Tổng thống Biden ký luật mới về sản xuất chip

Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 9/8 đã ký ban hành đạo luật mới, cung cấp hàng tỷ USD tài trợ cho ngành công nghiệp bán dẫn nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh công nghệ của nước này.

Đạo luật về Chip và Khoa học dành gần 53 tỷ USD cho các ưu đãi trong sản xuất chất bán dẫn và 200 tỷ USD cho nghiên cứu trí tuệ nhân tạo, điện toán lượng tử và các công nghệ tiên tiến khác. Đây cũng là các lĩnh vực được chính phủ Trung Quốc chỉ định là ưu tiên quốc gia, theo South China Morning Post.

Luật mới cũng hạn chế những công ty nhận trợ cấp mở rộng hoạt động sản xuất chất bán dẫn ở Trung Quốc “hoặc bất kỳ quốc gia nước ngoài nào có liên quan”.

Một số công ty Mỹ như công ty sản xuất chip nhớ Micron Technology đã công bố kế hoạch mở rộng sản xuất. Theo đó, kế hoạch này dự kiến nhận được các khoản trợ cấp theo quy định của đạo luật mới.

 Tổng thống Mỹ Joe Biden ký ban hành Đạo luật Chip và Khoa học hôm 9/8. Ảnh: Bloomberg.

Tổng thống Mỹ Joe Biden ký ban hành Đạo luật Chip và Khoa học hôm 9/8. Ảnh: Bloomberg.

“Mỹ đã phát minh ra chất bán dẫn và luật này sẽ đưa chất bán dẫn trở về quê hương của mình”, Tổng thống Biden phát biểu sau khi ký dự luật. “Đó là lợi ích kinh tế của chúng ta và là lợi ích an ninh quốc gia của chúng ta”.

“Chúng ta cần những chất bán dẫn này cho các hệ thống vũ khí trong tương lai, vốn phụ thuộc nhiều hơn vào các chip tiên tiến. Thật không may, chúng ta đang không sản xuất được những loại chip này”, ông nói.

“Trung Quốc cũng đang cố gắng đi trước chúng ta để sản xuất những con chip tinh vi này”, ông nói thêm. “Mỹ phải dẫn đầu thế giới về sản xuất chip tiên tiến. Luật này sẽ thực hiện điều đó”.

Phòng Thương mại Mỹ ca ngợi luật mới, cho rằng đạo luật sẽ “thúc đẩy sản xuất vi mạch trong nước, củng cố chuỗi cung ứng của chúng ta, tăng cường nghiên cứu và phát triển trong nước, đồng thời củng cố an ninh quốc gia".

Tuy nhiên, Scott Kennedy, chủ tịch phụ trách kinh tế và kinh doanh Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS), bác bỏ nhận định rằng việc mở rộng sản xuất chất bán dẫn ra nước ngoài có nghĩa là Mỹ tụt hậu so với Trung Quốc về mặt đổi mới công nghệ.

Ông Kennedy cho rằng Mỹ không cần phải "bắt kịp" Trung Quốc mà cần đẩy mạnh quá trình chuyển đổi kinh tế, hợp tác để nghiên cứu, sản xuất và ít tiêu dùng hơn.

Theo Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ (CRS), thị phần sản xuất chất bán dẫn của Mỹ giảm từ gần 40% năm 1990 xuống còn 8% trong năm nay, khiến nước này phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu từ Trung Quốc và các nước khác.

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tong-thong-biden-ky-luat-moi-ve-san-xuat-chip-post1344023.html