moon Jae In.

“Tên tội phạm chỉ mất 207 ngày để được phóng thích. Công bằng và công lý đã mất, chỉ còn một “nước cộng hòa của các chaebol (thuật ngữ chỉ các doanh nghiệp lớn tại Hàn Quốc)”. Chúng tôi sẽ luôn nhớ Tổng thống Moon làm ô uế hiến pháp thế nào”, những người phản đối việc thả ông Lee nói.

“Với việc thả ông Lee, chính quyền của Tổng thống Moon Jae In từ bỏ giá trị công bằng. Đây là hành động mang tính chấp nhận một tầng lớp đặc quyền trong xã hội”, ông Yang Dong Gyu, phó chủ tịch Hiệp hội Công đoàn Hàn Quốc, nói trong một cuộc biểu tình trước Nhà Xanh sau khi ông Lee được phóng thích.

Việt Hà

Theo Korea Times, Nikkei Asia

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tong-thong-han-quoc-hung-chi-trich-vi-pho-chu-tich-samsung-ra-tu-som-post1251227.html