Tổng kết những bài học kinh nghiệm quý trong lịch sử phát triển của các doanh nghiệp Bộ Công an

Hội thảo 'Lịch sử các doanh nghiệp Bộ Công an giai đoạn 1968-2020' là đề tài khoa học cấp bộ được Bộ Công an giao Cục Công nghiêp an ninh chủ trì nghiên cứu. Hội thảo vừa diễn ra chiều nay (ngày 22/6) tại Hà Nội.

Hội thảo nhằm thu thập các tư liệu lịch sử, ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, nhân chứng lịch sử, các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tại các đơn vị qua các thời kỳ để luận bàn về nội dung, khảo cứu độ chính xác của các thông tin sự kiện về các doanh nghiệp trong CAND, qua đó nhìn lại từng giai đoạn phát triển và tổng kết rút ra các bài học kinh nghiệm, khẳng định vị trí, vai trò, tầm quan trọng của các doanh nghiệp CAND. Từ đó, đề xuất một số chủ trương, giải pháp về quy hoạch, định hướng chiến lược, mục tiêu phát triển các doanh nghiệp CAND nhằm đáp ứng yêu cầu công tác Công an trong tình hình mới.

Thiếu tướng Trần Văn Doanh, Phó Cục trưởng phát biểu tổng kết Hội thảo.

Đề dẫn hội thảo nêu rõ, trong bối cảnh thế giới và khu vực diễn biến khó lường, với nhiều thách thức dẫn đến nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội của lực lượng CAND hết sức nặng nề. Trong đó, trang bị vũ khí, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, phương tiện, công cụ hỗ trợ... tiên tiến, hiện đại là một trong những yêu cầu cấp thiết trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ sự bình yên, hạnh phúc của nhân dân. Điều này, đồng nghĩa công nghiệp an ninh, trong đó có các doanh nghiệp CAND ngày càng phát triển, để chủ động, đáp ứng yêu cầu công tác Công an trong tình hình mới.

Đại tá Nguyễn Mạnh Cường, Phó Cục trưởng, Chủ nhiệm đề tài điều hành thảo luận.

Trước yêu cầu nhiệm vụ công tác Công an, các thế lực thù địch thay đổi phương thức hoạt động chống phá, các loại tội phạm sử dụng các phương tiện phạm tội ngày càng tinh vi, tội phạm sử dụng công nghệ cao, an ninh mạng, an ninh phi truyền thống…, các doanh nghiệp CAND phải tích cực nghiên cứu, ứng dụng, sản xuất trang thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, phương tiện, công cụ hỗ trợ tiên tiến, hiện đại, nhất là trang bị cho lực lượng mũi nhọn ngày càng trở nên cấp thiết.

Quang cảnh hội thảo.

Tại hội thảo này, các đại biểu đã tập trung thảo luận chuyên sâu, trao đổi vấn đề một cách thẳng thắn với tinh thần trách nhiệm và tâm huyết, các nội dung tham luận tại hội thảo có giá trị thực tiễn cao. Các ý kiến tập trung làm rõ: vị trí, vai trò, tầm quan trọng của các doanh nghiệp CAND trong đóng góp công tác hậu cần, kỹ thuật CAND và tham gia phát triển kinh tế- xã hội, tạo công ăn việc làm, bảo đảm đời sống cho người lao động; khắc họa rõ hơn về quá trình hình thành, phát triển của từng doanh nghiệp trong từng thời kỳ, bối cảnh lịch sử cụ thể; việc triển khai chủ trương, chính sách, phương án sắp xếp, đổi mới nhằm bảo toàn và phát triển vốn tại doanh nghiệp, vượt qua nhiều khó khăn; đồng thời cũng nêu rõ những vướng mắc, tồn tại, hạn chế về cơ chế, chính sách, nguồn lực thực tại của doanh nghiệp CAND hiện nay.

Qua đó, tổng kết rút ra những bài học làm cơ sở để đưa ra các giải pháp, kiến nghị với Đảng, Nhà nước, Bộ Công an về sắp xếp, đổi mới, phát triển các doanh nghiệp CAND hoạt động hiệu lực, hiệu quả, thực sự là nòng cốt để phát triển công nghiệp an ninh.

Các đại biểu tại hội thảo.

Phát biểu tổng kết hội thảo, Thiếu tướng Trần Văn Doanh, Phó Cục trưởng khẳng định, các ý kiến, các tham luận tại hội thảo có ý nghĩa quan trọng, giúp Cục Công nghiệp an ninh nói chung và Ban Chủ nhiệm đề tài khoa học cấp Bộ nói riêng có thêm những nguồn thông tin, tài liệu quý giá, nhằm xây dựng và hoàn thiện đề tài theo kế hoạch đề ra, đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ Bộ Công an giao.

Tâm Minh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/hoat-dong-ll-cand/tong-ket-nhung-bai-hoc-kinh-nghiem-quy-trong-lich-su-phat-trien-cua-cac-doanh-nghiep-bo-cong-an-i697799/