Tổng cục Khí tượng Thủy văn Việt Nam ra mắt Hệ thống cảnh báo sớm dông sét, mưa lũ

Chiều 3/10, Tổng cục Khí tượng Thủy văn Việt Nam tổ chức chương trình gặp mặt ngày truyền thống ngành Khí tượng Thủy văn Việt Nam và ra mắt Hệ thống cảnh báo sớm dông sét, mưa lũ. Chương trình nhằm ôn lại truyền thống, ghi nhận những đóng góp của gần 2.900 cán bộ, viên chức, người lao động toàn ngành đang ngày đêm quan trắc và theo dõi mọi diễn biến khí tượng, thủy văn, hải văn để truyền tin, dự báo, cảnh báo kịp thời đến cộng đồng.

Ngày truyền thống ngành Khí tượng Thủy văn Việt Nam năm 2023 được tổ chức với chủ đề: “Khí tượng Thủy văn Việt Nam 78 năm liên tục đổi mới, hiện đại hóa công nghệ phục vụ cộng đồng”. Từ một mạng lưới thưa thớt và ít ỏi do thực dân Pháp để lại ở miền Bắc (gồm 15 trạm khí tượng bề mặt, 6 trạm hải văn, 41 trạm thủy văn và 27 điểm đo mưa, trong đó nhiều trạm đã ngừng quan trắc) và chế độ cũ ở để lại ở miền Nam (sau giải phóng, ở các tỉnh phía nam chỉ còn 30 trạm khí tượng, khí hậu, 2 trạm thám không vô tuyến và một số trạm pilot, trạm thủy văn quan trắc định kỳ)...

Đến nay với sự đầu tư của Đảng, Nhà nước, của Bộ Tài nguyên và Môi trường sự cố gắng nỗ lực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, lĩnh vực Khí tượng Thủy văn đã có một mạng lưới quan trắc Khí tượng Thủy văn liên tục được cấy dày, tăng cường tự động hóa và trở thành mạng lưới nền cho mạng lưới quan trắc tài nguyên môi trường, với trên 1800 trạm/điểm đo trên toàn quốc. Với gần 1.500 quan trắc viên có mặt trên khắp mọi miền của Tổ quốc, từ vùng sâu, vùng xa đến núi cao và hải đảo đã không ngại khó khăn gian khổ thầm lặng ngày đêm thu thập các số liệu điều tra cơ bản về khí tượng thủy văn, bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ quan trắc, dự báo khí tượng thủy văn phục vụ công tác chỉ đạo phòng chống thiên tai phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội đảm bảo an ninh quốc phòng của đất nước...

Tổng cục Khí tượng Thủy văn Việt Nam tổ chức chương trình gặp mặt ngày truyền thống ngành Khí tượng Thủy văn Việt Nam

Tổng cục Khí tượng Thủy văn Việt Nam tổ chức chương trình gặp mặt ngày truyền thống ngành Khí tượng Thủy văn Việt Nam

Phát biểu tại buổi lễ, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn Trần Hồng Thái cho biết, trên chặng đường 78 năm xây dựng và phát triển, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường Ngành Khí tượng Thủy văn Việt Nam đã đoàn kết một lòng, khắc phục mọi khó khăn, thách thức, nỗ lực vươn lên, liên tục đổi mới, hiện đại hóa công nghệ phục vụ ngày càng tốt hơn, hiệu quả hơn đối với sự nghiệp xây dựng bảo vệ Tổ quốc và an toàn của nhân dân.

Tại lễ kỷ niệm, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành lưu ý, trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay, các hình thái thời tiết cực đoan ngày càng diễn biến khó lường. Do đó, yêu cầu về phòng chống thiên tai, bảo đảm an ninh quốc phòng, giữ gìn thành quả phát triển của đất nước cũng như nhu cầu ngày càng cao của nhân dân, doanh nghiệp sẽ ngày càng lớn.

Với mục tiêu phát triển ngành Khí tượng Thủy văn Việt Nam đồng bộ theo hướng hiện đại hóa và tự động hóa, có đủ năng lực quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật Khí tượng Thủy văn trong phạm vi cả nước, nâng cao năng lực quan trắc, dự báo, cảnh báo Khí tượng Thủy văn, trọng tâm là dự báo, cảnh báo các thiên tai liên quan đến lũ, lũ quét, sạt lở đất, cấp báo động lũ đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ phòng tránh và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai trong tình hình mới, ngành cần đi nhanh hơn, tích cực hơn...

