Tổng thống Biden đang muốn XHCN hóa nền kinh tế Mỹ?

Trong nội bộ nước Mỹ, Tổng thống Biden và đảng Dân chủ được đánh giá là 'tả khuynh' hơn cựu Tổng thống Trump và đảng Cộng hòa. Các nỗ lực 'cải cách' của Biden trong 100 ngày đầu nắm quyền dường như theo hướng xã hội chủ nghĩa hóa. Nhưng thực tế có thật như vậy?

Chính sách của Tổng thống Mỹ Joe Biden có nhiều điểm khác biệt với người tiền nhiệm Donald Trump. Chỉ trong vòng 100 ngày đầu tiên của nhiệm kỳ mình, ông Biden đã làm nhiều việc để đảo ngược các chính sách trước đó của ông Trump. Đáng lưu ý, ông hoạt động rất năng nổ và chú ý đến các chính sách kinh tế và xã hội, khiến đảng Cộng hòa chỉ trích ông là XHCN (trong bối cảnh nước Mỹ là nước đứng đầu thế giới tư bản).

Tổng thống Mỹ Biden. Ảnh: Business Insider.

Tổng thống Mỹ Biden. Ảnh: Business Insider.

Cụ thể, giữa lúc khó khăn chồng chất do đại dịch Covid-19 chính quyền Tổng thống Biden đã ban hành gói cứu trợ trị giá tới 1.900 tỷ USD để hỗ trợ cho nền kinh tế quốc gia. Mức 1.900 tỷ USD là rất lớn vì chiếm tới 9% GDP nước Mỹ.

Không những vậy, ông còn đề xuất một kế hoạch cơ sở hạ tầng dài hạn và một dự thảo chi tiêu dài hạn cho gia đình, mỗi dự án đều có giá gần 2.000 tỷ USD. Trong đó gói hỗ trợ gia đình sẽ nâng thu nhập trung bình của các gia đình, từ đó nâng đáng kể sức mua của nền kinh tế Mỹ. Còn gói cơ sở hạ tầng sẽ rót tiền vào hiện đại hóa hàng chục nghìn kilomet đường bộ, các trục giao thông, trùng tu hàng chục ngàn cây cầu, hiện đại hóa hệ thống đường tàu hỏa, thay thế xe bus cũ kỹ, xây mới hoặc nâng cấp trường hợp, bệnh viện, viện dưỡng lão v.v..

Bên cạnh đó, Tổng thống Biden có chú ý đến vấn đề tạo việc làm, bảo vệ môi trường (với việc tham gia trở lại Thỏa thuận khí hậu Paris), đầu tư vào phát triển công nghệ sạch, phát triển nền kinh tế theo hướng sáng tạo.

Hiện tại chính sách của ông Biden đang đạt được sự đồng thuận khá cao trong xã hội Mỹ. Tuy nhiên giới doanh nghiệp và đảng “đối lập” là đảng Cộng hòa có vẻ không ủng hộ các chính sách đó của ông Biden cho lắm.

Chính quyền Biden dường như đang muốn “lấy của người giàu chia cho người nghèo”, thể hiện qua chính sách tăng trợ cấp thất nghiệp, giảm thuế cho người có thu nhập thấp và giới trung lưu, đồng thời tăng thuế đánh vào giới nhà giàu và các doanh nghiệp. Ông Biden chú trọng nhắm tới nhóm đối tượng 1% dân số giàu nhất nước Mỹ. Nếu như cựu Tổng thống Trump từng giảm thuế doanh nghiệp từ 35% xuống còn 21% thì chính quyền Biden hiện nay lại làm ngược lại, tăng thuế doanh nghiệp từ 21% lên thành 28% (chưa rõ ông Biden có sẽ quay lại hẳn mức 35% hay không).

Các chính sách trên cộng với việc Biden đề cao vai trò của phụ nữ, quan tâm đến chống dịch Covid-19, các biện pháp để đạt được điều đó (từ các biện pháp phòng ngừa đến đầu tư tiền bạc vào phát triển vaccine ngừa Covid-19 và phấn đầu tiêm chủng đại trà cho dân Mỹ) tạo cảm giác ông Biden đang tiến công vào chủ nghĩa tư bản và phấn đấu cho nền kinh tế và xã hội XHCN, giống như tuyên truyền của đảng Cộng hòa (đối thủ của đảng Dân chủ của Tổng thống Biden ở một chừng mực nào đó).

Tuy nhiên, ông Biden vẫn mang đậm chất dân tộc chủ nghĩa với các động thái bảo hộ nền kinh tế Mỹ (đặc biệt là trước Trung Quốc). Chính quyền Biden vẫn chủ trương kêu gọi doanh nghiệp Mỹ quay trở lại lãnh thổ Mỹ để đầu tư.

Và đặc biệt, theo thống kê của hãng Bloomberg (Mỹ), trong 100 ngày cầm quyền đầu tiên của ông Biden, tài sản của 10 người giàu nhất nước Mỹ đã tăng thêm 255 tỷ USD.

Theo RFI, có dấu hiệu cho thấy Tổng thống Biden dù “cánh tả” đến mấy vẫn hoạt động trong khuôn khổ mô hình kinh tế Mỹ, chứ không hẳn đi theo hướng nền kinh tế thị trường XHCN như kiểu Trung Quốc. Vẫn theo RFI, chính quyền ông Biden có thể hướng tới mô hình kinh tế phúc lợi xã hội kiểu như các nước Tây Âu.

Những cáo buộc mà đảng Cộng hòa (Mỹ) dành cho Tổng thống Biden có lẽ chỉ mang tính tuyên truyền đơn thuần và là mẹo “đấu đá” trong nội bộ chính trường Mỹ mà thôi./.

Trung Hiếu/VOV.VN (tổng hợp)

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/tong-thong-my-biden-dang-muon-xhcn-hoa-nen-kinh-te-nuoc-nay-855351.vov