Tổng giám đốc Việt Á Phan Quốc Việt và loạt cựu quan chức khai gì khi ra tòa phúc thẩm?

Ông Nguyễn Thanh Long nói đã nhờ gia đình nộp khắc phục thêm một tỷ đồng. Còn Phan Quốc Việt kiến nghị HĐXX xem xét lại khoản thiệt hại hơn 1.200 tỷ đồng, xem xét lại vấn đề định giá.

Những ai đã nộp khắc phục hậu quả?

Chiều 15/5, sau khi Hội đồng xét xử (HĐXX) Tòa án nhân cấp cao tại Hà Nội tóm tắt xong nội dung vụ án, cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Tổng giám đốc Việt Á Phan Quốc Việt và 9 bị cáo khác trong vụ Công ty Việt Á nâng giá kit test Covid-19 lần lượt trình bày lý do kháng cáo.

Trình bày trước tòa phúc thẩm, ông Nguyễn Thanh Long chỉ nói ngắn gọn về việc giữ nguyên kháng cáo xin giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Trước phiên tòa này, ông Long đã nhờ gia đình nộp khắc phục thêm một tỷ đồng, ngoài khắc phục khoản tiền nhận hối lộ là 2,25 triệu USD.

Cùng xin giảm nhẹ hình phạt, bị cáo Phan Quốc Việt (sơ thẩm tuyên 29 năm tù về các tội Đưa hối lộ và Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng) thừa nhận sai phạm như bản án sơ thẩm nêu.

Các bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm.

Các bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm.

Tuy nhiên, Việt kiến nghị HĐXX xem xét lại khoản thiệt hại hơn 1.200 tỷ đồng và xem xét lại vấn đề định giá. Theo bị cáo, không thể nói Việt Á nâng khống giá bán kit test vì theo cơ chế thị trường trên nguyên tắc thuận mua vừa bán.

Về bối cảnh xảy ra vụ án, Phan Quốc Việt cho rằng, thời điểm đó là lúc dịch bệnh bùng phát, Việt Á tham gia chống dịch và đề nghị cấp sơ thẩm xem xét việc này.

Bổ sung cho thân thân chủ, luật sư của Phan Quốc Việt nhìn nhận, bị cáo này kháng cáo vì cho rằng tòa án cấp sơ thẩm chưa ghi nhận hết sự thành khẩn khai báo, sự đóng góp tích cực của Việt trong giai đoạn điều tra.

Bên cạnh đó, luật sư đánh giá cơ quan tố tụng quy kết ông chủ Việt Á có hành vi lợi dụng sức ảnh hưởng của dịch bệnh để trục lợi là chưa phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh phạm tội.

Tuy nhiên, đại diện Viện kiểm sát khi tham gia tố tụng khẳng định, bị cáo Việt đã chiếm đoạt kit test xét nghiệm thông qua việc biến sản phẩm nghiên cứu thuộc sở hữu của Nhà nước thành sản phẩm của công ty này. Sau đó, các bị cáo sản xuất, tiêu thụ với giá bán đã được nâng khống, qua đó thu lợi bất chính số tiền lớn.

Bị cáo Phạm Duy Tuyến.

Bị cáo Phạm Duy Tuyến.

Vợ của cựu vụ phó xin bỏ kê biên nhà cửa

Ngoài những bị cáo trên, ông Trịnh Thanh Hùng (cựu Phó Vụ trưởng thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ) khi trả lời thẩm vấn tiếp tục thừa nhận hành vi nhận hối lộ khoản tiền hơn 8 tỷ đồng.

Theo ông Hùng trình bày, trước khi hầu tòa phúc thẩm, bị cáo cùng gia đình đã nộp khắc phục toàn bộ số tiền nêu trên, đồng thời còn khắc phục chung cho hậu quả vụ án thêm 50 triệu đồng.

Ngoài đưa thêm các tình tiết liên quan đến nhân thân để làm căn cứ mong được giảm nhẹ, ông Hùng và vợ kiến nghị tòa phúc thẩm giải tỏa kê biên tài sản vì cho rằng bị cáo đã khắc phục 100% hậu quả.

Về việc này, chủ tọa phiên tòa nhấn mạnh, trường hợp bị cáo đã khắc phục toàn bộ hậu quả thì người liên quan không cần kháng cáo. Khi đó, HĐXX sẽ tuyên giải tỏa kê biên đối với các tài sản mà bị cáo từng bị kê biên trong giai đoạn tố tụng trước đây.

Còn cựu Giám đốc CDC Hải Dương Phạm Duy Tuyến (lĩnh án 13 năm tù) giữ nguyên kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt này. Ông Tuyến trình bày, hiện đã cùng gia đình khắc phục toàn bộ hậu quả của vụ án với số tiền 27 tỷ đồng. Đây là một trong những căn cứ để ông Tuyến mong được giảm án.

Ngày mai (16/5), phiên tòa phúc thẩm tiếp tục tranh tụng.

Hoàng Lam

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/tong-giam-doc-viet-a-phan-quoc-viet-va-loat-cuu-quan-chuc-khai-gi-khi-ra-toa-phuc-tham-192240515155543249.htm