Các đại biểu thực hiện nghi thức ra mắt Hệ thống cảnh báo sớm dông sét, mưa lũ. (Ảnh: Quang Duy)

Các đại biểu thực hiện nghi thức ra mắt Hệ thống cảnh báo sớm dông sét, mưa lũ. (Ảnh: Quang Duy)

Nhân dịp này Tổng cục Khí tượng Thủy văn Việt Nam đã giới thiệu ra mắt “Hệ thống cảnh báo sớm dông sét, mưa lũ”. Đây là một trong những hệ thống tích hợp được nhiều loại số liệu từ hệ thống quan trắc của và hoàn toàn tự động, được xây dựng nhằm cung cấp sớm thông tin hỗ trợ công tác dự báo cảnh báo dông, lốc sét, mưa lớn nhằm phục vụ việc cảnh báo các hiện tượng khí tượng, thủy văn nguy hiểm có tác động tới cộng đồng.

Từ hệ thống hỗ trợ cảnh báo dông sét, mưa lũ mọi diễn biến về tình hình thời tiết trên tất cả các khu vực lãnh thổ nước ta đều được theo dõi, giám sát liên tục thông qua các bức ảnh thu nhận được từ các vệ tinh quan trắc trái đất, ra đa thời tiết trong nước, mạng lưới đo mưa và mạng lưới định vị sét trên toàn quốc.

Người dự báo viên hay các cơ quan chức năng có thể nhận biết được các quá trình hình thành, phát triển và di chuyển của các đám mây đối lưu có khả năng gây mưa dông cho các khu vực; Từ hình ảnh phân tích, chúng ta thấy khu vực nào đang xuất hiện nhiều sét, thời gian xảy ra sét, phân loại sét và phân bố mật độ như thế nào; Khu vực nào đang có mưa lớn, lượng mưa cực đại là bao nhiêu và diễn biến sắp tới như thế nào.

Ngoài ra, hệ thống này cũng theo dõi, kiểm soát chất lượng dữ liệu của tất cả các trạm đo mưa và khí tượng tự động trên toàn mạng lưới. Các dữ liệu quan trắc nhiệt độ và lượng mưa sẽ được so sánh, đánh giá với dữ liệu từ mô hình GSM của Nhật Bản nhằm cung cấp các thông tin đánh giá ban đầu cho các dự báo viên về mức độ tin cậy của những loại dữ liệu phục vụ công tác ra bản tin dự báo, cảnh báo sớm.

Hàng nghìn cán bộ, viên chức, người lao động toàn ngành đang ngày đêm quan trắc và theo dõi mọi diễn biến khí tượng, thủy văn, hải văn để truyền tin, dự báo, cảnh báo kịp thời đến cộng đồng. (Ảnh: Huy Nguyễn)

Hàng nghìn cán bộ, viên chức, người lao động toàn ngành đang ngày đêm quan trắc và theo dõi mọi diễn biến khí tượng, thủy văn, hải văn để truyền tin, dự báo, cảnh báo kịp thời đến cộng đồng. (Ảnh: Huy Nguyễn)

Cũng trong dịp này, Tổng cục Khí tượng Thủy văn Việt Nam và Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đã tổ chức ký kết hợp tác với các nội dung trọng tâm về: Tăng cường trao đổi, phối hợp trong việc xây dựng, hoàn thiện và triển khai thi hành pháp luật về hoạt động khí tượng thủy văn; Phối hợp nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo thời tiết ở khu vực khai thác, quản lý bay; Thiết lập cơ chế liên lạc và hỗ trợ khẩn cấp trong trường hợp thiên tai nguy hiểm (bão, áp thấp nhiệt đới, gió mạnh, lốc, sét, mưa đá,..) hoặc thảm họa liên quan đến khí tượng; Phối hợp, hợp tác cùng tham gia vào các tổ chức quốc tế có liên quan để thúc đẩy trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm và tìm kiếm nguồn lực hỗ trợ của quốc tế và một số nội dung khác.

Minh Phương

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/tong-cuc-khi-tuong-thuy-van-viet-nam-ra-mat-he-thong-canh-bao-som-dong-set-mua-lu-161063.html