Tống Liên Anh: Khám phá thế giới để tìm ra chính mình

Dịch sách và dịch chuyển là hai hoạt động tưởng chừng như không liên quan, thậm chí đối ngược nhau về mặt tính chất. Tuy nhiên, theo góc nhìn của dịch giả Tống Liên Anh, chúng lại là những hành trình hàm dưỡng lẫn nhau, để qua đó con người không ngừng khám phá tri thức, sống một cuộc đời phong phú về trải nghiệm và giàu có về tinh thần.

Tống Liên Anh trong chuyến trải nghiệm, khám phá cực Bắc của nước Mỹ. (Ảnh: NVCC)

Dịch sách - Hành trình tĩnh lặng

Cơ duyên nào đưa chị tới với việc dịch sách và điều gì khiến chị thấy việc dịch sách thách thức nhất cũng như thú vị nhất?

Tôi sinh ra và lớn lên ở một huyện miền núi, thư phòng khổng lồ của tôi là bầu trời, mặt đất, là những đêm mùa Hè lấp lánh sao giăng; cuốn sách khổng lồ của tôi chính là những vần thơ và câu chuyện kể trong ký ức của bố. Khi bắt đầu biết đọc, tôi say mê tất cả những gì có chữ xung quanh mình.

Đối với tôi việc dịch sách là một hình thức đọc rất sâu để đi đến tận cùng một tác phẩm, chỉ khác là việc đọc giờ đây không phải để phục vụ cho riêng mình mà còn phục vụ cho hàng ngàn, hàng vạn độc giả.

Điều đó buộc tôi từ một người đọc theo lối “thụ hưởng” thành một người đọc có trách nhiệm hơn, cam kết và bền bỉ hơn với tác phẩm. Cũng là một cuộc phiêu lưu đầy xúc cảm trong thế giới của những con chữ, nhưng dịch sách là cuộc phiêu lưu trong tĩnh lặng mà bạn thường phải đi một mình và phải chấp nhận đối mặt với nỗi cô đơn.

Mark Twain có câu nói rất hay về ngôn ngữ: “Sự khác nhau giữa từ đúng và từ gần đúng thật sự là một chuyện lớn, đó là sự khác nhau giữa ánh chớp và con đom đóm”.

Dịch thuật là công việc nhiều thách thức vì nó không chỉ đòi hỏi sự thông thạo về ngôn ngữ, mà còn cần người dịch có chiều sâu tri thức cũng như sự nhạy cảm và kết nối với tác phẩm. Quá trình tinh chỉnh thường đòi hỏi nhiều thời gian và “đau đớn” nhất. Có khi, tôi phải mất đến một vài tuần loay hoay tìm cách dịch một từ, một thuật ngữ mà vẫn không ưng ý. Có những đoạn tôi tiếp tục dịch lại khi sách tái bản lần một, lần hai… mà vẫn không hài lòng.

Cuốn gần đây nhất tôi dịch trên đường đi công tác dọc Tây Bắc, Tây Nguyên và miền Trung. Mỗi ngày, tôi đều đặt đồng hồ dậy từ 4h sáng để có hai tiếng cho việc dịch trước khi đi hàng trăm cây số đến các bản làng.

Chính trải nghiệm này giúp tôi trui rèn sự kiên định, nhẫn nại và nuôi dưỡng động lực học tập không ngừng để vượt qua những giới hạn của bản thân.

Tống Liên Anh tại sự kiện ra mắt sách "Học tập suốt đời".

Dịch chuyển - Hành trình sống động

Như chị chia sẻ, việc dịch sách đòi hỏi sự tĩnh lặng, tập trung cao độ và tương đối cô đơn. Tuy nhiên, chị lại là người dịch chuyển rất nhiều và chị cũng vừa kể về hành trình “vừa đi vừa dịch” cuốn sách gần đây nhất của mình. Điều gì khiến chị yêu thích việc dịch chuyển và nó có mối liên hệ thế nào đối với việc đọc sách và dịch sách?

Tôi thấy bản thân mình giống như một dòng sông mà sự sống nuôi dưỡng trong lòng hay tất cả những trù phú vun đắp đôi bờ đều có được nhờ vào việc khơi thông dòng chảy. Với tôi, dịch chuyển, không chỉ là việc đi xa, là sự thay đổi vị trí trên bản đồ địa lý, mà còn là cách để hòa mình và tương tác một cách sống động, trực diện nhất với tri thức cũng như vẻ đẹp của tự nhiên, văn hóa, xã hội, con người…

Tôi biết ơn công việc cho mình cơ hội được “chảy” mãi ra biển lớn. Tới giờ tôi đã đi được gần 30 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Năm 2023 là một năm vô cùng đặc biệt, tôi đã có những trải nghiệm không thể quên khi đặt chân tới bốn châu lục và hai lần đi dọc đất nước. Đây là những chuyến đi phá vỡ tất cả những giới hạn về mặt thể lực, về khung nhận thức và niềm tin chật hẹp mà tôi đã đặt ra cho mình.

