Tổng thống Biden sắp tới châu Âu đàm phán về tình hình Nga - Ukraine

Tổng thống Biden và các nhà lãnh đạo NATO khác sẽ gặp nhau tại trụ sở của liên minh quân sự này ở Brussels vào ngày 24/3 để thảo luận về cuộc xung đột vẫn đang diễn ra khốc liệt giữa Nga và Ukraine.

Thượng đỉnh bất thường

"Chúng tôi sẽ giải quyết cuộc xung đột Nga - Ukraine, thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ của chúng tôi đối với Ukraine và tăng cường hơn nữa khả năng răn đe & phòng thủ của NATO", Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg viết trên Twitter.

Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: AP

Phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki nói với các phóng viên rằng Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ tham dự. "Mục đích của ông ấy là gặp trực tiếp và nói chuyện cũng như đánh giá xem chúng ta đang ở đâu tại thời điểm này trong cuộc xung đột", bà Psaki cho biết.

Khi được hỏi liệu ông Biden sẽ đến thăm Ba Lan, làm điều gì đó gắn với người tị nạn Ukraine hay gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy hay không, Psaki đã từ chối bình luận và nói rằng chi tiết chuyến đi vẫn đang được thảo luận.

Nga gọi các hành động của mình là một "hoạt động quân sự đặc biệt" nhằm phi quân sự hóa và "phi hạt nhân hóa" Ukraine. Tổng thống Vladimir Putin cũng gọi nước láng giềng là thuộc địa của Mỹ với chế độ bù nhìn và không có truyền thống độc lập.

Các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine thông qua một liên kết trực tuyến đã được nối lại vào thứ Ba. Các quan chức Ukraine hy vọng cuộc chiến có thể kết thúc sớm hơn dự kiến.

Trong một gợi ý về một thỏa hiệp có thể xảy ra, Tổng thống Ukraine Zelenskyy cho biết Ukraine đã sẵn sàng chấp nhận các đảm bảo an ninh từ phương Tây, ngăn chặn mục tiêu dài hạn của họ là gia nhập NATO.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết còn quá sớm để dự đoán tiến triển của các cuộc đàm phán. "Công việc đang khó khăn, và trong tình hình hiện tại, các cuộc đàm phán đang tiếp tục có lẽ là điều tích cực", ông nói.

Căng thẳng leo thang

Nga chưa kiểm soát được bất kỳ thành phố nào trong số 10 thành phố lớn nhất của Ukraine kể từ khi thực hiện chiến dịch quân sự - cuộc tấn công lớn nhất vào một quốc gia châu Âu kể từ năm 1945. Nhưng chính quyền Ukraine cho biết các cuộc giao tranh vẫn diễn ra ác liệt, khiến nhiều dân thường bị thiệt mạng.

Một tòa nhà bị cháy trong cuộc giao tranh Nga - Ukraine ở thủ đô Kiev. Ảnh: Reuters

Các tòa nhà bốc cháy ngùn ngụt và mọi người bị chôn vùi dưới đống đổ nát ở thủ đô. Trong khi đó, Hội đồng Mariupol cho biết khoảng 2.000 xe ô tô đã rời thành phố cảng này, nơi xảy ra cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất. Hiện đã có hơn 3 triệu người đã rời khỏi Ukraine, theo Liên hợp quốc, với hơn 1,8 triệu người đến nước láng giềng Ba Lan.

Xung đột đã khiến Nga bị cô lập về kinh tế. Mỹ, Liên minh châu Âu và Anh đã công bố các biện pháp trừng phạt bổ sung vào thứ Ba, trong khi Nga trả đũa bằng cách đưa Biden và các quan chức Mỹ khác vào danh sách cấm họ nhập cảnh vào Nga.

Các biện pháp trừng phạt mới nhất của EU bao gồm các lệnh cấm đầu tư vào lĩnh vực năng lượng, xuất khẩu hàng hóa xa xỉ sang Moscow và nhập khẩu các sản phẩm thép từ Nga.

Họ cũng đóng băng tài sản của nhiều lãnh đạo doanh nghiệp được cho là ủng hộ nhà nước Nga, bao gồm cả chủ sở hữu CLB bóng đá Chelsea, Roman Abramovich.

Huy Hoàng (theo Reuters)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tong-thong-biden-sap-toi-chau-au-dam-phan-ve-tinh-hinh-nga--ukraine-post185692.html