Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng: Hơn 2.000 sáng kiến cải tiến làm lợi hơn 50 tỷ đồng

Trong năm 2023, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng có hơn 2.000 sáng kiến cải tiến khoa học kỹ thuật được đưa vào áp dụng trong sản xuất, làm lợi hơn 50 tỷ đồng.

Trước sự phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, để đáp ứng yêu cầu nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, góp phần hiện đại hóa Quân đội, các nhà máy thuộc Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng ngoài việc khai thác hiệu quả các trang thiết bị hiện đại đã được đầu tư và tăng cường hợp tác, trao đổi với những đơn vị liên quan nhằm từng bước làm chủ, sử dụng hiệu quả trang bị công nghệ mới, thì việc tiếp tục đẩy mạnh phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến khoa học kỹ thuật với nhiều hình thức, biện pháp sát thực tiễn là vấn đề có tính chiến lược.

Thời gian qua, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật được các nhà máy trong Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng quan tâm thực hiện, hướng trọng tâm vào nghiên cứu, cải tiến công nghệ, tối ưu hóa dây chuyền, thiết bị và nâng cao chất lượng các sản phẩm quốc phòng.

Thời gian qua, lĩnh vực Công nghiệp Quốc phòng luôn được lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta quân tâm chỉ đạo đặc biệt là lĩnh vực hoạt động nghiên cứu sản xuất vũ khí công nghệ cao.

Thời gian qua, lĩnh vực Công nghiệp Quốc phòng luôn được lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta quân tâm chỉ đạo đặc biệt là lĩnh vực hoạt động nghiên cứu sản xuất vũ khí công nghệ cao.

Báo cáo kết quả công tác khoa học và công nghệ (KHCN) và phong trào tuổi trẻ sáng tạo trong quân đội, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Quản lý công nghệ, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng cho biết, năm 2023 và 5 tháng đầu năm 2024, Tổng cục đã lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh công tác nghiên cứu KHCN. Toàn Tổng cục đã triển khai thực hiện 169 đề tài, nhiệm vụ, trong đó có 16 đề tài cấp Quốc gia, 62 đề tài cấp Bộ Quốc phòng, 91 đề tài cấp Tổng cục. Các đề tài, nhiệm vụ KHCN được triển khai tích cực, cơ bản đáp ứng tiến độ và chất lượng đề ra, đến nay đã đánh giá, nghiệm thu 62 đề tài, nhiệm vụ đạt yêu cầu. Trong đó có 52/62 đề tài được kiến nghị áp dụng vào sản xuất, sửa chữa, sản xuất loạt “0” và tài liệu tham khảo cho các cơ sở đào tạo trong Quân đội.

Ngoài ra, Tổng cục đã triển khai ứng dụng sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu về tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, bảo đảm an toàn, giảm sức lao động và tiết kiệm nguyên vật liệu trong sản xuất. Trong năm 2023, toàn Tổng cục có hơn 2.000 sáng kiến cải tiến khoa học kỹ thuật được đưa vào áp dụng sản xuất, làm lợi hơn 50 tỷ đồng.

Trung tướng Hồ Quang Tuấn, Chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng cho biết, được sự quan tâm chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, sự hỗ trợ của Bộ Khoa học và Công nghệ, các hoạt động KHCN của Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng luôn được triển khai toàn diện. Đặc biệt, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng đã tổ chức các nhóm nghiên cứu liên viện, đa ngành để xử lý các vấn đề có độ tích hợp liên ngành cao, đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật được phê duyệt.

Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng là một trong những đơn vị dẫn đầu trong các hoạt động KHCN quân sự. Các nghiên cứu của các đơn vị trong Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng luôn được định hướng tới sản phẩm cuối cùng, đáp ứng yêu cầu của hoạt động huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu để tổ chức sản xuất trang bị cho quân đội. Các kết quả nghiên cứu của Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng đã được triển khai sản xuất, ứng dụng phục vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu đã một lần nữa khẳng định hiệu quả đầu tư cho lĩnh vực KHCN quốc phòng.

Thời gian tới, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng tiếp tục bám sát các chủ chương định hướng của Đảng, Nhà nước tại Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị tổ chức xây dựng và mở mới các chương trình, đề tài bám sát 05 nhóm vũ khí trang bị kỹ thuật đã được định hướng cũng như khắc phục khó khăn, đẩy nhanh tiến độ triển khai các đề tài, dự án nhằm lập thành tích chào mừng 80 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.

Công nhân Nhà máy Z111 tổng lắp vũ khí bộ binh do nhà máy nghiên cứu, sản xuất. Ảnh: Báo QĐND

Công nhân Nhà máy Z111 tổng lắp vũ khí bộ binh do nhà máy nghiên cứu, sản xuất. Ảnh: Báo QĐND

Về mặt chính sách đặc thù hỗ trợ cho hoạt động KHCN trong lĩnh vực quốc phòng, Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao Đàm Bạch Dương cho biết, trong quá trình xây dựng “Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và Động viên công nghiệp” lồng ghép các cơ chế đặc thù để tháo gỡ các vướng mắc cho hoạt động KHCN trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh. Đây cũng là tiền đề để Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu, điều chỉnh sửa đổi Luật KHCN năm 2013 nhằm thúc đẩy hơn nữa hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Những kết quả trong đổi mới, nâng cao hiệu quả, năng suất lao động từ học tập và làm theo lời Bác của Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng đã trực tiếp góp phần khẳng định vị thế, vai trò của ngành công nghiệp quốc phòng trong sự phát triển của Quân đội và đất nước. Đó cũng là động lực mạnh mẽ để việc học tập và làm theo lời Bác tiếp tục lan tỏa sâu rộng, thúc đẩy mọi cán bộ, nhân viên, chiến sĩ, người lao động trong Tổng cục tiếp tục nỗ lực phấn đấu, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Nhiệm vụ đảm bảo công nghệ sản xuất trong những năm tới rất nặng nề, đòi hỏi đội ngũ cán bộ, công nhân viên các đơn vị trong Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng cần tiếp tục phát huy tốt vai trò nòng cốt, chủ động triển khai thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ; góp phần thực hiện chủ trương hiện đại hóa Quân đội, nâng cao tiềm lực, sức mạnh quân sự, quốc phòng của đất nước.

Đức Lâm

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tong-cuc-cong-nghiep-quoc-phong-hon-2000-sang-kien-cai-tien-lam-loi-hon-50-ty-dong-321618.html