Sách “Học tập suốt đời” của tác giả Peter Hollins do Tống Liên Anh và Lê Anh Thư dịch được tái bản hai lần sau một tháng chính thức phát hành. Cuốn sách được độc giả của VTV đề cử vào top 10 cuốn sách không nên bỏ.

Thông qua những chuyến đi, tôi có thể sờ, chạm, ngửi, cầm, nắm, ngắm nhìn, thấu hiểu và kiểm nghiệm… những điều trong sách. Tôi tin rằng một người đã từng đọc sách, dịch sách về Israel thì khi chạm tay lên bức tường than khóc ở miền đất thánh chắc chắn sẽ có sự rung cảm mãnh liệt khác hẳn với lữ khách chỉ ghé chơi mảnh đất này. Cũng như vậy, một người từng say đắm những tác phẩm của Jack London sẽ vỡ òa xúc cảm khi sống giữa đêm trăng hoang dã nơi cực Bắc của nước Mỹ, nhìn thứ ánh sáng nguyên sơ ấy hắt lên những dòng sông, mặt hồ đã đóng băng được bao bọc bởi rừng cây tuyết trắng im lìm.

Đôi khi, những khoảnh khắc đẹp nhất trong đời là giây phút ta nhìn thấy những gì mình từng đọc và tưởng tượng suốt thời ấu thơ hiện ra ngay trước mắt, hay khi những giấc mơ hoang đường nhất của tuổi trẻ chợt gần gũi đến mức có thể sờ, nắm được. Đó chính là hạnh phúc không có gì so sánh được của một người đọc sách, dịch sách và trải nghiệm, ngụp lặn thật sâu trong đời sống này.

Tống Liên Anh trong chuyến thăm lớp học xóa mù chữ tại bản Phồng, tỉnh Nghệ An. (Ảnh: NVCC)

Sự phiêu lưu và cuộc sống mong ước

Theo chị, việc đọc sách, dịch sách và dịch chuyển có ý nghĩa như thế nào đối với hành trình học tập của mỗi cá nhân, giúp họ “tìm ra chính mình” và sống một cuộc đời mình mong ước?

Trong cuốn sách Học tập suốt đời của Peter Hollins có một câu mà tôi rất thích: “Khu vực bao la chưa được khám phá bởi kinh nghiệm của con người, tồn tại bên ngoài giới hạn chật hẹp của những trường học chính quy, chính là địa hạt quan trọng nhất của giáo dục”.

Đọc sách chính là nền tảng của tự học, bước khởi đầu của hành trình học tập suốt đời. Dịch sách, tiến thêm một bước nữa, chính là một cách đọc và “tường thuật”, chia sẻ lại những thứ mình đọc cho rất nhiều người. Nhưng chỉ dừng lại ở đó thì chưa đủ. Không ngừng trải nghiệm và nhúng mình thật sâu trong những trải nghiệm ấy chính là cách kết nối tri thức khổng lồ từ việc đọc, việc dịch với đời sống thực tế.

Vì vậy, với tôi việc đọc sách, dịch sách và dịch chuyển là những hành trình tiếp nối, đan quyện, bồi đắp, hàm dưỡng lẫn nhau. Trên hành trình đó, mỗi chúng ta sẽ khám phá thế giới bên ngoài và bên trong mình một cách sâu sắc, đủ đầy và trọn vẹn nhất.

Chị Tống Liên Anh là chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục người lớn và học tập suốt đời. Chị tốt nghiệp loại xuất sắc Chương trình Thạc sĩ Giáo dục, trường Đại học Monash theo Học bổng toàn phần của Chính phủ Australia và hai lần vinh dự được UNESCO trao tặng Học bổng học tập suốt đời.

Chị là chuyên gia/cố vấn của các tổ chức như UNESCO, DVV International, SEAMEO CELLL... Trong 10 năm công tác tại Bộ Giáo dục và Đào tạo, chị phụ trách các Đề án, chương trình thúc đẩy học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập tại Việt Nam.

Tống Liên Anh là tác giả, diễn giả của hàng trăm bài báo, chương trình truyền hình, talkshow khuyến đọc, khuyến học tại Việt Nam. Chị là dịch giả của một số cuốn sách best-seller như: Vùng lợi nhuận (2009), Mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (2010), Tiếp thị trực tuyến trong kỷ nguyên số (2011), Cục ị ở đâu (2020) và Học tập suốt đời (2023).

(thực hiện)

Linh Lan

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tong-lien-anh-kham-pha-the-gioi-de-tim-ra-chinh-minh-260158.html