Tổng thống Boris Tadic của Serbia: Lùi một bước để tiến hai bước

Thủ lĩnh đảng Dân chủ Serbia mới đây đã tuyên bố sẽ rời bỏ chiếc ghế Tổng thống trước thời hạn vì nguyện vọng cá nhân. Tuy nhiên, ông này cũng cho biết về dự định sẽ tham gia chiến dịch tái tranh cử sắp tới.

Bước lui chiến thuật

Với quyết định bất ngờ trên, cuộc bầu cử tổng thống trước thời hạn sẽ diễn ra sau khoảng một tháng nữa (ngày 6/5), trùng với ngày bầu cử Quốc hội và các hội đồng địa phương.

Theo ý kiến của các nhà phân tích, nguyên nhân từ chức của Tadic chỉ là nhằm tăng cường vị thế của đảng Dân chủ do ông lãnh đạo. Hiện đảng của Tadic, theo kết quả các cuộc thăm dò mới nhất, vẫn đang thua sút các đối thủ chính trị khác. Trong khi uy tín cá nhân của Tổng thống vẫn đang được đánh giá cao hơn đảng của mình. Quyết định từ chức trước thời hạn của Tadic chỉ nhằm mục đích tổ chức bầu cử tổng thống cùng với bầu cử Quốc hội. Những cử tri bỏ phiếu cho cá nhân Tadic sẽ không có nhiều lý do khác để từ chối bỏ phiếu cho đảng ông đang lãnh đạo. Trong khi Tadic vẫn đang được coi là chính trị gia được phương Tây mong muốn tiếp tục ngồi trên chiếc ghế tổng thống Serbia trong nhiệm kỳ tới.

Người giữa hai dòng nước

Boris Tadic sinh ngày 15/1/1958 tại Sarajevo, trong gia đình có quan điểm thân phương Tây. Điều này có thể giải thích cho quan điểm luôn muốn gần gũi EU và Mỹ của ông, cùng mong muốn trở thành một phần của "thế giới dân chủ phương Tây", cho dù trên thực tế nó vẫn khác xa những gì ông vẫn nghĩ từ nhỏ.

Không lâu sau, gia đình của Tổng thống tương lai chuyển tới sống tại Belgrad, là nơi ông đã tốt nghiệp phổ thông và đại học với tấm bằng về bệnh tâm lý. Tadic đã có thời gian làm việc tại bệnh viện và Viện Tâm lý Serbia, đồng thời tham gia giảng dạy tại trường trung học. Năm 1990, Tadic gia nhập đảng Dân chủ có đường lối thân phương Tây.

Tuy nhiên trong làn sóng tan rã của Liên bang Nam Tư, phe Dân chủ đã không có chút cơ hội nào để có thể lên nắm quyền. Trong giai đoạn 1988-1989 đã bùng nổ cuộc xung đột tại Kosovo, trước khi lan sang Croatia, Bosnia và Herzegovina. Quan điểm yêu nước theo đường lối dân tộc của Tổng thống Slobodan Milosevic khi đó đã nhận được sự ủng hộ cao hơn quan điểm thân phương Tây của Tadic và các chiến hữu.

Đến năm 1990, Tadic đã trở thành thư ký rồi Phó chủ tịch đảng Dân chủ. Ông còn thành lập một tổ chức có tên "Trung tâm Dân chủ và phát triển" nhằm chống lại Molosevic, chỉ trích nhà lãnh đạo này độc tài, không có khả năng đàm phán với EU, Mỹ và các quốc gia độc lập mới tách ra từ Nam Tư cũ.

Trong cuộc bầu cử năm 2000, khi Belgrade trên thực tế đã đánh mất quyền kiểm soát Kosovo sau chiến dịch không kích của NATO. Milosevic buộc phải từ chức tổng thống và chỉ nửa năm sau bị giao cho Tòa án La Haye. Với việc tân Tổng thống liên bang (Serbia là một thành viên) Vojislav Kostunica lên nắm quyền, phe Dân chủ bắt đầu nổi lên rất nhanh - lãnh đạo đảng Dân chủ là Dzindzic lên làm Thủ tướng, còn Tadic cũng có được một ghế bộ trưởng.

Bước ngoặt mới đến với Tadic vào ngày 12/3/2003, khi Dzindzic bị bắn chết. Tadic lên lãnh đạo đảng Dân chủ, trở thành Bộ trưởng Quốc phòng của Cộng đồng Serbia và Montenegro, ủy viên Hội đồng An ninh Serbia. Mùa hè năm 2004, Tadic chính thức trở thành ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ. Những nội dung trong chiến dịch tranh cử của ông ta đều mang tính hướng phương Tây - gia nhập EU, trao những kẻ được coi là tội phạm chiến tranh cho Tòa án La Haye, củng cố quan hệ với Croatia và Bosnia, tham gia chương trình "Đối tác vì hòa bình" của NATO v.v…

Vấn đề duy nhất mà Tadic đã làm ngược lại với mong muốn của phương Tây chính là Kosovo. Tadic đã kiên quyết không chấp nhận nguy cơ đánh mất vùng đất này, cho dù vẫn tham gia đối thoại với những phần tử người Albani tại địa phương. Boris Tadic có thể coi là một nguyên thủ "bất hạnh" khi buộc phải đứng ra chèo chống Serbia trong một giai đoạn lịch sử hết sức phức tạp và nhạy cảm.

Sau này, trên cương vị Tổng thống, Tadic đã dành nhiều nỗ lực nhằm bình thường hóa quan hệ với Croatia và Bosnia. Tuy nhiên, cộng đồng người Hồi giáo tại hai quốc gia này vẫn buộc tội người Serbia về tất cả những tội ác trong chiến tranh trước đó, thậm chí còn nộp đơn kiện về tội diệt chủng lên Tòa án quốc tế. Điều duy nhất mà Tadic đã làm tốt - bắt giữ và dẫn độ các thủ lĩnh người Serbia tại Croatia và Bosnia lên Tòa án La Haye - lại không được đông đảo người dân Serbia ủng hộ.

Bài toán hóc búa nhất đối với Tadic chắc chắn phải là vấn đề Kosovo, khi phần lớn các quốc gia thành viên EU đều thừa nhận nền độc lập của vùng đất này. Kosovo đã tự tuyên bố độc lập chính trong những năm nhiệm kỳ tổng thống của Tadic và ngay lập tức nhận được sự ủng hộ của các cường quốc hàng đầu tại phương Tây. Nhà lãnh đạo Serbia vẫn mạnh miệng khẳng định: Vấn đề Kosovo thuộc về chủ quyền của Serbia vẫn là… tiền đề cho các cuộc đàm phán với EU. Trong khi tín hiệu đưa ra từ Brussels, Berlin hay nhiều trung tâm hàng đầu khác tại châu Âu lại rất rõ ràng: Hãy công nhận nền độc lập của Kosovo, bắt đầu đàm phán với chính quyền của người Albani tại đây rồi hãy tính tới chuyện đàm phán với chúng tôi.

Tadic vẫn đang phải chật vật giữa vòng xoáy của hai làn nước: giấc mơ được là thành viên EU bắt ông ta phải hy sinh Kosovo, trong khi điều này đối với bất kỳ một người dân Serbia nào lại là một đòn giáng vào lòng tự trọng dân tộc. Nếu có thể tái đắc cử trong nhiệm kỳ tới, Kosovo chắc chắn vẫn là một bài toán khó chưa có lời giải đối với Boris Tadic

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/vi-vn/sukien/2012/4/77856.cand