Tổng kết 15 năm thực hiện Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn

Chiều 28/12, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 15 năm thực hiện Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn (năm 2009 - 2023). Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương dự và chỉ đạo hội nghị.

Dự hội nghị tại điểm cầu Cao Bằng đồng chí Bế Thanh Tịnh, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; lãnh đạo một số sở, ngành; Ban Tuyên giáo các huyện, Thành ủy; Đảng ủy các xã, phường thuộc Thành phố và cán bộ trực tiếp thực hiện quản lý sách trang bị cho cơ sở.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Cao Bằng.

Từ năm 2009, Ban Bí thư Trung ương Đảng giao Ban Tuyên giáo Trung ương và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương triển khai thực hiện Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn. Đây là một chủ trương đúng đắn, thể hiện nhận thức và quyết tâm của Đảng đối với yêu cầu nâng cao năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân ở cơ sở, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số có điều kiện tự trang bị, bổ sung kiến thức năng lực về nhiều mặt và trau dồi kỹ năng hoạt động, lao động sản xuất..., góp phần đổi mới và nâng cao chất lượng của hệ thống chính trị cấp cơ sở đáp ứng yêu cầu của thời kỳ phát triển mới và nâng cao dân trí cho các tầng lớp nhân dân.

Giai đoạn 2009 - 2023, Đề án trang bị cho cơ sở xã, phường, thị trấn ở 63 tỉnh, thành phố trên cả nước gần 593 đầu sách (cả đĩa CD-ROM, CD Audio), với tổng số trên 14,4 triệu bản in. Sách của Đề án phong phú, đa dạng với 8 nhóm đề tài: Sách học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; sách về công tác xây dựng Đảng, Nhà nước, MTTQ và các đoàn thể; sách chính trị - pháp luật; sách kiến thức phổ thông; sách kỹ năng lãnh đạo, quản lý; Sách phổ biến kỹ thuật nông, lâm, ngư nghiệp; sách trang bị cho vùng đồng bào dân tộc; sách xây dựng nông thôn mới; sách dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng. Nội dung sách của Đề án bảo đảm tính chính xác, khách quan, khoa học, cập nhật những thông tin mới nhất. Sách biên soạn có tính chất cẩm nang, nhiều cuốn được trình bày dưới dạng hỏi - đáp dễ đọc, dễ hiểu, dễ nhớ, nội dung cập nhật thông tin, tri thức mới, tiện tra cứu, dễ vận dụng phù hợp với đối tượng người đọc là cán bộ, đảng viên và nhân dân ở cơ sở.

Bên cạnh đó, từ đầu năm 2020, thư viện điện tử đã ra mắt phục vụ bạn đọc; đến nay, có hơn 729.000 lượt cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân truy cập để đọc, tra cứu, học tập trực tiếp. Đây là sự đổi mới về hình thức sách để phù hợp với những thay đổi trong thói quen của cán bộ, đảng viên và sự phổ biến của các thiết bị di động được sử dụng để cập nhật thông tin, tri thức hàng ngày.

Tại hội nghị, các đại biểu đánh giá cao hiệu quả của Đề án “Trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn”. Sách của Đề án là những tài liệu bổ ích, cần thiết góp phần đáp ứng kịp thời nhu cầu tự nghiên cứu, học tập của đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân ở xã, phường, thị trấn.Thông qua đó, nâng cao nhận thức, củng cố kiến thức, ứng dụng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, vận dụng trong công tác quản lý, lãnh đạo của cán bộ, đảng viên và trong lao động sản xuất của nhân dân. Đồng thời, chỉ ra các thuận lợi, khó khăn, chia sẻ những kinh nghiệm hay của địa phương, ngành khi triển khai thực hiện Đề án, đề xuất các giải pháp phù hợp thực tế để tiếp tục tổ chức thực hiện hiệu quả chủ trương của Ban Bí thư về triển khai Đề án “Trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn” trong thời gian tới.

Phát biểu kết luận hội nghị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định ý nghĩa thiết thực của Đề án trong đời sống của người dân, đặc biệt đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa; thúc đẩy phong trào đọc sách và phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng. Để triển khai Đề án hiệu quả, các địa phương tiếp tục tổ chức thực hiện chủ trương của Ban Bí thư về việc triển khai Đề án nhằm cung cấp thông tin tin cậy, bảo đảm tính khách quan, khoa học, cập nhật những thông tin mới nhất về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần đáp ứng kịp thời nhu cầu nghiên cứu, tham khảo, học tập của cán bộ, đảng viên và nâng cao dân trí cho các tầng lớp nhân dân ở cơ sở.

Nâng cao chất lượng nội dung, hình thức, tính hấp dẫn của sách, bảo đảm tính thiết thực và hiệu quả của Đề án; đa dạng hóa các phương thức xuất bản, đẩy mạnh xuất bản sách điện tử. Xây dựng Thư viện điện tử sách bảo đảm đồng bộ, cập nhật thường xuyên nội dung sách mới, thuận lợi, dễ tra cứu trên mạng internet; thường xuyên khảo sát, kiểm tra, đánh giá thực trạng triển khai Đề án tại các tỉnh, thành phố. Các cấp ủy đảng, chính quyền cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan triển khai đề án; các cấp, ngành, cơ quan thông tấn, báo chí cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, giới thiệu về mục đích, ý nghĩa và những nội dung sách của Đề án… các bên liên quan tiếp thu đầy đủ các ý kiến tại hội nghị, đưa ra các giải pháp hữu ích, tổng hợp báo cáo trình Ban Bí thư để sớm có những chỉ đạo, định hướng kịp thời trong thời gian tới.

Tại hội nghị, Ban Tuyên giáo Trung ương tặng Bằng khen 11 tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác tham mưu thực hiện Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn giai đoạn 2009 - 2023.

K.T

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/tong-ket-15-nam-thuc-hien-de-an-trang-bi-sach-cho-co-so-xa-phuong-thi-tran-3166559.html